Tại sao sự phát triển của loài người đã diễn ra trên các lục địa khác nhau với những tốc độ khác nhau đến vậy? “Súng, vi trùng và thép” là nỗ lực của Jared Diamond để giải thích vì sao các nền văn minh Á – Âu (bao gồm cả Bắc Phi) lại tồn tại được, cũng như đã chinh phục các nền văn minh khác. Cùng lúc ông bác bỏ các lý thuyết về sự thống trị của các nền văn minh Á – Âu dựa vào trí tuệ, đạo đức hay ưu thế di truyền. Ông lập luận rằng, sự khác biệt về quyền lực và công nghệ giữa các xã hội loài người có nguồn gốc từ sự khác biệt về môi trường. Qua đó, giải thích tại sao Tây Âu, chứ không phải các nền văn minh khác trong thế giới Á – Âu như Trung Quốc, lại trở thành thế lực thống trị. Lịch sử những tương tác giữa các dân tộc khác nhau chính là cái đã định hình thế giới hiện đại thông qua sự chinh phục, bệnh truyền nhiễm và diệt chủng.
4 chương của phần “Từ sản xuất lương thực đến súng, vi trùng và thép” khảo sát chi tiết làm cách nào cái nguyên nhân tối hậu là sản xuất lương thực đã dẫn đến những nguyên nhân trực tiếp là vi trùng, chữ viết, công nghệ và chính phủ tập trung hóa.
CHƯƠNG 11: TẶNG PHẨM CHẾT NGƯỜI CỦA GIA SÚC
Bài đăng riêng ở đây:
CHƯƠNG 12: BẢN GỐC VÀ NHỮNG CHỮ CÁI VAY MƯỢN
Tri thức mang lại quyền lực. Thế nên chữ viết mang lại quyền lực cho xã hội văn minh, bởi nhờ chữ viết mà tri thức có thể được truyền tải chính xác hơn nhiều, với số lượng lớn hơn nhiều và chi tiết hơn nhiều, từ những vùng xa xôi hơn và những thời đại xa xưa hơn.
Chữ viết song hành cùng vũ khí, vi trùng và tổ chức chính trị tập trung hóa như một trong các tác nhân chinh phục ở thời hiện đại. Mệnh lệnh của các tu sĩ và thương gia, những kẻ tổ chức các đoàn tàu chinh phục thuộc địa, đều được truyền đạt bằng chữ viết. Các đoàn tàu chinh phục thuộc địa xác định hải trình nhờ các bản đồ và văn bản hướng dẫn đi biển đã được lập từ những chuyến đi trước đó. Những báo cáo thành văn về các chuyến đi trước đó là tác nhân kích thích cho những chuyến đi sau, bằng cách mô tả sự giàu có và những vùng đất màu mỡ đang đợi người chinh phục, cảnh báo cho các nhà du hành tiếp bước về những khó khăn họ phải đối mặt, giúp họ chuẩn bị sẵn sàng. Việc người châu Âu chinh phục được châu Mỹ, Siberia và châu Úc là những minh họa cho hệ quả điển hình của việc sở hữu chữ viết trong lịch sử. Khảo sát sự phát triển của chữ viết không chỉ có tầm quan trọng tự thân của chữ viết, mà nó còn cho ta có cái nhìn thấu đáo về lịch sử văn hóa nói chung. Những câu hỏi tương tự nảy sinh bất cứ lúc nào ta tìm hiểu nguồn gốc và sự bành trướng của nhiều khía cạnh khác của văn hóa như công nghệ, tôn giáo.
1. Hệ chữ viết là gì?
Có 3 giải pháp để chữ viết biểu đạt một đơn vị lời nói:
- Giải pháp 1: Mỗi ký hiệu biểu đạt một âm tiết cơ bản duy nhất. Đây là giải pháp được hầu hết các dân tộc sử dụng, bằng cách sử dụng “bảng chữ cái ghi âm”. Trong trường hợp này, chữ cái (ký hiệu đơn nhất) để ghi lại âm vị (âm cơ bản của ngôn ngữ). Trên thực tế, hầu hết ngôn ngữ có số lượng âm vị nhiều hơn số chữ cái, nên người ta buộc phải gán nhiều âm vị khác nhau cho cùng một chữ cái và biểu đạt một số âm vị bằng cách kết hợp nhiều chữ cái. Ví dụ trong tiếng Việt: 3 âm vị “a”, “ă”, “â”; hoặc 2 âm vị kết hợp “ch” và “tr”.
