Hành trình độc hành Ấn 9 ngày, Tết 2023 của mình:
– 3 ngày Varanasi
– 2 ngày Agra: https://hailycorner.com/lich-trinh-kham-pha-agra/
– 2 ngày Jaipur: https://hailycorner.com/lich-trinh-kham-pha-thanh-pho-hong-jaipur-2-ngay/
– 2 ngày New Delhi
Mình chỉ đặt trước hostel và vé tàu. Còn lại khi đến nơi, cứ đi lang thang, tuỳ tâm trạng để tìm hiểu và khám phá. Đi trong tâm thế thoải mái, không vội vàng.
. Bài tổng kết chuyến đi bụi ở đây: https://hailycorner.com/nhat-ky-hanh-trinh-di-bui-an-do-tet-2023/
. Bài viết về kinh nghiệm đi tàu hỏa ở Ấn: Kinh nghiệm đi tàu hỏa ở Ấn
Nirvana (Niết bàn), cảnh trí của nhà tu hành dứt sạch các phiền não và ham muốn, được giải thoát khỏi nghiệp và vòng luân hồi sinh-tử. Niết bàn là mục tiêu cuối cùng của cả đạo Hindu và đạo Phật. Với tín đồ Hindu, họ tin rằng nếu được hỏa táng và rải tro cốt trên sông Hằng, linh hồn sẽ thoát khỏi kiếp luân hồi và tới cõi Niết Bàn.
Varanasi, nơi duy nhất mà dòng sông Hằng chảy ngược lại về nguồn được tôn là thánh địa đạo Hindu. Do linh thiêng nên các tín đồ, ai cũng mong được đặt chân tới đây một lần trong đời, để được đắm mình trong dòng nước. Nó có ý nghĩa quan trọng như thánh địa Mecca đối với người Hồi giáo vậy.
THĂM QUAN CÁC “BURNING GHAT”
Dọc đoạn sông Hằng chảy qua Varanasi có rất nhiều “ghat”. “Ghat” nghĩa là “bậc thang dẫn xuống dòng nước thánh”. Phần lớn phục vụ nhu cầu tắm rửa của dân chúng, một số khác là nơi cử hành nghi lễ. Chỉ có 2 nơi được dùng làm nơi hỏa táng người chết, gọi là “burning ghat”, hoạt động quanh năm, bất kể ngày đêm. Ngọn lửa vĩnh cửu của những giàn hỏa thiêu được cho là đã sáng rực hàng thế kỷ.
Ở đây có rất nhiều thanh niên tự nhận là nhân viên ghat, sẽ đến hướng dẫn bạn đi tham quan và giải thích một cách hết sức tự nhiên và rồi đòi tiền. Mà thông tin đúng thì chả nói. Thông tin còn sai lệch nữa.
Có một ông anh thao thao bất tuyệt một hồi về chi phí hoả táng rằng: Chi phí cho 1kg gỗ dùng để hoả thiêu là 1500rs. Để hoả thiêu 1 người thì cần khoảng 160kg. Tổng chi phí là tầm 240k rupee (~72tr), một chi phí không hề nhỏ so với thu nhập ở Ấn. Nên chỉ nhưng nhà trung lưu, giàu có mới đủ khả năng chi trả tiền. Thế rồi anh ta nói là mình hãy ban phước, hãy đóng góp dù chỉ 1kg gỗ cho người không có tiền.
À, bạn ấy chưa gặp dân Việt đâu nhé. Bọn tui quá quen mấy trò này rồi ạ. Mình nói mình cũng nghèo lắm, tiền mua củi đốt xác cho mình còn không có, nên chỉ đưa gọi là cho có thôi. Quẹt quẹt cái tro củi lên trán tui rồi một hồi không đòi được hơn cũng thả tui đi.
Sau đó, mình có đi khảo sát thêm 2 cái burning ghat để hỏi xem ông anh kia nói đúng không, thì nhân viên (hi vọng là xịn, vì họ nói chuyện với mình xong không hề đòi tiền) cung cấp thông tin thế này. Mình sợ tiếng Anh không hiểu nhau nên ghi lại ghi chú cho chắc:

