Haily's corner
  • Home
  • About me, Haily
  • Books
  • Life
  • Travel
    • Africa
    • Asia
      • Central Asia
      • Northeast Asia
      • South Asia and Middle East
      • Southeast Asia
      • Việt Nam
    • Europe
    • Hiking
    • Latin America
    • Pacific Ocean
    • Wishlist
  • TV series
  • 汉语

Haily's corner

Góc nhỏ của Haily

  • Home
  • About me, Haily
  • Books
  • Life
  • Travel
    • Africa
    • Asia
      • Central Asia
      • Northeast Asia
      • South Asia and Middle East
      • Southeast Asia
      • Việt Nam
    • Europe
    • Hiking
    • Latin America
    • Pacific Ocean
    • Wishlist
  • TV series
  • 汉语
Books

TRÒ CHUYỆN VỚI VĨ NHÂN (MEETING WITH REMARKABLE PEOPLE) – OSHO (PHẦN cuối)

by Haily Tháng Một 30, 2022Tháng Một 30, 2022
written by Haily Tháng Một 30, 2022Tháng Một 30, 2022
TRÒ CHUYỆN VỚI VĨ NHÂN (MEETING WITH REMARKABLE PEOPLE) – OSHO (PHẦN cuối)

Lịch sử không có gì về Jesus, về Đức Phật, hoặc Zarathustra. Họ đều trông giống như là những nhân vật thần thoại, như thể họ chưa bao giờ tồn tại, hoặc chỉ tồn tại trong giấc mơ của con người. Họ trông như là những niềm mơ ước. Họ giống như những gì mà con người mong muốn trở thành. Nhưng họ là những con người bằng xương bằng thịt. Họ thật đến mức không để lại một dấu vết nào. Họ sống một cuộc sống nội tâm, họ sống trong chính mình. Cuộc sống của họ không có một tác động hữu hình nào, nhưng họ đã làm biến đổi tâm thức nhân loại. Đừng sống trong các sự kiện, hãy sống trong tỉnh thức.

📌 JESUS CHRIST (4 BC – 30 / 33 AD)

Jesus Christ là ai?

Người Do Thái nói rằng ngài ấy không phải là Chúa, là Đấng cứu thế (Messiah). Bởi vì họ cho rằng khi Đấng cứu thế xuất hiện, mọi người sẽ nhận ra người. Đây là định kiến. Họ chưa bao giờ nhìn thấy Đấng cứu thế, làm sao có thể xác định được điều gì sẽ xảy ra khi Người xuất hiện? Đó là sự cản trở, là lý do vì sao người Do Thái đã bỏ lỡ, chối bỏ ngài ấy.

Các tín đồ Cơ Đốc giáo thì nói rằng Jesus là đứa con duy nhất của Chúa và họ tìm cách loại bỏ mọi khả năng có thể chứng minh rằng Jesus là con người. Đó là lý do vì sao họ nói rằng ngài ấy được sinh ra bởi Đức Mẹ đồng trinh. Rồi họ tìm cách khiến cho cuộc sống của Jesus diễn ra theo hướng không còn một dấu hiệu nào cho thấy ngài ấy là con người. Họ chỉ nói về những phép màu của ngài, không nói về cuộc sống bình thường. Họ e sợ. Họ nói rằng Jesus không bao giờ cười. Có vẻ tiếng cười quá con người, quá trần tục, nên họ không cho phép Jesus cười. Họ đã tạo ra hình ảnh của ngài với vẻ mặt thật buồn bã, muộn phiền. Không thể nào như thế được! Điều này hoàn toàn sai bởi nó đi ngược lại với nhận biết cơ bản về một Jesus, một bậc khai sáng. Bởi một người đã đạt đến tâm thức tối thượng sẽ hoàn toàn vui sướng. Cuộc sống của người đó là một khúc hát, một điệu múa. Và rồi người Cơ Đốc giáo nói về sự tái sinh. Cả cuộc đời của Jesus phụ thuộc vào ba điều: một người mẹ Đồng trinh, cuộc sống không tiếng cười, và sự tái sinh. Dường như đây là ba thứ có ý nghĩa quan trọng đối với họ, nhưng cả ba đều vô nghĩa bởi vì họ đã bỏ lỡ toàn bộ ý nghĩa thực sự của nó. Họ bỏ lỡ một Jesus thực sự.

Tôi muốn nói rằng Jesus Christ vừa là Jesus vừa là Christ. Ngài ấy là Christ trong Jesus, và là Jesus trong Christ. Ngài ấy là điểm gặp gỡ của hai thế giới, nơi hai cực đối lập của thế giới giao nhau. Người Cơ Đốc giáo chỉ tin rằng Jesus là Chúa và phủ nhận nửa còn lại – phần Jesus – họ không muốn xem ngài ấy là con trai của một người đàn ông, một người bằng xương bằng thịt như bao con người khác. Còn người Do Thái phủ nhận một nửa của Jesus – phần Christ – là thánh thần, được tạo thành từ nhận thức, không phải bằng xương bằng thịt.

Jesus không bao giờ chết trên thập tự giá. Bởi vì được đưa xuống khỏi thập tự giá chỉ trong vòng sáu giờ nên Jesus không thể nào chết trên đó. Phần mộ của Jesus được phát hiện trống rỗng bởi vì ngài đã được đưa ra khỏi Judea ngay sau đó. Khi lành lặn và khỏe mạnh trở lại, ngài đến Ấn Độ và sống một cuộc sống trường thọ – 112 năm – tại Kashmir. Nhà tiên tri Moses cũng qua đời tại Kashmir, đây là hai phần mộ duy nhất không hướng về Thánh địa Mecca. Nhưng các tín đồ còn ở lại Judea đã tìm cách tạo ra câu chuyện tái sinh. 

