Theo suy nghĩ cá nhân tác giả, có 4 vùng đất đáng được coi là “linh địa” giữa muôn vàn những cảnh quan kỳ vĩ trong lịch sử của Trái đất:
– Đất thánh Jerusalem, nơi khởi nguồn của 3 tôn giáo lớn: Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo
– Ấn Độ và dãy núi thiêng Himalaya, nơi ra đời của 2 tôn giáo lớn: Hindu giáo và Phật giáo.
– Nhật Bản với đạo Shinto cùng tinh thần võ sĩ đạo samurai tạo nên bản sắc có một không hai của con người và văn hóa.
– Cao nguyên Tây Tạng, là quê hương của người Tạng, được coi là thánh địa kiên cố của Phật giáo.
CAO NGUYÊN TÂY TẠNG VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
1. Cao nguyên Tây Tạng
Tây Tạng là một vùng cao nguyên nằm ở vị trí biệt lập với thế giới bên ngoài bởi 3 bề núi non hiểm trở: phía Nam là dãy Himalaya, phía Tây là rặng Karakoram, phía Bắc là các rặng Côn Luân (昆仑, Kūnlún) và Đường Cổ Lạp (唐古拉, Tánggǔlā), phía Đông giáp ranh với hai tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam (Trung Quốc). Đây là khu vực có cao độ lớn nhất, độ cao trung bình 4.900m, được mệnh danh là “nóc nhà của Trái đất”, hay còn gọi là “Cực thứ ba” (Third pole), hai cực kia là Nam Cực và Bắc Cực.
Chính sự cô lập của cao nguyên Tây Tạng cùng với sợ che chắn của các dãy núi xung quanh đã tạo nên cho Tây Tạng một nền văn hóa rất tách biệt. Văn hóa Tây Tạng phát triển dưới ảnh hưởng từ nền văn hóa của các nước láng giềng Nepal, Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng khi du nhập vào Tây Tạng đều được tùy chỉnh, tiếp thu và dung hợp với văn hóa bản địa tạo nên một “bản sắc Tây Tạng” phong phú và bí ẩn.
2. Lịch sử Phật giáo có thể tạm chia thành 4 thời kỳ:
- Phật giáo Nguyên thủy, khoảng 100 năm từ giữa thế kỷ VI T.CN đến giữa thế kỷ V T.CN: khởi nguồn, phát triển vững vàng ở Ấn Độ với sự xuất hiện của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni.
- Phật giáo Bộ phái, từ thế kỷ IV T.CN: có nhiều phái được phân chia ra từ trong giáo đoàn của Phật giáo nguyên thủy.
- Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa, từ thế kỷ I đến thế kỷ V: Bắt đầu từ thế kỷ II T.CN, Phật giáo từ Ấn Độ lan truyền toàn Trung và Đông Á theo 2 hướng: Phật giáo Đại thừa (Phật giáo Bắc truyền) và Phật giáo Tiểu thừa (Phật giáo Nam truyền).
- Phật giáo Mật tông hay Phật giáo Kim Cương thừa, từ thế kỷ VII: Vào khoảng thế kỷ IV-V, Hindu giáo ra đời, gốc rễ từ Bà-la-môn giáo hấp thụ thêm một số giáo lý Phật giáo. Hindu giáo với giáo lý đơn giản kết hợp với những quan niệm tôn giáo truyền thống nên được sự tiếp nhận ngày càng rộng rãi của xã hội Ấn Độ. Phật giáo Đại thừa với giáo lý uyên thâm phức tạp, khó tiếp cận, mất dần sự hấp dẫn với quần chúng và suy tàn dần từ thế kỷ VII. Trước tình thế này, để tồn tại, Phật giáo Đại thừa phải thay đổi. Mật tông là sự kết hợp giữa Phật giáo Đại thừa với các phương pháp tu luyện cổ xưa của nền văn minh tâm linh Ấn Độ, cùng các yếu tố của Yoga và các tôn giáo khác của Ấn Độ. Phật giáo Mật tông hình thành vào khoảng thế kỷ V, VI tại Bắc Ấn, rồi sau đó truyền bá sang Trung Hoa, Nhật Bản và phát triển mạnh mẽ ở cao nguyên Tây Tạng. Sau thế kỷ XIII, Phật giáo được xem là kết thúc ngay trên mảnh đất Ấn Độ, nơi sinh ra nó. Trung Hoa và Tây Tạng thay thế, trở thành 2 trung tâm độc lập của Phật giáo phương Đông.
