“Nhìn lại cuộc sống của mình, những gì đã làm, những gì đang có, tôi nhận ra tất cả mọi việc diễn ra trong đời cứ như là việc làm vườn vậy. Đầu tiên ta có một hạt giống, sau đó đào một cái lỗ, gieo nó xuống đất, tưới nước, nuôi dưỡng nó, và một cái cây xinh đẹp dần dần hiện lên trên nền đất nâu. Kể cả những việc tưởng như tình cờ xảy ra, sau đó nhìn lại thấy tất cả đều xâu chuỗi với nhau, bắt đầu từ một hạt giống, một ý tưởng, một ước mơ” (trích “Ta ba lô trên đất Á”, Rosie Nguyễn).
Chuyến đi Côn Đảo lần này của tôi và những những đứa bạn tưởng cũng tựa như vậy. Tưởng như ngẫu hứng từ một lời rủ của 1 đứa từ tận Hàn Quốc, muốn về dành vài ngày ở phương Nam nhân đợt nghỉ Trung Thu, nhưng thật ra nó được ấp ủ lâu lắm rồi. Từ hồi còn bé, khi xem ti vi vào mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, tôi thường được nghe về Côn Đảo với hệ thống Nhà tù két tiếng trong những năm chiến tranh gian khổ, với những hình phạt rùng rợn, những trận đòn độc ác… Côn Đảo khi cũng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, là nỗi kinh hoàng khiến ai nghe thấy cũng phải khiếp sợ. Nhưng chính tại nơi đây, chủ nghĩa anh hùng cách mạng lại chói sáng hơn ba giờ hết.
Rồi một ngày vào năm 2011, đọc được tin tức về Gia đình Jolie-Pitt nghỉ dưỡng tại Six Sense Côn Đảo. Ngồi tìm hiểu lại, hóa ra trả qua biết bao thăng trầm, Côn Đảo giờ đây đã chuyển mình, từ một “địa ngục trần gian” trở thành “thiên đường du lịch nghỉ dưỡng”, với những bải biển đẹp bên bờ cát trắng mịn, cùng dải san hô muôn màu và khu rừng nguyên sinh có hệ động thực vật phong phú… Đáng quý hơn, nơi đây vẫn giữ được những di tích, địa danh lịch sử để người sau ghi nhớ công ơn và thể hiện sự ngưỡng mộ tinh thần yêu nước, anh dũng kiên cường của những người anh hùng dân tộc Việt Nam.
Lần này đi chụp ảnh không nhiều, xác định mục đích chủ yếu là tìm hiểu lịch sử và khám phá thiên nhiên, nên thay vì đăng ảnh như những lần đi chơi trước đó, mình dành thời gian tìm tư liệu, cùng với cảm nhận sau chuyến đi, viết lại note này cho bạn bè đi sau tham khảo.
4. ĐỊA ĐIỂM THĂM QUAN (tiếp)
Sau khi tham quan hết các địa điểm lịch sử, đích đến ngày thứ 2 của chúng tôi là cung đường từ trung tâm Côn Đảo đến bãi Đầm Trầu cùng tour lặn ngắm san hô và xem rùa đẻ trứng.
- Cảnh sắc tuyệt đẹp của cung đường Cỏ Ống từ trung tâm ra Bãi Đầm Trầu
Cũng giống cung đường Bến Đầm vào thị trấn, cung đường Cỏ Ống chạy từ trung tâm ra bãi Đầm Trầu có nhiều góc đẹp: bãi Chim Chim, mũi Tàu Bể, đặc biệt có những con dốc uốn lượn thả đèo rất đã. Nghe nói tháng 4 dọc đường này có hoa giấy nở rộ rực rỡ, nhưng tháng 9 đi do vừa hết mùa mưa nên chỉ thấy xanh mướt một màu của lá, không thấy hoa đâu. Lần này đi không có duyên với hoa, chắc lại dụ dỗ mình quay lại một ngày không xa đây mà. Tuy nhiên, lang thang chạy xe ngắm biển trời Côn Đảo, một bên biển xanh, một bên vách núi sừng sững, tận hưởng không khí mát rượi gió biển thổi cũng rất tuyệt vời.




