Miền Tây không có những danh thắng quá hùng vĩ đến mức ồ à ngạc nhiên. Nhưng mình phải lòng nơi đây vì con người giản dị, hiền lành, chất phác. Mỗi lần về đây, tinh thần luôn được thả lỏng, luôn có cảm giác mình được đối xử như “con cháu trong nhà ở xa mới về”, thay vì là “một du khách xa lạ”.
Ngoài vùng đất Tây Đô, mình rất thích đi An Giang, đã đi những 2 lần và còn muốn quay lại nữa. Ngoài rừng tràm Trà Sư, miếu Bà núi Sam, thì còn gì khám phá nữa? Rất nhiều, cảnh đẹp của những hàng thốt nốt dọc đường lang thang ở Tịnh Biên, Tri Tôn; khu vực Bảy Núi (Thất Sơn) nổi tiếng với hội đua bò hằng năm mừng lễ Sen Đôn-ta (lễ cúng ông bà tổ tiên của người Khmer); làng Chăm Châu Phong, nơi có thánh đường Hồi giáo lâu đời và được bảo tồn rất tốt; di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật của nền văn hóa Óc Eo.
XỨ SỞ THỐT NỐT
Đi dọc những con đường Tịnh Biên, Tri Tôn, không khó để gặp những hàng thốt nốt giữa cánh đồng lúa bát ngát. Thốt nốt là loại cây trồng lâu năm, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người An Giang. Lá và thân cây có rất nhiều công dụng như dùng để lợp nhà, làm củi, đan nón lá hay đan rổ… Trái thốt nốt mọc thành buồng, khi non có màu xanh, lúc chín chuyển sang màu tím thẫm, căng bóng. Bên trong có cơm dày màu trắng, phần này ăn rất ngon. Cơm thốt nốt có vị mềm dẻo quyện với mùi thơm, vị ngọt bùi. Người ta thường kết hợp ăn chung với nước thốt nốt và cho thêm vào một ít đá viên lạnh.

Không như nước dừa, nước thốt nốt được người dân leo lên cây cao, lấy từ vòi hoa trên ngọn và hứng bằng bình to. Nước thốt nốt để lâu dễ bị lên men nên người ta dùng để nấu cô đặc thành đường. Đây là một loại đặc sản của vùng biên, đi dọc đường từ Tịnh Biên về đến Châu Đốc, dọc bên đường đều có bày bán rất nhiều nước và đường thốt nốt. Tuy nhiên, vì công đoạn lấy nước khá vất vả, hoàn toàn thủ công, nên đương nhiên số lượng thu được sẽ không nhiều và giá thành cũng không rẻ. Vì vậy, lưu ý chọn chỗ mua để tránh mua phải nước/ đường thốt nốt pha đường trắng.
Sau quãng đường chạy xe nắng nóng và mệt mỏi, được tạt vào quán ven đường làm ly nước thốt nốt lạnh, ăn kèm cơm mềm mềm dẻo dẻo đúng là không gì sánh bằng.
LỄ HỘI SEN ĐÔN-TA VÀ ĐUA BÒ TRUYỀN THỐNG VÙNG BẢY NÚI

Lễ Đôn Ta còn được gọi là lễ “Xá tội vong nhân” là ngày lễ của người Khmer tổ chức. Nếu như người kinh mình có lễ Vu Lan thì người Khmer cũng có lễ Đôn Ta, diễn ra trong 3 ngày rằm tháng 10 lịch Khmer hằng năm. Theo phong tục của dân tộc người Khmer, họ không tổ chức ngày giỗ hằng năm cho người chết. Vì vậy họ tổ chức lễ để tưởng nhớ ông bà đã khuất và cầu phước cho người còn sống.
Trong thời gian diễn ra lễ Đôn Ta, tại các chùa sẽ có nhiều tiết mục văn nghệ, nhạc ngũ âm, trò chơi vui dân gian. Đặc biệt có nhiều nơi ở vùng đất Bảy Núi, An Giang diễn ra lễ hội đua bò truyền thống như: chùa Proh An Cư (Tịnh Biên), chùa Thamma Nimit (Tịnh Biên), khu thể thao Tà Pạ – Soài Chek (Tri Tôn). Đây là dịp thu hút nhiều du khách đến tham quan và cả những ai mê nhiếp ảnh.
TỔNG HỢP CÁC ĐIỂM DU LỊCH
Thông tin trong bài là tổng hợp kinh nghiệm và góc nhìn thực tế từ những lần đã đi. Sẽ còn tiếp tục cập nhật nếu có dịp về An Giang.
1. CHÂU ĐỐC
Đi đâu?
