Ấn rất rộng lớn. Cách hiệu quả để di chuyển giữa các thành phố chính là đi tàu hỏa. Mình chưa hề bắt gặp cảnh tượng các chuyến tàu với cảnh tượng người đu trên trên toa hay ngồi trên nóc.
Để có được một trải nghiệm lý thú, an toàn và thoải mái nên đặt trước vé tất cả các chặng. Các chuyến tàu đêm và dài sẽ có khoang nằm, sẽ tiết kiệm được 1 đêm khách sạn.
Lúc mới nghiên cứu lịch trình, mình cũng từng mày mò vào trang web chính thức của đường sắt Ấn Độ để tạo tài khoản. Nhưng bất khả kháng, vì đến bước cuối, họ yêu cầu phải có số điện thoại ở Ấn Độ để gửi mã xác thực OTP. Làm mình mất oan khoản phí 122.13 INR (47k) mà vẫn không tạo được tài khoản để mua vé.
MỘT SỐ THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ HỆ THỐNG TÀU HỎA ẤN
- Mạng lưới đường sắt chở khách của Ấn Độ dài thứ tư thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, và Nga.
- Mạng lưới đường sắt ở Ấn hầu như phủ khắp mọi nơi và khá an toàn.
- Đường ray ở Ấn Độ à khổ rộng với các đường ray cách nhau 5 ft 6 in, rộng hơn khổ tiêu chuẩn (4 ft 8½ in), khổ ở Việt Nam chỉ 3 ft 3 3⁄8 in, nên tàu rộng và ngồi thoải mái.
CÁCH KIỂM TRA GIỜ TÀU CHẠY VÀ GIÁ VÉ
- Trang web chính thức của đường sắt Ấn Độ: https://www.irctc.co.in/nget/train-search. Nhưng lúc vào được lúc không.
- Trang web https://www.railyatri.in/train-ticket. Trang này giao diện dễ xem hơn trang chính thức nhưng cũng chỉ xem được lịch và vé tàu, mua vé thì cũng phải có tài khoản chính thức trên irctc.
- Trang dịch vụ https://www.ixigo.com/, chuyên dành cho đặt vé cho du lịch trên đất Ấn.
- Trang dịch vụ https://12go.asia/en, đa dạng hơn, có nhiều nước. Ở đây không hiện lịch tàu đầy đủ như ở trang chính thức, hoặc có thể hiện, nhưng lúc mua có thể sẽ hết vé.
Vé tàu sẽ được mở bán 120 ngày trước ngày khởi hành. Mình hay kiểm tra thông tin các chuyến trên 2 trang đầu và đặt mua vé ở 2 trang dịch vụ sau. Trang Ixigo có lợi thế là chuyên trang dành cho mua vé ở Ấn, nên có thể tra cứu tình trạng tàu rất tiện lợi. Khi thanh toán thành công, vé tàu sẽ được gửi về mail thường là sau đó 24 tiếng. Vé mua thành công sẽ có mã PNR để kiểm tra tình trạng trên trang chính thức.
CÁC GA CHÍNH VÀ KÝ HIỆU
Cái này khá quan trọng trong việc mua vé, xác định ga mình đến ở chỗ nào để tránh đến nhầm ga như tui đã từng bị ở Varanasi.
- Delhi: ga chính New Delhi cạnh metro ra sân bay (NDLS), ga Delhi Junction ở Old Delhi gần Red Fort (DLI), Sarai Rohilla (DEE) và H.Nizamudin (NZM).
- Mumbai (Bombay): ga chính Chhatrapati Shivaji Maharaj Terminus (CSMT), Mumbai Central (BCT), Dadar (DDR), Lokmanya Tilak Terminus (LTT).
- Kolkata (Calcutta): Howrah Junction (HWH), Sealdah (SDAH).
- Varanasi: Varanasi Junction (BSB), Banaras (BSBS). Đây chính là lý do chết người tui từng nhầm 2 ga này, chỉ khác nhau cái chữ “S”
- Agra: Agra Cantt gần Taj (AGC), Agra Fort thì gần pháo đài (AF)
CÁC HẠNG VÉ TRÊN TÀU
Mình đã từng bị hoa mắt khi nhìn thấy các chữ cái viết tắt các hạng vé trên cùng một tàu. Mặc dù cuối cùng mình cũng chọn vé đắt nhất cho dù chữ cái đó là hạng gì chăng nữa. Các hạng vé trên tàu:
- 1A (AC first class): giường nằm khoang 2 & 4 riêng, có điều hòa, được cung cấp ga trải, gối, chăn.
- 2A (AC 2-tier): giường trên và dưới (2 tầng) trong các toa không gian mở có điều hòa, được cung cấp ga trải, gối, chăn.
- 3A (AC 3-tier): giường trên, giữa và dưới (3 tầng) trong các toa không gian mở có điều hòa, được cung cấp ga trải, gối, chăn.
- EC (Executive Chair): ghế 2+2 theo chiều rộng toa trong các toa có điều hòa.
- EA (Executive Anubhuti chair): tương tự như hạng Ghế Executive nhưng có thêm các tiện nghi như TV ở lưng ghế.
- CC (Chair car): ghế 2+3 theo chiều rộng toa trong các toa có điều hòa.
- SL (Sleeper class): giường trên, giữa và dưới (3 tầng) trong các toa không gian mở không có điều hòa, không có ga trải, gối, chăn.
- 2S (2nd class reserved seats): ghế nhựa hoặc gỗ đặt trước
- GN (2nd class unreserved seats): ghế nhựa hoặc gỗ chưa đặt trước, không hiểu thực tế sẽ như thế nào vì chưa nhìn thấy.
Các hạng vé giá cao thường là có số lượng ít và nhanh bị bán hết, vì vậy, rất nên đặt trước để có một chuyến đi thoải mái.
Đối với các chuyến tàu đêm, nên chọn 2A hoặc 3A. Mình từng mua 1A trên chuyến Varanasi đến Agra, đắt gấp đôi 2A vì khoang riêng sẽ có cửa chốt, khá yên tĩnh. Nhưng có rủi ro vì mình sẽ ngủ chung với thêm 1 người lạ trong khoang kín. Mình không biết cách nhân viên điều phối khi mình mua vé là gì để đảm bảo an toàn vụ này. Thực tế, mình được sắp xếp cùng khoang với 1 bạn nam từ Đài Loan. Bạn nam này mua chung code vé với bạn nữ đồng hành, nên mình đổi giường cho 2 bạn ngủ chung, mình thì sang khoang kia ngủ cùng cô người Ấn. Chuyến đấy ngủ khá ngon, nhưng vấn đề xếp giường này vẫn khiến mình băn khoăn.
Đối với các chuyến tàu ngày, nên chọn EC hoặc CC cho thoải mái.