Cho đến tận ngày nay, con người vẫn dựa vào những phép màu để chứng minh tôn giáo này vượt trội hơn các tôn giáo khác. Phật Thích Ca Mâu Ni không đi trên mặt nước, Mahavira không làm người chết sống lại, Krishna không thể chạm tay chữa lành bệnh cho người bị bệnh, Mohammed không thể biến nước thành rượu. Những kẻ có học thức, thích tranh cãi tạo ra giáo điều, tín ngưỡng. Họ tạo ra sự sùng bái. Có một điều thật lạ là khi Jesus còn sống, tràn đầy sự sống, và sẵn sàng cho đi, sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng thổ lộ hết những gì mình có, người ta lại né tránh ngài. Nhưng khi ngài ấy ra đi, các giáo sĩ lại không bỏ lỡ cơ hội. Các giáo sĩ lập tức tập trung quanh thi thể của Phật, của Jesus, của Lão Tử, và tạo ra các giáo lý. Nếu Jesus trở lại, ngài sẽ bị đóng đinh bởi vì ngài sẽ gây cản trở cho công việc làm ăn của nhiều người. Ngài khiến mọi người suy nghĩ, truy vấn, tìm kiếm… Một tổ chức không thể chịu được một người như thế bởi vì nếu bạn bắt đầu tìm kiếm, sớm muộn gì bạn cũng sẽ phát hiện ra rằng tổ chức ấy đang đứng trên một thi thể.

Sự sùng bái chính là việc làm ăn, một công việc làm ăn mang tính tôn giáo. Nó có tiếng nói tôn giáo nhưng không có trải nghiệm. Tôn giáo là nổi loạn, bởi vì tôn giáo nói những điều đi ngược lại truyền thống. Những người như Jesus, Phật, Mahavira là những người cô đơn. Những gì họ nói chỉ vài người mới hiểu. Những gì họ mang tới cho thế giới quá xa lạ đến mức không có cách nào hiểu được trừ khi bạn tiếp xúc với họ bằng trái tim. Bất cứ khi nào bạn tìm thấy một người có tín ngưỡng, xung quanh người đó sẽ xuất hiện sự hiểu lầm. Nhưng một khi người đó chết, mọi thứ sẽ ổn định, các giáo sĩ sẽ có một vụ làm ăn mới.

📌 GEORGE GURDJIEFF /ˈɡɜːrdʒiɛf/ (13/01/1866 – 29/10/1949)

Là một triết gia, nhà thần bí, giáo viên tâm linh và nhà soạn nhạc người Nga gốc Armenia và Hy Lạp, sinh ra ở Alexandropol, Đế quốc Nga (nay là Gyumri, Armenia).

Ông ấy thường nói: “Bạn đang bị cầm tù”, “Bạn chính là nhà tù”. Tâm trí con người có xu hướng chối bỏ những thứ xấu xí, che giấu những thứ mà anh ta không muốn người khác biết – chôn sâu đến mức ngay cả chính anh ta cũng không nhận biết về chúng. Và đây là cách anh ta duy trì cá tính hời hợt bề nổi của mình.

Gurdjieff có câu chuyện như sau:

“Một thầy phù thủy nọ sống trong tận rừng sâu, dùng thịt cừu làm thức ăn mỗi ngày. Trong chốn âm u cô tịch này, ông chăn giữ đàn cừu đông đúc chỉ để giết chúng mỗi ngày, từng con một. Dĩ nhiên là đám cừu rất sợ người đàn ông ấy, và chúng thường trốn sâu vào trong rừng bởi lo sợ ngày tàn của mình sẽ đến. Vì vậy, để tìm chúng thật không dễ dàng. Cuối cùng thầy phù thủy nghĩ ra một kế. Ông thôi miên bầy cừu và nói với từng con: “Mày là ngoại lệ, những con khác có thể bị giết nhưng mày thì không. Mày không phải là cừu bình thường, mày có một đặc ân riêng.”, “Mày không phải là cừu, mày là sư tử, mày là hổ, mày là sói. Chỉ có cừu mới giết. Mày không cần trốn vào rừng sâu, đó là hành động đáng xấu hổ, bởi sư tử sẽ không giấu mình trong rừng sâu vì lo sợ bị giết, chỉ có cừu mới bị giết”. Và cứ như thế, ông đã thôi miên bầy cừu theo nhiều cách khác nhau. Kể từ đó, không một con cừu nào chạy trốn vào rừng, mặc dù mỗi ngày chúng đều nhìn thấy một con bị giết, bị xẻ thịt.”

Gurdjieff nói nếu đầu tiên bạn không nhận ra rằng mình bị cầm tù, rằng mình chính là nhà tù thì chẳng có hy vọng nào cho tự do. Dù không chủ ý nhưng nhiều tôn giáo đều tạo ra một trạng thái thôi miên trên quy mô lớn. Họ được bảo: “Bạn chính là vương quốc của Thượng đế”… thật dễ chịu và thấy an ủi khi tin như vậy. Nhưng rồi không có cách nào để tìm thấy và nhận ra liệu niềm tin giả định của bạn có chút sự thật nào trong đó hay không, hay chỉ là một mánh lới lừa bịp được xã hội sử dụng để khiến bạn không sợ cái chết, khiến bạn không sợ bệnh tật, tuổi già, khiến bạn không sợ nỗi cô đơn.

Bạn đang bị cầm tù và nghĩ rằng mình tự do. Bạn đang đeo xiềng xích nhưng nghĩ chúng là vật trang trí. Bạn là nô lệ nhưng lại được bảo rằng bạn khiêm nhường, bạn đơn giản, rằng đây là cách hành xử cần thiết của một người có tín ngưỡng. Bạn bị vây quanh bởi những chiến lược thôi miên do xã hội đặt ra suốt hàng bao đời. Và những chiến lược thôi miên này chính là nguồn gốc gây nên sự ngu dốt của bạn, đau khổ của bạn, trạng thái không giác ngộ của bạn. Do đó, điều đầu tiên cần nhận biết là bạn đang bị cầm tù. Khoảnh khắc nhận ra mình bị cầm tù, bạn sẽ không thể chịu đựng được nhà tù đó. Nếu bạn tin nơi cầm tù này là nhà của bạn thì ngay cả việc nghĩ cách thoát khỏi nó cũng trở nên hết sức ngớ ngẩn.

📌 FRIEDRICH NIETZSCHE /ˈniːtʃə, ˈniːtʃi/ (15/10/1844 – 25/08/1900)

Friedrich Nietzsche là triết gia Đức vĩ đại, triết lý của ông ấy không chỉ về tâm trí mà còn ăn sâu và tận trái tim. Điều không may duy nhất là ông ấy được sinh ra ở phương Tây, Những suy nghĩ của ông ấy đôi khi chứa đựng chiều sâu của một nhà thiền tịnh, đôi khi bay bổng. Chúng tuyệt đẹp, nhưng nếu không có thiền, chúng là những ngôn từ chết, không có hơi thở, không có nhịp đập của trái tim.

