Hàng xóm nghe mình lại xách ba lô đi chơi 1 mình, đi nước ngoài, lại có 2 ngày 1 đêm, mọi người lại không thốt nên lời vì đã quen (!) với kiểu lạ đời này của mình. Các anh/ chú/ cô/ chị gặp dọc đường nói con gái đi thế không an toàn tí nào. Sếp chị lo lắng: không ai nói chuyện, buồn lắm đấy. Người dân Phnom Penh mình gặp trách đi gì mà ngắn thế, sao đủ khám phá Cam-pu-chia?
Nhưng em sinh giờ ngựa, cuồng chân quá rồi mà không ai đi cùng thì phải làm thế nào? Dạ, cứ đi thôi ạ, ở nhà lại cúi mặt vào cái điện thoại cũng có bổ béo gì đâu, lại thành phe zombie thì chết.
1. Phương tiện
Từ Sài Gòn muốn qua Campuchia chơi rất dễ, có đường bộ, đi xe buýt 6h là đến thủ đô Phnom Penh, chẳng khác nào đi về các tỉnh miền Tây. Nhưng vì phải làm thủ tục xuất nhập cảnh ở Mộc Bài nên chỉ có xe buýt ngày, không có xe buýt đêm.
Có rất nhiều nhà xe, cả Việt và Cam chạy tuyến này như Kumho, Mekong Express, Giant,… nhưng mình chọn Sapaco tourist ở 325 Phạm Ngũ Lão. Lý do: rẻ nhất trong các trang web tìm đc. Giá vé chỉ là 230k (~10$/ người), các hãng xe khác đều từ 12-18$.
Một vài nhận xét sau khi trải nghiêm:
- Ưu điểm:
+ Rất rẻ như đã kể trên. Giá vé cho chiều về từ Phnom Pênh thậm chí chỉ còn 9$. Đều có nước và khăn lạnh trên xe. Tiêu chuẩn mỗi người chỉ 1 chai nước 300ml nhưng có thể xin thêm.+ Chạy đúng giờ. Dọc đường nghỉ 2 lần cho ăn uống, vệ sinh.+ Lái và phụ xe thân thiện. Xe tuy không mới nhưng vẫn khá êm.
- Nhược điểm:
+ Không đặt vé và thanh toán online được. Muốn đặt vé thì gọi điện hoặc ra phòng vé ở Phạm Ngũ Lão/ Cộng Hòa hoặc 281-309 Preah Sihanouk Blvd. Trên xe buôn chuyện với phụ xe mới biết hóa ra xe này thuộc công ty Nhà nước Saigonbus, thảo nào chưa tiệm cận cách làm ăn công nghệ.
+ Tuy mỗi chuyến xe có tài xế khác thì cách lái cũng khác. Nhưng trong 2 chuyến đi, chiều từ Sài Gòn, chú tài xế lái xe rất cẩn thận nên xe êm và rất yên tâm; chiều từ Phnom Pênh về thì khá nhiều điều không ưng lắm. Xe phóng nhanh mặc dù đường không rộng không vắng, lấn lán vượt xe khác, bóp còi inh ỏi. Đây có lẽ là đặc trưng của lái xe Việt nên mình là người Việt cũng quen rồi. Nhưng nếu để thu hút khách nước ngoài trên tuyến du lịch đông đúc này thì điểm này có lẽ nên sửa.
+ Xe bắt và trả khách dọc đường nhiều, có lẽ do không thu hút khách đủ số ghế ngay từ đầu bến nên đây là lựa chọn để bù chi phí. Tài xế vừa lái xe vừa cầm tiền thu được từ khách do phụ xe đưa. Khách lên xuống nhiều nên dễ phân tán. Không hiểu sao việc này không để phụ xe phụ trách như xe trước.Dọc đường đi để ý thấy có xe buýt nội địa tuyến 70-3 Bến Thành – Mộc Bài (gía vé 40.000đ cho toàn tuyến). Đây cũng là 1 lựa chọn khác để đi. Đến cửa khẩu, tự làm thủ tục xuất nhập cảnh, qua bên kia rồi bắt xe về Phnom Penh, giá vé 100.000đ/ 5$
2. Qua cửa khẩu
Khi lên xe buýt, phụ xe sẽ tập hợp hộ chiếu của mọi người để tập trung làm thủ tục bên phía Việt Nam, cửa khẩu bên Campuchia thì do cá nhân tự làm.
