Một cuốn sách hấp dẫn như tiểu thuyết về lịch sử một đất nước. Muốn hiểu lịch sử bi đát và anh hùng của dân tộc Do Thái, hiểu sự tranh chấp của các đế quốc tại Trung Đông.
“Người mình hồi trẻ nên học tinh thần của Do Thái, hồi già nên học tinh thần của Ấn Độ (tức tinh thần Phật giáo). Học ở đây theo cái nghĩa “chọn cái hay của người tốt mà theo, chọn cái dở của người không tốt mà sửa”. Vì Israel không phải luôn luôn làm cho thế giới cảm phục (ý nói đến trang sử 1956 khi Israel tự nguyện làm tay sai cho Anh, Pháp, ngấm ngầm âm mưu để tấn công Ai Cập). Đó là một trong vài cái “bất thiện” của họ. Còn những cái thiện thì khá nhiều. Họ có những tấm gương mạo hiểm, chiến đấu, kiên nhẫn, hi sinh đáng cho ta noi theo; có nhiều kinh nghiệm về việc định cư, khuếch trương giáo dục, canh nông, cách tổ chức các cộng đồng đáng cho ta học. Nhưng đáng quý hơn hết là họ gián tiếp vạch cho ta thấy cái hại của thực dân và chứng tỏ cho ta tin tưởng rằng chỉ trên nửa triệu người cũng có thể thắng thực dân được. Họ bị cả thế giới coi là một bọn mất gốc, lang thang, ti tiện; vậy mà khi Herzl hô hào người Do Thái phải tự cứu lấy mình, thì họ đã biết tự cứu lấy họ. Có lãnh tụ tài ba, đức hạn thì dân tộc nào cũng biết đoàn kết, thiếu lãnh tụ tài ba, đức hạnh thì dân tộc nào cũng tan rã.
TÓM LƯỢC LỊCH SỬ DÂN TỘC DO THÁI (Phần này tóm lược từ cuốn “Câu chuyện Do Thái” (Đặng Hoàng Xa)
Lịch sử dân tộc Do Thái có từ trên 5.000 năm, tóm tắt như sau:
1. Thời kỳ Kinh Thánh (Bible time, 3.000-538 T.CN)
- Đất tổ của Do Thái giáo là vùng Canaan cổ (thuộc Palestine, Jordan, Israel ngày nay). Canaan nằm ở nơi giao nhau của các nền văn minh, kết nối 3 châu lục Phi, Âu và Á. Nơi đây đã là nơi cư ngụ của các bộ tộc và các dân tộc khác nhau: thổ dân Anakim, thổ dân Rephaim, người Canaan (Canaanites, người Hy Lạp gọi họ là Phoenicians). Do vị trí địa lý nên nơi đây trở thành điểm giao thương lâu đời trong lịch sử. Thông qua việc theo đuổi thương mại một cách hòa bình, người Canaan đã được tiếp xúc với các dân tộc ở xa, và rồi được chia nhỏ thành các sắc dân.
Có rất ít bằng chứng khảo cổ về người Do Thái đầu tiên. Sự tồn tại của người Canaan ở Palestine, người Moabite, Amorite và Edomite ở phía Đông, vương quốc Aram ở phía Bắc, người du mục Habiru (hay Apiru). Một giả thuyết khá thuyết phục hiện nay, cho rằng người Do Thái là pha trộn giữa người Canaan và người Habiru hoặc dân cướp Bedouin. Tiếng Hebrew thuộc cùng gia đình ngôn ngữ Semitic như tiếng Canaanite, Phoenician và Punic, nhưng chỉ còn tiếng Hebrew còn tồn tại đến ngày nay.
- Lịch sử riêng của dân tộc Do Thái bắt đầu từ khoảng 2.000 năm T.CN, khi Abram (tên mới sinh của Abraham) cùng gia đình rời bỏ quê hương ở Ur đi đến Harran và xâm nhập vào Canaan. Bắt đầu từ thị tộc (clan), rồi phát triển lớn hơn thành một bộ lạc (tribe), và cuối cùng cắm rễ trở thành một dân tộc (nation) Do Thái. Ba thế hệ đầu Abraham, Isaac, 12 người con trai của Jacob được gọi là “tổ phụ” (Patriarchs) của dân tộc Do Thái.
