Thử thách “đọc mỗi tuần 1 cuốn sách” (18/52) theo chương trình tự học 1 năm. Ý kiến cá nhân:
- Đúng như lời tựa của tác giả, cuốn sách là để dành cho những ai sẽ gieo những hạt mầm trên sa mạc, với trăn trở “Khi nào đây, khu vườn Địa đàng ấy sẽ tưng bừng trở lại?”. Giọng văn nhóm biên dịch Xanhshop rất có tâm trong dịch từng câu chữ, mang đến sự giản dị gần gũi nhất có thể. Đây là cuốn thứ 3 của ông Fukuoka sau “Cuộc cách mạng một cọng rơm: Giới thiệu về làm nông tự nhiên”/ “Cách thức làm nông tự nhiên”. Bộ sách cố gắng mang lại một cách thức làm nông mới, không tách rời với tự nhiên, sống hài hòa với tự nhiên như những gì vốn có.
- Điểm 10/10
- Thông tin lưu lại:
Phiên bản ebook của cuốn sách: https://xanhshop.com/wp-content/uploads/2018/08/ebook_gieo_mam_tren_sa_mac_mobile_v1.pdf
- (trang vi) Ông đã thấy rằng tự nhiên đang ở trạng thái cân bằng và phong phú một cách hoàn hảo y như nó là. Con người, với hiểu biết hạn hẹp của mình, cố cải tiến tự nhiên, nghĩ rằng kết quả đạt được sẽ tốt hơn cho loài người, nhưng những hiệu ứng phụ bất lợi không thể tránh được cũng sẽ xuất hiện. Rồi người ta lại đưa ra những phương sách để kháng lại những tác dụng phụ này, và thế là giờ, hầu hết mọi sự mà loài người đang làm thì chỉ là để giảm nhẹ những vấn đề gây ra bởi những hành động sai lầm trước đó.
- (trang vii) Ông dành vài năm đầu quan sát tình trạng của đất trồng và ghi chép lại sự tương tác giữa cây cối và động vật sống ở đó. “Tôi chỉ đơn giản làm cho tâm trí rỗng rang và cố gắng hấp thụ những gì có thể từ tự nhiên”.
- (trang x) Một nguyên tắc mà ông Fukuoka tuân theo khi đi vào các chi tiết kỹ thuật làm nông của mình là tìm cách làm càng ít càng tốt. Không phải vì ông lười biếng, mà bởi vì ông có niềm tin rằng nếu tự nhiên được cho cơ hội, nó sẽ tự làm được mọi chuyện. “Khi phát triển một phương pháp mới người ta thường đặt câu hỏi ‘làm cái này thì sao’ hoặc ‘làm cái kia thì thế nào?’, dẫn tới một loạt những kỹ thuật, cái này chồng chất lên cái kia. Đấy là nông nghiệp hiện đại và kết quả duy nhất của nó là làm cho người nông dân bận rộn hơn. “Cách của tôi thì chính xác là điều ngược lại, tôi đang nhắm tới một cách làm nông thoải mái, tự nhiên, kết quả là khiến cho công việc trở nên dễ dàng hơn, thay vì làm nó khó khăn thêm. Không làm cái này thì sao? Không làm cái kia thì sao? – đấy là cách nghĩ của tôi. Cuối cùng, tôi đi đến kết luận là không cần cày xới, không cần phải bón phân, cũng không cần ủ phân mùn hay dùng tới thuốc trừ sâu. Khi đi tới tận cùng của nói, chẳng có mấy thao tác thực hành trong nông nghiệp là thực sự cần thiết”.
- (trang 12) Những sai lầm của tư tưởng loài người
Phật giáo phủ nhận tri thức có được qua trí năng của con người, coi đó chỉ là ảo ảnh. Một số thần thoại phương Tây cũng hoài nghi về tri thức của loài người và dạy rằng kể từ khi Adam và Eva ăn trái của Cây tri thức, loài người đã bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng.
Tuy vậy, triết học phương Tây bị chia rẽ trong vấn đề này. Socrates, chẳng hạn, đã bắt đầu bằng giả thiết rằng con người không biết gì cả. Descartes, trái lại, tuyên bố, “Tôi suy nghĩ, vì thế tôi tồn tại”. Với niềm tin rằng người ta có thể biết và đúng là có biết về bản thân mình, ông biến sự phán xét của con người thành tiêu chuẩn, thiết lập các quy tắc cho thế giới vật chất, và bắt đầu phân tích các thuộc tính của nó. Nhưng cái “tôi” hư cấu của Descartes không bao giờ có thể thấu hiểu toàn bộ thực tại.