Số phận của thiên tài là bị hiểu sai. Nếu đám đông có thể hiểu được, điều đó có nghĩa là người này đang nói ở tầm trí tuệ bình dân. Friedrich Nietzsche cũng bị hiểu lầm, và từ sự hiểu lầm này nảy sinh tai họa khôn lường.

Adolf Hitler đần độn đến mức không có cơ sở nào cho thấy ông ta có thể hiểu được ý nghĩa trong lời nói của Nietzsche. Theo tâm trí chậm tiến của mình, ông ta không những lý giải mà còn hành động theo những lý giải đó, và kết quả là Thế chiến thứ hai.

Khi Nietzsche nói về “ý chí sức mạnh”, nó chẳng liên quan gì đến ý chí thống lĩnh. Nhưng đó lại là ý nghĩa mà đảng Quốc xã trao cho nó. “Ý chí sức mạnh” hoàn toàn trái ngược với ý chí thống lĩnh. Ý chí thống lĩnh đến từ mặc cảm thấp hèn. Anh ta muốn thống lĩnh người khác chỉ để chứng minh với bản thân anh ta rằng mình không thấp kém, rằng mình là ưu việt. Một người thật sự ưu việt sẽ không cần đến bằng chứng, người ấy chỉ ưu việt thôi. Liệu một bông hồng hay ánh trăng rằm có cần phải mất thời gian chứng minh cho vẻ đẹp rực rỡ của nó? Bạn phải hiểu “ý chí sức mạnh” theo cách khác biệt, có nghĩa là: ông ấy muốn đạt đến khả năng bộc lộ trọn vẹn nhất. Ý chí đó chẳng liên quan đến ai, hoàn toàn mang tính cá nhân. Nó muốn nhảy múa đến tầm cao nhất của bầu trời, nó muốn đối thoại với các vì sao, nhưng nó không quan tâm đến việc chứng minh rằng ai đó thấp kém. Nó không có tính cạnh tranh, nó ngoài tầm so sánh.

Adolf Hitler và đảng Quốc xã đã gây ra quá nhiều tổn hại cho thế giới bởi vì họ đã ngăn cản thế giới hiểu về Nietzsche cũng như ý nghĩa thật sự trong lời nói của ông ấy. Và đó không phải là trường hợp duy nhất, ở các ý tưởng khác, họ cũng có một kiểu hiểu sai tương tự. Quả là một số phận đáng buồn, nó chưa từng xảy ra đến với bất kỳ nhà thần bí hay nhà thơ vĩ đại nào trước đó. Sự khổ hình của Jesus hay việc Socrates bị đầu độc cũng không bi thương đến thế. Ông ấy bị hiểu sai ở quy mô rộng lớn đến mức Hitler đã tận dụng cơ hội để cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người dân danh Nietzsche và triết lý của ông ấy. Cần thêm chút thời gian… Khi người ta lãng quên Hitler, đảng Quốc xã cũng như Thế chiến thứ hai, Nietzsche mới lại phản chiếu đúng ánh sáng của mình. Ông ấy sẽ trở lại.

Một khi bạn đã nói ra một điều gì đó, tất cả sẽ phụ thuộc vào người nghe, vào những gì mà anh ta sẽ suy diễn từ đó. Ông ấy cần phải được gột rửa sạch những thứ rác rưởi mà đảng Quốc xã đã áp đặt lên các ý tưởng của ông ấy. Và điều kỳ lạ nhất là các nhà triết học khác cũng hiểu sai về Nietzsche. Ông ấy đã mang quá nhiều tầm hiểu biết mới vào thế giới tư duy mà con người chưa từng nghĩ đến. Ông ấy đi trước thời đại quá nhanh, đồng thời quá chân thành và thật thà. Ông ấy không những bị hiểu sai, mà còn bị nhốt vào nhà thương điên. “Nếu ông ấy không bị điên, vậy thì chúng ta quá bình thường”. Đám người kém cỏi này quá đông, còn ông ấy quá đơn độc, đến mức họ không nghe thấy rằng ông ấy không bị điên. Bằng chứng chính là cuốn sách cuối cùng được ông ấy viết trong nhà thương điên, “The will to power”. 

Ông ấy bị điên ư? Hay chúng ta đang sống trong một thế giới điên rồ? Nếu một người điên có thể viết một cuốn sách như “The will to power”, vậy thì thà làm người điên hơn là người tỉnh táo như Ronald Reagan, chỉ tích trữ vũ khí hạt nhân – hàng ngàn người được thuê để chế tạo vũ khí hạt nhân suốt 24 giờ mỗi ngày. Bạn gọi những người này là tỉnh táo, còn Nietzsche là điên ư?

Nietzsche tuyên bố rằng: “Thượng đế chết rồi. Giờ thì hãy dựa vào chính mình, tự mình đứng lên. Giờ là lúc hãy trưởng thành. Dựa dẫm đủ rồi! Cầu nguyện ngớ ngẩn đủ rồi! Hãy thôi ngay những trò vô bổ đó!”. Ông ấy muốn tuyên bố về sự xuất hiện của một con người mới. Ông ấy gọi con người mới đó là “con người có quyền lực siêu phàm” hay “siêu nhân”. Con người đã tham gia rất nhiều trò chơi nhân danh Thượng đến để bóc lột người khác. Con người phải được yêu thương, bởi vì chỉ có nguồn dưỡng chất của tình yêu mới giúp con người trưởng thành. Con người phải biết rằng mình đơn độc, rằng anh ta phải dựa vào nguồn lực của chính mình, không phải là một Người cha thiên đường nào đó. Nếu cứ mãi dựa vào một Thượng đế nào đó, con người hoàn toàn quên mất tiềm năng của mình, tương lai của mình, sự trưởng thành của mình. Nietzsche chỉ đơn giản tuyên bố một sự kiện. Nhưng thời điểm đó, nó giống như một cơn địa chấn, một đòn sấm sét, nó phá hủy toàn bộ ảo tưởng của con người.

Nếu Nietzsche gặp Phật, hẳn Phật sẽ hoàn toàn đồng ý. Hẳn Thượng đế sẽ nói: “Ngươi nói đúng. Thượng đế chết rồi, Thượng đế của đám đông.” Nhưng có một phiên bản khác, phiên bản của những người giác ngộ. Thượng đế của họ không phải là một cá nhân, Thượng đế của họ vốn dĩ là cuộc sống. Làm sao cuộc sống có thể chết được? Cây cối vẫn còn xanh, chim chóc vẫn còn reo ca, mặt trời vẫn ở đó, đêm vẫn thơ mộng, tình yêu vẫn tràn đầy.