- Di cư đến Ai Cập: Đất Canaan rơi vào cảnh mất mùa đói kém, toàn thể gia tộc của Jacob (bộ lạc gồm 70 người) đã di cư qua Ai Cập với phù sa màu mỡ của sông Nil và định cư tại đây 400 năm (đến 1583 T.CN). 12 người con của Jabob phát triển thành 12 chi tộc, chuyển từ cuộc sống du mục sang định cư nông nghiệp. 70 di dân phát triển thành hàng trăm nghìn người, trở thành mối lo ngại của các Pharaoh. Người Do Thái bị bóc lột như nô lệ.
Sử liệu của người Ai Cập cũng như Kinh Thánh không nói gì về quãng thời gian 400 năm này. Một vài học giả cho rằng nhóm người Kyksos nổi lên loại trừ các thủ lĩnh bản địa Ai Cập khoảng thời gian 1.700-1.550 T.CN suy luận rằng đó là người Do Thái.
- Moise (sống vào khoảng thế kỷ XV-XIV T.CN) giải cứu đồng bào khỏi bị diệt chủng. Hành trình thoát ly khỏi Ai Cập về lại Miền Đất hứa (Promised Land) qua nhiều sa mạc hoang vu và đoàn người khoảng 400.000 lưu lạc ở đó 40 năm (1266 T.CN-1304 T.CN). Ở đây (núi Sinai), Moise đặt cơ sở cho Do Thái giáo, thờ thần Jahovah, một vị thần vạn trí, vạn năng, chí công, chí nhân, tạo ra trời đất và là cha sinh ra muôn loài. Nhờ Moise mà dân tộc Do Thái bắt đầu văn minh và thống nhất. Cuối đời, Moses chuyển quyền lãnh cho Joshua. Joshua cho đánh chiếm một phần xứ Canaan và họ về đó định cư.
Trên thực tế , ngoài Kinh Thánh Hebrew, không có tư liệu lịch sử đáng tin cậy khác về hành trình của Moses (lịch sử hiện đại gọi là Exodus). Chúng ta chỉ có thể phán đoán rằng khi Moses dẫn người Do Thái đến núi Sinai, ông thực ra chỉ làm theo tập tục lâu đời của người Ai Cập đã có hàng nghìn năm trước đó trong những cuộc viễn chinh săn tìm đá quý. Câu chuyện về cuộc sống lang thang 40 năm trong sa mạc có vẻ cũng hợp lý với một dân tộc quen sống du mục. Và cuộc chinh phục xứ Canaan của Joshua nói cho cùng, cũng chỉ là trường hợp một bộ tộc du mục đói khát tấn công một cộng đồng định cư yên ổn để giành đất sống. Và phải chăng, cuộc đối thoại giữa Moses và Thượng đến cũng chỉ là cách Moses bày ra để dễ bề cai trị một đám dân du mục gồm hằng trăm người cứng đầu cứng cổ trong hành trình Exodus đầy gian khổ.
Khi đề cập đến câu chuyện 40 năm này, Golda Meir, người “đàn bà sắt”, thủ tướng thứ 4 của Israel, có lần nói vui rằng: “Hãy để cho tôi nói cho các bạn nghe về một điều mà tôi chống lại Moses. Đó là ông ta đã dẫn dắt chúng tôi 40 năm lang thang trong sa mạc để rồi cuối cùng đưa chúng tôi đến một vùng đất ở Trung Đông không có lấy một giọt dầu mỏ”. Quả là một nghịch cảnh.
- Những vị vua vĩ đại ban đầu: Saul, David, Solomon: Sau khi trở về Canaan, người Do Thái là một tổ chức xã hội nông nghiệp nghèo, tổ chức theo 12 bộ tộc (12 con trai của Jacob) và sống bình đẳng, ít tranh chấp với các láng giềng Canaan khác. Tuy nhiên, người Philistine xuất hiện vào khoảng 1175 T.CN đe dọa sự ổn định hòa bình của khu vực. Họ liên tục tấn công các bộ tộc người Do Thái dẫn đến ra đời một chính quyền trung ương, cai trị bởi một vị vua. Saul (1043-1010 T.CN), David (con rể Saul, 1002-970 T.CN), Solomon (970-931 T.CN) trở thành những vị vua đầu tiên của Vương quốc thống nhất Israel, đánh đuổi được tân tộc Philistine ở Canaan, và cho xây dựng ngôi đền Jerusalem. Thời đại David-Solomon là thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử Irael.