Một ghat hoả thiêu 200-300 người/ ngày, làm việc không ngưng nghỉ từ 3500 năm đến tận bây giờ. Chính vì thế, Varanasi là nơi hoàn hảo, là một bảo tàng sống để cảm nhận văn hóa Ấn Độ.
Có một số đối tượng đặc biệt không cần hoả thiêu:
- phụ nữ có thai
- sadhus: vì họ sống cuộc sống thanh tịnh, nên không cần sự thanh lọc của ngọn lửa khi chết
- người chết do rắn cắn: rắn là biểu tượng cho thần shiva. Rắn cắn là biểu tượng của thần, nên cũng không cần hỏa thiêu để thanh tẩy nữa.
Mình cũng không sợ khi đến gần các nơi hỏa thiêu cho lắm, và cũng không hề thấy có mùi gì lạ, có thể là do các hương liệu được đốt chung đã át mùi. Lưu ý khi đi tham quan, không được quay phim, chụp hình để tôn trọng người đã khuất. Nhưng nếu ở ghat đó không có hoả thiêu thì có thể sử dụng.
ĐI THUYỀN DỌC SÔNG HẰNG
Mình thích không khí buổi sáng ở Varanasi hơn. Yên tĩnh, không quá đông người. Trong 2 buổi sáng ở đây, một buổi mình thuê thuyền chèo trên sông, còn buổi còn lại thì đi bộ dọc bờ sông, để ngắm nghía hoạt động người dân từ hai góc nhìn.
Gần bờ đậu kín các loại thuyền để phục vụ du khách, từ thuyền chèo cho đến thuyền máy. Mình thích thuyền chèo hơn vì yên tĩnh và không ô nhiễm môi trường, mặc dù không đi được dài. Chi phí 1 tiếng là tầm 500rupees. Loanh quanh một đoạn sông nhỏ thôi cũng mất 1 tiếng rồi, không đi được xa.

Mùa đông không ngắm được bình minh, gần 9h mặt trời mới nhú ra được một xíu xiu. Bù lại thì dòng sông hiện ra giữa màn sương mù, cùng sự tô điểm của chim di trú Siberia cũng là một khung cảnh ảo diệu và đặc biệt chỉ có ở thời gian này. Tuy nhiên, tận hưởng sự im ắng không được bao lâu, vì liên tục sẽ có các thuyền khác ghé để mời chào thức ăn ném cho chim, hoặc các đĩa hoa nến thả sông. Người Ấn luôn mỉm cười “thân thiện” nói không lấy tiền đâu, rồi khi đã dùng xong dịch vụ thì luôn đợi đấy để lấy “tip”. Nên hãy cứ kiên trì “lắc đầu” đối với tất cả những đối tượng tiếp cận bạn.
ĐI DẠO DỌC BỜ SÔNG
6h30 mà trời vẫn còn tối, se lạnh, lại có sương mù bao phủ. Vậy mà cũng đã có nhiều tín đồ rồng rắn nhau ra sông Hằng rồi. Trên bậc thềm, những chú chó vẫn cuộn tròn người ngủ yên lành bên cạnh các đống lửa, mặc kệ hoạt động của con người.
Hôm ấy, mình chỉ đi bộ hết đoạn từ Manikarnika Ghat đến Assi Ghat. Theo bảng chỉ dẫn di sản thì có đến 79 ghat, dài tầm 7km dọc theo sông Hằng. Các ghat nổi bật:
- Dashashwamedh, nơi tổ chức lễ Ganga aarti, tạ ơn sông Hằng mỗi tối. Do đông người nên thường kín chỗ rất sớm. Có một số ban công phải trả tiền mới lên được để nhìn từ trên cao. Hoặc có thể thuê thuyền để xem lễ từ góc bờ sông vào.
- Manikarnika Ghat và Harishchandra ghat: ghat hỏa thiêu.
- Darbhanga Ghat là nơi ngắm hoàng hôn đẹp với cảnh cung điện BrijRama Palace ở xa xa.
- Assi ghat là nơi tổ chức lễ sáng sớm. Ở đây cũng có một cây vả vả linh thiêng, được tín đồ tập trung đông để tìm kiếm phước lành sau khi ngâm mình trong sông Hằng.

DẠO QUANH KHU CHỢ CỔ
Nhà văn Mark Twain từng nói thế này khi đến thăm Varanasi: “Banaras is older than history, older than tradition, older even than legend and looks twice old as all of them put together”. (Tạm dịch: Banaras cổ hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, cổ hơn các huyền thoại và thậm chí còn cổ xưa hơn tất cả cộng lại.)
Varanasi, còn gọi là Banaras, là thành phố cổ nhất mà có con người sinh sống xuyên suốt từ hơn 5000 năm nay. Có vẻ đúng như vậy. Các con đường siêu bé, siêu hẹp, đến mức chỉ có thể đi bộ, nếu có ai đó chạy xe máy qua thì người đi bộ phải nép vào bên đường.
Chính vì bé và hẹp nên các con đường rợp bóng râm do bị các tòa nhà cao che khuất, ánh mặt trời không thể chiếu đến được. San sát nên mang lại cảm giác âm u và yếm khí. Mỗi khi có trận mưa, đường lầy lội bùn đất thì mãi mấy tiếng sau vẫn chưa khô được…
Sáng sớm, gần khu dân cư, nhiều đống rác bị bới tung bởi những chú bò. Ở đây, bò được đi lại tự do và không ai giết hại vì là con vật thiêng. Chúng tập trung đặc biệt đông ở gần chợ, nơi con người buôn bán và thường xuyên được ăn no. Ngoài bò, người ăn xin và vô gia cư cũng nhiều. Họ trải chăn ngay cạnh chỗ xin tiền luôn, có vẻ là ngủ luôn ở đó.