- Làng Chăm Châu Phong: nằm ngay gần thành phố Châu Đốc, bên bờ sông Hậu, là nơi có cộng đồng người Chăm lớn nhất An Giang. Người Chăm ở đây theo đạo Hồi, nên nơi đây có rất nhiều thánh đường được xây dựng và hiện vẫn được bảo tồn tốt: các thánh đường lớn như Mubarak (được xây dựng tu bổ năm 1808 từ nền thánh đường cũ), Masjid Jamiul Azhar (xây dựng từ 1959), Masjid Nia’mah (xây dựng từ …), và rất nhiều thánh đường nhỏ. Nhà thờ Hồi giáo ở đây đều được sơn 2 màu chủ đạo là xanh cổ vịt và màu trắng, tạo nên nét khác biệt với những nơi khác. Thánh đường có nghĩa trang bên trong, là nơi an táng của nhiều người Hồi giáo trên khắp Việt Nam. Một trong năm điều răn với người Hồi giáo là phải hành hương tới thánh địa Mecca một lần trong đời. Tuy nhiên, với cộng đồng Hồi giáo tại Việt Nam, nhiều người chọn những chuyến hành hương tới các nhà thờ Hồi giáo lớn tại An Giang.

- Lên núi Sam ngắm kênh Vĩnh Tế và xin “vía Bà”: miếu Bà An Giang từ lâu đã nổi tiếng linh thiêng, cứ đến ngày vía Bà là người người đổ về đây. Vì vậy, nếu chỉ có ý định đi tham quan thì nên tránh những ngày lễ này. Đường lên miếu ngoằn ngoèo, có nhiều chỗ dừng chân để ngắm toàn cảnh kênh Vĩnh Tế và cánh đồng lúa bát ngát bên dưới: Chùa Long Sơn, Núi Sam Victoria Lodge.

Ăn gì?
- Bún cá cô Lệ Châu Đốc: Điểm đặc biệt của bún cá châu Đốc là nước dùng nấu củ ngải bún, ăn cùng bông điên điển và heo quay. Nước vị thanh mát, heo quay không ngấy, ăn với nhau rất hợp.
- Bò Trường Nhật: xứ bao quanh bốn bề là núi nổi tiếng với gạo ngon và các món từ bò. Vào đây thì nhất định đừng quên gọi món bò lụi sả, bò xào khổ qua, gù bò hấp,…
- Tiệm cơm Mỹ Huệ: đây là quán cơm bình dân với những món thuần miền Tây: cá linh chiên giòn mắm me, lẩu cá linh bông điên điển…
Ở đâu?
- Khách sạn Trung Nguyên, tầm 300k/ phòng, đối diện chợ, có cho thuê xe máy 150k/ ngày
- Victoria Núi Sam Lodge: tầm 2,5tr/ phòng ngày cuối tuần, có nhà hàng Lá Giang phục vụ ăn uống tại chỗ
2. TỊNH BIÊN
Đi đâu?
- Tour chụp ảnh các rặng thốt nốt: Rặng cây thốt nốt chùa Sà-đếch-tốt, rặng thốt nốt sinh đôi gần rừng tràm trà sư, rặng thốt nốt trái tim,…
- Rừng tràm trà sư: đã chuyển giao tư nhân quản lý nên được xây dựng lại cho hấp dẫn hơn với du khách, có nhiều dịch vụ hơn trước. Do quy hoạch lại nên không đi vào khu bèo tấm – view thần thánh mỗi khi nhắc đến rừng tràm, mà sẽ đi qua khu rừng tràm có nhiều loài chim làm tổ, chim chóc bay kín trên đầu và làm tổ dày đặc trên cây.
- Thăm quan các chùa Khơme: Proh An Cư, Sà-đếch-tót,…
Ăn gì?
- Bánh tằm chợ An Giáo: bánh tằm tưới nước cốt dừa, nem (nhân đậu xanh bùi bùi), sườn nướng, chả lụa tự làm. Chợ chỉ bán ăn sáng.
- Chùa bánh xèo: ăn bánh xèo chay ngon nhức nhối, bột tự đổ, giá, đậu hũ, đậu xanh hấp bùi bùi, ăn phải 2 cái mới đủ no.
Ở đâu?
Khách sạn Mai Thanh, 270k/ phòng, phòng hơi cũ rồi, nhưng quanh đây thì chỗ này là khách sạn có số lượng phòng lớn, có một nhà hàng phục vụ ăn uống.
3. TRI TÔN
Đi đâu?
- Thăm quan các chùa Khmer: Krang Krhoch Khmer Pagoda (đường vào chùa đi qua hàng cây còng rất đẹp), chùa Tual Prasat, …
- Khu Tà Pạ – Soài Chék và hồ O Thum.