3. Sự ra đời của Phật giáo Tây Tạng
Giữa thế kỷ VII, Songtsen Gampo vị vua thứ 33 của người Tạng đã thống nhất các bộ tộc người Tạng và trở thành Tán Phổ (Hoàng đế) đầu tiên của Đế quốc Thổ Phồn. Songtsen Gampo được xem là quân chủ vĩ đại nhất của người Tạng, ngoài việc mở rộng lãnh thổ, ông đã rời đô về Lhasa (thủ phủ của Tây Tạng cho đến ngày nay), thiết lập hệ thống luật pháp, chính trị, quân sự và kinh tế, tạo nền móng vững chắc cho sự thịnh vượng của Thổ Phồn. Ông được xem là người đóng vai trò quan trọng trong sự ra đời của chữ Tạng, giúp tiếng Tạng trở thành ngôn ngữ nói và viết chính thức tại cao nguyên Thanh Tạng.
Songtsen Gampo thành hôn với công chúa Bhrikuti Devi của Nepal và công chúa Wencheng của nhà Đường. Thông qua hai cuộc hôn nhân này, đạo Phật du nhập vào Tây Tạng, trở thành quốc giáo. Hai ngôi đền Jokhang và Ramoche được xây dựng để đặt hai bức tượng Phật do hai công chúa thỉnh về.
Thời gian đầu, Phật giáo truyền vào Tây Tạng thông qua hệ từ Trung Hoa (lấy Đại thừa Hiển giáo của Trung kỳ Đại thừa làm chính) và hệ từ Ấn Độ (lấy Đại thừa Mật giáo của Vãn kỳ Đại thừa làm chính). Sau đó, hệ từ Trung Hoa nhạt dần, chỉ có hệ đến từ Ấn Độ là phát triển rực rỡ, hòa nhập với tín ngưỡng Bon giáo bản điạ để biến thành một hệ phái Mật tông Tây Tạng huyền bí.
Bon giáo là loại hình tôn giáo nguyên thủy ở Tây Tạng, mạng đậm dấu ấn Thần giáo. Tôn giáo này chứa đầy những huyền phép đặc biệt, mang tính chất bí ảo ít người có thể hiểu biết, chuyên thờ cúng và hành trì những phép thuật siêu hình như thuật khinh thân, bói toán, tàng hình. Bon giáo đứng đầu là những vị pháp sư.
Những bậc đại sư nổi bật đóng góp làm hưng thịnh Phật giáo Tây Tạng:
- Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) người Ấn, thế kỷ VIII: là người truyền bá Mật tông và sáng lập tông phái Nuyingma (Ninh Mã, phái Mũ Đỏ), một trong 4 phái lớn của Mật tông Tây Tạng. Ngài xây dựng tu viện Samye năm 775, và được coi là tổ sư của Mật tông Tây Tạng.
- Đại sư Atisa người Đông Ấn, thế kỷ XI: là người sáng lập phái Kadam và đặt nền móng vững chắc cho các hệ tư tưởng Mật giáo Tây Tạng sau này.
- Tsongkhapa, 1357-1419: là người sáng lập tông phái Gelug (phái Mũ Vàng), một tông phái quan trọng nhất của Tây Tạng hiện nay. Phái liên tục có truyền nhân, truyền thừa liên lục cho đến ngày nay. Gelung chia thành 2 dòng truyền thừa Phật sống hóa thân chuyển thể nổi tiếng là Dalai và Panchen.
Năm 1578, Đại hãn Mông Cổ là Altan Khan do cảm phục kiến thức cao thâm của các đại sư Tây Tạng nên xin quy y, đồng thời phong tước cho phương trượng của phái Gelung là Dalai Lama. Từ 1617, Dalai Lama 5 trở thành người lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng, đưa nơi đây bước vào thời kỳ cực thịnh của Phật giáo Tây Tạng, ghi dấu bằng cung điện Potala, nơi ở của các vị Dalai Lama.
Nói một cách đơn giản, có thể coi Phật giáo Kim Cương thừa Tây Tạng là đỉnh cao của Phật giáo. Phật giáo Tây Tạng đã bảo tồn và truyền thừa nguyên vẹn tư tưởng của Đức Phật từ 2.500 năm trước, dung hợp những nét đặc sắc nhất trong giáo lý tam thừa (Tiểu thừa, Đại thừa và Mật thừa), chắt lọc những tinh túy nhất của Phật pháp (Tantra) và Yoga, đem những phát môn dường như đối nghịch hòa nhập lại với nhau để thiết lập nên một hệ thống phong phú giải quyết một cách hoàn mỹ những khúc mắc quanh vấn đề “giải thoát” và “tức thân thành Phật”, giúp hành giả nhận ra chân lý và đạt được giác ngộ.