Vì là thành phố cổ, nên các hàng quán ở đây cũng rất nhiều hàng ăn tồn tại lâu đời, và hơn 100 năm tuổi. Một số quán tham khảo trên youtube:
- The Ram Bhadar: bán Kachori sabzi (bánh mì rán ngập dầu ăn kèm rau) và Jalebi
- Shreeji Sweets & Milk: bán Malaiyo (một loại kem mềm làm từ sữa)
- Lakshmi chai wala: bán trà “chai”
- Blue lassi và Baba lassi: sữa chua trộn hoa quả
THĂM CHÙA VIỆT NAM Ở SANARTH
Cách Varanasi 10km là Sanarth, một trong bốn thánh địa Phật giáo, nơi Phật giảng bài kinh đầu tiên. Các tour hành hương của Việt Nam thì các điểm đến này khá phổ biến.
Lúc đầu đến Sanarth chỉ định tham quan, nhìn bản đồ một hồi thì phát hiện ra có một ngôi chùa Việt Nam ở đây. Tên chùa là Đại Lộc, Sivali, không nằm ở trung tâm nên hơi khó tìm, đường đi vẫn còn là đường đất và nhỏ.
Bọn trẻ con địa phương thì có vẻ thông thạo hơn, hỏi chùa Việt Nam là chúng nó biết ngay, hào hứng đu theo xe đòi được chỉ đường. Trẻ con ở đâu cũng rất đáng yêu và trong sáng.
Thầy chủ trì ra mở cổng đón mình, nói mình là vị khách đầu tiên trong năm mới luôn. Thường thì khách Việt sau mùng 5 họ mới bắt đầu đi hành hương. Thầy mời vào ăn mứt sen uống trà, cảm giác cứ như đang ở nhà vậy.

Thầy kể thầy cũng ở HCM, sống 26 năm ở Ấn rồi, hồi xưa đi du học rồi nhập quốc tịch luôn. Thầy thấy 3 thánh địa kia đều đã có chùa Việt rồi nên luôn đau đáu xây một ngôi chùa ở Sanarth này. Chùa khởi công từ 2009, theo phái Nam tông. Từ ngoài cổng nhìn vào đã thấy tượng Phật rất cao lớn, sân chùa rộng, có cả vườn trồng các cây mang từ Việt Nam sang. Chùa còn có một toà nhà dành cho Phật tử ngủ lại, một nhà ăn và một thư viện sách nữa. Mình ít khi đi chùa đầu năm. Năm nay lần đầu đi chùa mùng 1 lại là trên đất Ấn xa xôi. Đúng là như một cơ duyên vậy. Khác với không khí đông đúc xô bồ của bên ngoài di tích nhiều khách du lịch, ngôi chùa Việt Nam yên tĩnh, rộng rãi và không khí rất trong lành. Ai đến Varanasi thì nhớ dành thời gian ghé nơi đây nhé.
MỘT VÀI NƠI THAM QUAN KHÁC
- Shri Kashi Vishwanath Temple: ngôi đền cổ nhất không chỉ ở Varanasi, mà còn cổ nhất ở Ấn Độ. Đây cũng được gọi là đền Vàng vì các ngọn tháp và mái vòm ở đây được dát vàng hoàn toàn. Ngôi đền này thờ thần Shiva.
- Shri Durga Mandir: ngôi đền 300 năm tuổi thờ Nữ thần Durga, được xây dựng theo phong cách Nagara. Đền có màu đỏ rất bắt mắt.
- Pháo đài Ramnagar xây từ thế kỷ 18.
- Alamgir Masjid: nhà thờ Hồi giáo ở giữa đất thiêng của đạo Hindu. Khá to rộng và sạch sẽ.
Trong chuyến đi này, Varanasi là nơi đầu tiên mình đến và cũng là nơi mình thấy thú vị nhất. Không hẳn là thoải mái và trầm trồ vì cảnh đẹp như các chỗ hiện đại, tự nhiên khác, mà hẳn là bởi vì không khí tâm linh và có phần cổ và cũ ở nơi đây. 3 ngày lang thang, khiến mình thực sự cảm nhận được tinh thần và năng lượng ở đây. Cảm thấy cuộc đời chỉ là một chương của cuốn sách. Chương nào cũng phải kết thúc, mà cái kết cho chương “cuộc đời”, đơn giản cũng chỉ là “cái chết” mà thôi.