Đúng ra ông ấy nên ở phương Đông, bởi vì ở phương Đông, bạn rất khó tránh thiền. Nếu có được đặc tính thiền, hẳn ông ấy đã mang đến cho thế giới thêm nhiều báu vật nữa, và ông ấy đã không phải chịu nhiều đau khổ đến thế. Đối với những ai quan tâm đến Nietzsche, họ không nên bỏ lỡ thiền như cách ông ấy đã bỏ lỡ, bằng không, họ sẽ trở thành những nhà trí thức vĩ đại, nhưng bên trong trống rỗng, không có cội rễ, không có nền tảng vững chắc. Nietzsche có thể là một sự tự do vĩ đại. Nhưng không có thiền, đó là một mối nguy hại lớn.

📌 PYTHAGORAS (c. 570 – c. 495 BC)

Tại Ai Cập, thư viện Alexandria vẫn còn nguyên vẹn. Nơi này vẫn còn lưu giữ tất cả những bí mật của quá khứ. Đây là thư viện lớn nhất từng được xây dựng trên trái đất này; về sau, nó đã bị phá hủy bởi một kẻ cuồng tín. Thư viện lớn đến mức khi bị cháy, trong suốt sáu tháng, lửa vẫn âm ỉ.

Chỉ 25 thế kỷ trước Pythagoras, một châu lục lớn – Atlantis – đã biến mất trong lòng đại dương. Đại dương này có tên là Atlantic (Đại Tây Dương) cũng bởi vì chính tên gọi của châu lục Atlantis.

Atlantis là châu lục cổ nhất trái đất, và nền văn minh ở đây đã đạt đến đỉnh cao nhất. Nhưng bất cứ khi nào một nền văn minh đạt đến đỉnh cao, nó sẽ gặp nguy hiểm: đó là nguy cơ tan rã, nguy cơ tự sát.

Nhân loại cũng đang đối mặt với một kiểu nguy hiểm tương tự. Khi con người trở nên đầy quyền lực, anh ta không biết làm gì với nó. Khi quyền lực quá nhiều và sự hiểu biết quá ít, quyền lực luôn bộc lộ nguy hiểm. Atlantis không bị nhấn chìm dưới đáy đại dương bởi bất kỳ tai ương nào. Trên thực tế, nó giống hệt những gì đang diễn ra hiện nay: chính là ở con người muốn nắm quyền chế ngự thiên nhiên. Atlantis bị nhấn chìm bởi nguồn năng lượng nguyên tử – chính con người đã tự sát. Nhưng tất cả các kinh sách và các bí mật của Atlantis vẫn còn được lưu giữ tại thư viện Alexandria.

Khắp thế giới có vô số giai thoại, câu chuyện về trận Đại hồng thủy. Những câu chuyện này đều bắt nguồn từ việc Atlantis bị nhấn chìm. Tất cả những câu chuyện này – trong Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, Hindu – đều nhức đến một trận Đại hồng thủy từng xuất hiện một lần và phá hủy gần như toàn bộ nền văn minh. Chỉ có một vài người lão luyện còn sống. Noah là một người lão luyện, một bậc thầy vĩ đại, và con thuyền của ông ấy là một biểu tượng.

Một vài người trốn thoát được thảm họa đó. Cùng với họ, tất cả những bí mật mà  nền văn minh đã đạt được cũng sống sót theo. Chúng được lưu giữ tại thư viện Alexandria.

Cả cuộc đời mình, ông ấy là người tìm kiếm, là người hành hương, đi tìm triết lý: tình yêu minh triết. Pythagoras sống ở Alexandria trong nhiều năm. Ông ấy nghiên cứu và bắt đầu làm quen với các trường phái thần bí của Ai Cập, đặc biệt là các bí ẩn về thần Hermes. Về sau, ông ấy đến Ấn Độ, tìm hiểu về tất cả những gì mà các giáo sĩ của xứ sở cổ xưa này đã khám phá, đã biết về thế giới nội tâm của con người. Ông ấy cũng đến Tây Tạng và Trung Hoa. Người đàn ông này đã làm điều gì đó gần như không thể: ông ấy đã bắc cầu giữa phương Đông và phương Tây. Ông ấy chính là chiếc cầu nối đầu tiên, người đầu tiên tìm cách hiểu về tâm trí phương Đông (thần bí) sâu sắc như tâm trí phương Tây (khoa học). Và việc một nhà toán học trở thành một nhà thần bí là một cuộc cách mạng, bởi vì đây là hai cực đối lập.

Nhưng nỗ lực cả đời của ông ấy đã bị phá hủy bởi đám đông xoàng xĩnh, ngu ngốc. Vào ngày Pythagoras chết, hàng ngàn đồ đệ của ông ấy bị thảm sát, bị thiêu sống. Tất cả những gì Pythagoras đã góp nhặt được trong các cuộc hành trình – những kho báu vĩ đại, những kinh sách vĩ đại từ Trung Hoa, Ấn Độ, Tây Tạng, Ai Cập – đã bị thiêu rụi. Chỉ một đồ đệ duy nhất trốn thoát được, với mong muốn cứu lấy lời dạy của thầy. Cuốn sách “Golden verses of Pythagoras” được viết bởi Lysis, đồ đệ duy nhất còn sống đó.

25 thế kỷ trôi qua kể từ thời điểm đó và chưa có ai làm được điều tương tự. Việc này cần đến một tâm trí vừa có tính khoa học vừa có tính thần bí. Thật khó để tìm thấy một người cảm thấy thoải mái với cả hai thế giới.

Triết lý của Pythagoras được chia thành 3 phần: chuẩn bị (preparation), thanh lọc (purification), hoàn thiện (perfection). Chuẩn bị có nghĩa là môn đồ được đánh thức, thức tỉnh để nhận ra sự thật rằng chúng ta đang tồn tại trong bóng tối và cần phải tìm thấy ánh sáng, rằng chúng ta đã lãng phí cuộc đời mình, rằng đây không phải là cách sống đúng. Thanh lọc có nghĩa là bạn phải từ bỏ toàn bộ các ước định, các lý tưởng, các định kiến, các khái niệm, các triết lý… Hoàn thiện là khi bạn không còn giả dối, khi bạn đã từ bỏ mọi độc dược tích góp trên đường, khi bụi được lau sạch khỏi gương, sự hoàn thiện sẽ tự nó bắt đầu xuất hiện.