Về mặt thành tựu, tuy Phật giáo Kim cương thừa chỉ đại diện cho 1/30 số tín đồ vì chỉ hiện diện giới hạn ở các vùng thưa dân như Tây Tạng, Bhutan, Nepal và Mông Cổ và Dalai Lama chỉ đại diện cho 1% tín đồ Phật giáo thế giới, nhưng với uy tín của Ngài, người Tây phương vẫn nhìn nhận Ngày như người đại diện cho toàn thể Phật giáo.
VĂN HÓA VÀ TẬP TỤC CỦA TÂY TẠNG
1. Cờ Lungta
“Lungta” nghĩa là “ngựa gió”, trong quan niệm lâu đời của người dân sống ở thảo nguyên, ngựa và gió giống như phương tiện vận chuyển, vừa mang những lời cầu nguyện của con người lên trời, vừa đem những điều tốt đẹp từ trên trời xuống nhân gian.
Cờ Lungta làm bằng những mảnh vải hình chữ nhật nhỏ năm màu, có trang trí những hình ảnh, thần chú, các lời cầu nguyện và được xâu chuỗi và treo dọc các sống núi và các đỉnh cao của dãy Himalaya. Thứ tự màu sắc của các là cờ: vàng, xanh dương, đỏ, trắng, xanh lục (có thể theo chiều từ dưới lên, trái sang phải hoặc phải sang trái). Người Tây Tạng tin rằng, khi gió thổi đến, những lời cầu nguyện ghi trên lá cờ sẽ tan tỏa khắp không gian và mang phước lành tới cho chúng sinh. Chính vì vậy, tục treo cờ Lungta trở thành một nghi thức tâm linh, vừa đơn giản lại vừa thiêng liêng.
2. Cung điện Potala
Cung điện Potala mang biểu tượng quyền lực gắn liền với các đời Tạng Vương và Dalai Lama. Đây là nơi ở chính của các Dalai Lama cho đến đời Lama 14 lưu vong sang Dharamsala (Ấn Độ) sau cuộc biểu tình của dân chúng và bị quân đội Trung Quốc trấn áp quyết liệt. Cung điện gồm 2 khu chính: cung điện trắng Potrang Karpo (White Palace) ở phía ngoài, và cung điện Đỏ Potrang Marpo (Red Palace) ở trung tâm. Cung điện được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1994.
3. Lhasa
Lhasa là thủ phủ tôn giáo và hành chính của Tây Tạng từ giữa thế kỷ XVII. Thành phố được bao quanh bởi 3 con đường làm thành 3 vòng đồng tâm, được tín đồ sử dụng để đi chiêm bái vòng quanh đền Jokhang. Đường vòng trong cùng Nangkor, nằm bên trong đền Jokhang, bao quanh điện thời nơi đặt bức tượng linh thiêng nhất trong Phật giáo Tây Tạng. Đường vòng ở giữa Barkhor, đi quan những khu phố cổ. Đường vòng ngoài cùng Lingkor, bao quanh toàn bộ thành phố Lhasa truyền thống. Cứ mỗi tháng 8, lễ hội Shoton được tổ chức tại Lhasa là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất ở Tây Trạng từ thế kỷ VII.
Sau khi Tây Tạng thuộc về Trung Quốc năm 1959, nhiều người đã rời bỏ thành phố để sống lưu vong ở Ấn Độ.
4. Kiến tạo Mandala (Mạn-đà-la)
Mandala là một hình vẽ biểu thị vũ trụ hoàn hảo, có một hay nhiều vị thần ngự trị, trong cái nhìn của một bậc giác ngộ. Một Mandala được bắt đầu bằng một dấu chấm ở trung tâm, biểu tượng cho sự vô hạn, một hạt giống, một điểm bắt đầu. Tâm điểm này thu hút tất cả năng lượng vũ trụ bên ngoài. Vòng tròn vẽ xung quanh biểu trưng cho sự bảo tồn cho Bản tôn ở trung tâm. Hình vuông bên ngoài biểu trưng cho thế giới vật chất hướng ra 4 phương, có bốn cổng đại diện cho sự hội tụ của tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỉ, xả).
