Đây là một mục trong wishlist du lịch của mình. Không ngờ lại hoàn thành được sớm như thế. Cuộc sống luôn có những bất ngờ chờ đón ta.
“Lưỡi quỷ” (Trolltunga) là một vách đá nằm ở phía Tây vùng Skjeggedal, gần thị trấn Odda thuộc quận Hordaland, Na Uy. Sở dĩ gọi Trolltunga là “lưỡi quỷ” bởi vách đá này trông giống như một chiếc lưỡi khổng lồ nằm lơ lửng trên mặt hồ Ringedalsvatnet. Vách đá này được hình thành từ khoảng hơn 10.000 năm trước trong kỷ băng hà. Băng ở các khe núi tan chảy khiến núi bị nứt ra, hình thành một “lưỡi quỷ” nổi tiếng ngày nay.

Trolltunga cao 1.100 m so với mực nước biển. Mình đi trek vào giữa tháng 6, nên vẫn còn tuyết. Đi trek Lưỡi quỷ (Trolltunga) mà tưởng lạc trôi sang tận Himalaya luôn ấy. Hành trình có 10km một chiều thôi mà tận 3km leo núi đá, 7km leo núi tuyết. 10km sáng đi thì mưa phùn rả rích lạnh buốt, 10km chiều về thì nắng nẻ người. Vì mới đầu hè, trời lại mưa nên nhiệt độ dưới chân núi lúc 7h sáng là 5 độ, lúc đầu ở dưới thì chỉ mưa lạnh thôi, nhưng càng lên cao thì trời càng lạnh, núi tuyết chưa tan hết, cảm giác như chỉ tầm 2-3 độ thôi vậy.
Do lần đầu đi leo núi còn đóng băng tuyết nên chưa có chuẩn bị kỹ càng. Trước đấy cũng có đọc thông tin nhưng không thấy ai nói với tui trển có tuyết. Làm con bé vì sợ nặng, bình trà gừng đã pha cũng bỏ lại, găng tay, kính râm chi cũng bỏ hết ở nhà. Sáng đi, cầm điện thoại ra chụp hình một lúc thì tay sưng múp tím tái mất cả cảm giác.

Buổi sáng, dù mưa gió lạnh nhưng vẫn còn động lực Lưỡi quỷ là cái đích cần đến nên vẫn còn háo hức, làm đủ trò lăn lê bò trườn trên tuyết. Trưa chụp ảnh xong rồi, 7km tuyết trên đường quay trở ra mới thực sự chán nản, lúc này mới là lúc đòi hỏi sự kiên trì để có thể đi trở về. Đã thế, mặt trời lên cao, tuyết tan bắt đầu trơn trượt còn khó đi hơn trời mưa lúc ban sáng. Nắng cũng phản chiếu vào cánh đồng tuyết trắng, không có kính râm nên chói không thấy đường đi luôn. Lúc này chỉ cặm cụi đi, mắt dán vào chân chứ không còn nhởn nhơ ngắm cảnh, chụp ảnh được nữa.

Khi nhìn thấy bảng chỉ đường gần vách xuất phát mà mừng muốn chớt, vì biết là lại thêm một thử thách rất mới mẻ nữa đã vượt qua được, lại thêm một lần vượt qua giới hạn của bản thân. Về đến bến xe buýt ở P2 mới 18h, còn có thời gian mà ngồi ăn kem thư giãn. Dưới chân núi mọc lên 1 hàng chỉ bán kem giữa trời lạnh chục độ cũng có cái lý của nó. Ăn kem lạnh có chút đường làm tỉnh táo sảng khoái, hay lạnh làm tê liệt cảm xúc, mình cũng chả biết cái nào đúng nữa, chỉ biết cảm giác lúc ấy rất ngon thôi.

THÔNG TIN ĐỂ ĐẾN LƯỠI QUỶ
- Thị trấn gần nhất Lưỡi quỷ là Odda, có thể đến đây bằng buýt từ Voss hoặc Bergen. Tra cứu lịch trình buýt ở web https://www.skyss.no/en/. Thanh toán vé bằng quẹt thẻ/ tiền mặt lúc lên xe, hoặc mua trên web/ app đều được.