- 931 T.CN, Salomon mất, nước chia làm hai tiểu quốc tranh giành nhau và suy yếu dần:
+ Israel ở phương Bắc, thủ đô Samaria: Jeroboam, người không thuộc hoàng tộc David, lãnh đạo cuộc nổi loạn của 10 bộ tộc phương Bắc (do 10 bộ tộc này không chấp nhận việc David (con rể) là vua. Vương quốc Israel phương Bắc tồn tại được khoảng 200 năm (930-720 T.CN) rồi bị xâm lăng bởi Đế quốc Assyria. 10 bộ tộc bị giết, lưu đày và biến mất khỏi lịch sử. Sự kiện này được lịch sử gọi là “10 bộ tộc thất lạc” (The lost Ten tribes).
+ Judah ở phương Nam, thủ đô Jerusalem: hai bộ tộc Judah và Benjamin trung thành với hoàng tộc David. Vương quốc Judah phương Nam tồn tại lâu hơn (930-586 T.CN) rồi cũng bị Babylon chiếm vào 586 T.CN và dân bị đày tới Babylone. Sự kiện này đánh dấu lần ly tán thứ 1, sử sách gọi là thời kỳ “Ngôi đền thứ nhất”.
2. Thời kỳ tự trị Do Thái (538-60 T.CN)
Nhờ các nhà tiên tri Do Thái mà cuộc sống bị lưu đày tại Babylon không những không làm mất đi lòng tin của người Do Thái vào Thiên Chúa mà còn giúp họ nảy sinh những truyền thống mới, những tầng lớp tinh hoa mới. Babylon từng bước trở thành trung tâm sinh hoạt mới của người Do Thái bên ngoài Palestine.
Năm 538 T.CN, người Ba Tư chinh phục Babylon và người Do Thái được trả tự do và được trở về Judah gây dựng lại quốc gia, ngôi đền Jerusalem được xây dựng lại. Thời kỳ này cũng được sử sách gọi là “Ngôi đền thứ hai” (515-70 T.CN).
3. Thời kỳ nước ngoài cai trị (60 T.CN-1948)
Từ năm 60 T.CN Vương quốc cuối cùng của Israel, Hasmoneans suy yếu và rơi vào sự thống trị của Đế quốc La Mã (70 T.CN-313) và Đế quốc Byzantine (313-636). Sau đó, suốt từ thế kỷ VII đến 1848, Canaan lần lượt rơi vào tay người Ả Rập, Seljuk, quân Thập Tự chinh, quân Mamluk, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh Quốc. Thời kỳ kéo dài gần 2.000 năm này, người Do Thái bắt đầu cuộc sống lưu vong trên khắp các quốc gia trên thế giới, hình thành các Cộng đồng Do Thái lưu vong (The Jewish Diaspora).
Có 2 quan điểm về thời gian bắt đầu bước đường lang thang của dân tộc Do Thái:
- Bắt đầu tư 720 T.CN khi Israel bị Assyrie tiêu diệt và đày mấy ngàn người Do Thái tới Trung Á. Tới 586 T.CN thì Judee cũng bị Babylone tiêu diệt và dân bị bắt làm tù binh. Dân phương Bắc dễ đồng hóa với miền họ tới, dân phương Nam thì sống cách biệt và giữ truyền thống.
- Quan niệm khác thì cho rằng do sau đó họ còn được trở về cố hương xây dựng lại quốc gia, nên qua thế kỷ thứ nhất, họ mới thực sự phiêu bạt qua Tiểu Á, châu Âu, Bắc Phi, chỉ một nhóm nhỏ ở lại trong xứ sống chung với người Ả Rập.
Từ dân tộc Do thái đã ra đời 3 tôn giáo lớn nhất và ảnh hưởng nhất trên thế giới.
