Hành trình độc hành Ấn 9 ngày, Tết 2023 của mình:
– 3 ngày Varanasi: https://hailycorner.com/varanasi-noi-con-nguoi-hoan-hi-don-cho-cai-chet/
– 2 ngày Agra: https://hailycorner.com/lich-trinh-kham-pha-agra/
– 2 ngày Jaipur
– 2 ngày New Delhi
Mình chỉ đặt trước hostel và vé tàu. Còn lại khi đến nơi, cứ đi lang thang, tuỳ tâm trạng để tìm hiểu và khám phá. Đi trong tâm thế thoải mái, không vội vàng.
. Bài tổng kết chuyến đi bụi ở đây: https://hailycorner.com/nhat-ky-hanh-trinh-di-bui-an-do-tet-2023/
. Bài viết về kinh nghiệm đi tàu hỏa ở Ấn: Kinh nghiệm đi tàu hỏa ở Ấn
Jaipur thuộc bang Rajasthan, bang “sa mạc” nên nhiệt độ ở đây cao hơn các vùng khác. Mùa đông mà buổi trưa vẫn nắng nóng. Delhi, Agra và Jaipur tạo thành khu “tam giác vàng” du lịch, do gần thủ đô, tiếp cận khá dễ dàng.
Ở Jaipur, vé của các điểm tham quan được bán lẻ hoặc combo vé. Giá vé combo là 1000rs, có hiệu lực cho 2 ngày tham quan, còn rẻ hơn 1 vé vào Taj. Mình thấy combo vé này khá tiện, mua một lần đi được 8 nơi, vừa đủ cho 2 ngày thăm thú các điểm nổi tiếng, vừa không phải suy nghĩ xem nên đi đâu.
1. JAL MAHAL, cung điện trên mặt nước, nơi ngắm bình minh khá đẹp
Đây là một cung điện được xây giữa hồ Man Sagar, là một nơi chụp ảnh bình minh rất đẹp. Hiện cung điện này được sử dụng làm nhà hàng dành cho giới thượng lưu và không dành cho du khách tham quan.

2. PHÁO ĐÀI AMBER
Pháo đài cách thành phố 10km, khá hoành tráng và đáng đi tham quan nhất Jaipur. Giá vé lẻ 500rs.
Pháo đài này khá rộng, có nhiều khu. Bên ngoài nhìn vào sẽ thấy những bức tường thành trải dài qua các sườn đồi cùng với hệ thống tháp canh gác. Khi đi vào khu chính, thì pháo đài có khá nhiều công trình đẹp và đa dạng với các phòng, đại sảnh lớn, vườn hoa.

3. GIẾNG BẬC THANG PANNA MEENA KA KUND

Những chiếc giếng bậc thang là những công trình kiến trúc, văn hóa độc đáo ở xứ Ấn. Những di tích lịch sử này từng được sử dụng để chứa nước – đặc biệt là ở các vùng khô cằn như Gujarat và Rajasthan. Thường giếng có rất nhiều bậc thang dẫn xuống một cái ao đầy nước dưới đáy. Nhưng những bậc thang này không chỉ đơn thuần là lối dẫn đến nguồn nước mà nó còn được người dân địa phương sử dụng cho các cuộc gặp gỡ, hội họp.
Hiện tại, những công trình này chỉ mang tính biểu tượng của văn hóa và quá khứ và trở thành điểm tham quan. Để bảo tồn, du khách không được đi sâu xuống, mà chỉ có thể đứng trên bờ ngắm nhìn và chụp hình.
Tuy không hoành tráng bằng Chand Baori cách Jaipur 100km nhưng Panna Meena Ka Kund cũng là một công trình kiến trúc đẹp, đặc biệt là vào buổi sáng, khi có ánh mặt trời chiếu xiên qua. Chỗ này miễn phí tham quan nhưng thấy ít khách vào đây.
4. ALBERT MUSEUM

Hai ngày mình đến Jaipur, trời đều nắng điên. Do đó, nên mới để dành việc khám phá bảo tàng vào giữa trưa. Chỗ này là chỗ mình thấy bị chỉ dẫn sai trên google maps, vị trí đúng của bảo tàng là bên cạnh công viên Nehru, chứ không phải bên cạnh Hawa như bản đồ. , Vì chỉ dẫn sai mà làm mình xuống nhầm bến buýt, phải đi bộ 2km dưới trời nắng từ Hawa Mahal lận.
Bảo tàng trưng bày phong phú các bộ sưu tập tranh vẽ, đồ trang sức, đồ gốm, … nhưng không gian hơi bé và tối, lại đông người nên hơi ngợp.
5. CUNG ĐIỆN GIÓ HAWA MAHAL