- Từ trung tâm Odda, có shuttle bus đến điểm đỗ xe dưới chân núi (P2), sớm nhất là 05:45. Buýt P2-P3 chỉ hoạt động trong những tháng nhất định trong năm. Các thông tin về bus và về Lưỡi quỷ được cập nhật đầy đủ trên website chính thức https://trolltunga.com/
CÁC CỘT MỐC CỦA HÀNH TRÌNH LEO
- P2-P3 (P-Parking): 4km đường dích dắc, có thể leo hoặc có thể đi xe buýt. Nhưng mình thấy với thể lực và thời gian có hạn thì nên đi xe buýt, để dành sức cho đoạn đường sau.
- Km10-9: Dễ đi đường bằng
- Km9-8: Do đường dốc nhiều bậc thang nên thời gian mất gấp đôi km thứ nhất.
- Km8-7: Đá to thoai thoải dễ leo hơn, nhưng bắt đầu lên cao, gió mạnh như quất vào mặt.
- Km7-0: Bắt đầu vào giai đoạn chỉ có cánh đồng tuyết, xen kẽ vẫn là núi đá tuỳ vào thời gian leo. Do mình leo đầu hè nên băng đã tan một số chỗ nên có những dòng suối trên đường đi. Giữa mùa hè thì có thể băng đã tan hết chỉ còn trơ lại đá.
HÀNH TRANG MANG ĐI TREK 1 NGÀY
- 1 đôi tất dự phòng bị ướt.
- Nếu quần áo không chống thấm thì mặc áo mưa cho đỡ bị gió lạnh và giữ người khô ráo.
- Kính râm cho đỡ chói mắt do tuyết
- Găng tay giữ ấm khi chụp ảnh
- Trà/ cà phê trong bình giữ nhiệt uống cho ấm người, không bị cảm lạnh.
- Đồ ăn trưa và đồ ăn nhẹ như sô cô la, chuối. Ăn xong nhớ mang rác ra ngoài, không vứt dọc đường, theo đúng nguyên tắc: mang gì vào rừng thì mang ra trở lại. Dọc đường cũng không có nhà vệ sinh, nếu muốn giải quyết thì tránh xa nguồn nước và các con suối, chất thải người tốt cho đất nhưng gây ô nhiễm nguồn nước.
CÁC LƯU Ý
- Mùa hè thì có thể tự đi trek không cần thuê hướng dẫn viên. Trên đường đi đều có cắm cột mốc/ cột cờ chỉ hướng hoặc những viên đá sơn chữ T màu đỏ rất dễ nhận biết. Dọc đường cũng có 2 nhà cứu hộ, có để đồ cứu thương ở bên trong.
- Đường đi không quá khó, nhưng lưu ý nên xem thời tiết thế nào trước khi đi. Khi còn tuyết dẫm chắc chân trên tuyết hãy đi, tránh đi vào chỗ tuyết mềm rồi bị sụt hố. Đối với tuyết, leo lên dễ hơn, leo xuống dễ trơn trượt. Khi nằm viết lại nhật ký này, mình lại thấy may mắn vì trời mưa phùn. Trời nắng vừa mệt, mất nước, lại khiến đường trơn trượt hơn.
- Nếu quay lại chỗ này lần nữa, mình sẽ thử trải nghiệm cắm trại ngủ lều bên sườn đồi núi tuyết. Tầm 4-5h chiều, thấy các bạn Tây đi kiểu này cũng nhiều lắm, mỗi bạn còn vác balo nặng trình trịch sau lưng, chứ đâu vác mỗi cái balo con con như mình đâu. Mình còn gặp cả 1 gia đình có 2 đứa con cũng đi vào cắm trại như thế.
- Trek xong nhớ ăn kem viên ngon nhức nách ở cửa hàng dưới P2 nhé: bubble gum, dâu tây, chanh đều ngon nhức nhối.
Xem thêm hình ảnh của chuyến trek ở trang facebook cá nhân TẠI ĐÂY
Các bài viết khác của chuyến châu Âu lần này:
Cách điền mẫu đơn xin thị thực Pháp 2022
Nhật ký du lịch Bắc Âu, hè 2022