– Quan hệ về khía cạnh tôn giáo giữa Do Thái giáo và Hồi giáo:
Theo Kinh Thánh, Thượng đế tạo nên trái đất, sau đó tạo ra con người. Tên của con người đầu tiên là Adam. Con cháu của Adam và Eva dẫn tới Noah. Con trai lớn của Noah là Shem trở thành tổ tiên của các giống dân Do Thái và Ả Rập (gọi chung là Semites). Con cháu của Shem dẫn đến Abraham. Abraham cưới Sarah (vợ đầu), sinh con trai Isaac và Hagar (vợ thứ), sinh con trai Ishmael. Sarah ép Abraham đày Hagar và Ishmael ra khỏi bộ tộc. Kinh Koran của Hồi giáo theo sát Kinh Cựu Ước đến thời điểm này và bắt đầu tách ra từ đây. Theo Kinh Koran, Ishmael đi tới Mecca và con cháu phát triển mạnh khắp bán đảo Ả Rập rồi trở thành người Hồi giáo. Theo Kinh Toral, con cháu của Isaac vẫn ở lại Palestine và trở thành tổ tiên của người Hebrew, mà sau này gọi là Iraelites rồi Jews (tiếng Việt gọi chung là người Do Thái).
– Quan hệ về khía cạnh tôn giáo giữa Do Thái giáo và Kito giáo:
Kito giáo được Chúa Jesus sáng lập vào giữa thế kỷ I như là một nhánh của Do thái giáo. Phần lớn nội dung của Kinh Cựu ước của Kito giáo là lấy từ Kinh Torah. Năm 323, hoàng đế La Mã Constantine I biến Kito giáo trở thành quốc giáo, mang đến áp lực và thù nghịch với người Do Thái giáo trên khắp Đế quốc La Mã. Do Thái giáo từ chối công nhận Chúa Jesus là vị cứu tinh. Người bị một môn phái của đạo Do Thái oán ghét, tìm cách hãm hại, vu cho ông là phiến loạn, buộc nhà cầm quyền La Mã xử tội ông và đóng đinh trên núi Golgotha. Rạn nứt ngày càng nghiêm trọng đã dẫn đến sự ly khai của Kito giáo khỏi Do Thái giáo.
Mặc dù cùng chung một nguồn gốc (từ Abraham), nhưng người Hồi giáo, người Kito giáo và người Do Thái vẫn không hết thù ghét nhau phần lớn là do kỳ thị tôn giáo.
LÝ DO BỊ KỲ THỊ, KHINH THƯỜNG
- Là một dân tộc mất tổ quốc, họ coi xứ tiếp nhận họ là tổ quốc và nhập tịch, cũng hi sinh tính mạng trong những khi có biến như người bản xứ. Mặc dầu vậy, họ vẫn bị một số người bản xứ nghi kỵ, khinh bỉ, ghen ghét vì thấy họ giàu có, chiếm những địa vị cao trong xã hội, có ảnh hưởng tới nội trị, ngoại giao.
- Dân tộc Do Thái bị buộc tội giết chua Jesus nhưng lại giàu có, thành công. Dầu cứ tưới thêm vào lửa, nỗi bất bình chỉ đợi lúc nổ ra. Thù oán họ nhất là một số tín đồ Kitô giáo.
Người phương Đông đọc lịch sử phương Tây không làm sao hiểu nổi cái mối thù non 2.000 năm của đa số dân chúng châu Âu đối với dân tộc Do Thái. Tôi có cảm tưởng rằng người phương Tây có tinh thần, gần như là cái “máu” kì thị màu da và tôn giáo. Chỉ ở Âu châu, chúng ta mới thấy những chiến tranh tôn giáo dai dẳng và kinh khủng nhất trong lịch sử nhân loại; và chỉ có ở Mĩ cũng là gốc Âu nữa, chúng ta mới thấy những vụ tàn sát da đỏ và da đen nối tiếp nhau trong hằng thế kỉ. Người phương Đông cũng vẫn thường chém giết nhau vì quyền lợi, vì danh dự, đôi khi cũng vì tín ngưỡng, nhưng cơn giận xong rồi thì thôi. Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản hay Triều Tiên… lại vui sống chung với nhau, buôn bán với nhau, gả con gả cháu cho nhau. Có bao giờ mà thù nhau truyền kiếp như đa số người theo Ki Tô giáo đối với người theo Do Thái giáo hoặc đa số người Mĩ da trắng đối với những người Mĩ da đen.
BI KỊCH BỊ THẢM SÁT
Thế kỷ XI khi có những cuộc viễn chinh của Thập tự quân, cuộc tàn sát Do Thái mới thực sự bắt đầu.
