“Nhìn lại cuộc sống của mình, những gì đã làm, những gì đang có, tôi nhận ra tất cả mọi việc diễn ra trong đời cứ như là việc làm vườn vậy. Đầu tiên ta có một hạt giống, sau đó đào một cái lỗ, gieo nó xuống đất, tưới nước, nuôi dưỡng nó, và một cái cây xinh đẹp dần dần hiện lên trên nền đất nâu. Kể cả những việc tưởng như tình cờ xảy ra, sau đó nhìn lại thấy tất cả đều xâu chuỗi với nhau, bắt đầu từ một hạt giống, một ý tưởng, một ước mơ” (trích “Ta ba lô trên đất Á”, Rosie Nguyễn).
Chuyến đi Côn Đảo lần này của tôi và những những đứa bạn tưởng cũng tựa như vậy. Tưởng như ngẫu hứng từ một lời rủ của 1 đứa từ tận Hàn Quốc, muốn về dành vài ngày ở phương Nam nhân đợt nghỉ Trung Thu, nhưng thật ra nó được ấp ủ lâu lắm rồi. Từ hồi còn bé, khi xem ti vi vào mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, tôi thường được nghe về Côn Đảo với hệ thống Nhà tù khét tiếng trong những năm chiến tranh gian khổ, với những hình phạt rùng rợn, những trận đòn độc ác… Côn Đảo khi đó cũng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, là nỗi kinh hoàng khiến ai nghe thấy cũng phải khiếp sợ. Nhưng chính tại nơi đây, chủ nghĩa anh hùng cách mạng lại chói sáng hơn bao giờ hết.
Rồi một ngày vào năm 2011, đọc được tin tức về Gia đình Jolie-Pitt nghỉ dưỡng tại Six Sense Côn Đảo. Ngồi tìm hiểu lại, hóa ra trải qua biết bao thăng trầm, Côn Đảo giờ đây đã chuyển mình, từ một “địa ngục trần gian” trở thành “thiên đường du lịch nghỉ dưỡng”, với những bải biển đẹp bên bờ cát trắng mịn, cùng dải san hô muôn màu và khu rừng nguyên sinh có hệ động thực vật phong phú… Đáng quý hơn, nơi đây vẫn giữ được những di tích, địa danh lịch sử để người sau ghi nhớ công ơn và thể hiện sự ngưỡng mộ tinh thần yêu nước, anh dũng kiên cường của những người anh hùng dân tộc Việt Nam.
Lần này đi chụp ảnh không nhiều, xác định mục đích chủ yếu là tìm hiểu lịch sử và khám phá thiên nhiên, nên thay vì đăng ảnh như những lần đi chơi trước đó, mình dành thời gian tìm tư liệu, cùng với cảm nhận sau chuyến đi, viết lại note này cho bạn bè đi sau tham khảo.
1. PHƯƠNG TIỆN ĐẾN CÔN ĐẢO
Một phần lần chần lâu mà chưa đến Côn Đảo là do hồi xưa chỉ có 2 lựa chọn: bay VASCO (VNA) (giá ~3tr khứ hồi không phù hợp tiêu chí du lịch bụi) hoặc tàu chậm 12 tiếng từ Cảng Cát Lở. Hiện tại, có thêm lựa chọn thứ 3 khá phù hợp về túi tiền và tiết kiệm thời gian: kết hợp ô tô từ Hồ Chí Minh (HCM) – Sóc Trăng (4 tiếng đi ban đêm, 5 tiếng đi ban ngày) và tàu cao tốc Sóc Trăng – Côn Đảo (2 tiếng rưỡi). Lộ trình như sau:
– HCM – Sóc Trăng (23:00 hoặc 00:30) đến bến xe Sóc Trăng lúc 03:00 hoặc 4:30.
– Bến xe Sóc Trăng – bến cảng Trần Đề (35km). Đi taxi là lựa chọn tối ưu lúc sáng sớm, do xe trung chuyển của Superdong lúc này chưa hoạt động.
– Bến cảng Trần Đề – Cảng Bến Đầm: Tàu kín chỗ đúng như cái tên “Siêu Đông”, đi êm, khoang điều hòa. Được ra ngoài lan can ngắm cảnh và tắm nắng.
* Câu chuyện trên đường và Sai lầm (1):
Do tham khảo thời gian chạy dự kiến Tuyến HCM-Sóc Trăng trên website Phương Trang là 6 tiếng nên yên tâm đặt vé cho nhóm lúc 23h để ngủ một giấc trọn vẹn trên xe. Tuy nhiên, buổi đêm nên xe chạy siêu nhanh, sau 4 tiếng, khi còn đang lơ mơ ngủ và máu chưa lên não, nhóm đã có mặt ở bến xe trung tâm Sóc Trăng.
Mình tự tin đòi vào “nhà ngủ” ngủ tiếp đợi đến 8h tàu chạy mới ra bến thì được cô bạn thông báo tin sấm sét thứ 2: bến tàu cách đây 35km, chứ không phải 3km như mình tìm hiểu lúc trước đó. Giờ này quá sớm nên xe trung chuyển “Siêu Đông” chưa hoạt động. Thế là cả lũ lại leo lên taxi, chạy 45 phút đến cảng Trần Đề. Trước cửa bến cảng, quán cơm Huy vừa phục vụ ăn sáng (cơm tấm ở đây rất ngon), vừa phục vụ võng cho mọi người ngả lưng với giá 10k.
=> Vì vậy, rút kinh nghiệm, lần sau đi nên chọn chuyến 00:30. Và nên đi đông, vừa vui vừa có nhiều lựa chọn phương tiện di chuyển và chi phí rẻ hơn.


2. PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN TRÊN ĐẢO
Từ cảng bến Đầm hoặc sân bay về trung tâm Côn Đảo là 12-15km, có thể đi xe điện 40-50k/ người hoặc thuê xe máy ở ngay gần cảng, giá thuê 150k/ xe/ 24 tiếng không phân biệt xe ga, xe số.
* Câu chuyện trên đường:
Giá thuê xe ở trung tâm 120k/ xe, nhưng để di chuyển vào trung tâm phải đi xe điện thì tính ra thuê ở cảng vẫn rẻ hơn. Điều đặc biệt khi thuê xe được nhắc đi nhắc lại: xe bỏ ở đường không sợ mất, chỉ sợ mất mũ bảo hiểm, nên lưu ý bỏ/ cột mũ trong cốp. Chỗ thuê xe chỉ mấy bước chân về phía bên trái cảng. Có thể liên hệ anh Phương (0945609470), một người dẫn đường nhiệt tình và chụp ảnh có tâm.
Dọc đường về đến trung tâm lại có khá khá view đẹp, có thể vừa tận hưởng không khí, vừa dừng lại chụp hình theo ý thích: Khu nghỉ dưỡng Việt Nga, bãi Nhát, mũi Cá Mập…


3. KHÁCH SẠN Ở CÔN ĐẢO
Ở Côn Đảo có vô số resort đẹp và gần biển nhưng giá không rẻ. Khách sạn, nhà nghỉ thì lại kiểu bình thường không có gì đặc biệt. Côn Đảo camping là nơi trung hòa giữa 2 loại này: có khu tắm riêng, mà giá cả cũng thuộc dạng trung bình (850k/ phòng view vườn, có thể thêm 1 giường phụ 300k/ đêm). Rất đáng tiếc 1 điều, địa thế ở đây tuy đẹp nhưng cơ sở vật chất cũng khá cũ, có 1 không gian cho khách ăn sáng và uống nước view biển nhưng menu không đa dạng. Ngoài trừ 2 vấn đề này ra, thì địa thế và không khí ở đây vô cùng đẹp.