Pythagoras là người đầu tiên đặt ra và sử dụng từ “triết học” (philosophy) và “nhà triết học” (philosopher). Triết học có nghĩa là tình yêu minh triết, không phải tình yêu kiến thức. Kiến thức thuộc về trí tuệ, thuộc về cái đầu; còn sự thông thái thuộc về trực giác, thuộc về trái tim. Còn nhà triết học có nghĩa là người bạn (của) thông thái. 

Pythagoras cũng giới thiệu từ “cosmos”, nghĩa là vũ trụ, trật tự, nhịp điệu, sự hòa hợp. Khoa học chỉ có thể tồn tại nếu sự hiện hữu là một hệ thống hài hòa, trật tự. Nếu nó là một trạng thái hỗn loạn, sẽ không có cơ sở nào cho khoa học. Điều này đúng với khoa học, nên cũng đúng với tôn giáo, bởi vì tôn giáo không là gì khác ngoài khoa học nội tâm. Có những quy luật trong thế giới nội tâm. Những quy luật này đã được khám phá như là quy luật khoa học. Sự thật phải được khám phá, không phải được phát minh. 

Thế giới nội tâm, thế giới của tinh thần, tuân theo các quy luật nhất định, những quy luật này không thay đổi, chúng là bất diệt. Những quy luật này không theo nguyên tắc thời gian, thời gian vận hành bên trong những quy luật này. Thiên nhiên không có nghĩa vụ điều chỉnh theo bạn, bạn sẽ phải điều chỉnh theo thiên nhiên. Bạn chỉ có thể chiến thắng thiên nhiên khi điều chỉnh bản thân theo thiên nhiên. Bạn cũng có thể trở thành kẻ chinh phục, nhưng không chống lại thiên nhiên, phải theo thiên nhiên, đồng điệu với thiên nhiên.

Đối với Pythagoras, khoa học là cuộc tìm kiếm chân lý trong thế giới khách quan, còn tôn giáo là cuộc tìm kiếm chân lý trong thế giới chủ quan. Do đó, khoa học và tôn giáo giống như hai cánh tay hoặc đôi cánh. Chúng không đối lập nhau mà bổ trợ cho nhau. Và thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta lại được nhắc nhở về điều đó. Nhà thờ, đền chùa và phòng thí nghiệm không nhất thiết phải là kẻ thù của nhau. Chúng nên tồn tại trong mối quan hệ bè bạn. Con người khi đó sẽ càng giàu có hơn. Phương Tây đã chọn khoa học; sở hữu tất cả của cải của thế giới, nhưng con người hoàn toàn lạc lối, cảm thấy vô nghĩa, muốn tự sát. Con người, khi nhìn vào bên trong, chẳng thấy gì ngoài sự trống rỗng. Thế giới nội tâm trở nên rất nghèo nàn ở phương Tây. Ở phương Đông, tình huống ngược lại đã xảy ra: người ta chọn tôn giáo và chống lại khoa học. Thế giới nội tâm của họ ngày càng tĩnh lặng, phong phú, nhưng ở thế giới bên ngoài, họ đói khát, sắp chết – không có thực phẩm, thuốc men, tiện nghi để sống một cuộc sống con người. Cả hai trường hợp này đều xấu xí. 

Đây chính là hậu quả của việc không nghe theo lời Pythagoras. Toàn bộ lịch sử nhân loại hẳn đã rất khác nếu người ta chịu lắng nghe và hiểu ông ấy. Không cần phân biệt phương Đông, phương Tây, không cần phải chọn là người theo chủ nghĩa duy vật hay chủ nghĩa duy tâm. Nếu cơ thể và tâm hồn có thể tồn tại cùng nhau, vậy sao chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm không thể tồn tại cùng nhau? Chúng ta nên như thế. Chọn lựa là chết. Không cần phải lựa chọn, bạn có thể có cả hai thế giới – bạn nên có cả hai thế giới.

📌 CÁC NHÀ THẦN BÍ HỒI GIÁO SUFI

RABI AL-ADAWIYYA (Rabi’a Basri) (714/717/718 – 801 CE)

Rābiʻa sinh ra tại Iraq, là nữ thánh Sufi đầu tiên của đạo Hồi, có những đóng góp lớn nhất đối với sự phát triển của chủ nghĩa Sufism. Danh tiếng của Rabi’a vượt trội so với nhiều đàn ông Hồi giáo trong những ngày đầu của chủ nghĩa Sufism.

Nhiều câu chuyện kể lại cho thấy bà ấy có những hành vi rất lập dị. Nhưng ẩn bên trong toàn bộ hành vi lập dị ấy là sự hiểu biết vô cùng sâu sắc.

Bà ấy đã sửa rất nhiều chỗ trong cuốn kinh Koran của mình. Đối với người Hồi giáo, đó là tội lỗi lớn nhất, bởi theo họ, kinh Koran là lời của Thượng đế. Không chỉ sửa, bà ấy còn cắt bỏ một vài chữ, một vài dòng. Bà ấy nói rằng: ta phải làm, không có cách nào khác. Chẳng hạn như, hãy nhìn chỗ này: “Khi bạn nhìn thấy quỷ dữ, hãy ghét hắn ta”. Bởi vì đã giác ngộ, tôi không thể tìm thấy sự căm ghét nào trong tôi. Tất cả những gì tôi có là tình yêu, lòng căm ghét đã biến mất. Khoảnh khắc căm ghét biến mất, tôi phải sửa lại kinh Koran của mình. Nếu không thay đổi điều đó, có nghĩa là chưa đến được không gian nơi chỉ có tình yêu”.

JALALUDDIN RUMI (30/09/1207 – 17/12/1273)

Ngôn từ của ông ấy phải được hiểu thật cẩn thận bởi vì ông ấy không nói nhiều – chỉ một vài bài thơ nhỏ. Phát biểu của ông ấy: “Hãy di chuyển bên trong, nhưng đừng di chuyển như cách bạn di chuyển vì sợ”, là một câu nói thật đẹp. Hãy di chuyển như cách bạn di chuyển vì niềm vui – không phải vì nỗi sợ. Tất cả những thứ được gọi là tôn giáo đều dựa trên nỗi sợ. Thượng đế của họ không là gì ngoài nỗi sợ, thiên đường và địa ngục không là gì ngoài sự phóng chiếu từ nỗi sợ và lòng tham của họ.

