Ý kiến cá nhân:
Biết Chip từ hồi em ra 2 cuốn “Xách ba lô lên và đi”. Vẫn giọng văn giản dị hồi đó, có khác giờ viết chặt chẽ và sâu sắc hơn. Cuốn sách không chỉ là tổng hợp về những năm tháng tuổi trẻ của Chip, mà còn về những kinh nghiệm đúc kết được trong quãng đường tuổi 20.
Điểm: 8/10.
Những thông tin lưu lại:
- (trang 29) Danh sách đầu sách cho những người đang đi tìm ý nghĩa cuộc sống:
– Man’s search for meaning (Viktore Frankl, 1964) – Đi tìm lẽ sống (First News – Trí Việt & NXB Trẻ, 2011)
– One flew over the cuckoo’s nest (Ken Kesey, 1962)
– When breath becomes air (Paul Kalanithi, 2016) – Khi hơi thở hóa thinh không (Omega Plus & NXB Lao động, 2017)
– On the road (Jack Kerouac, 1957) – Trên đường (Nhã Nam & NXB Văn học, 2017)
– The little Prince (Antoine de Saint-Exupéry, 2000) – Hoàng tử bé
- (trang 39~) Để trở thành người lớn (định nghĩa người lớn: là người chịu trách nhiệm HOÀN TOÀN về cuộc sống của bản thân, chứ không phải theo nghĩa người trên 18 tuổi), bạn cần ba điều sau:
– Chịu trách nhiệm cho bản thân: chịu trách nhiệm về hậu quả của những việc bạn làm thay vì mong đợi ai đó, ví dụ như cha mẹ, hoàn cảnh,… đứng ra chịu trách nhiệm cho bạn.
– Đưa ra những quyết định độc lập.
– Độc lập về mặt tài chính: Muốn làm được điều này, phải học cách quản lý tài chính cá nhân.
- (trang 45) học cách quản lý tài chính cá nhân:
– Không bao giờ quá sớm để nghĩ đến chuyện đầu tư: tiền mặt (bao gồm cả tiền mặt và tiền trong tài khoản thanh toán) là tiền chết. Khi có tiền, dù ít đến đâu đi chăng nữa, hãy bắt đầu nghĩ đến chuyện đầu tư để tiền có thể sinh lãi. Ví dụ: đầu tư vào những cổ phiếu an toàn như blue-chip, VN30, VN100.
– Có quỹ tiết kiệm trong trường hợp khẩn cấp: Trước khi mang tiền đi đầu tư, cần phải có một khoản để riêng phòng những lúc không may như ốm đau, tai nạn, thất nghiệp. Khoản tiền này nên gửi vào kênh an toàn như tài khoản tiết kiệm hay đổi sang ngoại tệ mạnh USD. Quỹ tiết kiệm tầm khoảng chi phí tối thiểu cho 6 tháng sinh sống.
– Bớt tiêu tiền vào những đồ xa xỉ: Đồ xa xỉ không chỉ là những đồ đắt tiền. Tất cả những đồ gì không thực sự cần thiết đều là đồ xa xỉ.
– Có ngân sách ăn tiêu cho từng khoản mỗi tháng
– Chỉ có con khi bạn đã sẵn sàng để nuôi con.
** Chương viết này của Huyền làm mình nhớ đến phương pháp phân chia thu nhập ra 6 cái lọ của T. Harv Eker. Theo ông, bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 cái lọ để quản lý tiền bạc, kể cả khi bạn nghĩ rằng mình không có nhiều tiền để quản lý. Điều quan trọng là bạn cần phát triển nó thành thói quen. Thậm chí với 100 nghìn đồng, bạn vẫn có thể bắt đầu phương pháp này. Hãy chia tiền của bạn thành 6 cái lọ hoặc 6 tài khoản ngân hàng, hay còn gọi là 6 quỹ tài chính. Bạn lưu ý, 6 quỹ này hoàn toàn tách biệt với nhau. Mỗi khi có tiền (lương, thưởng, hoặc bất kể nguồn thu nhập nào) hãy chia khoản tiền này vào ngay 6 quỹ. Việc này cần làm ngay và làm để tạo thành thói quen:
Quỹ tự do tài chính = 10%
Tiết kiệm dài hạn = 10%
Giáo dục đào tạo = 10%
Nhu cầu thiết yếu = 55%
Hưởng thụ = 10%
Giúp đỡ người khác = 5%
- (trang 47) Một sô người đã có kế hoạch cụ thể để về hưu ở một độ tuổi nào đó. Nghỉ hưu không phải là vì họ lười làm việc, mà đó là cột mốc khi họ có đủ tiền để sống nốt quãng đời còn lại mà không phải làm việc vì tiền. Họ có thể tự do làm những điều mình thích.
- (trang 79) Tự học bằng cách link surfing – lang thang trên mạng đọc bài viết về chủ đề mình quan tâm, cố gắng không sa đà vào những bài viết không đâu: báo lá cải, diễn đàn tán dóc, tránh Facebook, mạng xã hội, tránh những bài viết về chương trình truyền hình thực tế, tránh tin tức về diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng.
