Sài Gòn, một tối “mùa đông” mát mẻ,
Giữa dòng người hối hả về quê ăn Tết, tôi chọn cho mình một hướng đi rất khác người, du lịch, và lại ĐỘC HÀNH. Một dịp được nghỉ dài duy nhất của năm, nhưng lại khó rủ ai đi cùng.
Người xung quanh nghe nói ẤN ĐỘ là tránh xa vì tác dụng phụ của truyền thông, “vùng đất nguy hiểm cho phụ nữ”. Nhắn tin xin động lực và lời khuyên của một người chị, đã từng đi bụi ở Ấn cả chục năm trước. “Không bây giờ thì bao giờ? Hay đợi già để không sợ bị hấp diêm?”, bả bông đùa.Thôi, kebano, xách balo lên và đi. Háo hức, tò mò, như chuẩn bị mở chiếc hộp pandora vậy.
HÀNH TRÌNH ĐỘC HÀNH TẾT 2023:
- 3 ngày Varanasi: https://hailycorner.com/varanasi-noi-con-nguoi-hoan-hi-don-cho-cai-chet/
- 2 ngày Agra. Bài viết chi tiết: https://hailycorner.com/lich-trinh-kham-pha-agra/
- 2 ngày Jaipur. Bài viết chi tiết: https://hailycorner.com/lich-trinh-kham-pha-thanh-pho-hong-jaipur-2-ngay/
- 2 ngày New Delhi
Mình đều chọn đi tàu hỏa để di chuyển New Delhi – Varanasi – Agra – Jaipur – New Delhi. Tổng cộng 4 chuyến tàu.
- Quang đường dài nhất là từ New Delhi – Varanasi: 771km, 8 tiếng đi tàu. Chặng này mình thấy khá ổn, thời gian di chuyển ngắn, được ăn 3 bữa, có nước lọc và chai uống miễn phí.
- Thời gian dài nhất Varanasi – Agra: 12 tiếng đi tàu, mặc dù quãng đường ngắn hơn 632km. Tàu đến ga Varanasi trễ 30 phút. Chuyến này chọn giường nằm nên cũng đắt nhất, 900k/ vé.
- Tàu chặng Agra – Jaipur và Jaipur – New Delhi thì mình đều chọn chuyến 6h sáng, 2 ga đi đều là ga xuất phát để có thời gian thư thả lên tàu ngồi.
Xem thêm bài viết về KINH NGHIỆM ĐI TÀU HỎA Ở ẤN
TỔNG KẾT SAU 9 NGÀY Ở ẤN
📌 Lúc đầu đến, hơi choáng vì tần suất làm tiền dày đặc, nhưng dần cũng quen. Việt Nam mình còn đi là sư phụ của mấy trò này. Các chiêu làm tiền ở Ấn: mua đồ cầu bình an cho gia đình; đòi thêm tiền sau khi xong dịch vụ vì tỷ lý do; rất tự nhiên tiếp cận mình, “we are friend”, dẫn đi lung tung rồi hỏi có “happy” không, có thì trả tiền. Nói chung là nếu gặp phải thì mỉm cười và kiên trì phớt lờ họ. Dân Ấn hiền, chèo kéo nhưng không chửi bới, móc túi hay cướp giật.
📌 Tắc đường kinh khủng, 5km mà đi 30 phút là bình thường. Bấm còi khủng bố, giao thông hỗn loạn hơn cả VN.
📌 Di chuyển ở Ấn:
- Phương tiện khá phổ biến là tuk tuk, nhưng hay bị hét giá. Có thể tham khảo giá trên ứng dụng Ola đặt xe để mặc cả. Giá tuk tuk thì cứ tầm 15-20rs/ km mà áng.
- Ở các thành phố lớn thì đi buýt công cộng khá tiện và rẻ, 10-20rs/ vé. Ở New Delhi mình còn được đi buýt miễn phí vì “free for ladies”. Có link thông tin với google maps nên rất tiện tra cứu. Có thể bên này đi ngược nên cửa lên xuống cũng ngược, lên cửa sau, xuống cửa trước.
- Ngoài ra, còn có xe lôi xích lô, hầu hết là do các chú đã già còn chạy.
- Di chuyển nội địa Ấn, tuy có trễ chuyến nhưng tàu vẫn là phương tiện khá hiệu quả và thoải mái. Nên mua trước kẻo hết vé. Ra ga thì đọc biển hoặc hỏi xung quanh để biết “platform”. Vé không mua trực tiếp từ đường sắt Ấn Độ mà phải qua trang dịch vụ như 12go.asia, ixigo. Nhưng hơi lăn tăn về vụ mua vé 1A chuyến Varanasi-Agra, thực tế nằm 2A ngủ cùng người lạ.