Mandala có thể được kiến tạo bằng nhiều chất liệu khác nhau, nhưng làm bằng cát màu được biết đến nhiều và phổ biến nhất. Sau khi mandala cát làm xong thì các nhà sư thực hiện bước ngược lại là hủy bỏ bằng cách trộn đều các loại cát lại với nhau, rồi đem ra sông, biển gần đó, hoặc phân phát cho những người chiêm bái với ý nghĩa chia đều công đức để tất cả cùng lợi lạc. Ý nghĩa quan trọng nhất của sự hủy bỏ là để chúng ta thấy được tính chất vô thường của muôn sự trên thế gian.
5. Pháp khí Kim Cương thừa
Nghi lễ và nghi thức là phần thực hành chính của Kim Cương thừa. Những nghi lễ, nghi thức như: cầu mưa, diệt trừ bệnh tật, cầu mùa màng bội thu, diệt trừ ma quỷ… đều đi kèm sử dụng những pháp khí thích hợp để nâng cao tính trang nghiêm của buổi lễ. Một số pháp khí chính:
- Chày và chuông Kim Cương: biểu hiện Phật tính, bất diệt và thường hằng. Chày Kim Cương tượng trưng cho trí huệ. Chuông Kim Cương tượng trưng cho phương tiện, âm thanh phát ra từ chuông được cho rằng có tác dụng diệt trừ chướng ngại, ma quỷ. Khi thực hiện nghi lễ, chày Kim Cương được cầm trong tay phải, hướng xuống dưới; chuông Kim Cương được cầm bên tay trái và hướng lên trên.
- Chày phổ ba Kim Cương: được sử dụng với mục đích hàng phục quỷ dữ và diệt chướng ngại. Lưỡi 3 cạnh của chày phổ ba biểu thị cho việc chặt đứt gốc rễ của tham, sân, si.
- Chén sọ pháp khí: được sử dụng chủ yếu trong các nghi lễ bí truyền. Chiếc chén làm từ sọ người, là pháp khí nhắc nhở về cái chết và sự vô thường.
- Dao cong: là pháp khí để cắt đứt các tà kiến, thường được sử dụng thành cặp với chén sọ pháp khí.
- Bánh xe cầu nguyện Mani: là pháp khí sử dụng trong tụng niệm. Câu chú “Om Mani Padme Hum” cùng với các biểu tượng tốt lành Ashtamangala được chạm khảm bằng tiếng Phạn trên bề mặt của bánh xe. Tại Tây Tạng, trước khi vào chùa thường có một hàng bánh xe cầu nguyện để Phật tử quay trên lối đi vào chùa. Theo truyền thống, quay bánh xe như vậy có tác dụng tạo phước lành một cách giản dị nhất. Người cầu nguyện vừa xoay bánh xe theo chiều kim đồng hồ, vừa tụng chú “Om Mani Padme Hum”, một vòng quay tương đương đọc một lượt thần chú.
6. Nhạc khí Kim Cương thừa
Theo quan niệm của Phật giáo, mọi thanh âm đều là pháp. Vì vậy, Kim Cương thừa nhấn mạnh và phát triển âm nhạc là trung tâm của sự thực hành nghi quỹ. Trong các giác quan, thính giác sở hữu khả năng lĩnh hội trực giác cao hơn những giác quan khác, vì thính giác thuộc về “bị động “, nên âm nhạc và trì tụng có khả năng dễ dàng lan tỏa vào trong tâm thức, tạo ra những hiệu quả mãnh liệt. Nhạc khí Kim Cương thừa chia làm 4 loại: Trống, Chuông và chũm chọe, Kèn và tù và, những nhạc khí bằng dây.
7. Vũ điệu Cham
Là một điệu nhảy tôn giáo và cũng là một nghi lễ của Kim Cương thừa. Nhiều yếu tố của Cham bắt nguồn từ Hindu giáo và Bon giáo. Các vũ điệu Cham mang nhiều ý nghĩa biểu tượng:
- Khi vũ công đeo mặt nạ đầu hươu dùng thanh gươm cắt đứt một hình nộm tượng trưng cho sự diệt trừ bản ngã bằng lưỡi gươm trí huệ.
- Những vũ công đeo mặt nạ chạy rượt đuổi nhau trong cảnh náo loạn ồn ào tượng trưng cho nguồn năng lượng bên trong cơ thể không ngừng khuấy động tâm thức.