Cung điện Hawa Mahal với gần 953 cửa sổ ở Rajasthan, biểu tượng của Jaipur. Hawa Mahal còn được biết đến với tên gọi Cung điện Gió có 5 tầng, là nơi các thành viên nữ thuộc hoàng gia Ấn Độ theo dõi các lễ hội đường phố do quy định của hoàng tộc không cho phép họ đến các địa điểm công cộng.
Bên trong cũng nhiều người. Có một bảo tàng nhỏ trưng bày các tượng cổ. Từ ngoài ngắm vào thì Hawa Mahal đẹp và tráng lệ hơn. Góc tụ tập đông khách du lịch nhất là The Tattoo Cafe & Lounge đối diện. Quán khá ổn, có 2 tầng, sân thượng mở và rộng, ngắm ra trọn Hawa. Muốn vào phải gọi đồ tối thiểu 250 rupee.
6. SANJAY BAZAAR

7. ĐÀI THIÊN VĂN HOÀNG GIA JANTAR MANTAR

Jantar Mantar là một đài thiên văn tập hợp 19 công cụ thiên văn được xây dựng bởi vua Maharaja Jai Singh II. Tại đây có đồng hồ mặt trời bằng đá lớn nhất thế giới, các công cụ thiên văn hoạt động theo ba hệ tọa độ thiên văn cổ điển chính là Hệ tọa độ chân trời, Hệ tọa độ xích đạo và Hệ tọa độ hoàng đạo. Quần thể tượng đài này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 2010.
8. LÊN NAHARGARH FORT NGẮM HOÀNG HÔN

Chỗ này mình thấy đáng đi thứ 2 chỉ sau Amber Fort. Đúng là các công trình pháo đài ở Ấn luôn rất hoành tráng và đẹp.
Để đến Nahargarh Fort, có 2 đường:
- Cổng chính Nahargarh xa thành phố, cách 14km, không đi bộ được, có thể đi xe taxi hoặc tuk tuk. Hoặc có thể kết hợp tham quan Amber trước rồi đi tuk tuk từ đây sẽ tiện đường hơn.
- Cổng Ghati gần thành phố, chỉ cách 3km. Cái lối đi bộ lên ngoằn ngoèo chả khác gì đèo Thẩm Mã. Lối này dốc và cao, không đi được tuk tuk nên chỉ thấy dân địa phương đi xe máy hoặc đi bộ lên. Do lối này chỉ phổ biến với dân địa phương nên khá bẩn, nhiều rác dọc đường. Bù lại, có thể nhìn toàn cảnh thành phố. Đối với những ai có thời gian, thư thả đi bộ cũng là một lựa chọn không tồi. Ngôi làng ở dưới chân cổng Ghati cũng khá yên bình, chiều chiều còn thấy bọn trẻ thi nhau ra thả diều nữa.
Có 2 thời điểm đông người mà mọi người đổ lên đây: bình minh và hoàng hôn.
Để ngắm bình mình thì có một đài xây cao ngay ngoài cổng thành, vào tự do không cần mua vé, nhưng chắc là đông nghẹt người chen.
Pháo đài mở cửa đến 22h. Từ 17h, mọi người đổ lên pháo đài để ngắm hoàng hôn và thành phố về đêm. Sâu bên trong pháo đài, có một nhà hàng Padao, có thể vừa ăn uống, vừa ngắm cảnh. Nhưng nên mặc đủ ấm, vì ngồi ngoài trời khá gió.
Ngoài ra, chỗ để ngắm toàn cảnh thành phố đẹp và thoáng là trên tầng thượng cung điện Madhavendra cạnh đó.
MỘT SỐ THÔNG TIN VÀ MẸO NHỎ:
- Đi lại trong thành phố có thể đi buýt, 20rupee/ chiều. Xe AC5 đi qua hầu hết các điểm ở trên, buýt sạch đẹp có điều hoà, mỗi tội không có đọc điểm dừng bằng tiếng Anh, lên xe hỏi người xung quanh hoặc tự nhìn google maps để xuống. Ngoài ra, còn có City bus sightseeing kiểu hop on hop off.
- Hành trình của mình đi hơi ngược so với mọi người, đi từ thành phố nghèo nhất đến hiện đại nhất, cơ sở vật chất trong chuyến đi ngày càng được nâng cấp theo thời gian. Đến Jaipur mình thấy khá là hiện đại và thoải mái. Ở đây mình còn tạt vào ăn kem Baskin Robin và uống Starbucks để xả cho cả đoạn hành trình không được vào các hàng quán quen thuộc.
- Chỗ mình chọn ở tuy mới và sạch nhưng thái độ nhân viên khá tệ lúc mình đến check-in. 2 ngày ở đây cũng là 2 ngày bắt đầu bụng của mình biểu tình khi ăn nhiều đồ cay nóng quá, nên hầu hết thời gian mình chỉ ăn nhẹ, không ăn nhiều và linh tinh nữa. Vì vậy, gần như là không thử một món street food hoặc đồ Ấn nào.
- Chỉ dành 2 ngày ở Jaipur mình thấy cũng có hơi gấp. Đây là nơi mình thấy thoải mái nhất trong 3 nơi, không bị quá chặt chém, đi đến 10h tối về vẫn khá an toàn. Lần tới sẽ dành thời gian khám phá trọn bang Rajasthan.