Cửa khẩu bên phía Campuchia cần lấy mẫu dấu vân tay theo thứ tự: 4 ngón tay phải -> ngón cái phải -> 4 ngón tay trái -> ngón cái trái trước khi nhập cảnh.Cửa khẩu đường bộ nhộn nhạo hơn rất nhiều so với cửa khẩu đường hàng không. Mặc dù hộ chiếu Việt Nam được miễn visa, nhưng nếu qua cửa khẩu không theo đoàn, mỗi người sẽ phải nộp 20k/ người/ cửa khẩu. Phí này gọi là phí đóng dấu, không hề được ghi trên thông báo nào cả. Đi theo đoàn, nhà xe đã lo thủ tục này hết rồi, không cần nộp thêm.
3. Ngoại tệ
Cam-pu-chia sử dụng song song hệ thống tiền $ và tiền Riel (đọc là Ria). 1$ tương đương 4000 Riel, tương đương 20.000 VND.Không hiểu sao bên Cam có 1 số ít người dân không chịu lấy 2$. Đây chỉ là thiểu số và là người dân ở chợ, ngân hàng và đa số nơi khác vẫn sử dụng bình thường. Mình thấy điều này khó hiểu, được 1 chị giải thích là nhiều người vẫn cọi đây là tờ tiền lưu niệm không có giá trị lưu hành nên không nhận. Nhưng thực tế, các ngân hàng ở Cam-pu-chia vẫn nhận trong trao đổi.
4. Lịch trình khám phá Phnom Penh với 2 ngày 1 đêm
Thật ra mình cũng thấy đi chơi 2 ngày là hơi ít. Trừ đi 12 tiếng di chuyển cho 2 chuyến xe đi về thì chỉ có đúng 24h khám phá thủ đô nước bạn. Nhưng phép năm đã hết không nghỉ thêm được. Và nếu khéo sắp xếp thì cũng không phải bất khả thi.
- Thứ 7:
– 6h sáng: có mặt ở Sapaco đi chuyến sớm nhất.- 12h-12h30: đến văn phòng Sapaco Phnom Penh, cạnh sân vận động OlympicVài thông tin về Olympic Stadium: Nơi này được xây cũng khá lâu rồi, từ 1963, nhưng do vài tình huống liên quan đến chính trị nên không được sử dụng trong vài thập kỷ. Bắt đầu từ năm 2000, nơi đây bắt đầu hoạt động nhộn nhịp trở lại. Nhiều sự kiện thể thao trong nước và quốc tế được diễn ra tại đây và thậm chí Ronan Keating đã từng có buổi lưu diễn vào năm 2007. Khán đài có sức chứa 63.000 chỗ ngồi – vô cùng lớn. Hiện tại đang mở cửa miễn phí.- 12h30-14h00: di chuyển đến Bảo tàng Diệt chủng (Tuol Sleng Genocide Museum hay S-21) (cách 1,2 km, có thể nói nhà xe cho xuống Cambodia Visa Service & tour ở 392 Preah Monivong Blvd nhưng vì muốn đến Sapaco đặt vé về nên mình không xuống. Xuống điểm này chỉ cần đi bộ 200m là đến S-21). Trên đường đi tìm quán ăn uống theo sở thích. Thăm quan ở S-21 tầm 1 tiếng.
– 15h: đón xe buýt Hop on hop off tour để đi đến Cánh đồng chết (Killing Fields) Cheoung Ek Genocidal Center.
Vài thông tin về S-21, Cheoung Ek: Giá vé của từng nơi: 6$ vé vào cửa bao gồm cả audio tour bằng nhiều ngôn ngữ và có cả tiếng Việt, nếu chỉ mua vé là 3$. Để hiểu về 1 đoạn lịch sử đau thương về cuộc diệt chủng do Khơme Đỏ gây ra, rất nên sử dụng Audio tour. 1 Audio tour có thể cắm 2 tai nghe. Đi xem bảo tàng mà ko có người hướng dẫn thì chỉ như cưỡi ngựa xem hoa vậy, không hiểu hết ý nghĩa.+ Giới thiệu khái quát Pol Pot và Cuộc diệt chủng của chế độ Khơme Đỏ có thể đọc trên wiki. S-21 là bảo tàng tội ác tội ác diệt chủng, nơi đây từng là trường học trước khi trở thành trại tập trung của chế độ này. Choeung Ek – một trong số hàng trăm cánh đồng chết nằm trên khắp Cam-pu-chia, được chế độ Pol Pot dùng làm nơi thảm sát tập thể chính đồng bào của mình.+ Sự thảm khốc của cuộc thảm sát làm bất cứ ai biết đc cũng phải rùng mình. Đây không chỉ là tội ác chống lại một sắc dân cụ thể mà nó là tội ác chống lại loài người. Chế độ này đàn áp các trí thức như giáo viên, bác sĩ, luật sư, sinh viên…, người theo tôn giáo, dẫn đến cái chết của khoảng 1,7 triệu người Campuchia (khoảng 1/4 dân số tại thời điểm đó)… Sau khi đi tour 2 nơi trên, tâm trạng chùng hẳn xuống, đây là bài học bổ ích không chỉ về lịch sử, mà còn dạy mình về cách chấp nhận những khác biệt và chung sống hòa hợp vui vẻ với người khác, vì chiến tranh không mang lại bất cứ điều gì tốt đẹp.
