Từ lâu, một mục trong danh sách du lịch mơ ước của mình là được trải nghiệm cắm trại trong một hang động ở Quảng Bình. Đây vừa là nơi xếp hạng có hang động lớn nhất thế giới, lại gần ngay đất nước mình, không cần đi đâu xa xôi. Nhưng năm tháng cứ trôi mà mình vẫn chưa làm được, bởi còn chờ rủ được bạn… Một ngày chợt thấy mình đang dần chìm trong cái vòng lặp nhà – công ty trên con đường đông đúc xe và khói bụi. Cuối cùng, quyết định sẽ thực hiện cái giấc mơ ấy, một mình.
1. NHẬT KÝ KHÁM PHÁ HANG ÉN
Hang Én nổi tiếng quá, nên đông lắm, luôn kín 16 chỗ (số lượng tối đa trong một tour là lớn nhất trong các tour của Oxalis).
? NGÀY ĐẦU TIÊN, 8h sáng mọi người sẽ tập trung tại văn phòng Oxalis (cũng là Oxalis Home) để nghe hướng dẫn viên (HDV) phổ biến thông tin và lưu ý trước hành trình.

Vật dụng sẽ được phát:
- Một bình nước giữ nhiệt từ 1-1,5l. Theo lời HDV, sử dụng bình giữ nhiệt tuy nặng nhưng bảo vệ môi trường, lại có thể đựng đá lạnh vào mùa hè, nước ấm vào mùa đông. Trên đường sẽ có một lần dừng lại lọc nước suối để tiếp nước cho mọi người. Mình không lấy, do có bình cá nhân rồi.
- Một mũ bảo hiểm có gắn đèn pin và găng tay dùng khi khám phá trong hang động.
Các anh khuân vác sẽ giúp mỗi người mang một túi đồ 3kg vào trong khu cắm trại trước. Do đó, những đồ nào không sử dụng trên đường đi như sạc dự phòng, quần áo ngày hôm sau… có thể gửi cho nhẹ, và có không gian để đựng mũ được phát ở trên. Oxalis cũng sẽ giúp mọi người giữ vali và đồ giá trị trong kho văn phòng. Tất cả đồ đều được đựng trong túi ni-lông tự huỷ. Nếu ai có túi riêng rồi thì càng tốt, không cần phát sinh thêm rác thải. ??

Do đoàn đông nên công đoạn chờ nhau tập hợp, chờ nhau soạn đồ cũng tốn thời gian. Tầm một tiếng sau, 9-9h30 mới lên xe trung chuyển vào bìa rừng để bắt đầu hành trình.
Ngày đầu khá nhẹ nhàng. Nửa quãng đường đi trong rừng, có xuống dốc chút và đi qua bản Đòong của người Bru Vân Kiều.

Nửa quãng đường sau hầu hết là đường bằng, đi qua khu vực suối nhiều nên không có cây rừng che trên đầu, lại trưa chiều nên đường khá nắng.


Tầm 4h chiều thì đến cửa hang Én, leo lên leo xuống một đoạn ngắn thì tới bãi trại. Trong hang có một con suối chảy qua, nên sẽ được tắm rửa sạch sẽ. Tuyến hang này được tỉnh Quảng Bình giao cho Oxalis khai thác nên mọi đồ dùng cắm trại như: lều, nhà vệ sinh, áo phao, giá phơi đồ, đồ nấu ăn, thậm chí cả bình ga đều được đặt cố định tại trại. Công ty sẽ phân công người ở lại trực trại, chỉ thu dọn đồ đạc đem về khi mùa mưa đến. Việc “độc quyền” này mình thấy khá hay, giao cho công ty nào phụ trách thì công ty đấy sẽ chịu trách nhiệm khai thác, bảo tồn luôn. Định kỳ sẽ có đoàn đi kiểm tra. Ngày đoàn mình đi, có gặp đoàn các bác tỉnh Quảng Bình đi tuyến Sơn Đòong, được phụ trách bởi đích thân anh Tổng của Oxalis. Quả thật là trên đường đi không lấy có một cọng rác nào từ thế giới hiện đại.

Có hai điều đặc biệt ở nơi cắm trại của Oxalis mà mình thấy rất thích và thú vị:
- Ăn: có đầu bếp nấu ăn, phục vụ cả món Việt và món Tây. Đoàn mình chỉ có người Việt nên chủ yếu ăn đồ Việt, bữa sáng có bánh mì nhúng trứng rán, chấm mật ong là có chút Tây ?. Khu vực nấu ăn riêng rộng rãi và được che bạt trên đầu (tránh Én ị). Thậm chí bếp được trang bị bình ga to đặt ở đây, hết lại có người mang vào thay thế. Dù được ăn sung sướng nhưng mình cũng thắc mắc và hơi băn khoăn, không hiểu cắm trại cố định mấy tháng một năm và ngày nào cũng nổi lửa nấu nướng dầu mỡ như này thì có ảnh hưởng đến thiên nhiên hay không nhỉ? Hi vọng có lần tới để mình hỏi vấn đề này. ?