- Bãi Đầm Trầu – Nàng tiên đang say giấc nồng
Trước khi đi, được nghe quảng cáo về Bãi Đầm Trầu với rất nhiều mỹ từ: ốc đảo quyến rũ giữa biển trời Côn Đảo, bãi biển đẹp nhất Côn Đảo… Nhưng nếu tin quá vào các mỹ từ quảng cáo trên, sẽ khiến con dân đến trong tâm thế hơi hụt hẫng. Sự thực thì ở đây đúng là có nước xanh, bờ cát trắng mịn, vẫn còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ cùng không gian bình yên, êm ả. Tuy nhiên, bờ biển ngắn, có vài chiếc ghế được bày ra cho du khách ngồi uống nước, nhà vệ sinh vô cùng tồi tàn cho thấy sự đầu tư không tương xứng cho nơi đây.



- Tour lặn biển ngắm san hô và xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh
Đây là lịch trình yêu thích nhất của tôi, nhất định đến Côn Đảo là phải đi xem được rùa đẻ trứng.
Được biết, vùng biển Côn Đảo có sự giàu có về mật độ và phong phú về loài sinh vật bậc nhất Việt Nam, nhiều rạn san hô còn mang tính nguyên thủy. Do đó, nơi đây có số lượng lớn Vích và Đồi mồi sinh sống và lên đẻ hằng năm. Với 14 bãi đẻ của rùa biển, hàng năm về Côn Đảo làm tổ với số lượng khoảng 300 cá thể rùa mẹ, đây là quần thể rùa được đánh giá chiếm 70 – 80% số rùa biển làm tổ/ năm ở toàn vùng biển Việt Nam.
Tour này sẽ kết hợp đi lặn ngắm san hô gần khu vực bãi bờ Đập. Lộ trình như sau:
– 15h30: Tập trung tại Cầu tàu Du lịch Côn Đảo để khởi hành

– 16g00: đi tàu đến hòn Bảy Cạnh. Lặn có ống thở xem san hô ở khu vực bãi Bờ Đập. Các rạn san hô khu vực biển xung quanh hòn Bảy Cạnh có diện tích khoảng 366 ha, được tạo thành nhiều loài san hô tạo rạn rất khác nhau, như: dạng cành, dạng bàn, dạng phiến, khối đĩa… và có nhiều loài sinh vật biển sống trong các rạn san hô.

– Sau 1 tiếng thỏa thích lặn ngụp, tàu cập bến Hòn Bảy Cạnh, thả mọi người xa xa bờ, lội nước gần trăm mét để đi vào bờ. Hỏi ra mới biết, thuyền chỉ được cập bến buổi sáng, từ trưa trở đi cấm không được đi gần bờ, do lúc này rùa ra ngoài kiếm ăn, có thể chân vịt sẽ làm thương rùa. Đi theo đường mòn ven rừng ngập mặn để đến Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh.
– Tắm rửa, ăn tối tại Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh.

– Khám phá hoạt động kiếm ăn của Cua Xe Tăng trong rừng ngập mặn. Nghe giới thiệu đặc tính sinh thái của Rùa biển, công tác bảo tồn rùa biển của Vườn quốc gia Côn Đảo và hướng dẫn nội quy, cách tiếp cận xem hoạt động đẻ trứng của rùa biển và chờ rùa mẹ lên bãi cát làm tổ, đẻ trứng. Trong 1.000 rùa con nở chỉ khoảng 1 con sống sót cho đến tuổi trưởng thành để quay về chính nơi chúng được sinh ra, tiếp tục nghĩa vụ cao cả của mình.


– Sau khi ăn tối, đoàn tranh thủ nghỉ ngơi. Nửa đêm, khi con nước lên cao, rùa mẹ bắt đầu tiến đến gần bờ để tìm nơi đẻ trứng. Các anh kiểm lâm thay nhau đi trực đêm, và sẽ thông báo cho mọi người để thức dậy ra khu vực đẻ trứng của rùa. Mùa sinh đẻ của rùa từ tháng 5 đến tháng 9. Tháng 7-8 cao điểm, 1 đêm có thể có đến chục cá thể lên bờ. Để đẻ trứng, rùa biển phải theo các bước sau: tìm bãi, đào tổ, đẻ trứng và lấp tổ xóa dấu vết.




– Sáng sớm hôm sau: thả rùa con về biển. Sau đó khởi hành hành về lại trung tâm thị trấn Côn Đảo.