Hop on Hop off tour:
+ Để đến 2 nơi trên, có thể mua vé tour Hop on hop off Phnom Penh. Chỉ cần gửi mail, có người sẽ xác nhận và sẽ đón ở khách sạn hoặc địa điểm hẹn sẵn. Giá tour là 15$ không gồm vé vào cửa. Trên xe có chiếu phim tài liệu về những nơi sẽ đi.
+ Vì mình tự đi bộ đến S-21 để thăm quan nên thỏa thuận giá tour chỉ còn 10$ cho hành trình từ S-21 đến Cheoung Ek.
– 19h: Check in hostel Oderz ở khu Riverside Park, ngay cạnh chợ đêm. Lý do chọn:
+ Vị trí đẹp: khu này view nhìn ra công viên bên sông, nơi ngã 3 gặp nhau của 2 sông …. Đắc địa giống khu view sông Sài Gòn của Majestic.
+ Gía (lại) rẻ: 8$ (do book trên Booking), book trực tiếp với khách sạn 9$
+ nhìn hình thì phòng rất đẹp có cửa sổ view sông. Đến ở rồi mới thấy quyết định sáng suốt. Sảnh đón khách và sinh hoạt chung trang trí đẹp ấm cúng. Tầng lửng có tivi và gối lười nhiều màu sắc.
+ Sạch sẽ: khách đến khách sạn tháo giầy để giá ngay cửa. Phòng tắm sach và thơm, chia 5 khoang nhỏ 2 khoang tắm 2 khoang vệ sinh 1 khoang rửa mặt có 2 bồn, có khăn lau tay. Máy sấy, giấy vệ sinh, dầu gội, sữa tắm, xà bông nước nóng đầy đủ
+ An toàn: mỗi 1 phòng có khóa từ riêng và tủ có khóa cho từng người.
– 20h ~: Ăn tối, dạo chợ đêm và nghỉ ngơi: Định bụng sẽ đi lâu lâu ở chợ đêm để mua quà lưu niệm, maqnet, postcard nhưng hơi thất vọng. Không có gì nhiều ngoài các gian hàng quần áo, đồng hồ, giầy dép. Mặt hàng không hấp dẫn cho lắm. Thua xa chợ đêm Bến Thành. Còn nếu so với chợ đêm Đồng Xuân, chợ đêm Chiang Mai thì chắc chắn đây không thể coi là chợ đc
- Chủ nhật: 8h-14h: Đi bộ theo hướng về Sapaco (Olympic Stadium)
– Wat Ounalom: chỉ đi qua, không vào. Nhìn chung chùa ở đây không hoành tráng và nhiều như Bangkok.
– National Museum: là nơi không thể bỏ lỡ khi đến Phnom Penh. Trưng bày các đặc trưng của kiến trúc Khơ-me với lịch sử từ hàng ngàn năm trước. Bảo tàng rất dễ nhận ra từ xa do nổi bật với màu đỏ. Vé vào cửa 5$, audio tour 5$ (có cả tiếng Việt)
– Cung điện Hoàng gia và Chùa Bạc: Dinh thự nào của vua chúa cũng to, đẹp và rộng. Trước cửa cung điện là quảng trường rộng (nhưng ít cây), nhiều chim bồ câu nhìn đẹp và yên bình, là nơi tụ tập ưa thích của người dân. Giá vé: 7$ (~ Riel 25.000
– Independence Monument là tượng đài đc xây dựng năm 1958 để kỷ niệm 9 năm độc lập từ người Pháp năm 1953. Nếu ko tìm hiểu trước chắc chỉ tưởng là 1 công trình giữa vòng xoay. Do nắng quá nên chỉ chụp ảnh và đi tiếp
– Ngồi cà phê ở Brown đợi đến giờ xe chạy (chi tiết mục dưới).