- Năm 1096, một ngàn rưỡi mạng bị tàn sát ở Worms và Mayence
- Từ 1113-1921, tiếp tới rất nhiều vụ tàn sát khác ở khắp châu Âu trong những “progom” và “ghetto”.
- Tất cả những vụ trên cũng không thấm vào đâu so với vụ tàn sát 6 triệu người Do Thái ở Ba Lan và Đức, tàn sát một cách bình tĩnh, có kế hoạch, có tổ chức theo đúng tinh thần khoa học, cho nên ghê gớm, rùng rợn vô cùng. Năm 1946, người ta phải đặt ra một danh từ mới cho hành động của bọn chúng, “Genocide” – diệt chủng (Genos, tiếng Hi Lạp, nghĩa là chủng tộc; Caedere, tiếng La Tinh, nghĩa là giết).
Fred, trong cuốn “Tương lai của một ảo ảnh”, bảo rằng: “Nhân loại xây dựng được nhiều nền văn minh, nhưng số người văn mình thì thời nào cũng rất ít, và đa số chỉ có cái bề ngoài là văn minh; họ hoảng sợ khi nghĩ tới chuyện giết người, hiếp dâm, nhưng rồi chính họ, nếu gặp cơ hội thỏa mãn thú tính của họ mà không bị trừng trị thì sẽ không do dự gì cả, thẳng tay làm hại người đồng loại bằng mọi phương tiện tàn nhẫn, bỉ ổi.”
Stefan Zweig đã chua chát như này trong tập hồi ký “Thế giới hôm qua”: “Cái thảm thương nhất trong bi kịch Do Thái ở thế kỉ XX này là những kẻ bị tai họa không thể hiểu nổi ý nghĩa của bi kịch đó: tại sao người ta lại giết họ khi họ không có lỗi gì cả? Thời trung cổ, tổ tiên họ phải đau khổ, nhưng ít nhất cũng hiểu mình đau khổ vì cái gì: vì tín ngưỡng, vì luật đạo. Và khi người ta liệng họ lên giàn hỏa, thì họ ôm Thánh kinh vào lòng, nhờ nhiệt tâm trong lòng mà họ chịu được sức nóng của ngọn lửa thiêu họ. Nhưng đã từ lâu rồi, những người Do Thái ở thế kỷ XX không còn tín ngưỡng đó nữa, chỉ muốn sáp nhập vào các dân tộc khác thì tại sao người ta lại tàn sát họ?
THEODOR HERLZ (1860-1904) VÀ PHONG TRÀO SION THÀNH LẬP QUỐC GIA ISRAEL
Vì mất tổ quốc, phải lang thang, phiêu bạt khắp nơi mà không ở đâu được yên ổn, tới đâu cũng bị kì thị, hắt hủi, trục xuất, hành hung, chém giết, cho nên lòng tư hương của người Do thái trong non 2.000 năm không lúc nào nguôi. Họ cầu nguyện Chúa thương Jerusalem, thương Sion, và thương họ, dắt họ về Đất Chúa. Lòng tư hương là một tình cảm mãnh liệt, lí trí không thể nào thắng nổi.
- Trước Herlz, phong trào hồi hương được nhiều người giúp đỡ về mọi phương diện: tinh thần, tài chính… nhưng không phát triển mạnh được. Còn thiếu một sự khích động mãnh liệt, thiếu một người lãnh đạo.
- 1894: Sự kích động đó là vụ án Dreyfus và vị lãnh đạo đó là Theodor Herlz.
- 1896.02: Herlz xuất bản “Quốc gia Do Thái” (L’Etat juif). Cái công lớn nhất của Herlz là đã tiêm được một bầu nhiệt huyết vào lòng người Do Thái, đã làm cho lòng tư hương của họ có thêm một ý chí hành động, tích cực chiến đấu. Ông bảo: chỉ có mình mới tự cứu mình được thôi, và vấn đề Do Thái phải do người Do Thái giải quyết lấy.
- 1897: họp hội nghị Sion đầu tiên
- 1901: Quỹ quốc gia Do Thái thành lập với mục đích mua đất bỏ hoang ở Palestine cho người Do Thái
- 1909: Tel Aviv (Đồi xuân) thành lập
- 1911: Kibboutz đầu tiên ở Degania thành lập
- 1917: Tuyên ngôn Balfour (Declaration Balfour) được người Pháp gửi cho Chaim Weizman (chủ tịch Sion sau Herzl, sau này là Tổng thống đầu tiên của Israel), thỏa thuận cho dân tộc Do Thái thành lập một “quê hương” (national home) ở Palestine.