📌 Chuyến này mình đều ở dorm, cả “mix” và cả “female only”. Trước lúc đi, mình có tìm hội đồng hành. Nhưng trong quá trình lên lịch trình thì thấy không hợp phong cách lắm, đặc biệt khoản ở nên mình tách ra tự trải nghiệm. Thực tế, ở dorm Ấn cũng giống như dorm bao nước khác, cũng có chỗ này chỗ kia, quan trọng là chọn kỹ nơi có điểm đánh giá cao, thì vẫn sẽ tìm được nơi ở vừa rẻ vừa an toàn và gặp gỡ được nhiều backpacker. Vì vậy, hãy cứ mạnh dạn và yên tâm chọn hostel khi đến Ấn. Các chỗ mình đã ở:
- Monalisa hostel Varanasi: chỗ này chỉ tạm được, vì phòng bé, tối và chăn hôi. Ảnh lúc thấy trên booking là quán cà phê cùng hệ thống. Nếu muốn ở ngay gần sông Hằng để đi dạo sớm thì thực tế không có nhiều lựa chọn rẻ và khá khẩm. Bạn mình ở Gypsy Diaries và khen chỗ này. Mỗi tội, hơi xa sông Hằng, không dậy sớm đi dạo được.
- Joey’s Hostel Agra: phòng hơi cũ, nhưng khá gọn gàng và sạch. Đặc biệt, có sân thượng ăn sáng nhìn ra Taj Mahah. Lễ tân thì nhiệt tình và cung cấp nhiều thông tin bổ ích.
- Horn Ok Please Hostel Jaipur: hostel sạch sẽ và mới nhất trong cả hành trình của mình. Chỗ này có không gian chung trang trí đẹp và ấm cúng. Có khu bếp tự nấu ăn và có nước uống miễn phí. Gần ga tàu hỏa.
- Smyle Inn: ngay gần ga metro New Delhi, trong khu chợ cũ Main Bazaar nên đường vào hơi đông đúc và lộn xộn. Mình đặt phòng dorm nhưng được nâng cấp lên ở phòng riêng lúc nhận phòng. Phòng nhỏ nhưng khá sạch sẽ. Có sân thượng phục vụ ăn sáng.
📌 Các chỗ tham quan ở Ấn đều rất đông, đúng là đất nước hơn tỷ dân, đi đâu cũng thấy người. Vé của người nước ngoài đắt hơn người Ấn, bù lại cho có hàng xếp riêng, xếp hàng rất nhanh, không phải chờ đợi. Vé đều có thể mua online trước, nhưng có mất một chút phí giao dịch.
📌 Mình dùng mạng Jio, chất lượng 4G tệ, nguyên chuyến mà chỉ dùng chưa đến 2/ 3Gb (không xem phim, vẫn tải và đăng ảnh lên mạng). Wifi vào quán cà phê thì dùng nhanh và ổn hơn.
📌 Ăn trầu phổ biến, thay vì vỏ thuốc lá thì thấy các bãi nhổ đỏ choét trầu và vỏ của trầu ăn liền quăng gần các bến xe. Khu gần các ga tàu bến xe cũng lộn xộn, bẩn và hôi. Và theo ý kiến cá nhân thì chỉ nên mang balo thôi, mang vali sang chảnh dễ dính shit lắm.
📌 Đồ ăn:
- Món ăn nhiều gia vị màu vàng, đặc biệt mà hỗn hợp “garam masala”, nên rất cay và nóng. Có thể đây cũng là lý do khiến hầu như ai đi Ấn cũng bị đau bụng, có thể do không hợp bụng, ăn không quen, chứ chưa hẳn là do mất vệ sinh.
- Vẫn có món mình ăn thấy ngon: masala chai, lassi, malaiyo, tandoori paneer tikka, paratha nhân phô mai và trứng.
- Hoa quả ở chợ nhiều và rẻ. Mình đã ăn nho, lựu, chuối, uống nước dừa nước mía. Tuy không đặc biệt nhưng nên ăn nhiều để bổ sung chất xơ và vitamin.
- Người Ấn phân chia rạch ròi nhiệm vụ 2 tay, ăn sẽ bằng tay phải. Nhưng họ sẽ đều có thìa nĩa nếu mình yêu cầu. Các chỗ ăn đều có bồn rửa tay.
- Mang khô gà, tôm khô đi dự phòng, không nên mang đồ ăn liên quan đến heo và bò. Khăn ướt và nước rửa tay là không thể thiếu.
- Các nơi tham quan đều trang bị vòi nước uống. Mình đều lấy nước ở đây uống và không gặp vấn đề gì cả.
📌 Giá cả ở Ấn:
- Rất hay bị nói thách. Đi mua magnet, giá đầu chợ là 100, giá cuối chợ là 30. Cứ mặc cả xuống còn 30% rồi nâng dần lên. Nếu bị đeo bám dai dẳng thì mình cứ nói giá không tưởng thì họ chán không thèm nài mình nữa.
- Đổi tiền Việt trực tiếp từ ở nhà giá tốt hơn sân bay, nên có thể đổi trước 1 ít để có tiền đi tàu điện, rồi qua đó vào thành phố đổi sau.
- Có một số nơi dù có máy quẹt thẻ, nhưng không hiểu sao thẻ tín dụng Việt Nam của mình không quẹt được.
📌 Mấy việc “liều” mình từng làm trong chuyến này:
- Chui vào 1 phòng ở sân bay ngủ chung với 1 nhóm người lạ, có vẻ là vô gia cư. Tại có mỗi phòng này có nệm sàn ấm áp. Ở ngoài băng ghế sắt lạnh băng không ngủ nổi.