Phát biểu của Rumi có tính cách mạng: Đừng di chuyển vì nỗi sợ. Các tông giáo đều nói với mọi người: “Hãy sợ Thượng đế”. Bạn có thể sợ bất cứ ai, nhưng đừng sợ Thượng đế, bởi vì Thượng đế chỉ có thể tiếp cận thông qua tình yêu.

Tất cả mọi người đều đã sống trong sợ hãi. Nỗi sợ hãi quá lấn át – giống như đám mây đen che phủ cuộc sống – đến mức bạn nói những điều mình không muốn nói, nhưng vì sợ hãi nên bạn nói ra. Bạn làm những điều mà mình không muốn làm, nhưng nỗi sợ khiến bạn làm. Những lời cầu nguyện của bạn chứa đầy nỗi sợ.

Bạn phải hiểu nỗi sợ – không phải làm bạn với nó – và nó sẽ biến mất. Trong cuộc sống, bạn không thể e sợ việc chào đời. Nó đã xảy ra, giờ thì không gì có thể ngăn cản điều đó. Bạn không thể e sợ cuộc sống – nó đã diễn ra. Bạn không thể sợ cái chết, bất kể bạn làm gì, cái chết cũng sẽ xảy ra. Vậy thì còn gì phải sợ nữa?

📌 SOCRATES (470–399 BC)

Socrates có phương pháp tiếp cận mang tính khoa học về tất cả mọi thứ. Ông ấy nói rằng bạn không nên tin bất cứ điều gì. Mọi thứ cần phải được trải nghiệm, thử nghiệm với bằng chứng, trừ khi có bằng chứng, nếu không thì không nên chấp nhận. Ngay cả khi bạn chấp nhận một điều nào đó là chân lý, nếu bạn thành thật, hãy chỉ chấp nhận nó như là một chân lý giả định, bởi vì ai biết được? Ngày mai, có thể sẽ có những cơ sở lập luận mới, và bạn sẽ phải thay đổi chân lý đó.

Socrates không tin vào Thượng đế, nhưng ông ấy không nói rằng không có Thượng đế. Ông ấy rất khoa học. Ông ấy nói: “Theo như ta biết thì dường như không có Thượng đế, nhưng ai biết được kết quả của những cuộc điều tra sau này? Hãy giả định rằng không có Thượng đế, nhưng nếu một ngày nào đó bạn phát hiện ra Thượng đế, các giả định có thể thay đổi”.

Socrates không nói rằng có sự sống sau cái chết. Ông ấy nói: “Ta sẽ phải đợi xem. Khi ta chết, chỉ khi đó ta mới có thể biết liệu có sự sống sau cái chết hay không, bởi vì không ai trở về sau khi chết để nói với chúng ta rằng có sự sống sau cái chết”.

Với một người như Socrates, bạn không hạnh phúc bởi vì ông ấy nói chính xác tình huống của bạn, rằng bạn là một tù nhân, và bạn phải thoát khỏi nó. Con người rất lười biếng, họ không muốn thay đổi. Con người chỉ muốn được an ủi. Ai đó xuất hiện như thể anh ta đến từ một nơi cao hơn, đến từ Thượng đế để nói với họ rằng: “Các bạn hoàn toàn đúng, chỉ cần tin vào Thượng đế. Cứ dành hai phút mỗi đêm để cầu nguyện Thượng đế, và mọi thứ sẽ ổn với bạn”. Bạn thích điều này bởi vì nó giúp bạn tránh được rắc rối của sự thay đổi. Những người như Socrates dường như rất nguy hiểm bởi vì họ cứ đập mạnh vào niềm an ủi của bạn, họ phơi bày bạn với thực tại. Nó gây đau đớn nhưng đó là cách một người mới có thể được sinh ra.

Người ta cho rằng Socrates đã nói: “Khi còn trẻ, ta nghĩ rằng mình biết mọi thứ, khi trưởng thành hơn một chút, ta cũng nhận thức rằng có quá nhiều điều mình không biết. Khi già hơn một chút nữa, ta trở nên bối rối bởi vì ta từng biết nhiều khi còn trẻ, và giờ ta biết ngày càng ít”. Và cuối cùng, trước khi chết, ông ấy nói “Ta chẳng biết gì”.

Không có Socrates, Hy Lạp sẽ chẳng là gì cả. Vào ngày Athens chọn cách đầu độc Socrates, nó đã đầu độc toàn bộ tinh thần Hy Lạp. Đất nước này không bao giờ có thể đạt đến những tầm cao tương tự như thế một lần nào nữa. Hai mươi lăm thế kỷ đã trôi qua, nhưng không một người nào có thể đạt đến vẻ rực rỡ tương tự, tầm hiểu biết tương tự. Giết hại Socrates, Hy Lạp đã tự kết liễu đời mình. Nếu lắng nghe Socrates thay vì đầu độc ông ấy, và từ bỏ những ước định của họ, thứ mà ông ấy bảo họ làm, Hy Lạp sẽ ở đỉnh cao của thế giới ngày nay xét về khả năng hiểu biết, về tâm thức, về tìm kiếm chân lý. Nhưng con người thật ngu dốt. Bạn có thể tha thứ cho họ nhưng đừng quên họ. Nếu quên, bạn sẽ mắc phải sai lầm tương tự.

📌 HERACLITUS /hɛrəˈklaɪtəs/ (khoảng 535 TCN – 475 TCN)

Ông xuất thân trong một gia đình quý tộc ở Ionia (là một vùng cổ xưa của trung bộ ven biển Anatolia ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, nơi sinh của nền văn minh Hy Lạp). Nhưng ông sống một cuộc đời rất nghèo khổ và cô độc. Ông là một nhà triết học duy vật và được coi là ông tổ của phép biện chứng.