- 1946: Vụ Exodus
- 1948.04: David Ben Gourion (người thực hiện được cái mộng của Herzl) làm chủ tịch ủy ban lâm thời
- 1948.05.14: quốc gia Israel thành lập
NGUYÊN NHÂN XUNG ĐỘT ISRAEL – KHỐI Ả RẬP
- Vấn đề biên giới
- Vấn đề dân Ả Rập Palestine tản cử
- Xung đột tôn giáo tín ngưỡng: Kinh Cựu Ước và kinh Coran có nhiều đoạn làm cho hai dân tộc hiềm thù
- Tinh thần quốc gia mới Ả Rập: Người thổi bùng tinh thần ấy là Nasser. Sau chiến tranh Ireal – Ả Rập năm 1949, ông nhận thấy mấy trục triệu Ả Rập thua nửa triệu Do Thái chỉ tại 5 quốc gia Ả Rập tuy gọi là liên hiệp với nhau mà thực ra thì mỗi quốc gia lại mưu cái lợi riêng cho mình. Phải đoàn kết lại một khối Ả Rập thì mới mạnh được. Muốn liên kết các quốc gia Ả Rập thì không có gì bằng thổi bùng lên ngọn lửa căm thù Do Thái. Các nhà lãnh đạo Ả Rập đều hiểu như vậy và nhà nào cũng muốn tiếp tục sự nghiệp của Mohammed, nhưng chỉ có Nasser là được đa số dân chúng Ả Rập ngưỡng mộ, vì ông ta là nhà ái quốc, vốn ghét bọn thực dân Tây phương, lại là nhà lãnh đạo có tài nhất, can đảm nhất trong khối Ả Rập. Ông ta có cái mộng lớn: diệt Do Thái, thống nhất Ả Rập, cầm đầu khối chống hai khối Nga, Mỹ.
- Sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc.
QUỐC GIA ISRAEL VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM
1. Giáo dục
Các cấp học ở Israel:
- Tiểu học là cấp bắt buộc, cho trẻ từ 5 đến 14 tuổi (1 năm vườn trẻ, 8 năm ở tiểu học). Ngoài những môn thường như toán, sử, địa,… còn có những môn canh nông và các nghề chân tay. Từ năm thứ sau, chúng được học thêm một ngoại ngữ. Trẻ em nào học hết tiểu học cũng được lên trung học. Không cho điểm, hoặc cho mà không coi điểm là quan trọng, không phạt, cũng không bắt ở lại lớp.
- Trung học không bắt buộc và phải trả tiền, 4 năm từ 14 tới 18 tuổi, có 3 ngành: phổ thông, kỹ thuật và canh nông.
- Hết trung học thi cấp bằng tú tài. Trường không dạy để thi tú tài. Đậu thì được học Đại học. Bậc đại học, họ chú trọng đến nghiên cứu và tiến bộ hơn ta nhiều về phương diện đó. Họ cũng rất chú trọng canh nông, đào tạo được rất nhiều cán bộ, tiến bộ vượt bậc.
2. Kinh tế
Giai đoạn đầu mới lập quốc (1948-1967), nền kinh tế Israel mang đậm tính chất cách mạng. Phong trào Zion và các cộng đồng Do Thái tiên phong ban đầu nặng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, với lợi ích dân tộc được đặt lên hàng đầu. Sau 1967, nền kinh tế Israel chuyển đổi dần sang tự do và mở cửa, mang đặc điểm linh hoạt và tính đa dạng của kinh tế tư bản chủ nghĩa. Cho đến hôm nay, nền kinh tế Israel được xem là một mô hình kinh tế thị trường mở đa dạng rất thành công.
Kinh tế là vận mạng của một quốc gia. Hoạt động nào cũng phụ thuộc kinh tế. Chiến tranh thắng hay bại phần lớn nhờ kinh tế. Kinh tế có vững thì nội trị mới yên, ngoại giao mới mạnh. Trên thế giới hiện nay, nước nào cũng cố gắng lo tự túc càng nhiều càng tốt, nếu còn muốn được tương đối tự do một chút, khỏi phải lệ thuộc về mọi phương diện. Đó là tình trạng bi đát của các nước nhược tiểu như Việt Nam, Israel. Vấn đề là làm sao sản xuất được tạm mọi cái tối cần, do đó phải có một nền kinh tế đa phương.