- Giải pháp 2: Mỗi ký hiệu biểu đạt trọn một âm tiết, gọi là “chữ biểu tự” (logogram). Đây là chức năng của nhiều ký tự chữ Hán và phần chủ yếu trong hệ chữ viết của tiếng Nhật kanji, chữ tượng hình Ai Cập, chữ Maya, chữ hình nêm của người Sumer. Trước khi chữ viết bằng chữ cái ghi âm trở nên phổ biến, các hệ chữ viết dùng logogram từng thông dụng hơn.
- Giải pháp 3: Mỗi ký hiệu biểu đạt trọn một từ, gọi là “chữ biểu vần” (syllabary). Hệ chữ viết này dùng từng ký hiệu riêng để ghi từng âm tiết gồm một phụ âm theo sau là nguyên âm, và sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau để viết những loại âm tiết khác nhờ các ký hiệu này. Giải pháp này rất phổ biến vào thời cổ đại (chữ kẻ vạch kiểu B – Linear B – của nền văn minh Mycene thuộc Hy Lạp), nhưng ít quen thuộc ngày nay. Một trong số các hệ chữ biểu vần vẫn tồn tại đến ngày nay, là chữ katakana của người Nhật, vẫn được dùng để đánh điện tín, bảng kê ngân hàng và văn bản cho người mù.
Không một hệ chữ viết nào chỉ thuần sử dụng một trong ba giải pháp trên mà thôi mà kết hợp cả 3 giải pháp trên.
2. Chữ viết đã bao nhiêu lần phát sinh cách biệt nhau, trong những hoàn cảnh nào, vì mục đích gì?
Phát minh một hệ chữ viết từ con số 0 là việc khó hơn vạn bội lần so với vay mượn và cải biên một hệ chữ viết có sẵn. Các thư lại đầu tiên đã phải tranh cãi với nhau về những nguyên lý cơ bản như: làm cách nào tách một chuỗi phát âm liên tục thành từng đơn vị lời dù các đơn vị đó được coi là từ, âm tiết hay âm vị; làm thế nào nhận ra cùng một âm hay đơn vị lời đó qua toàn bộ các biến thể thông thường về âm lượng, ngữ điệu, tốc độ, cách nhấn giọng, ngắt cụm từ, và những dị biệt trong cách phát âm của mỗi người.
Nhiệm vụ đó khó khăn đến nỗi chỉ vỏn vẹn vài trường hợp người ta tự phát minh ra chữ viết từ chỗ chưa có gì. Các dân tộc khác từng tạo ra chữ viết từ sau đó trở đi đều đã vay mượn, cải biên hay ít nhất là được gợi ý nhờ các hệ chữ viết khác. Ai đó đã phát minh ra một cái gì đó rồi đưa vào sử dụng và vận hành tốt, thì tại sao bạn lại mất công mày mò phát minh một cái gì tương tự để dùng nếu bạn biết có thể sử dụng phát minh đó?
- 2 trường hợp có bằng chứng chắc chắn: chữ viết của người Sumer vùng Lưỡng hà (khoảng trước năm 3.000 T.CN) và chữ viết của người Anh-điêng Mexico (khoảng trước năm 600 T.CN).
- 3 trường hợp khác cũng có thể phát sinh độc lập nhưng vẫn đang tranh cãi: chữ viết Ai Cập (khoảng năm 3.000 T.CN), chữ viết Trung Hoa (trước năm 1.300 T.CN) và chữ viết của người Polynesia trên Đảo Phục Sinh.
Người Sumer và người Mexico cổ đã tình cờ là những kẻ đầu tiên tạo ra được các điều kiện đó ở Cựu Thế giới và Tân Thế giới. Việc phát triển chữ viết độc lập như chữ Sumer đã phải mất ít nhất hàng trăm, có khi hàng ngàn năm. Khi người Sumer và người Mexico cổ đã phát minh ra chữ viết rồi, các chi tiết của nguyên lý chữ viết của họ nhanh chóng bành trướng sang những xã hội khác trước khi các xã hội này kịp tiến hóa thêm hàng trăm hay hàng nghìn năm để đạt tới chỗ có khả năng thử nghiệm những hệ chữ viết hoàn toàn của riêng mình. Hai khu vực nói trên đã “giành trước” cơ hội nên cái tiềm năng nọ bị phí hoài.