- Ị ? : có nhà vệ sinh khô phục vụ nhu cầu tế nhị này. Cho ai không hiểu nhà vệ sinh khô là như thế nào thì có một bài viết (kèm hình) rất chi tiết của chị Mai Hằng: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10158738546769855&set=a.10158746794799855&type=3. Cái ở Hang Én gần giống mô tả này. Có một điều hơi tế nhị mà mình thấy, có bạn nữ bỏ cả BVS vào đây, mặc dù có túi ni-lông để đựng rác thải khác trước cửa lều. Chắc nó còn xa lạ với dân thành phố quá, và cũng không được các bạn HDV hướng dẫn sử dụng chi tiết nên nhiều người vẫn bỡ ngỡ. Nếu thật sự sẽ dùng để ủ phân vi sinh thì không nên có rác khác vào thùng này. Lưu ý khác là trong hang có nhiều chuột lắm, ngay một hốc trước cửa lều vệ sinh, khi đi cần lưu ý tránh “mất hứng”. ??

So với dựng lều trại ngoài trời giữa rừng, dựng lều ngủ trong hang có yên tâm hơn trong vụ không lo trời mưa và gió lạnh. Nhưng cũng có khác biệt, tối ở trong hang, bất cứ một tiếng động nào phát ra rồi cũng bị vang vọng lại. Mình cũng thắc mắc là không biết tối nào cũng ồn ào thì có ảnh hưởng đến đàn Én không nhỉ?
? NGÀY THỨ HAI, hành trình dày và thử thách hơn.
Sau khi ăn sáng, tập bài thể dục cho giãn cơ, đoàn được dẫn đi thám hiểu trong hang, ra đến cửa sau. Đây chính là điểm nhấn của chuyến đi, hầu như tất cả các bức ảnh đẹp về hang Én đều ra đời trong hành trình này. Mùa này, buổi sáng sẽ không thấy những tia nắng ảo diệu chiếu vào bãi cắm trại như ảnh nhà người ta. Nhưng lại được chiêm ngưỡng từng đàn bướm dập dìu trên các con suối, cũng rất thú vị.



Khi đi xuyên trong hang, có một đoạn khá dốc, nhiều cát khá trơn trượt, lại không có chỗ bám nên hầu hết mọi người đều phải lết bằng mông từ đỉnh dốc xuống.

Mình cũng học được kiến thức thú vị về hang Én: chính xác phải gọi nơi đây là “động”. Là động lớn thứ ba trên thế giới và có lòng rộng nhất được phát hiện ở Việt Nam. Đây là nơi trú ngụ của hàng vạn con chim Én, vì vậy, người ta mới dùng tên này để đặt cho động. Trong vách hang Én, vẫn còn lưu giữ hoá thạch giáp xác từ mấy trăm triệu năm trước. Nguyên xưa đây là vùng biển sâu hàng nghìn mét, sau đó, cả vùng được nâng lên thành lục địa với những uốn nếp, đứt gãy và chịu bào mòn do mưa nắng tạo nên các núi cao hàng trăm, hàng nghìn mét cùng các khe suối, các hang động, sông ngầm.

Đoạn quay trở ra, một nửa đường đi theo đoạn cũ, một nửa đường sẽ leo theo đường núi, dốc khá đứng nhưng dễ bám. Đoạn này thực sử thử thách sức bền của khách. Hãy tưởng tượng sau một buổi sáng leo trèo lội suối, đã vượt qua được 1 đoạn đường nắng trong 3 tiếng đồng hồ rồi, giờ thêm thử thách leo một ngọn núi với 1/3 đoạn là dốc đứng nữa đi. Còn cả một quân đoàn vắt chực chờ để được ta hiến máu nữa chớ ??.