- Màn múa lặng lẽ yên bình tượng trưng cho sự an tĩnh nội tại đạt được khi mọi vọng niệm bị dập tắt.
8. Nghệ thuật Thangka
Dòng tranh Thangka có nguồn gốc từ Nepal (gọi là Paubha) và du nhập vào Tây Tạng bởi công chúa Bhrikuti Devi (gọi là Thangka). Paubha là tranh tôn giáo truyền thống được thực hiện bởi những cư dân Newar ở Nepal, mô tả các vị thần, mandala, các di tích và được sử dụng để giúp hành giả trong việc thiền định. Nghệ thuật Thangka Tây Tạng được lưu truyền đến ngày nay, được xem là bộ bách khoa toàn thư vô cùng giá trị của người Tây Tạng. Nghi lễ mở tranh Phật được tổ chức hằng năm tại tu viện Drepung và tu viện Sera.
9. Người Tây Tạng nhìn về cái chết
Phật giáo Tây Tạng được xem là đặc biệt thông thạo nghi thức tang lễ, và có phương pháp để đảm bảo người chết được tái sinh may mắn. Trong số đó, có nhiều nghi thức giúp hành giả có thể đoán trước cái chết, hoặc đảm bảo người ra đi có một hành trình thuận lợi trong kiếp sống mới.
Tác phẩm “Tử thư Tây Tạng”, của Đại sư Liên Hoa Sinh, được xem là một kho tàng tâm linh quý giá đề cập về những nghi thức tang lễ và những truyền thống liên quan đến cái chết. Cuốn sách nói rõ: “Hai cõi sống chết chia cách bởi một tấm màn mỏng như sương khói và chỉ cần vén màn lên là có thể đụng chạm vào nhau”. Tác phẩm được Nguyên Phong dịch ra tiếng Việt.
Thành ngữ Tây Tạng có câu “Kẻ nào ý thức được sự sống sẽ ý thức được cả cái chết. Biết cách ý thức thức sự sống là một công phu, và nếu nó là một công phu, người ta có thể tập luyện được”. Những người bình thường, đại đa số không ý thức rõ rệt về sự sống nên họ không làm chủ được quá trình chết. Họ cần sự trợ giúp, và vì vậy Kim Cương thừa chú trọng đến việc hướng dẫ những người này với những nghi thức đặc biệt. Đó cũng chính là một nét đặc thù của Kim Cương thừa.
Người Tây Tạng cho rằng phương pháp hiệu quả nhất để định hướng hành trình cho một người lúc lâm chung là thực hành phowa (phép chuyển di tâm thức), trong đó một hành trì Kim Cương thừa giúp thần thức của người lâm chung rời khỏi cơ thể qua huyệt bách hội.
Theo Phật giáo Kim Cương thừa, lúc chết thần thức sẽ thoát ra qua 1 trong 10 “lỗ mở” của thân: hậu môn, bộ phận sinh dục, miệng, 2 lỗ mũi, 2 lỗ tai, 2 con mắt và huyệt bách hội trên đỉnh đầu. Nếu thần thức của người chết thoát ra qua huyệt bách hội nằm ở đỉnh đầu, sẽ giúp người đó được tái sinh vào một cảnh giới cao hơn. Các thiền giả được dạy cách đóng 9 cửa dưới, đặc biệt là các cửa phần dưới, với sự quán tưởng hình ảnh thiêng liêng của âm tiết “HUM”.
Phương pháp mai táng được ưa chuộng ở Tây Tạng là thiên táng (điểu táng). Thiên táng nghe có vẻ như là một tập tục “man rợ”. Tuy nhiên, người Tây Tạng cho rằng cơ thể con người chỉ là phương tiện, như chiếc xe để chở linh hồn. Khi linh hồn đã rời bỏ thì nó không còn giá trị và nên bỏ đi, cách hào phóng nhất là dùng làm thức ăn cho các loài chúng sinh khác. Về mặt lịch sử địa chất, cao nguyên Tây Tạng là hệ sinh thái tồn tại ở nơi cao nhất thế giới. Đất đá cứng lạnh, không thể tiến hành chôn cất. Việc hỏa táng cũng khó khăn vì gỗ cây, nhiên liệu đốt khan hiếm. Trong khi đó, những đàn kền kền đói lượn khắp bầu trời, và sói lang thang quanh vùng. Với những đặc điểm địa lý đó, thiên táng được xem là hợp lý với họ.