3. Sự cải tiến và bành trướng của chữ viết?
Sự bành trướng của chữ viết đã diễn ra bằng một trong hai cách sau:
- “Sao chép bản gốc”, nghĩa là sao chép hoặc cải biên một bản thảo chi tiết đã có sẵn. Hầu hết các hệ chữ viết ngày nay là cải biên từ những bảng chữ cái có sẵn. Những bảng chữ cái này hình như đã chỉ phát sinh một lần duy nhất trong lịch sử: bảng chữ cái Semites (tiến hóa từ các chữ tượng hình Ai Cập). Từ bảng chữ cái thủy tổ đó, một dòng tiến hóa đã dẫn đến bảng chữ cái Ethiopia hiện đại thông qua các bảng chữ cái Ả Rập. Một dòng đã tiến hóa theo lối bảng chữ cái Aramaic của đế quốc Ba Tư, dẫn đến các bảng chữ cái Ả Rập, Do Thái, Ấn Độ và Đông Nam Á. Dòng tiến hóa còn lại thông qua người Phexini đến người Hy Lạp, đến người Etrusque, và cuối cùng đến người La Mã để cho bảng chữ cái a, b, c như hiện nay.
- “Lan truyền ý tưởng”, nghĩa là người ta chẳng nhận được gì nhiều ngoài ý tưởng cơ bản và buộc phải phát minh lại từ đầu các chi tiết. Biết rằng người khác đã làm được, bạn có động lực để cố gắng tự mình làm, song giải pháp cuối cùng của bạn có thể giống với của nhà phát minh đầu tiên mà cũng có thể không. Các ví dụ nổi bật tiêu biểu cho việc lan truyền ý tưởng dẫn đến nhiều hệ chữ viết: ngôn ngữ Cherokee phát minh bởi Sequoyah tại Arkansas năm 1820 nhờ nhìn thấy tiếng Anh của người da trắng; bảng chữ cái Hangul do Hoàng đế Sejong của Triều Tiên phát minh năm 1446 lấy ý tưởng từ chữ Hán và nguyên lý chữ cái của chữ viết Phật giáo Mông Cổ hoặc Tây Tạng; bảng chữ cái ogham từng được dùng ở Ireland và một phần của vùng văn hóa Celte trên đảo Anh vào khoảng thế kỷ IV.
Một ví dụ minh họa dễ hiểu cho hai cách bành trướng này như sau: Các sử gia vẫn đang còn tranh cãi xem trong trường hợp người Nga chế tạo bom nguyên tử là “sao chép bản gốc” hay “lan truyền ý tưởng”. Có phải nỗ lực chế tạo bom của người Nga chủ yếu là dựa trên bản gốc có sẵn từ các quả bom mà người Mỹ đã chế tạo rồi, bị gián điệp đánh cắp mà chuyển sang Nga? Hay chính vì người Mỹ đã ném thành công một quả bom xuống Hiroshima mà rốt cuộc Stalin cũng tin rằng quả thật người ta có thể chế ra một quả bom như vậy, sau đó các bác học Nga đã tái phát minh nguyên lý chế tạo bom một cách độc lập dù không nắm được nhiều chi tiết về quá trình phát minh trước đó của người Mỹ. Hai cách này song hành với những cách bành trướng công nghệ, ý tưởng trong suốt lịch sử nhân loại như phát minh bánh xe, kim tự tháp và thuốc súng.
4. Tại sao chỉ một số dân tộc đã tạo ra chữ viết trong khi nó có giá trị áp đảo như vậy? Tại sao chữ viết đã phát sinh và bành trướng đến một số xã hội này chứ không đến nhiều xã hội khác?
Để có thể phát triển một chữ viết hoàn chỉnh thì điều kiện tiên quyết là xã hội loài người phải bao gồm một số đặc tính ấn định liệu xã hội đó có coi chữ viết là hữu ích hay không và có khả năng nuôi sống một số thư lại không phải làm gì khác ngoài công việc của mình không.
Các hệ chữ viết xưa nhất hãy còn chưa hoàn chỉnh, tùy tiện hoặc rắc rối, hoặc cả ba. Chỉ một số ít người được học để dùng các hệ chữ viết cổ xưa đó. Các văn bản đầu tiên chỉ là những bảng tường trình vô cảm của các quan lại và đền thờ, những hồ sơ hành chính ghi về các hàng hóa được nhập vào, những khoản trả cho nhân công và các sản phẩm nông nghiệp được phân phối. Không có dấu vết nào cho thấy người ta dùng nó để ghi lại văn chương. Các anh hùng ca được sáng tác và truyền miệng bởi những nghệ nhân mù chữ cho những người nghe mù chữ.