2. GHI CHÚ CHO CHUYẾN ĐI HANG ÉN
- Tầm 7 triệu cho chuyến đi 2 ngày, cao gấp đôi những chỗ khác thì cũng được hưởng nhiều tiện ích: có đệm nằm êm, có đầu bếp chuyên nghiệp nấu ăn, có áo phao bơi, có mắc và giá phơi đồ ướt, có nhà vệ sinh và có phòng thay đồ tại bãi trại.
- Trong hành trình sẽ có rất nhiều lần phải lội suối với mực nước lên đến đầu gối nên chắc chắn giày/quần sẽ bị ướt. Vì vậy khi thấy suối lần đầu, đừng cố tránh nó bằng cách nhảy đá (trơn, dễ ngã), cuối cùng ai rồi cũng sẽ ướt ?. Giải pháp là mang một đôi dép để đi lại buổi tối và mang thêm tất dự phòng. Quần áo cũng nên mặc loại nhanh khô.
- Sẽ được bơi và tắm đấy, nên có thể mang thêm một bộ đồ bơi. Du lịch nhẹ nhàng nên mình hạn chế mang đồ, mặc luôn bộ đồ đã đi đường để nhảy xuống suối nghịch nước, chớ cũng không gọi là tắm được.
- Đồ mình mang cho chuyến 2 ngày: 2 chai nước 750ml (mình có chai cá nhân hay mang đi du lịch đựng nước, đỡ phát sinh chai nhựa); 1 quần dài, 2 áo dài (hoặc áo ngắn kèm ống tay rời) nhanh khô mặc trên đường; 1 quần đùi mặc tại khu trại; 1 mũ; 1 khăn tắm; 2 đôi vớ dài; dép rọ (vừa đi đường vừa đi buổi tối); 1 túi nhỏ đựng mỹ phẩm; 1 áo gió gấp gọn, áo mưa, sạc dự phòng (nhưng chuyến này 3 đồ này đều không dùng tới). Tất cả đựng vừa trong ba lô (20l). Điện thoại có dây đeo được trên cổ. Thế thôi, nhẹ sẽ đi được xa, không bị mệt.
3. MỘT SỐ KINH NGHIỆM CHO DU LỊCH BỤI PHONG NHA
So với 8 năm trước, Phong Nha giờ đã phát triển hơn, nhiều homestay, chỗ ăn, chỗ chơi. 2013 mình đi thì tối đến lại phải chạy quãng đường xa về lại Đồng Hới rất bất tiện. Giờ thì sau chuyến khám phá Hang Én trở ra, đã có thể đủng đỉnh ở lại, chọn ngay một homestay xinh xắn ven song Son, ngồi ăn uống và ngắm từng con thuyền chở du khách qua lại.
Một số kinh nghiệm du lịch tiết kiệm mình lượm lặt trong chuyến đi:
? Các cách di chuyển từ sân bay Đồng Hới đến Phong Nha:
- buýt Nhà nước: 35k. Tần suất 1 tiếng / chuyến; từ Đồng Hới vào giờ rưỡi (7h30, 8h30, …); từ Phong Nha ra giờ chẵn (7h, 8h, …); số chị phụ xe: 0859279555, gọi trước để hỏi chị khung giờ xe đến, đỡ phải chờ lâu.

- Taxi: 350k (tính thêm phí sân bay 20k, nhưng giá niêm yết mình thấy có 10k thôi). Giá này rẻ hơn chiều từ Phong Nha ra.
- buýt Oxalis: miễn phí. Tuy nhiên chỉ có ít khung giờ.

? Chỗ nghỉ ở Phong Nha:
- Dọc sông Son có nhiều homestay, tìm trên các trang đặt phòng là thấy thông tin.
- Có thể ngủ tại dorm Oxalis Home, 110k/ người, 8 giường. Nhưng ngủ với khách Việt thì đa phần không có ý thức chung về vụ nói chuyện khẽ khàng hoặc tắt chuông điện thoại. Ở đây có chỗ giặt và phơi trên tầng thượng.
- Thôn Chày Lập nằm trên tuyến du lịch Thiên Đường, hang Tối – suối Mọc cũng có rất nhiều homestay. Chày Lập homestay cũng là của Oxalis cũng nằm ở khu này.

? Ăn uống ở Phong Nha:
- Các homestay đều phục vụ ăn uống cho khách. Như mình ở Oxalis home cũng ăn đây luôn cho tiện. Mình ấn tượng bát bánh canh sườn, ngon đáo để, nhắc vẫn còn thèm ?
- Quán nhậu cây Bàng: phục vụ các món lẩu: lẩu bò, lẩu hải sản.
- East Hill: phục vụ gà nướng. Đặc biệt quán thiết kế theo kiểu đồng quê, nằm trên một ngọn đồi nên thoáng mát và nhìn ra đồng lúa.

Nghe nói đi được đến Hang Én là được nửa chặng đến Sơn Đoong rồi, ai đi phăng phăng không mệt (như tui nè) thì bị HDV dụ đi tiếp đến Sơn Đòong á, chỉ cần đợi chăm chỉ làm việc “ra tiền” nữa thôi. Nhờ ơn Covid, có khi thẳng tiến thật á. ??
Phong Nha, 18/4/2021