* Câu chuyện trên đường, những lưu ý và Sai lầm (2):
– Tour xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh được quản lý duy nhất bởi Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo. Tất cả các công ty du lịch nếu có cung cấp dịch vụ này cũng đều phải thông qua Ban quản lý VQG (02543 830 669/ 0983 830 669) để hạn chế số lượng du khách. Tối đa chỉ có 24 du khách trong một đêm trên Hòn Bảy Canh, giúp công tác bảo tồn được tốt hơn.
– Đi số lượng càng đông thì chi phí sẽ càng rẻ. Hôm ấy, đoàn mình 10 người, giá tour chỉ 1.2tr/ người.
– Nên mang gopro hoặc túi chống nước cho điện thoại để quay lại cảnh dưới đại dương.
– Lên đảo mới thấy rõ sự hi sinh của các anh ở trạm kiểm lâm. Ở đây dùng điện năng lượng mặt trời, do đó chỉ đủ dùng sinh hoạt cần thiết. Nhưng điều quan trọng hơn, hạn chế bật đèn không chỉ để tiết kiệm điện mà còn là bảo vệ tập tính sinh hoạt của rùa. Nước sinh hoạt trên đảo tất cả cũng lấy từ nước mưa nên cần sử dụng đúng mục đích, tránh lãng phí. Có thể ăn luôn với các chú các anh kiểm lâm, hoặc tự mang đồ ăn và mượn khu vực bếp của trạm kiểm lâm để nấu nướng. Lưu ý mang rác trở về đất liền.
– Các anh kiểm lâm là những người kể chuyện tuyệt vời, họ rất hiếu khách và thân thiện. Dù điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhưng ai cũng yêu nghề, có chú đã dành 35 năm làm việc ở đây.
– Khi xem rùa mẹ đẻ trứng hãy giữ im lặng và không chiếu đèn vào phía mắt rùa vì loài này rất nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng lúc lên bãi. Nếu bị kinh động rùa sẽ bò xuống biển trở lại hoặc đang đẻ sẽ ngừng.
– Nếu yêu rùa biển, muốn góp công sức vào công cuộc bảo tồn, có thể theo dõi tin tức trên trang https://www.iucn.org/viet-nam/news và đăng ký khi có thông tin tuyển Tình nguyện viên.
– Một sai lầm VÔ CÙNG QUAN TRỌNG: ở trên đảo, có rất nhiều con bù mắt cắn. Dù trước khi đi, đã được bé HDV cảnh báo nên mặc quần dài, áo dài, đi tất, thuốc xịt không có tác dụng, nhưng cả đoàn vẫn chủ quan. Đặc biệt, bị đốt nhiều nhất là lúc xem rùa đẻ trứng, vết cắn lúc ấy chỉ nhoi nhói, nhưng hậu quả để lại là từ vài ngày đến vài tuần sau, các nốt đỏ bắt đầu hiện lên và ngứa, càng gãi càng lan ra trông xấu xí vô cùng. Hiện tại, sau chuyến đi 1 tuần, ngồi gõ lại những dòng này, cơn ngứa ở 2 chân vẫn chưa hết. Có thể ngăn ngừa thêm (nhưng không chắc chắn) bằng cách uống vitamin B1. Nhưng tốt hơn hết là không được để hở da thịt chút nào, kẻo để lại hậu quả khủng khiếp như sau:


- Leo một trong những ngọn núi sau để ngắm toàn cảnh Côn Đảo: Núi Thánh Giá, núi Yên Ngựa, hải đăng Côn Đảo
– Núi Thánh Giá được coi là nóc nhà Côn Đảo, cao 577m. Nghe nói ở trên này, tầm 8-9h sương phủ mờ như Sapa, 12h thì có thể ngắm rõ nét Côn Đảo, ôm trọn Côn Đảo trong khung hình. Nhưng đây là khu vực quân sự, phải có người quen đi cùng mới lên được.
– Núi Yên ngựa: cao 540 m nằm ở phía Nam đảo. Từ đỉnh núi, ta có thể ngắm toàn cảnh quần đảo với biển trời mênh mông, thực vật phong phú, bãi biển trải dài của Côn Đảo.
– Hải đăng Bảy Cạnh: được xây dựng năm 1883, là một trong những ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng sớm nhất ở nước ta.
Tuy nhiên, do đêm trước gần như thức trắng đêm nên hôm sau về, cả lũ hết xí quách, chỉ đủ sức ghé qua chợ mua quà, sau đó kéo nhau về khách sạn nghỉ ngơi. Đành mượn tạm hình của các phượt thủ khác để có động lực lần sau đi tiếp:

