Thỉnh thoảng, khi đọc các bài viết, đâu đó vẫn bắt gặp những tên nước rất lạ mà giới trẻ tụi mình giờ không còn dùng đến nữa: Gia Nã Đại, Ái Nhĩ Lan, Tiệp Khắc, Phi Luật Tân, Tô Cách Lan, Tân Tây Lan, Tích Lan… Sau một thời gian học tiếng Trung và tìm hiểu mới biết, người Việt đọc và viết những tên này theo Hán Việt, đã qua một lần phiên âm Trung quốc, chứ không phải phiên âm trực tiếp từ tên nước đó. Thế nên không tránh khỏi có những nước nghe rất xa phiên âm gốc.
1. SỰ RA ĐỜI CỦA TỪ “可口可乐 /kěkǒu kělè/ – COCA COLA “
Khi mới gia nhập thị trường Trung Quốc, Coca Cola đã gọi tên sản phẩm của mình là 蝌蚪啃蜡 /kēdǒu kěn là/, 蝌蚪 – con nòng nọc, 啃蜡 – nhai sáp. Sau đó, hãng này đã đăng quảng cáo trên tờ Thời báo Anh (The Times) tìm cách dịch tên tiếng Trung Quốc cho Coca Cola với mức thưởng 350 bảng Anh.
Cuối cùng một thanh niên người Trung Quốc đang du học tại Anh đã giành chiến thắng với từ 可口可乐 – /kěkǒu kělè/, từ này vừa giữ được âm đọc gần tiếng Anh nguyên gốc và thể hiện được tinh thần của loại nước uống này là “ngon miệng 可口, sảng khoái 可乐.
2. TỪ MƯỢN TIẾNG TRUNG
Ví dụ trên chỉ là một trong số rất nhiều từ mượn trong tiếng Trung. Cũng như bao ngôn ngữ khác, khi hội nhập, không tránh được một số từ nước ngoài được “Trung hóa” để dễ phổ cập hơn trong dân chúng. Một vài ví dụ khác:
– 博客 /bókè/: Blog
– 沙发 /shāfā/: sofa
– 咖啡/kāfēi/: Cafe
– 巧克力/qiǎokèlì/: Chocolate
– 披萨 /pīsà/: Pizza
– 汉堡 /hànbǎo/: Hamburger
– 微波爐/ wéibōlú/: microwave (Hán Việt: VI BA LÔ)
– 摩托/mótuō/: motor
– 卡通/ kǎtōng/: cartoon
Tuy nhiên, không chỉ những khái niệm lạ được Trung hóa, người Trung Quốc còn phiên âm cả những tên riêng cũng theo cách như thế, ví dụ:
– Aspirin (tên thuốc): 阿司匹林 /Āsīpīlín
– Peppa (nhân vật Peppa Pig): 佩奇/ Pèi qí
– Georger: 乔治/ Qiáo zhì
– Danny: 丹尼/ dān ní
– Suzy: 苏西/ sū xī
– Rebecca: 瑞贝卡/ ruì bèi kǎ
– (Cristoforo) Colombo: 科伦坡/ Kēlúnpō (Hán Việt: Kha Luân Bố)
– Napoléon: 拿破仑/ Nápòlún (Hán Việt: Nã Phá Luân)
3. TÊN GỌI XƯA CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA
Như nói ở tiêu đề, có nhiều trường hợp người Việt đọc và viết những tên riêng của các nước theo phiên âm Hán Việt, chứ không phải phiên âm trực tiếp nên không tránh khỏi có những nước nghe rất xa phiên âm gốc. Ví dụ:
Tên tiếng Anh | Tên tiếng Trung/ Pinyin | Tên Hán Việt |
Singapore | 新加坡/ Xīnjiāpō | Tân Gia Ba |
Malaysia | 马来西亚/ Mǎláixīyà | Mã Lai Tây Á (Mã Lai) |
Thailand (tên cũ: Siam) | 泰国/ Tàiguó (tên cũ: 暹羅/ Xiānluó) | Thái Quốc (Thái) (tên cũ: Xiêm La) |
Cambodia (tên cũ: Cambodge) | 柬埔寨/ Jiǎnpǔzhài (tên cũ: 高 綿/ Gāo mián) | Giản Bộ Trại (tên cũ: Cao Miên) |
Indonesia | 印尼/ Yìnní (tên hay gọi: 南 洋/ Nányáng) | Ấn Ni (tên hay gọi: Nam Dương) |
Taiwan | 台湾/ Táiwān | Đài Loan |
South Korea (tên cũ cả 2 miền: Goryeo) | 韩国/ Hánguó (tên cũ cả 2 miền: 高麗/ Gāolí) | Hàn Quốc (tên cũ cả 2 miền: Cao Ly) |
Myanmar (tên cũ: Burma) | 緬甸/ Miǎndiàn | Miến Điện |
Japan | 日本/ Rìběn | Nhật Bản |
Pakistan | 巴基斯坦/ Bājīsītǎn | Ba Cơ Tư Thản |
France | 法国/ Fàguó | Pháp quốc (Pháp) |
Belgium | 比利時/ Bǐlìshí | Bỉ Lợi Thời (Bỉ) |
Iceland | 冰島/ Bīngdǎo | Băng Đảo |
Norway | 挪威/ Nuówēi | Na Uy |
Denmark | 丹麥/ Dānmài | Đan Mạch |
Sweden | 瑞典/ Ruìdiǎn | Thuỵ Điển |
India | 印度/ Yìndù | Ấn Độ |
Danh sách trên chỉ là một phần rất nhỏ về “từ mượn tiếng Việt từ từ mượn tiếng Trung”, mình lọc theo danh sách các nước đã đi. Ngoài tên riêng của đất nước, các tên thủ đô cũng được Hán Việt như vậy: Hoa Thịnh Đốn (Washington), Nữu Ước (New York), Ba Lê (Paris), Bá Linh (Berlin), Mạc Tư Khoa (Moskva hay Moscow), Luân Đôn (London), Bắc Kinh (Beijing),…
Nhiều tên gọi riêng, giờ vẫn được tiếp tục sử dụng, có lẽ là do thông dụng, dễ đọc hoặc gần với phiên âm gốc, như Đức, Ba Lan, Phần Lan, Ai Cập, Hy Lạp, Mông Cổ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thuỵ Sĩ… Còn những phiên âm xa lạ, ít phổ biến, thì đã không còn được sử dụng nữa, chỉ còn được nghe từ thế hệ trước, hoặc trong các sách báo xưa mà thôi.
Đặc biệt, mình vẫn thích tiếp tục dùng một số tên Hán Việt cũ được đặt theo ý nghĩa gốc, thay vì phiên âm như: Hương Cảng (Hongkong – Hải cảng hương liệu), Băng Đảo (Iceland – vùng đất băng giá), Vạn Tượng (Lanxang – triệu voi), Hải Địa (Haiti – vùng biển có nhiều núi), Mã Lí (Mali – Đất nước của loài Hà mã), Điểu Hà (Uruguay – con sông có nhiều loài chim sinh sống), Hắc Sơn (Montenegro – ngọn núi đen).
Dù sao, giờ quá trình toàn cầu hóa, có thể đọc tên luôn từ bản gốc, không cần phải phiên âm từ một ngôn ngữ trung gian. Chớ không, Coca Cola dễ biến thành KHẢ KHẨU KHẢ NHẠO lắm, nói thôi cũng trẹo cả mồm. 🙂
Nguồn tham khảo về Danh sách tên gọi các nước được phiên âm Hán Việt và ý nghĩa: