Thông thường, mình mấy mọi người trên hội nhóm du lịch bụi, nếu bay đi Châu Phi hay châu Âu thì hay chọn Qatar, Saudia quá cảnh Sing hay Kuala Lumpur để đỡ phải xin visa transit. Nhưng lần này đi Ai Cập, do sẵn visa Ấn 1 năm nên mình mua vé rẻ VJA quá cảnh Mumbai, sẵn tiện chạy vào thành phố chơi 1 ngày.
BOM (tên đầy đủ là Chhatrapati Shivaji Maharaj International Airport) là sân bay tấp nập thứ hai ở Ấn Độ, chỉ sau sân bay New Delhi, nhưng đương nhiên xếp hạng thế giới thì vẫn xếp sau 3 sân bay ở Đông Nam Á là Changi (Singapore), Kualar Lumpur (Malaysia), Suvarnabhumi (Thái Lan).
NHẬP CẢNH VÀ NỐI CHUYẾN
Đáp sân bay, có khu vực “International transit” dành cho khách không có visa và bay chuyến tiếp theo. Nhưng mình chỉ thấy IndiGo có quầy để làm thủ tục in boarding pass ngay trong khu vực transit. Sau một hồi hỏi han thì các chị ấy vẫn bắt mình nhập cảnh để in boarding pass cho chuyến tiếp theo. Tóm lại, để cho chắc chắn thì nên sắp xếp 2 chuyến bay rời cách nhau 4 tiếng.
DI CHUYỂN TỪ/ ĐẾN SÂN BAY
Lần nối chuyến thứ nhất là qua đêm nên mình thuê 1 hostel cách sân bay 5km để nghỉ ngơi. Ở sân bay có quầy “prepaid taxi”, nhưng phí thì cao ngất, 520INR, cộng thêm phí sân bay 180INR, tổng 700 (tầm 210k cho 5km).
Lần nối chuyến sau dài hơn và mình muốn vào thành phố chơi nên đã mua sim, có thể đặt xe qua Uber, nên mình đi theo biển chỉ dẫn để xuống B1, có 1 khu vực đỗ xe rất rộng và phân chia rõ ràng cho từng khu vực: “prepaid taxi”, “private car”, “Uber”, “Uber green”, “Ola”. Rất dễ tìm, cứ đi theo biển chỉ dẫn là đến thôi, khó quá thì hỏi xung quanh, vì người Ấn xuống đón Uber/ Ola rất nhiều.
Có Uber nên giá rẻ hơn hẳn, mình đi từ sân bay đến đền Shree Siddhivinayak (13km) hết gần 500INR (phí sân bay 150INR). Phí sân bay chỉ áp dụng nếu đón xe từ sân bay, từ trung tâm vào lại sân bay thì không thấy thu phí.
Có một lưu ý nhỏ, Uber ở Ấn phải có xác nhận mã PIN từ người đặt xe thì tài xế mới thực hiện được chuyến đi.
VÀO TRUNG TÂM CHƠI
Mang tiếng là có cả ngày chơi, nhưng vướng 2 vấn nạn ở Ấn nên cuối cùng chuyến đi chỉ gói gọn lại ở ngồi Uber 3 cuốc ngắm thành phố và đi ăn trưa. Vấn đề đầu tiên là tắc đường, 13km mà đi gần 1 tiếng lận. Vấn nạn sau đấy là dân Ấn quá đông, xếp hàng vào đền mấy chục phút mà 3 chị em vẫn đứng nguyên một chỗ. Đông, lại còn nóng, cảm giác nóng và dớp dính hơn cả Ai Cập.
Cuối cùng sau gần 15 phút xếp hàng không có cải thiện, 3 chị em từ bỏ đi ra ngoài ngồi một lúc rồi quyết định đi ăn trưa. May mà đền không mất vé vào cửa, chớ không là khóc cả dòng sông.
THE BOMBAY CANTEEN, trải nghiệm ẩm thực Ấn 5 sao
Mình biết nhà hàng này vì thấy xuất hiện mấy giây trong tập phim “Ugly Delicious” chớ cũng chưa tìm hiểu kỹ. Lúc đến mới thấy cái độ 5 sao của nó. Nhà hàng có vẻ nằm trong một con phố tài chính sang chảnh, vì cạnh đó là rất nhiều nhà hàng ăn uống với thiết kế khá bắt mắt và tinh tế khác. Bên trong nhà hàng, nội thất cũng khá sang trọng, có hẳn 1 quầy bar phục vụ đồ uống. Nhõn 3 đứa là khách du lịch duy nhất trong quán.
Ngay ngoài lễ tân, có đóng khung một bộ đồng phục của cố đầu bếp Floyd Cardoz, đầu bếp gốc Ấn từng đạt quán quân topchef Mỹ. Ông gắn bó với nhà hàng từ những ngày đầu thành lập nhưng qua đời năm 2020 vì covid.
Tinh thần của nhà hàng thể hiện rõ trong chia sẻ 2 đồng sáng lập, Sameer Seth và Yash Bhanage, họ muốn mở một nhà hàng để tôn vinh toàn bộ nền ẩm thực Ấn Độ, không phân biệt Nam hay Bắc Ấn, và mỗi món ăn đều là để kể một câu chuyện văn hóa.
Ba chị em khá rén khi vào nhà hàng Ấn ăn. Mình đã từng đi 1 lần nhưng vốn hiểu biết về ẩm thực khá ít. Hai chị bạn thì hầu như là chỉ dừng lại ở “cà ri”. Nên khi bất lực lật qua giở lại cuốn menu chả có 1 tấm hình nào thì đành có nhờ bạn phục vụ giới thiệu các món nên gọi. Và cuối cùng thì thành công mỹ mãn với sự công nhận 5 sao từ 2 chị ấy.
- Khai vị: Barley Salad: ngũ cốc rang, hạt lựu, trộn sốt sền sệt như sữa chua, có thêm lá gia vị cay. Vị chua và hơi cay nhẹ hòa quyện với ngũ cốc rang giòn giòn, ăn rất kích thích vị giác.
- Món chính: Khasi Pork Taco: thịt ba chỉ nướng mè trộn sốt ăn kèm bánh mì dẹt bhakri, rắc thêm vài sợi hành muối chua. Miếng thịt mềm ăn tan trong miệng và không hề có vị cay nào cả. Đây là món mình muốn ăn thêm nữa sau khi nuốt nguyên 1 miếng taco lúc nào không hay.
- Món chính: Kari Dosa: Gồm thịt cừu hầm gia vị ăn kèm trứng lòng đào và bánh dosa. Có một hỗn hợp sốt gia vị ăn kèm. Món này có lẽ đậm chất Ấn trong trong 3 món tụi mình gọi, vì ăn xong bụng bắt đầu biểu tình vì cay nóng. Vị cay này khi ăn không thấy, nuốt xuống bụng mới thấy, có lẽ là trong gia vị có ớt chỉ thiên ^^, nhưng may quá cuối ngày an toàn sống sốt không hề hấn chi cả.
- Tráng miệng Peaches and Cream: hỗn hợp kem hoa bụt giấm, chanh, đào, hạnh nhân, ăn mềm và béo ngậy.
- Tráng miệng Coffee Rasgulla Sundae: kết cấu đặc hơn món trên, giống bánh kem tiramisu, có thêm rượu rum.

XUẤT CẢNH VÀ CHỜ LÊN MÁY BAY
Một số thông tin hữu ích:
- Muốn vào khu vực làm thủ tục thì phải quét hộ chiếu và đưa ra được vé máy bay. Vào trong, đợi đến khi quầy check in mở cửa in boarding pass giấy rồi lại đi qua 1 cổng quét mã tự động rồi mới ra được đến quầy xuất cảnh và quét hành lý.
- Sân bay Mumbai muốn có wifi dùng miễn phí 3 tiếng thì phải ra quầy đăng ký đưa hộ chiếu và boarding pass, xếp hàng hơi dài nhưng được cái nhanh, có kết nối là wifi phà phà. Vừa ra khỏi quầy xuất cảnh là thấy quầy đăng ký ngay gần chỗ cửa hàng duty free. Còn 1 kios lấy mã tự động mà tút tít cổng 67, xa lắm.
- Trong sân bay cũng có quầy sim luôn, phục vụ cho ai muốn mua ở đây, nhưng mình chưa thử bao giờ vì luôn mua trước e-sim rồi.
- Sân bay có 1 khu bảo tàng trang trí rất đẹp, tập hợp nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc trưng của Ấn, tiếc là lúc mình đi đóng cửa không vào được.
- Trong sân bay, có 1 hàng tên Tynimo Life bán khăn Kashmir khá rẻ, chỉ 900INR (tầm 270k) một cái, mua về làm quà cũng hợp lý.