Cuối cùng, “ngày ấy” cũng đến. Nếu hỏi mình có muốn được tiêm không? Câu trả lời là KHÔNG. Cũng e ngại nhiều thứ chứ, nhất là trong lúc thông tin lẫn lộn trong giai đoạn đầu tiêm chủng. Nhưng theo mình, tiêm chủng là nghĩa vụ cộng đồng, bớt gánh nặng xã hội. Chuyện gì cũng có xác suất. Ngay cả chạy xe máy đi làm hằng ngày còn có rủi ro, không vì sợ “chết tai nạn” mà cứ ngồi nhà “chết đói” được.
Và mong chờ vào tương lai tươi sáng hơn, khi tiêm đủ 2 mũi, có hộ chiếu vắc-xin, mình lại được vi vu du lịch, quay lại đam mê của mình.
NHẬT KÝ ĐI TIÊM CỦA TUI ?:
- Ngày giờ tiêm: 16:13, 22/6/2021
- Loại vắc-xin: Astra Zeneca, HSD 21/10/2021
- Tình trạng cơ thể trước tiêm: không bệnh, không dị ứng, không điều trị thuốc nào. Thói quen của mình luôn uống 1 cốc ép quýt buổi sáng, sinh hoạt đúng giờ giấc, không thức khuya. Vì vậy, dù được hốt đi tiêm gấp rút (báo trước có 5 phút), không có biết thông tin gì, có vẻ cơ thể mình đã tự có sự chuẩn bị đầy đủ trước vắc-xin.
- Chuẩn bị trước tiêm: nên uống nhiều nước. Công ty mình phát mỗi người 2 chai nước, 1 uống trước tiêm, 1 uống sau tiêm.

- Chế độ ăn sau tiêm: Mình vẫn ăn bình thường, không kiêng gì, có tăng cường thêm rau xanh và trái cây. Xưa uống ngày 1 cốc nước ép quýt thì nay uống ngày 3 cốc ?
- Theo dõi sau tiêm: (Lưu ý tình trạng sau chỉ là tình trạng của mình, lưu lại như một dạng nhật ký cá nhân. Cơ thể mỗi người một khác, phải tự cảm nhận, đánh giá để xử lý cho kịp)
- 22/6 (ngày 0): 16:43: 30ph sau tiêm, nhịp tim, huyết áp bình thường. Tối ngủ: hơi ngứa cổ. Thấy vậy, mình xúc miệng nước muối và uống luôn 1 viên Berocca mặc kệ bạn mình có khuyến cáo thuốc chỉ uống ban ngày (do có cafeine trong thành phần thuốc). May quá, tối ấy ngủ ngon không có chuyện gì xảy ra.
- 23/6 (ngày 1):
Sáng: nhiệt độ bình thường 36,6, đau bắp, đầu giật 1-2 cái.
Trưa: có dấu hiệu uể oải, buồn ngủ, ớn lạnh nên xin nghỉ về nhà.
Chiều: sau một giấc ngủ li bì, tỉnh dậy 16:20 thì sốt nhẹ 37,6. Mình bắt đầu uống nhiều nước, 30ph uống 1 lần. Tranh thủ lau người (không tắm), ăn tối và có uống hạ sốt Nhật, đắp túi chườm lạnh lên trán. 17:20 còn 37,3. 18:30 thì lại vọt lên 38,4. Hoảng quá, mình tung hết chăn đệm đang đắp ra cho thoáng, đi lại 5ph cho nhiệt tản bớt, đo lại thì còn 37,8. ?
Tối: 19:00 trở đi, mỗi tiếng đo nhiệt độ một lần thì đều đặn: 36,6-36,8. Thêm một đêm được ngủ yên bình.