Thiên táng là một nghi lễ hết sức trang trọng, và được sử dụng để giảng về sự vô thường của cuộc sống. Thiên táng còn được coi là một hành động hào phóng cuối cùng của mỗi cuộc đời sau khi chết để giúp duy trì sự sống cho những sinh linh đói khát. Sự rộng lượng và từ bi đối với tất cả chúng sinh luôn là những phẩm giá cao quý trong triết lý Phật giáo.
10. Huyền thuật Tây Tạng
Tây Tạng là quốc gia Phật giáo nhưng nó cũng là nơi mà các truyền thống của nền tôn giáo bản địa cổ xưa vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh trong đời sống thường ngày của người dân. Huyền thuật vẫn được truyền dạy và sử dụng rất phổ biến trong dân gian. Huyền thuật là phương thức sử dụng các thủ thuật (bùa chú, thư phù) để tạo ra sự liên kết, giao thoa giữa thế giới hữu hình với thế giới tâm linh.
Người Tạng tin rằng hầu hết người chết đều không trở về. Họ có thể siêu thoát lên một cảnh giới cao hơn hay đầu thai trở lại làm người, ngạ quỷ hay súc sinh. Tuy nhiên, có những vong linh không siêu thoát, do có những nỗi oan ức, bực bội hoặc còn điều gì dang dở, nên họ thường quay về tiếp xúc với người thân trong giấc mơ để giãi bày tâm sự, hoặc gây ra những hiện tượng bất thường trong căn nhà họ từng sống. Những trường hợp này, thân nhân phải nhờ các pháp sư hay các Lama đến cúng lễ hay cầu siêu cho người chết, hoặc mời người đồng đến để vong linh thông qua người đồng tiếp xúc với người sống. Những truyền thống này có thể tìm thấy ở các dân tộc phương Đông, trong đó có Việt Nam.
Sự khác nhau trong phương pháp của các Lama và các pháp sư huyền thuật ở quan niệm. Các pháp sư tin rằng cảnh giới bên kia cửa tử là có thật, nên thường dùng bùa ngải, bắt ấn và có khi bắt phải xuất vía sang cõi bên kia để gặp gỡ các quỷ thần và giải quyết những vướng mắc của vong hồn. Các Lama được dạy rằng tất cả mọi cảnh giới đều chỉ là những hiện tượng của tâm thức, tùy theo tâm thức của chúng sinh mà những cảnh giới này hiện ra thành thiên thần hay ác quỷ, và bằng cách hướng dẫn tâm thức của vong hồn, họ giúp cho vong hồn thức tỉnh và siêu thoát.
Tác phẩm Mystiques et Magiciens du Thibet (Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng, Nguyên Phong dịch) có kể lại những câu chuyện mà bà đã tận mắt chứng kiến về các huyền thuật của các đạo sĩ Tây Tạng.
BARDO VÀ NGHỆ THUẬT SINH TỬ
Theo Phật giáo Kim Cương thừa, các hiện tượng xảy ra giữa cái chết và sự sinh được phân chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn thuộc quá trình của cái chết: giai đoạn này có sự xuất hiện của những “ảo ảnh của ánh sáng” cùng với cả âm thanh. Đối với người thường, trải nghiệm này chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc ngắn ngủi và họ sẽ ngay lập tức rơi vào trạng thái vô tri vô giác. Giai đoạn này kết thúc vào lúc ta ngừng thở.
- Giai đoạn trung gian (Bardo cận tử): giai đoạn chuyển tiếp giữa quá trình của cái chết và quá trình của sự sinh. Giai đoạn này bắt đầu với sự tan biến của các ảo ảnh ánh sáng và kết thúc khi một thân trung ấm (một cơ thể tạo bằng khí và không có kết nối với bất kỳ một xác thân vật lý nào) được hình thành.
- Giai đoạn thuộc quá trình của sự sinh: giai đoạn thân trung ấm đi tìm nơi tái sinh, tiếp theo là quá trình diễn tiến của sự thụ thai và hình thành một cá thể thuộc vào kiếp sống sau.
Bằng phương pháp hành trì Tối thượng Yoga Tantra, hành giả có thể quan sát và theo dõi trạng thái thân trung ấm sau khi chết, hoàn toàn làm chủ được quá trình chết và tái sinh, thậm chí còn có thể “chặn đứng” hay “ngắt bỏ” sự tái sinh và đạt đến giải thoát thật sự, vĩnh viễn thoát khỏi kiếp luân hồi.