Loài người không hiểu chính bản thân mình, nên họ chẳng thể nào hiểu được kẻ khác. Con người có thể là con cái của “Mẹ tự nhiên” thật đấy, nhưng họ không còn nhìn thấy hình tướng thật sự của mẹ mình nữa. Tìm kiếm cái toàn thể, nhưng họ chỉ trông thấy các bộ phận. Trông thấy bầu vú mẹ, bọn họ nhầm tưởng đấy chính là người mẹ. Tương tự như vậy, tri thức mang tính phân biệt và phân tích của các nhà khoa học có thể giúp họ chia cắt tự nhiên và nghiên cứu từng bộ phận của nó, nhưng lại chẳng có tác dụng gì trong việc nắm bắt thực tại của tự nhiên thuần khiết.
- (trang 20) Cuộc sống thuận tự nhiên là cách sách sống đơn giản trong đó con người, với trái tim đầy tự do, leo núi, chơi đùa trên đồng cỏ, tắm trong những tia nắng ấm áp, hít thở khong khí trong lành, uống thứ nước trong vắt như pha lê, và trải nghiệm niềm vui sống thực sự.
- (trang 25) Xét lại tri thức của con người
– Sự khởi sinh của tri thức phân biệt: Nếu tri thức về cái toàn thể (cái Một) bị tách làm Hai và đem ra giải thích, rồi tiếp tục bị phân chia làm Ba và Bốn xong đem phân tích, thì khi đó, chúng ta cũng không tới gần hơn với sự hiểu biết về cái toàn thể. Tuy nhiên, khi làm chuyện phân chia này, chúng ta đi đến chỗ ảo tưởng rằng tri thức đã tăng tiến.
– (trang 28) Thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin và một cách nhìn khác về tiến hóa: Ở đây, ông Fukuoka có một cách nhìn rất khác về sự trôi qua của thời gian. Thay vì coi quá trình phát triển của tự nhiên và trái đất theo 1 đường thẳng thời gian, ông coi tự nhiên trải ra theo mọi hướng trong không gian ba chiều.
- (trang 40) Sau nhiều năm lai tạo các giống lúa trên ruộng của mình, cuối cùng tôi cũng kết luận được rằng, ở nông trại tự nhiên, người ta chẳng cần phải tạo ra những giống mới bằng phương pháp lai nhân tạo làm gì, bởi bọn côn trùng, mà hầu hết người ta xem như là gây hại ấy, đang tự tạo ra những giống lúa mới.
- (trang 41) Tôi cũng đi đến một kết luận là việc phân loại cây cối, xếp chúng thành các bộ, họ, chi, loài không chỉ là một sự áp đặt lên cây cối, mà còn chẳng có ích lợi gì hết cho con người. Chi bằng chúng ta cứ đơn giản là trân trọng mọi hình thái đa dạng mà tự nhiên đã ban cho và đừng có can thiệp vào làm gì.
- (trang 55) Khi tôi hỏi một thanh niên người Nhật “Cậu tìm thấy hạnh phúc ở nơi dâu?”, anh ta bảo, “Cháu thấy hạnh phúc khi đời mình đầy thức ăn ngon và quần áo đẹp, có một nơi tử tế để sống, một chiếc xe hơi, có thời gian nhàn tản và được đi chơi nước ngoài”. Một bạn trẻ đến từ Nepal thì trả lời cùng một câu hỏi như sau: “Niềm vui thực sự đến từ tự nhiên, và chúng ta có thể tìm thấy nó bằng cách từ bỏ những thứ ràng buộc mình”. Một người thì cố gắng tìm vui trong lòng xã hội loài người, người kia thì trong tự nhiên. Một kẻ thì mắc bả của chủ nghĩa vật chất, trong khi người kia mong muốn được chữa lành.