- 24/6: nhiệt độ bình thường. Ngày này mình còn đi làm tình nguyện viên, hỗ trợ một điểm tiêm của tập đoàn. Tối về vẫn khoẻ, có hơi đau đầu chút, nhưng nằm nghỉ thì bình thường.
- 25/6: cơ thể bình thường. Có điều chưa thở phào nhẹ nhõm được, vẫn cần theo dõi thêm, không chủ quan. Vì theo thông tin từ HCDC:
“Sau khi tiêm vắc-xin từ 24-48 giờ, nếu người được tiêm có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, nhức đầu hoặc đau cơ mức độ từ nhẹ đến trung bình thường thì đều là những phản ứng thường gặp sau tiêm chủng.” Tức là ai cũng bị, bị mới là bình thường, mới là tốt.
Cái nguy cơ lớn hơn cần theo dõi cẩn thận sau đó là nguy cơ có “hội chứng giảm tiểu cầu”. Sau tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, đặc biệt từ ngày thứ 4, nếu xuất hiện các dấu hiệu liên quan đến biến chứng huyết khối – giảm tiểu cầu, cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc cơ sở y tế tiêm ngừa để được thăm khám, tham vấn và trị liệu. Khoảng thời gian cao điểm cho các triệu chứng ban đầu là ngày 6 đến ngày 14. Các dấu hiệu giảm tiểu cầu từ nhẹ đến nặng: Vết bầm tím ngoài da có dạng chấm, dạng mảng, dạng u máu; Màu đỏ tươi, tím bầm, màu vàng nhạt; Khi ấn hoặc đè vào vết bầm không biến mất; Không đau và xuất hiện tự nhiên. Chảy máu răng, miệng tự nhiên hoặc sau chải răng. Chảy máu mũi, xuất huyết kết mạc mắt tự nhiên. Tiểu máu, đi cầu phân đen hoặc máu tươi. Kinh nguyệt bất thường và rong kinh kéo dài ở phụ nữ. Xuất huyết có thể biểu hiện cùng lúc dưới da, niêm mạc và nội tạng.
Lúc mới đi tiêm về, con bạn thân (ai nấy lo) lôi đủ các bài báo nói về các ca tử vong ra doạ dẫm, làm mình còn ngồi nghiêm túc viết hẳn một trang “di chúc”. ???. Nghĩ lại chỉ thấy hài hước, chứ không thấy sợ. Dù tình trạng cơ thể thế nào, mình vẫn thấy có người thân bên cạnh những ngày sau tiêm, sẽ tốt hơn. Luôn mong những điều tốt nhất sẽ đến, nhưng cần chuẩn bị cho điều xấu nhất, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Hồ Chí Minh, 22/6/2021, một ngày bình yên trước giông bão
CẬP NHẬT MỚI:
- 14/8: Sau gần 8 tuần, mình được tiêm mũi 2. Cũng không ngờ, bằng ấy thời gian chỉ được loanh quanh trong nhà trọ, không được ra phố. Tiêm mũi 2 cũng là Astra, về không hề có phản ứng nghiêm trọng như mũi 1. An tâm ngồi đợi 2 tuần để cơ thể đạt miễn dịch.
- 15/8: Hồ Chí Minh bắt đầu không thèm xét nghiệm để phát hiện F0 nữa rồi. Ngày 15/8 thêm 4.516 ca nhiễm mới có khi cũng chỉ là số tồn sổ sách từ trước, có xét nghiệm hay truy quét nữa đâu.

Khi chưa có công văn hướng dẫn này thì mình cũng đã tham khảo người thân làm y tế để chuẩn bị cho gia đình mình một bọc thuốc dự phòng sẵn rồi, danh sách như sau:
THUỐC UỐNG SAU TIÊM
. pocari (uống sau khi tiêm phòng)
. Nhiệt kế mini (đo nhiệt độ sau tiêm)
. Thuốc hạ sốt Nhật màu vàng (uống nếu 37 – 38,5 độ), thuốc này là thảo dược, nhẹ, ko hại dạ dày
. Paracetamol (uống nếu 38,5 độ), chỉ uống nếu sốt cao, hại dạ dày
. Vitamin C sủi: uống hằng ngày sau tiêm
DÙNG HẰNG NGÀY TĂNG ĐỀ KHÁNG
. nước muối súc miệng
. nước muối xịt mũi
THUỐC DỰ PHÒNG KHI BỊ BỆNH (thực tế, những người mắc covid có thể bị những bệnh dưới kèm theo)
. Máy đo nồng độ Oxy SpO2
. Vitamin D Canxi: uống sáng 1 viên, tăng đề kháng
. Vitamin C sủi, tăng đề kháng
. Paracetamol: uống ngay nếu sốt do covid
. Sorbitol: thuốc táo bón, uống 1 gói buổi sáng khi đói, pha 1 gói với 100ml nước
. Domperidon: thuốc chống nôn, 1 viên/ lần x 3 lần/ ngày
. Esomeprazole: thuốc dạ dày, 1 viên/ lần/ ngày, uống trước ăn 30ph
. Fexofenadin: thuốc dị ứng, 1 viên/ lần/ ngày
. Loperamide: thuốc cầm tiêu chảy, 1 viên/ lần/ ngày
Hồ Chí Minh, 24/8/2021, ăn mừng kỷ lục phong toả 2 tháng++ không rời nhà ?