CÁCH CHỌN CHUYẾN TÀU PHÙ HỢP
- Đối với các chặng dài, thì tàu đêm là lựa chọn lý tưởng. Đi tàu khá êm ái, mà lại đỡ tốn tiền ngủ khách sạn 1 đêm.
- Do lo ngại về vấn đề trễ tàu ở Ấn (khá thường xuyên), nên mình ưu tiện chọn tàu nào có hành trình ngắn, chuyến nào mà có hành trình đi đến 2 địa điểm này thì càng tốt. Như chuyến New Delhi – Varanasi, mình chọn đi tàu Vande Bharat Express chỉ chạy tuyến này. Vì vậy, tàu chạy đúng giờ, thậm chí đến ga Varanasi sớm 15 phút.
- Không mua vé chặng ngắn trên các chuyến có hành trình quá dài, do lo ngại vấn đề trễ tàu và phải tìm toa lên ở ga. Mình ưu tiên chọn tàu có xuất phát ga đi luôn, vì tàu sẽ đỗ ở ga trước đó 1 tiếng, thoải mái thời gian cho mình tìm tàu.
MẸO NHỎ KHI ĐI TÀU
Kiểm tra vé đã mua

- Mỗi vé tàu sẽ đều có mã PNR. Dùng mã này để kiểm tra tình trạng vé trên trang chủ https://www.indianrail.gov.in/enquiry/PNR/PnrEnquiry.html?locale=en hoặc https://www.railyatri.in/pnr-status
- Trên vé có thể hiện tên và số hiệu của tàu. Dùng thông tin này để kiểm tra ở bảng điện tử của ga, để biết ga sẽ đỗ ở đường ray (platform) nào.
- Tình trạng vé của mình sẽ được thể hiện đầy đủ ở mục “Booking status”. Ví dụ: CNF (confirmed, tình trạng vé đã xác nhận), C2 (khoang tàu), 61 (số ghế). Nếu có suất ăn thì được thể hiện ở “Food choice”.
- Tải apps Ixigo để biết thêm tàu đang ở đâu, có bị trễ không, đường ray nào, toa tàu nằm ở vị trí nào trên ga đỗ.

Tiện ích trên tàu
- Hành lý mang được phép mang theo: 70kg AC1, 50kg AC2, 40kg AC3, 35kg ở ghế hạng 2. Giới hạn này là khá thoải mái. Trên chỗ ngồi sẽ có thanh để hành lý, mình thấy hơi nhỏ, ngồi ghế ngoài hoặc giữa luôn lo nơm nớp mấy cái vali to đùng của các cô chú rơi xuống đầu mình.
- Không có nhà hàng trên tàu, nhưng sẽ có những nhân viên phục vụ đi rao bán snack, đồ ăn, chai thường xuyên. Một số loại vé đã bao gồm giá đồ ăn, có thể lựa chọn VEG (ăn chay) hoặc NON-VEG.
- WC và độ sạch sẽ: Mình thấy nhà vệ sinh y chang tàu SE bên mình, có khác là có 2 loại: Western style (bồn) và Indian style (ngồi xổm). Và nói chung cũng hôi và không được sạch sẽ. Nhiều tàu, nước còn lênh láng ra sàn. Do đó, luôn mang khăn giấy, khăn ướt, nước rửa tay khô.
- Độ đúng giờ: nhìn chung là mình thấy chạy không đúng giờ, có thể do phải tránh tàu trên đường, hoặc mùa đông thì do sương mù nên tàu chạy chậm. Vì vậy, nên thường xuyên kiểm tra “running status” để biết tàu đang ở đâu.
- Trên tàu đều có các cổng sạc gần chỗ ngồi.
Trong chuyến đi Ấn lần đầu, mình đều mua vé tàu giữa các điểm đến, trải nghiệm khá ổn. Tiện lợi hơn nhiều vụ phải ra lại sân bay rồi soi chiếu hành lý siêu lâu. Và đặc biệt, khi đi tàu, mình được trải nghiệm sự nhộn nhịp, đông đúc của các nhà ga đường sắt ở Ấn Độ. Một hành trình được ngồi ngắm thỏa thích ngắm khung cảnh nông thôn Ấn lướt qua cửa sổ, cùng văng vẳng tiếng rao “Chai, chai” của người bán trà vẫn còn ghi trong tâm trí mình mỗi lần nhắc đến Ấn.
Loạt bài viết về hành trình du lịch bụi Ấn Tết 2023:
Nhật ký hành trình đi bụi Ấn Độ, Tết 2023
Lịch trình khám phá thành phố Hồng Jaipur
Varanasi, nơi con người hoan hỉ chờ đón cái chết