Riêng Israel, còn thêm một bó buộc nữa. Nước thì nhỏ mà ba phía là địch, muốn chống xâm lăng thì dọc các biên giới, ngay cả trong sa mạc Neguev cũng phải có dân ở, phải có những làng xóm tự vệ, để hoang chỗ nào là địch có thể lẻn vào chỗ đó. Mà muốn cho cư dân ở khắp mọi nơi thì chỉ có cách là phát triển canh nông, kỹ nghệ chỉ tập trung ở một điểm nhỏ hẹp thôi. Ở Israel, canh nông là một phương tiện chống địch và bảo vệ quốc gia.
Trong mọi ngành kinh tế của Israel, canh nông chiếm địa vị quan trọng nhất và đạt được những tiến bộ nhất, đáng cho các quốc gia kém phát triển tìm hiểu để rút kinh nghiệm. Ở Israel, ngoài những hình thức kinh doanh thông thường, có 3 hình thức rất đặc biệt:
- Kibboutz (nông trường cộng đồng): gồm vài trăm người tự nguyện sống với nhau, cùng làm, cùng ăn, cùng hưởng quyền lợi như nhau, y như một gia đình, nhu cầu của mỗi người được cộng đồng chu cấp; hình thức đó là một thứ cộng sản tự do.
- Mochav ovedim (nông trường bán cộng đồng, bán cá nhân): đất đai là của chung, cộng đồng cho mỗi người tự mướn tự canh tác, nhưng bắt buộc mọi người phải hợp tác với nhau.
- Mochav chitoufi (nông trường hợp tác): mọi người khai thác chung đất đai, chia lợi tức cho nhau và mỗi người dùng lợi tức cách nào tùy ý. Hình thức này ở giữa hai hình thức kia.
Ở Israel có rất nhiều huấn luyện viên canh nông biết mọi kỹ thuật canh tác, biết công việc quản lý một nông trường. Các cán bộ này thời gian đầu sống thường trực với dân, chứ không phải lâu lâu mới ghé ít bữa, ít giờ. Qua giai đoạn dân làng bắt đầu tự trồng trọt quản lý rồi thì huấn luyện viên lựa thanh niên trong làng để đào tạo họ thay thế mình.
Xét nước ta, rất ít thanh niên lựa nghề canh nông, đại đa số vào các trường luật, văn khoa, y, dược. Mà những thanh niên theo nghề nông lâm, tốt nghiệp rồi cũng chỉ thích làm ở phòng giấy tại tỉnh, chứ ít tai chịu về đồng ruộng sống với nông dân, làm lụng như nông dân.
Vậy nhờ đâu, Israel làm được như vậy? Chỉ nhờ tinh thần của họ chứ không có gì khác. Chính quyền hết lòng khuyến khích, chỉ dẫn họ. Dân chúng hiểu rằng phát triển canh nông là yêu nước, là cứu nước: làng mạc có mọc đầy trên sa mạc và ở khắp biên giới thì mới giữ được nước. Nếu cứ ham tiền, ham cảnh sung sướng mà dồn về các thị trấn, bỏ hoang đất thì nhất định mất nước.
Con người tạo nên sa mạc thì con người cũng tạo nên đất tốt. Từ khi người Ả Rập chiếm thì Negeuv thành hoang vu, dân cư đi nơi khác. Negeuv thành đất chết trên ngàn năm đợi người Do Thái mới hồi tỉnh. Họ đào sâu tìm mạch nước, đặt ống dẫn nước từ xa để trồng cây. Hễ có cây, bất kỳ là cây gì, đất sẽ hồi sinh. Họ rất quý cây cối, không bỏ phí một tấc đất, chỗ nào trồng cây được là họ trồng. Cây ngăn nước mưa khỏi xối đất mà mất phân, cây làm cho không khí mát mẻ.