- Ngủ dorm với 1 cậu chàng thanh niên Ấn. Tại hôm đấy không biết 2 đứa Hàn sẽ không về. Nếu mà biết thì chắc không yên tâm ngủ được như vậy. Rốt cuộc thì đến ngày cuối, mình cũng thân với thằng bé này, nhà ở New Delhi, nó còn hẹn lần tới quay lại thì nhất định phải về nhà nó ăn cơm.
- Đi tuk tuk chung với 3 thanh niên Ấn lúc trời tối đen như mực lúc 9h tối. Mình là suất ké ngồi cạnh tài xế. Lúc ấy ngắm hoàng hôn và ăn tối ở Nahargarh Fort Jaipur xong, đang định tà tà thả bộ đi về con đường lúc chiều trek thì 1 chú hỏi có đi tuk tuk về thành phố không, 200rs thôi (giá 1 mình là 1k nếu về thời gian ấy). Lời đề nghị chân thành lắm luôn, nên cũng gật, đỡ phải trek 30 phút xuống núi. Chung quy là về hostel an toàn, chả có cái gì xảy ra cả.
Đa số các lần trên là do mình cũng đang hơi mệt rồi, nên sau khi đánh giá nhanh tình hình thì quyết định làm. Nhiều khi cứ hay bị thần hồn nát thần tính. :))))
📌 Đi đường bị nhìn chằm chằm là chuyện phổ biến, có vẻ do sắc dân họ khác, ít gặp kiểu Á Đông như mình. Và đa phần lầm tưởng mình là người Nhật. Trừ tụi thanh niên, các cô chú lớn tuổi đều không biết Việt Nam ở đâu.
📌 Có yêu Ấn không thì chưa biết được. Tụi thanh niên Âu Mỹ đi cả mấy tháng trời, mình mới gọi là lướt qua xíu xíu, đi một vùng vô cùng nhỏ của tiểu lục địa. Nhưng có thể nói mình thích nghi được ngay với cuộc sống ở đây. Sáng nào cũng phải mở đầu ngày mới bằng cốc masala chai. Vào quán mà nghe nhạc Ấn thì cũng nhún nhẩy theo.
📌 Có quay lại không? Có.
- Giá cả siêu rẻ. Mình có thể tự tin thuê tuk tuk khi đi một mình. Nhiều lúc mua đồ xong thì ngẫm lại, “ơ, mình lại bị mua với giá đắt rồi”, nhưng mà tính thì cũng chỉ mấy chục nghìn, hoan hỷ bỏ qua được. Đi 9 ngày mà tiêu hết có 12 triệu, kể cả vé máy bay.
- Lệch múi giờ 1,5 tiếng nên giờ sinh hoạt của mình không bị ảnh hưởng nhiều.
- Thực hành nghe tiếng Anh. Người Ấn nói mình không nghe được nhiều. Trước cứ đổ cho họ nói khó nghe. Nhưng mình thấy tụi trẻ Ấn và Âu Mỹ ở dorm vẫn nói chuyện với nhau ầm ầm. Vậy thì chắc là do trình độ của mình chưa đủ giỏi để nghe nhiều giọng Anh khác nhau rồi.
CHI PHÍ
Như nói ở trên, chi phí sinh hoạt ở Ấn siêu rẻ, chi phí 9 ngày đi bụi của mình là 12,5 triệu:
- Vé máy bay khứ hồi SGN-DEL-SGN: 3tr (săn cả nửa năm trước trong đợt 0đ)
- Vé máy bay và tàu nội địa: 3tr (hủy 1 chuyến bay vì nó delay cả ngày trời)
- Phí visa 1 năm: 1tr
- Hostel: 1,2tr
- Vé tham quan: 1tr
- Chi phí khác (ăn uống, tuk tuk, mua đồ lưu niệm): ~3,3tr. Nói chung là siêu rẻ. Bữa đắt nhất là mình vào Starbucks uống cà phê 200k.
Thay lời kết bằng lời khuyên của chị bạn trước khi đi: “Chị nghĩ con gái hoàn toàn có thể đi Ấn một mình được, ăn mặc kín đáo, di chuyển bằng các phương tiện an toàn, vào các giờ an toàn, ở các khu an toàn thì chả có vấn đề gì. Cứ giá cao mà chọn: đi tàu thì chọn khoang xịn, hostel chọn nơi có điểm cao. Các di sản Ấn độ là 1 trong những đẹp nhất chị từng thấy. Lộng lẫy, hoành tráng, nguy nga.”
May mà mình nghe lời khuyên này, lên đường với “một trái tim trần trụi”, và đã không bỏ lỡ một cơ hội trải nghiệm thêm một vùng đất lý thú.
(Các trang sau: Nhật ký trên đường. Trong khi đi, hằng ngày mình đều có cập nhật chi tiết chuyện dọc đường, để gia đình yên tâm. Bài viết tổng kết thì đã viết xong ở trên, trang sau chỉ là những chuyện vụn vặt.)