4. ĐỊA ĐIỂM THĂM QUAN
- Nhà tù Côn Đảo
Dù đã nghe kể nhiều về nhà tù Côn Đảo với hệ thống phòng giam, chuồng cọp, chuồng bò nổi tiếng, nhưng phải đến nghe, nhìn, cảm nhận mới thật sự hiểu hết được cái gọi là “địa ngục trần gian” là như thế nào. Nơi đây vẫn còn hiện hữu hàng trăm xà lim, phòng giam, phòng biệt lập từng dùng để đày ải, bắt hàng nghìn chiến sĩ yêu nước và tù chính trị làm lao dịch khổ sai, đi thác đá xây cầu, xây miếu, xây chùa, … Tù nhân vừa phải lao động vất vả khổ sở, vừa phải chịu cảnh ăn uống thiếu thốn, nhiều lúc còn bị bỏ đói, tra tấn dã man trong những căn phòng nóng bức, ngột ngạt.
Sở dĩ thực dân Pháp chọn Côn Đảo để xây dựng hệ thống nhà tù lớn nhất Đông Dương này vì Côn Đảo cách đất liền khoảng 30 hải lý, xung quanh bốn bề đều là biển. Đồng thời, chúng cho di dời toàn bộ cư dân của đảo về đất liền. Do đó, tù nhân sẽ bị cô lập hoàn toàn, nếu có trốn thoát, cũng khó lòng ra khỏi đảo và sẽ nhanh chóng bị bắt lại.
Đi xung quanh đảo, chỗ nào cũng bắt gặp công trình được xây dựng nên bằng xương bằng máu của người tù:
– cầu tàu 914: từ lúc khởi công đến lúc hoàn thành nhẩm tính đã có 914 người đã ngã xuống tại đây. “Nơi đây có chiếc cầu tàu/ Mỗi viên đá xếp một đầu người rơi”.
– chùa núi Một (Vân Sơn Tự): chùa được xây dựng dưới thời Mỹ – Ngụy, ngoài mục đích phục vụ tín ngưỡng tâm linh của gia đình các quan chức, binh sỹ và những người làm việc cho Mỹ – Ngụy ở Côn Đảo, còn là để che mắt báo chí và dư luận quốc tế về sự cai trị tù nhân tàn bạo, khốc liệt. Ròng rã mấy năm trời, dưới tiết trời nắng nóng, những người tù lưng trần, gầy yếu vì lao động nặng nhọc, ăn uống kham khổ lại thường xuyên bị đánh đập, tra tấn dã man, nay lại bị cai tù bắt khuân vật liệu: cát, đá, xi măng… từ dưới chân núi lên núi để xây chùa.
– cầu Ma Thiên Lãnh: được khởi công từ 1930 bằng lao động khổ sai nặng nhọc. Mới xây dựng xong 2 mố cầu mà đã có 356 người tù phải bỏ mạng. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, công trình này bị dỡ bỏ. “Sương giăng lũng thấp chập chùng/ Đêm Ma Thiên Lãnh hồn rừng về theo/ Xác người xưa đắp chân đèo/ Máu tù xưa thắm cờ đào hôm nay”.
– dinh chúa Đảo: nơi diễn ra sự đối lập phũ phàng: trong khi chúa đảo cùng toàn bộ quan chức cấp dưới có cuộc sống xa hoa, phù phiếm, thì tù nhân chính trị lại phải chịu cảnh đọa đày, khổ cực. Chúng bắt tù nhân phải lao động quần quật để phục dịch chúa đảo, từ ăn mặc đến sinh hoạt cá nhân, làm không vừa ý là bị đánh đập dã man và bị bỏ đói.
…



- Miếu Bà Phi Yến – Miếu An Sơn
Đây là một trong rất ít di sản văn hóa dân gian ở Côn Đảo, gắn liền với câu chuyện bi thương, cảm động về tình mẫu tử, về số phận của một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, trung quân ái quốc của bà Phi Yến – thứ phi của vua Gia Long. Bà chính là người đã khuyên can chúa Nguyễn trước hành động “cõng rắn cắn gà nhà” khi ông có ý định đưa hoàng tử Hội An sang Pháp làm con tin để cầu chi viện nhằm đánh lại quân Tây Sơn.

- Vân Sơn tự – Chùa núi Một
Tuy không gian chùa không lớn, nhưng lại tọa lạc ở ví trị rất đẹp, ở lưng chừng núi, từ đỉnh chùa phóng tầm mắt nhìn ra các khung cảnh rất nên thơ: cánh đồng sen An Hải, vịnh Côn Sơn trong xanh. Đến đây cũng đừng quên uống nước hạt é đường thốt nốt mát lạnh, xua đi cái nóng và mệt mỏi khi leo hơn 200 bậc thang để lên chùa.
- Viếng mộ cô Sáu và thắp hương tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ cách mạng đã hi sinh tại nghĩa trang Hàng Dương lúc 12h đêm
Ai chưa biết mà nghe xong cũng hoảng hồn, chắc sợ lắm. Không đâu, khi đêm xuống, nghĩa trang Hàng Dương thật sự lung linh và là chốn tâm linh huyền ảo. Người đi viếng mộ rất đông, đứng chật kín khu mộ. Dù rất nhiều người đến viếng, nhưng tất cả đều trật tự, không ồn ào.
Mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu nằm ở khu B. Từ lâu, trong lòng người dân nơi đây, cô Sáu đã trở thành “thần hộ mệnh”. Họ tin rằng, chỉ cần thành tâm, cô Sáu sẽ phù hộ, giúp đỡ họ gặp được may mắn trong công việc, sẽ có được cuộc sống bình yên.

Trước lúc đi, cứ nghĩ không có gì để nói để kể, đi rồi mới thấy thấm cái quá khứ đau thường mà cũng đầy hào hùng của vùng đất này. Bình thường đi đâu cũng chỉ chăm chăm cảnh đẹp và chụp hình. Qua chuyến đi này mình mới hiểu rằng, du lịch không chỉ là về cảnh đẹp, mà còn nên tìm hiểu về văn hóa, con người và lịch sử của vùng đất ấy mới gọi là trọn vẹn.
Đón đọc Côn Đảo – Phần 2: “Thiên đường du lịch nghỉ dưỡng” hiện tại với các thông tin về Ăn uống, bãi Đầm Trầu, tour lặn biển ngắm san hô và xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh ở đây: http://bit.ly/2P4dhGe
Hochiminh, 01/10/2018