5. ĐẶC SẢN VÀ QUÁN ĂN Ở CÔN ĐẢO
- Ăn:
– Bún bò Gia Khang (nằm trong Trung tâm giáo dục thường xuyên, đối diện bưu điện Côn Đảo)
– Bún riêu cua bà Hai Khiêm (gần công viên Lê Đức Thọ)
– các quán hải sản gần công viên Phạm Văn Đồng
– các quán hải sản tại bến Đầm Trầu.
Hải sản đặc trưng ở Côn Đảo là cua mặt trăng và ốc Vú nàng. Thịt cua mặt trăng đặc biệt thơm ngon vào các kỳ trăng tròn. Ngư dân ở Côn Đảo đã tính kỹ chu ký này để đánh bắt chúng, mặc dù cũng nhiều vùng có loài này, nhưng chỉ ở những đảo xa đất liền như Côn Đảo, cua mới ngon và tươi.

- Uống: các quán cà phê Infiniti, Côn Đảo Sea Travel Resort. Ủ mưu vào Six Senses uống cà phê mà không được, resort chỉ giới hạn cho khách lưu trú.

- Đặc sản mua làm quà:
– Hạt bàng: Quà truyền thống khi đến đất Côn Đảo. Có nhiều vị: hạt bàng sa tế, hạt bàng lá dứa, hạt bàng mật ong, hạt bàng muối… loại nào cũng ngon. Nhưng dĩ nhiên, giờ thương mại hóa, đi từ đất liền ra Côn Đảo cũng dễ hơn rồi nên hạt bàng này cũng chỉ là hạt bàng bán ở Côn Đảo, chưa chắc hạt của cây bàng mọc ở Côn Đảo, nguồn có thể được đem từ Vũng Tàu ra.
– Mắm hàu: thứ nước chấm bình dân nhưng ngon tuyệt cú mèo. Cũng lưu ý để tránh mua mắm làm từ đất liền (ít hàu và màu không đỏ tươi như của Côn Đảo)
* Câu chuyện trên đường:
Không giống như các vùng đảo hay vùng đất xa trung tâm khác, các hàng quán ở Côn Đảo mở rất khuya, phục vụ cho người dân và khách du lịch đi viếng mộ cô Sáu. Càng về gần 12h đêm, càng nhiều đoàn người mang lễ ra thăm và viếng mộ. Các quán hải sản gần công viên Phạm Văn Đồng cũng vô cùng nhộn nhịp từ tối cho tới 2h sáng. Vì vậy, đến Côn Đảo không sợ đói, chỉ sợ không chống lại được cơn buồn ngủ mà thôi.
6. CHI PHÍ
Những câu hỏi luôn nhận được sau mỗi chuyến đi là: Sao đi nhiều thế? Giàu vậy! chi phí hết bao nhiêu?
Thật ra, với những ai chịu khó đọc bài viết này từ đầu đến tận những dòng này, thì dựa vào lịch trình chi tiết ở trên, có thể tìm hiểu ngay ra hết bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, ngay cả khi tính được tổng chi phí rồi, nó cũng chỉ đúng với tôi và nhóm bạn – nhóm ưa khám phá, không ngại ngủ võng, ăn ngày 2 bữa, tối húp ly mỳ là xong. Nhiều người thích nghỉ dưỡng, đi biển sẽ ở resort, chỉ cần ăn, tắm biển, tắm nắng. Nhưng nhiều người thì phải lăn lê chỗ này chỗ kia, khám phá ngóc ngách, có chút thử thách thì mới thỏa mãn. Vì vậy, chi phí xin được bỏ ngỏ, ai có nhu cầu đi Côn Đảo, cứ thoải mái liên hệ, mình sẽ tư vấn nhiệt tình.
Mỗi người đều có thể lựa chọn cách du lịch sao cho phù hợp với bản thân nhất, miễn là mình thấy thoải mái. Và cuối cùng, làm gì không quan trọng, vấn đề mình làm với ai.
Hochiminh, 02/10/2018