Mình không biết ngành khác có khái niệm về “Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp” không? Mình làm kế toán bao năm mà nói thật cũng chưa tìm đọc về bộ đạo đức ngành (nếu có). Chỉ là từ bé, mẹ luôn miệng nhắc về cái cụm này, nên nó như ăn vào tâm trí vậy. Mẹ nói đại loại là làm nghề gì cũng cần phải có cách ứng xử cho phù hợp và quan trọng nhất là có đạo đức, để không mang tiếng cho con cháu sau này.
Hôm nay ngồi nộp visa Úc cho một chị bạn. Chị cũng tin tưởng, giao phó hết cho mình làm. Lúc mua bảo hiểm du lịch bằng momo, thấy tài khoản có mã giảm 50%, khi thanh toán hiện số tiền hoàn, nhưng trong chứng nhận thì vẫn ghi số tiền gốc. Số tiền lệch không lớn, không nhỏ, 200k.
Nếu nghĩ theo chiều hướng, mặc dù mua hộ người khác, nhưng đây là mã giảm của mình, thì 200k kia là của mình chắc cũng hợp lý chứ?
Nhưng “quy tắc đạo đức” lờ mờ cảnh báo cho mình có gì đó sai sai nếu mình làm vậy. Số tiền đó nếu mình nói thẳng với chị bạn, nếu chị ấy cũng biết về 200k và đồng ý cho mình giữ lại thì chuyện sẽ thoải mái hơn. Đó chính là sự minh bạch tài chính.
Tự ngẫm đến vụ gần đây, chắc cũng từ những con số nho nhỏ ban đầu không rõ ranh giới như vậy, đẩy lên vài triệu, rồi vài chục, đỉnh điểm là ba trăm triệu đút túi.
Trong công ty, hằng ngày đều tiếp xúc con số trăm tỷ. Nếu không đắn đo trăn trở đúng sai từ những cái vài trăm nghìn, thì sao chống lại được “sức hấp dẫn” của mấy con số khổng lồ kia. Thiếu gì cơ hội nhập nhèm, phết phẩy.
Có lẽ vì vậy mà mình không giàu được, tài sản tích cóp bao năm chỉ từ lương. Nhưng mình vẫn còn giữ lại được quan hệ đồng nghiệp, bạn bè thân, không phụ sự kỳ vọng của mẹ. Thiết nghĩ, đó mới là điều quan trọng nhất.