Có hai loại người. Nếu muốn hiểu Aristotle, bạn không cần phải thay đổi bản thể của mình, bạn chỉ cần một ít thông tin, một chút cố gắng, những ai có trí tuệ và tư duy trung bình đều có thể hiểu được ông ấy. Nhưng để hiểu được Heraclitus là việc gian nan, khó thực hiện bởi vì bất kể kiến thức nào thu thập được đều không mấy hữu ích. Heraclitus không khó hiểu, nhưng để hiểu được ông ấy là việc khó; để hiểu được ông ấy, bạn cần một bản thể khác – khó là ở chỗ đó. Cho nên, người ta thấy dễ dàng hơn khi gọi Heraclitus là kẻ khó hiểu, rồi lãng quên ông ấy. Khi nói chuyện, Heraclitus trông như thể đang gây khó khăn cho người nghe, bởi vì ông ấy nói về những thứ ngược đời, nghịch lý. Tất cả những người biết đều luôn nói về những thứ ngược đời. Nhưng mà họ có thể làm gì khác nếu cuộc sống vốn luôn chứa đựng nghịch lý? Cuộc sống không tuân theo logic, họ phải chân thật với cuộc sống. Nó là logos (vũ trụ), không phải là sự hỗn loạn, nhưng nó không tuân theo logic.

Các quan điểm triết học:

1. LOGOS (λόγος): Có sự khác biệt giữa logos và logic. Logic là một học thuyết về điều gì đúng, còn logos tự nó là chân lý. Logos là hiện hữu, logic là không hiện hữu; logic thuộc trí tuệ, thuộc lý thuyết; “logos là cái vĩnh viễn tồn tại… vạn vật ra đời đều dựa vào logos của nó”. Logic luôn tìm cách rõ ràng, và để rõ ràng, nó né tránh. Logic cho rằng sự sống là sự sống, cái chết là cái chết – chúng tách rời nhau. Aristotle nói A là A, không thể nào là B. Quan điểm này đã trở thành nền tảng vững chắc trong tư tưởng của người phương Tây: né tránh mâu thuẫn – yêu là yêu, ghét là ghét; yêu không thể nào là ghét. Điều này thật ngớ ngẩn bởi vì trong yêu có ghét, bắt buộc phải như thế; đó là cách vốn có của tự nhiên. Bạn yêu một người và bạn ghét cùng một người, nó phải diễn ra như thế; bạn không thể né tránh. Nếu tìm cách né tránh, mọi thứ sẽ trở thành giả tạo.

2. SỰ VẬN ĐỘNG BIẾN ĐỔI CỦA SỰ VẬT (DÒNG CHẢY PHỔ BIẾN): Ông ấy không tin vào sự vật, ông ấy tin vào quá trình, mọi thứ đều là quá trình. Mọi thứ đều phát triển, chuyển động, theo một quy trình. Cuộc sống là sự chuyển động. Nó giống như dòng sông, không ngừng chảy. “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông” (No man ever steps in the same river twice), bởi vì vào thời điểm bước xuống dòng sông lần thứ hai, nó đã thay đổi. Nó là một dòng chảy. Liệu bạn có thể gặp cùng một người tới hai lần? Không thể nào! Bạn có thể ở đây vào ngày mai, nhưng bạn sẽ không tìm thấy tôi, người khác sẽ ở đây, không phải tôi. Cuộc sống luôn thay đổi. “Chỉ có sự thay đổi là mãi mãi”, chỉ có sự thay đổi mới không thay đổi. Mọi thứ khác đều thay đổi. Không có gì là bất động. Những bức tường mà bạn nhìn thấy xung quanh bạn, mỗi phân tử trong đó đều chuyển động. Bạn không thể nhìn thấy sự chuyển động đó bởi vì nó rất nhanh và khó nhận thấy. Không chỉ dòng sông thay đổi, bạn cũng đã thay đổi. Hãy chân thành với cái tôi luôn thay đổi của bạn, bởi vì đó là thực tại duy nhất.

3. LỬA: Đối với Heraclitus, lửa là một biểu tượng đẹp. Lửa là nền tảng của mọi sự hiện hữu, mọi thứ không là gì khác ngoài các dạng điện cực. Hãy quan sát ngọn lửa vào một đêm đông giá rét; ngồi cạnh bếp lửa và quan sát, cảm nhận hơi ấm của nó. Giá rét là cái chết, hơi ấm là sự sống. Một cơ thể chết sẽ lạnh giá, một cơ thể sống sẽ ấm áp – và bạn phải không ngừng giữ ấm ở một mức nhất định. Sự sống chỉ diễn ra ở giữa những mức nhiệt độ nhất định này. Lửa còn là một biểu tượng rất ý nghĩa theo cách khác. Lửa luôn chuyển động hướng lên. Nước thiếu lửa sẽ chuyển động hướng xuống. Khi có lửa, sự thay đổi lập tức xuất hiện, ở mức trên 100 độ C, lửa khiến nước bốc hơi, chiều hướng chuyển động sẽ thay đổi.

4. SỰ THỐNG NHẤT VÀ ĐẤU TRANH CỦA CÁC MẶT ĐỐI LẬP

Heraclitus khẳng định logos là quy luật biến đổi phổ biến của vạn vật trong vũ trụ: sự chuyển của Lửa là đầu tiên thành biển, biển thành đất và thành gió xoáy, đất lại hóa thành biển và tuân theo logos mà trước kia, biển hóa thành đất đã tuân theo. Bản thân logos là sự thống nhất của những mặt đối lập. Vũ trụ là một thể thống nhất nhưng trong lòng nó luôn diễn ra các cuộc đấu tranh giữa các sự vật, lực lượng đối lập nhau. Những cuộc đấu tranh đó luôn luôn diễn ra trong một sự hài hòa nhất định và bị quy định bởi logos. (wiki)