- (trang 58) Nỗi sợ chết: Tôi nghĩ, nỗi sợ chết thì không phải là sợ cái chết của cơ thể nhiều lắm. Người ta sợ phải mất đi giàu sang và danh vọng mà mình đã gắn bó, cả những ham muốn trần tục vốn là một phần của cuộc sống hằng ngày nữa. Mức độ sợ chết của một người thường tỉ lệ thuận với chiều sâu những gắn bó và đam mê thế gian của người đó. Vậy làm thế nào để chết một cách thanh thản nếu chúng ta không tiêu trừ được những dính chấp của mình? Tôi đã nói rằng, những thứ đồ vật chất thì chẳng có chút giá trị thực chất nào cả. Chúng có vẻ có giá trị đơn giản vì người ta đã tạo ra những điều kiện khiến cho chúng có vẻ có giá trị nào đó. Thay đổi những điều kiện đó đi và thế là giá trị ấy biến mất. Giá trị được sinh ra và mất đi tùy thuộc và những bất chợt của thời gian.
- (trang 91) Kỹ thuật tưới nước cho cỏ dại (loại mọc lại hằng năm) khiến cho chúng nảy mầm rồi héo đi trước khi có thể kết hạt mới – được biết đến như là kỹ thuật cho nảy mầm sớm – đã được các nông dân theo phương thức hữu cơ sử dụng để kiểm soát cỏ dại nhiều năm rồi. Khi bọn cỏ dại này lớn lên, chúng che bóng và làm mát mặt đất đủ lâu giúp các loại rau củ có một khởi đầu tốt, và rồi chúng có tác dụng như lớp phủ bổi cho vườn rau, làm mát đất và giữ ẩm. Khi những cơn mưa mùa thu tới, sẽ có ít cỏ dại nhú lên hơn vì đã bị “lừa” nảy mầm quá sớm vào lúc trước rồi. Ông Fukuoka gợi ý rằng kỹ thuật này cũng có thể hữu ích trong việc cải tạo phục hồi đất trên diện rộng, để cây lớn, cây bụi và các loại cỏ lâu năm có thể trụ vững được.
- (trang 108) Khi tôi quay về nông trại của cha tôi sau chiến tranh, chẳng có mấy loại thực vật phủ trên bề mặt, còn đất thì đã trở nên cứng đơ. Lúc đầu, tôi nghĩ đất sẽ được cải thiện nhanh chóng nếu đem dương xỉ và thân cây mục tìm thấy ở trong rừng về chôn xuống, nhưng thử nghiệm đó là một thất bại, chủ yếu bởi vì phải tốn quá nhiều công chôn đủ lượng vật liệu thì mới tạo nên khác biệt đáng kể. Đây là kỹ thuật mà xét về tổng thể là lỗ.
- (Trang 122) Cơ sở lý thuyết cho việc tái phủ cây bắt đầu từ các bờ sông tuân theo “phương pháp thủy lợi dựa vào cây trồng”. Nó không phụ thuộc vào việc cho nước sông chảy qua những đường dẫn được bê tông hóa mà để cho nước đi theo các vành đai xanh của cây cối. Nó đạt tới nông nghiệp không tưới bằng cách tăng khả năng trữ nước trong đất và trong bản thân cây trồng.
- (trang 125) Đất đi sẽ không sống lại nếu chỉ trồng một nhóm nhỏ những chủng loại cây mà chúng ta cho là hữu ích. Một cái cây chẳng thể mọc lên một mình. Chúng ta cần trồng những cây cao, cây cỡ vừa, những cây bụi và cây dưới tán sinh sống cùng với nhau. Một khi hệ thực vật đa loài được tái tạo thì mưa sẽ bắt đầu rơi trở lại… Con người chỉ trồng những cây “hữu ích”, có giá trị thương mại cao, và phạt hạ những loài mọc bên dưới, xem chúng như là “cỏ dại”, nên rất nhiều giống loài thực vật đã biến mất. Thường thì chúng mới là những loài làm màu mỡ và giữ đất khỏi bị xói mòn. Chẳng hề có tốt hay xấu trong sô những dạng sống trên trái đất này. Mỗi giống loài đều có vai trò của nó, đều cần thiếu và có giá trị ngang nhau. Đây chính là nền tảng cho kế hoạch tái tạo cảnh quan trên khắp thế giới của ông Fukuoka.
- (trang 193) Phụ lục A: Cách tạo lập một trang trại tự nhiên ở các vùng ôn đới và cận nhiệt đới
- (trang 207) Phụ lục B: Cách làm các viên đất chứa hạt giống dùng để tái lập thảm thực vật
Hochiminh, 01/06/2019