Bài học của họ đã truyền bá cho nhân loại. Rằng những cuộc tàn sát bằng những phát minh mới nhất của khoa học, dù có hệ thống có tổ chức, rùng rợn đến mức nào đi chăng nữa cũng không thể diệt được một dân tộc nếu dân tộc đó không tự diệt mình mà cương quyết muốn sống. Càng gian nan, cực khổ, tủi nhục thì tinh thần càng được tôi luyện. Càng bị đẩy vào chỗ chết thì ta càng mau kiếm được đường sống. Cửa sinh ở ngay trên con đường cửa tử.

ISRAEL NGÀY NAY
Bao giờ cũng vậy, xứ nào cũng thế, khi thành công về mặt vật chất, về kinh tế, thì tự nhiên tinh thần chiến đấu kém đi. Quốc gia Israel ngày nay đã vững, ngày nào họ không còn lo về phía Ả Rập nữa thì nhất định họ cũng sẽ như người Pháp, Anh, Mỹ. Không thể bắt cả mấy triệu dân đều là anh hùng hết, anh hùng suốt mấy thế hệ, anh hùng một cách vĩnh viễn được.
Xét chung lớp thanh niên bây giờ không có nhiều lý tưởng bằng đàn anh lớp trước. Họ cho tinh thần Do Thái là cổ lỗ. Họ gần như các thanh niên Âu, Mỹ. Nếu lâu lâu không có một cuộc xung đột Israel – Ả Rập như năm 1956, 1967 thì có thể tinh thần Sion sẽ mất dần mà Israel sẽ như quốc gia Tây phương, coi sự nâng cao năng suất, lợi tức, mức sống là mục tiêu quan trọng hơn cả.
Giai đoạn 1969, nội các Israel hiện chia làm 2 phe:
- Phe diều hâu, đứng đầu là bà Golda Meir. Lời dưới đây của bà tóm tắt chính sách này: “Tôi không muốn một dân tộc Do Thái hiền lành, không thực dân và phản chiến. Như vậy là một dân tộc chết.”. Bà tuyên bố: “Người ngoại quốc chưa bao giờ định biên giới cho chúng tôi cả, và trong tương lai chúng tôi cũng miễn cho họ việc ấy. Chúng tôi đóng ở đâu, thì đó là biên giới của chúng tôi”.
- Phe bồ câu, chủ trương nên trả hết đất đã chiếm để sống chung hòa bình với Ả Rập. Nếu cứ chủ trương chính sách thực dân và hiếu chiến thì sẽ phải chịu số mạng của Napoleon và Hitler, nhất là thời đại này thế giới không để cho một dân tộc nào dùng chính sách ấy đâu. Người Do Thái trong non 2.000 năm đoàn kết với nhau không phải vì có chung một dòng máu (họ lai quá nhiều rồi); mà vì có chung một thân phận, thân phận bị hiếp đáp, bị khinh rẻ, bị ngược đãi, tàn sát, không ở đâu được yên. Họ “chiến đấu như sư tử”, chống cả Ả Rập lẫn thực dân Anh, hi sinh cũng không quản, là để cởi bỏ thân phận đó đi. Nay họ đã có một quốc gia được cả thế giới nhìn nhận, không ai có thể đuổi họ đi hoặc diệt họ được, thì sự chiến đấu, hi sinh hóa ra vô ích. Chỉ những người già, đã biết cảnh rùng rợn trong các ghetto, các lò thiêu, đã trải qua chiến tranh với Ả Rập là còn có “tinh thần Do Thái”, chịu sống khắc khổ. Bọn thanh niên sinh ra sau Quốc gia thành lập, phần lớn cho chính sách của Golda Meir là quá khích, và chỉ ước ao được sống trong một xã hội tiêu thụ như “đồng bào” của họ ở New York.
Có luật thiên nhiên này mà theo tôi, đúng ít nhất 70%. Hễ bị đặt vào tử lộ thì người ta tìm được sinh lộ; ngược lại quá ham sinh lộ thì người ta sẽ tiến dần đến tử lộ. Nhờ bị đặt vào tử lộ mà họ đã thắng được Ả Rập; bây giờ đương bước vào đường sinh lộ, họ sẽ vì cái bả văn minh tiêu thụ mà mất “tinh thần Do Thái”, mất cả Do Thái giáo, chưa biết chừng những kibboutz của họ cũng sẽ mất luôn nữa. Do Thái mà được an lạc hưởng thụ, thì chỉ cuối thế kỷ XX, họ sẽ thành một “mini Mỹ”.
Hồ Chí Minh, 28/08/2021