5. “Thời gian là một đứa trẻ đang di chuyển các quân bài, quyền lực tối thượng nằm trong tay đứa trẻ.” Cuộc sống giống như một trò chơi, đừng biến nó thành phi vụ làm ăn, nếu không bạn sẽ bỏ lỡ tất cả. Hãy chơi thật tốt nhưng đừng nghĩ sẽ kiếm được gì từ trò chơi đó. Hãy giống như đứa trẻ: nó chơi, nó không lo nghĩ về thứ sẽ đạt được từ trò chơi đó. Những đứa trẻ, dù bị thua trong trò chơi, đều nhảy múa và cảm thấy rất vui. Thất bại sẽ không phải là thất bại nếu đó là trò chơi. Nếu đó là phi vụ làm ăn, ngay cả chiến thắng cũng là chiến bại. Hãy nhớ, cuộc đời của bạn sẽ bị đánh mất nếu theo đuổi các mục tiêu, bởi vì cuộc sống không có mục tiêu. Đó là một cuộc chơi không có mục đích. Nó sẽ không đi đến đâu, nó chỉ đơn giản là sự tận hưởng. Đây là điều khó hiểu nhất bởi vì tâm trí thuộc về toán học. Nó nói: “Vậy thì cuộc sống có ý nghĩa gì, mục đích sống là gì? Nếu không có ý nghĩa, vậy sống làm gì, sao không tự tử cho rồi?” Tâm trí luôn tìm kiếm mục tiêu, tâm trí là kẻ luôn tìm cách đạt được điều gì đó, nó không thể đơn giản tận hưởng cuộc sống. Phải có điều gì đó cần đạt được trong tương lai, một mục tiêu nào đó cần đạt đến, khi đó tâm trí mới cảm thấy hài lòng. Giữa một đứa trẻ và một người lớn tồn tại một vực thẳm, đó là hai cực tách rời. Đứa trẻ không thể hiểu được điều người lớn đang nói bởi vì nó sống trong một chiều không gian hoàn toàn khác – không gian của vui chơi. Còn người lớn không thể hiểu được những gì đứa trẻ đang làm bởi vì anh ta là một người kinh doanh, anh ta sống trong thế giới của câu hỏi “Tại sao”, nguyên nhân, lý do. Cả hai không bao giờ gặp nhau, không thể gặp nhau, không có khả năng hiểu nhau trừ khi người lớn trở thành đứa trẻ. Chỉ có thánh nhân, nhà hiền triết thực sự, mới có thể hiểu được đứa trẻ bởi vì ông ta cũng là một đứa trẻ. Nếu có thể trở thành một đứa trẻ, bạn có mọi thứ. Nếu không, bạn bỏ lỡ tất cả.

6. Heraclitus nói rằng niềm tin mù quáng là một căn bệnh sùng kính. Thật khó tìm thấy một người sùng bái mà không bị mắc căn bệnh niềm tin mù quáng. Dù bạn là ai, hãy luôn linh hoạt. Đừng đóng khung quanh mình, hãy luôn di chuyển và trôi theo dòng. Đôi khi, bạn cũng phải thoát ra khỏi kỷ luật. Cuộc sống rộng lớn hơn kỷ luật của bạn, đôi khi bạn phải hoàn toàn đi ngược lại với quy tắc của chính mình. Hãy sùng kính, nhưng đừng là một tín đồ. Hãy để toàn bộ trái đất này là nhà thờ của bạn, hãy để toàn bộ sự hiện hữu này là thiền viện của bạn. Vì sao phải là tín đồ? Khi bạn có thể là một con người, sao lại chọn gắn mác? Hãy từ bỏ các nhãn mác.

Tôn giáo cần thêm sự hài hước để khiến nó gần gũi với con người hơn. Nếu không có sự hài hước, các bài giảng sẽ trở nên ngày càng trí tuệ hơn, chính xác hơn, logic hơn những sẽ mất đi cảm xúc con người. Nó sẽ ngày càng trở thành một chủ đề khoa học. Nhưng con người không thể nào chỉ là đối tượng của nghiên cứu khoa học. Hãy nhìn khắp thế giới. Cây cối không cười, không có loài vật nào cười, chỉ có con người là có khiếu hài hước. Hẳn điều đó phải có ý nghĩa của nó bởi vì nó xảy ra ở điểm tiến hóa cao nhất – con người. Cuộc sống cần một chút vui đùa, một chút hài hước, một chút tiếng cười.

OSHOTRIẾT HỌC
0 comment
0
FacebookTwitterGoogle +Pinterest
Haily

Keep going, keep smiling. It's me, Haily! ?

previous post
Trò chuyện với Vĩ nhân (Meeting with Remarkable people) – Osho (Phần 1)
next post
YOUTH OVER FLOWER 2014 – PERU

You may also like

Bay trên tổ chim cúc cu – One...

Tháng Mười Một 22, 2017

Bóng ma danh vọng – Phantom Fame: The...

Tháng Tư 17, 2018

Namaskar! Xin chào Ấn Độ – Hồ Anh...

Tháng Tám 29, 2021

Năm lá quốc thư – Hồ Anh Thái

Tháng Sáu 27, 2021

Duyên nợ Thái Bình Dương, Trải nghiệm chân...

Tháng Ba 21, 2021

Apa kabar! Chào xứ vạn đảo, dạo quanh...

Tháng Bảy 13, 2018

Gieo mầm trên sa mạc (Sowing seeds on...

Tháng Sáu 1, 2019

VI TRÙNG, TẶNG PHẨM CHẾT NGƯỜI CỦA GIA...

Tháng Chín 9, 2021

TÂY TẠNG HUYỀN BÍ VÀ NGHỆ THUẬT SINH...

Tháng Chín 19, 2021

CÕI NGƯỜI RUNG CHUÔNG TẬN THẾ – HỒ...

Tháng Mười 28, 2020

Leave a Comment Cancel Reply

Save my name, email, and website in this browser for the next time I comment.

Keep in touch

Facebook Instagram

Phản hồi gần đây

  • Haily trong DẤU VỀ GIÓ XÓA – HỒ ANH THÁI

Instagram Corner

No images found!
Try some other hashtag or username

NEW ARTICLES

  • ABOUT ME, HAILY

    Tháng Chín 19, 2021
  • CÁCH ĐIỀN MẪU ĐƠN XIN THỊ THỰC PHÁP 2022

    Tháng Tư 14, 2022
  • HÀNH TRÌNH XIN VISA PHÁP 2022

    Tháng Tư 14, 2022
  • YOUTH OVER FLOWER 2014 – PERU

    Tháng Hai 5, 2022
  • TRÒ CHUYỆN VỚI VĨ NHÂN (MEETING WITH REMARKABLE PEOPLE) – OSHO (PHẦN cuối)

    Tháng Một 30, 2022
  • Trò chuyện với Vĩ nhân (Meeting with Remarkable people) – Osho (Phần 1)

    Tháng Một 30, 2022

TOPICS

  • About me, Haily (2)
  • Africa (1)
  • Books (46)
  • Central Asia (1)
  • Europe (7)
  • Hiking (4)
  • Latin America (5)
  • Life (15)
  • Northeast Asia (7)
  • Pacific Ocean (1)
  • South Asia and Middle East (5)
  • Southeast Asia (4)
  • Travel (38)
  • TV series (31)
  • Việt Nam (9)
  • Wishlist (16)
  • 汉语 (19)
  • Facebook
  • Instagram

@2020 - 2021. Designed by thamthien.com


Back To Top