5. Ăn uống:
Lịch trình đi bộ khám phá theo chiều từ Wat Phnom đến Olympic Stadium có nhiều khu ăn uống:
– xung quanh Onederz rất sầm uất, gần Old Market, Night market và view sông nên có nhiều quán ăn, bar. Đồ ăn đa dạng Nhật, Hàn, Thái, Việt, Pháp, Mỹ, Ý, Cam… Giá cả quanh khu này không rẻ, từ 10-15$. Có 1 quán khá ngon tên MK Halah, do cặp vợ chồng Pháp – Cam-pu-chia làm chủ. Giá bình dân 2-5$.- khu quanh National Museum có 1 số nhà hàng được đánh giá cao:
+ Friends: do nhà hàng do tổ chức phi chính phủ tree-alliance lập nên với mục đích đào tạo nghề cho trẻ em đường phố. Trang trí nhà hàng bắt mắt và tươi vui, hồn nhiên như chính lứa tuổi của các em. Thông tin trang web với menu khá đầy đủ, nhưng tên gọi thì nghe phức tạp vô cùng. Cocktail là thức uống nổi bật ở đây.
+ Romdeng: cùng hệ thống với Friends. Các món ăn gợi ý: 12. Romdeng’s Famous fish amok in banana leaf/ 8. Prawn and pomelo salad with Cucumbers, Betel Leaves and Coconut Sesame Vinaigrette/ 19. Marum’s stir-fried Red tree ants with beef Filet and holy basil
+ Kabbas: đối diện Friends.
+ trên đường vô tình thấy 1 quán ăn vỉa hè bán cơm và mì giá rất rẻ chỉ 1$ nên bay vào ăn thử. Mì ở đây ngon, giống hủ tiếu bò kho, nhưng sợi mì mềm hơn hủ tiếu. Nhìn chung đồ ăn Phnom Penh tương tự đồ ăn của người Khome ở Châu Đốc.
– khu vực xung quanh Independence Monument: quán Ngon, Mok money, quán bánh mì Yummy Pork Roll.

– Sẽ rất thiếu sót nếu đến Phnom Penh mà ko ghé qua chuỗi cửa hàng cà phê Brown, chuyên về Cà phê bản địa. Rất đông dân bản địa tụ tập ở đây. Trước cửa quán, xe máy cũng chật cứng vỉa hè không khác gì ở VN
Cá nhân gọi 1 ly Mocha Chip Cream và hương vị tuyệt vời, mặc dù ko phải là fan của cà phê. Giá chỉ từ 3-5$.Wifi miễn phí nên là chỗ dừng chân lya tưởng sau 1 hành trình dài dưới thời tiết nắng nóng.
6. Sách
Đáng nhẽ chỉ là mấy dòng gạch đầu dòng ngắn cho vào chi tiết lịch trình sáng CN là đủ. Nhưng bản thân khá yêu sách nên cho nội dung này vào riêng 1 mục. Trên hành trình từ Riverside Park đến Sapaco, khám phá ra 2 hiệu sách nhỏ:
– Bohr’s book (đối diện Wat Ounalom): chuyên bán sách đã sử dụng (có mua lại). Vì vậy, sách nhiều ngôn ngữ. Đáng chú ý có 1 ngăn dành cho Lonely Planet. Nhưng đa phần là sách photo với giá rẻ 1-5$, chỉ 1 số ít là sách thật với giá 10-15$ và tương đối mới. Có bán postcard, chất lượng trung bình.
– D’s Book: Cửa hàng bán 1 ít sách cũ và đa phần là mới. Đa dạng thể loại, rộng rãi, không gian thoáng mát. Chị chủ rất thân thiện và nói tiếng Anh tốt. Chị là người cho mình biết lý do tại sao ở đây có 1 số người ko nhận 2$. Có hẳn 1 kệ cho Postcard, chất lượng đẹp. Có thể nhờ chị mua hộ tem và gửi hộ với giá 2$/ bưu thiếp. Cũng có 1 kệ dành cho Lonely Planet nhưng vẫn là sách foto và giá đắt hơn …
Do thời gian có hạn nên Wat Phnom và những địa điểm/ hoạt động thiên về mua sắm như Central Market, Russia market, Aeon mall… chưa đi được. Hẹn lần sau khám phá tiếp.