- Bảo tàng Nhà mồ Ba Chúc, cho ai yêu thích lịch sử.
Ăn gì?
- Thốt nốt Kỳ Khuê: Quán nước thốt nốt giới thiệu bởi bạn người bản địa. Nước tươi nấu trong ngày, cho lá đặc biệt rất thơm, may mắn sẽ đc uống mật hoa thốt nốt tươi. Có thể ghé đây mua thốt nốt rim (ngào) đường tự làm.
- Siêu gà đốt hồ O Thum: quán có chủ là người Campuchia nên ăn vị rất đặc trưng: gà đốt cùng lá chúc, sả: da giòn, ngấm đều da vị và không mỡ. Nước chấm được làm từ muối, ớt và trái chúc (trái chua giống chanh, nhưng vỏ không bị đắng, vì vậy khi vắt, thường úp ngửa nửa trái lên để dầu thơm. Vì có điểm đặc biệt này nên gà nướng hay muối ớt chúc rất thơm, món gà ngon nhất mình từng ăn). Gọi combo 3 món: 1 gà nhỏ, 1 cơm, 1 gỏi 350k. Nên gọi thêm đu đủ đâm trộn mắm ba khía. Gọi như này thì ăn 3 người là vừa, 2 người hơi thừa.
ĐI AN GIANG, MUA GÌ VỀ LÀM QUÀ
Dạo chơi chợ truyền thống để tìm mua đặc sản:
- Me Thái ở chợ Tịnh Biên, giá bán ở đây khá rẻ so với Hồ Chí Minh.
- Thốt nốt tươi hoặc nước thốt nốt, nhưng lưu ý mua dọc đường dễ mua nước pha đường (nước và đường thốt nốt sậm màu mới là màu đúng)
- Mắm cá đủ loại, nhiều màu sắc chợ châu Đốc.
- Lạp xưởng bò.
- Trái chúc: hình dạng như trái hồ lô, vỏ sần sùi, vị chua và thơm rất lâu. Là cây đặc hữu của vùng đất Bảy Núi An Giang, toàn cây có tinh dầu rất thơm, được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Đi Châu Đốc (An Giang) từ Hồ Chí Minh rất dễ. Tối bắt xe Futa, đi chuyến 00:00, xe đêm chạy nhanh, 4:30 đã đến thành phố. Ngồi bến xe nghỉ ngơi cho tỉnh ngủ rồi đi xe trung chuyển vào trong chợ trung tâm, ăn sáng, thuê xe. Vậy là cứ tà tà 2 ngày khám phá hết Châu Đốc – Tịnh Biên. Để săn được hoàng hôn/ bình minh trên các rặng thốt nốt thì nên ngủ ở khách sạn Tịnh Biên để sáng hôm sau đi sớm. Còn nếu muốn đông vui thì tối ngủ lại Châu Đốc. Cuối tuần nếu du khách đông, có tình trạng hết xe máy để thuê, thì có thể về khu núi Sam, hoặc gọi khách sạn Trung Nguyễn (cạnh chợ châu Đốc). Có thể thuê xe ngay từ sáng sớm 5-6h.
Xe Phương Trang mới đưa vào khai thác các tuyến trong nội tỉnh An Giang (Tịnh Biên, Tri Tôn, Óc Eo…), nhưng phải gọi điện để đăng ký trước để được trung chuyển đỡ phải đợi.
Cung đường đi thong thả khám phá An Giang 2 ngày 2 đêm hợp lý mà không vội vàng: Châu Đốc – Tịnh Biên, Châu Đốc – (Tịnh Biên) – Tri Tôn, Long Xuyên – (Óc Eo) – Tri Tôn.
An Giang ko có biển, chỉ có sông, núi, … Vật giá rẻ, ăn sáng bánh tằm đầy ú thịt và chả giá 15k, 8 cái bò cuốn sả ăn bự chảng cũng chỉ 100k. Mỗi tội khách sạn bình dân hơi cũ, hiếm homestay, đi cuối tuần hoặc lễ thì dễ hết xe máy để thuê.
Mừng là sau 5 năm quay lại, lại trải qua đại dịch, mà các hàng quán cũ vẫn còn nguyên. Dù sao cũng là kinh doanh tự thân, đất/ nhà của họ, dịch đóng cửa thì chỉ không có thu nhập, sau dịch vẫn còn nhà/ cửa ở đấy tiếp tục việc làm ăn. Không giống thành phố lớn, chủ yếu là người thuê, dịch dã càn quét là vô số cơ sở không trụ nổi và bị xoá sổ.