- (trang 168) Chuẩn bị một resume chuyên nghiệp: Resume khác CV. Resume là bản tóm tắt kinh nghiệm, quá trình học tập, năng lực bản thân thường chỉ dài 1 đến 2 trang, trong khi CV dài bất tận có thể bao gồm tất tần tật chi tiết kinh nghiệm học tập, làm việc, thành tích. Một Resume thường bao gồm những phần sau: Mục đích/ Thông tin liên lạc/ Quá trình học tập/ Kinh nghiệm làm việc/ Dự án cá nhân/ Thành tích (nếu có)/ Kỹ năng.
- (trang 183) Kỹ năng gây thiện cảm – Trò chơi quyền lực: Keith Johnstone, trong cuốn sách “Impro” đưa ra lý thuyết rằng mỗi giao tiếp là một sự trao đổi về vị thế (status). Mỗi người tham gia vào giao tiếp đều có một vị thế nhất định, cao hoặc thấp. Vị thế (status) khác với địa vị (social rank). Một người có thể có địa vị cao nhưng không biết cách khẳng định vị thế của mình, sẽ bị lép vé khi giao tiếp với người có địa vị thấp hơn. Vị thế cao thấp khác nhau có những ngôn ngữ, cử chỉ khác nhau. Chúng ta có thể ứng dụng hiểu biết về vị thế trong giao tiếp thường ngày. Bạn có thể chọn vị thế cho bản thân, biết mềm nắn rắn buông, lèo lái phương hướng của cuộc hội thoại để đạt được mục đích của mình.
– Những trường hợp nên nâng vị thế bản thân: khi thuyết trình, nói chuyện trước đám đông, tranh biện, rơi vào tình huống nguy hiểm.
– Những trường hợp nên hạ vị thế bản thân: khi muốn làm cho ai đó thoải mái hơn, khi cần sự giúp đỡ của ai đó (mánh khóe điều khiển cảm xúc – emotional manipulation), khi không muốn người khác nhờ vả mình.
- (trang 194) Kỹ năng xây dựng mối quan hệ – Networking
- (trang 270) Du lịch có trách nhiệm: “Take nothing but pictures. Leave nothing but footprints”
– Không vứt rác bừa bãi ngay cả khi người dân địa phương làm thế.
– Tôn trọng văn hóa địa phương. Thể hiện sự tôn kính ở các khu vực đền, chùa.
– Trước khi mặc cả để có giá rẻ nhất có thể, hãy nghĩ xem giá này có công bằng với người bán hay không.
– Giảm thiếu dấu chân sinh thái (cacbon footprints) cho môi trường địa phương bằng cách tránh dùng túi ni-lông, đi phương tiện công cộng, dùng bình nước nhiều lần.
– Tránh cho tiền những người ăn xin địa phương.
– Cố gắng dùng những sản phẩm được sản xuất từ địa phương thay vì hàng nhập từ nơi khác về để gián tiếp giúp đỡ những người lao động tại nơi đó.
– Học một số cụm từ giao tiếp đơn giản bằng tiếng địa phương để thể hiện thiện chí của bạn.
– Trước khi tức giận vì sự bất tiện ở một nơi nào đó, hãy nhớ rằng mọi thứ nơi đó được thiết kế để tiện lợi cho người dân sinh sống nơi đó, không phải cho bạn.
- (trang 273) Du lịch an toàn: đi là nguy hiểm, nhưng đi không phải là thứ duy nhất nguy hiểm. Những rủi ro của việc đi có thể được hạn chế nếu lưu ý một số điều đơn giản sau:
– Luôn để ít nhất một người mình tin tưởng biết mình đi đâu và với ai.
– Chú ý đường đi & Ghi nhớ biển số phương tiện mình đi: Bạn có thể soạn những thông tin đó vào bản nháp tin nhắn trên điện thoại, sẵn sàng gửi cho người thân của bạn khi cần thiết.
– Không đưa hộ chiếu, giấy tờ tùy thân cho người lạ. Nếu đó là trường hợp bất khả kháng, hãy đưa cho người ta bản photocopy hộ chiếu. Nếu không có, hãy yêu cầu xem thẻ cảnh sát của họ để đảm bảo rằng đó là cảnh sát thật, và chỉ trình hộ chiếu khi xung quanh có người chứng kiến.
– Không cho người lạ biết nơi bạn ở. Không ăn đồ người lạ đưa, chú ý khi đi uống cùng người lạ.
– Trước khi làm việc gì, luôn tự đặt cho mình hai câu hỏi: “Trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là gì? Nếu trường hợp xấu nhất đó xảy ra, mình có thể chấp nhận được nó không?”
- (trang 289) Suy nghĩ về cái chết giúp ta nhận ra nỗi sợ lớn nhất của mình. Ai cũng biết rằng một ngày nào đó mình sẽ chết nhưng chúng ta vẫn sống như mình là bất tử: một ngày nào đó sẽ làm điều mình yêu thích; một ngày nào đó chúng ta sẽ thay đổi; một ngày nào đó chúng ta sẽ trở thành con người mình muốn trở thành…
- (trang 290) Phần lớn thời gian, con người không đưa ra quyết định dựa vào những điều chúng ta mong muốn, mà dựa trên những điều chúng ta sợ.
Hochiminh, 19/8/2018