Hẳn chính vì công dụng ít ỏi và số người sử dụng hạn chế nên chữ viết mới xuất hiện muộn màng như vậy trong lịch sử tiến hóa của loài người. Chúng đều hình thành ở những xã hội có phân chia đẳng cấp với những thiết chế chính trị phức tạp và tập trung hóa, mà các xã hội này đều có liên quan mật thiết với nền sản xuất lương thực. Các xã hội săn bắt hái lượm đã chẳng bao giờ phát minh ra hay thậm chí chưa bao giờ tiếp thu chữ viết, bởi họ không có nhu cầu sử dụng nó.
Tuy sản xuất lương thực là một điều kiện cấp thiết cho việc sớm phát minh hoặc sớm tiếp thu chữ viết, song đó không phải là điều kiện đủ. Một số xã hội (đế chế Inca ở Nam Mỹ, đế quốc Tonga hải đảo, nhà nước Hawaii, tất cả nhà nước và tù trưởng quốc ở châu Phi hạ xích đạo và Tây Phi hạ Sahara, các xã hội của người Bắc Mỹ bản địa, các xã hội ở thung lũng sông Missisippi) có sản xuất lương thực và tổ chức chính trị phức tạp đã không phát minh hoặc không tiếp thu được chữ viết cho mãi tới thời hiện đại. Các xã hội này là những xã hội không những đã khởi đầu sản xuất lương thực muộn hơn so với Sumer, Mexico và Trung Hoa, mà còn nằm quá xa và cô biệt các trung tâm chữ viết đầu tiên, nên mãi đến thời hiện đại mới tiếp thu được chữ viết. Điều này cho thấy, rõ ràng là rào cản địa lý và sinh thái có ảnh hưởng đến sự truyền bá các phát minh của loài người.
CHƯƠNG 13: MẸ ĐẺ CỦA NHU CẦU
Điều gì đúng với chữ viết thì cũng đúng với công nghệ.
1. Lịch sử ra đời của phát minh và công nghệ
- Hầu hết các công dụng của một phát minh chỉ xuất hiện sau khi phát minh đã ra đời, chứ không phải phát minh ra đời để đáp ứng một nhu cầu có thể tiên liệu trước.
Quan niệm thường tình vốn cho rằng “nhu cầu là mẹ đẻ- của phát minh”, nghĩa là phát minh sẽ xuất hiện khi một xã hội có những nhu cầu chưa được thỏa mãn. Nhưng thực tế, chỉ một số rất ít phát minh là phù hợp với quan niệm này. Ngược lại, nhiều hoặc thậm chí hầu hết phát minh đều ra đời bởi những người vốn dĩ thích tò mò hoặc tính ưa táy máy, chứ thoạt tiên xã hội không hề có nhu cầu về cái sẳn phẩm họ đang muốn làm ra kia. Một khi thiết bị đã ra đời, nhà phát minh phải tìm cách ứng dụng nó. Chỉ sau khi phát minh đã được sử dụng trong một thời gian đáng kể thì người tiêu thụ mới bắt đầu cảm thấy họ “cần” nó. Lại có những thiết bị vốn được phát minh để phục vụ mục đích này nhưng rốt cuộc lại được áp dụng vào những mục đích khác mà nhà phát minh không sao ngờ trước được. Hầu hết những đột phá công nghệ quan trọng của thời hiện đại, máy bay, xe hơi, động cơ đốt trong, bóng đèn điện, máy quay đĩat, transistor (linh kiện bán dẫn), đều là những phát minh ban đầu “chưa biết dùng để làm gì”.
- Công nghệ được hình thành một cách lũy tiến chứ không phải là những hành vi đơn độc của các người hùng.
Người ta có đầy đủ tư liệu để nói rằng tất cả những người hùng mà người ta vẫn coi là nhà phát minh kia thật ra chỉ theo chân các nhà phát minh tiền bối từng tạo ra những bản thiết kế tương tự, những mẫu thử nghiệm tương tự. Tuy nhiên, những nhà phát minh ra hình thức sau cùng đã thực hiện những cải tiến lớn lao giúp cho phát minh bắt đầu có hoặc có thêm thành công thương mại, tại một thời điểm khi xã hội có khả năng sử dụng sản phẩm của họ. Bi kịch của những người hùng trước đó là ở chỗ: anh ta đã phát minh ra một thứ mà xã hội đương thời không thể sử dụng trên quy mô lớn.
2. Các nhân tố đẩy nhanh việc xã hội chấp nhận một phát minh
- Công nghệ mới phải có ưu thế tương đối về kinh tế so với công nghệ hiện có.
- Giá trị và uy thế của công nghệ mới, những cái vốn có thể lấn lướt tính lợi ích về kinh tế.
- Công nghệ mới phải thích ứng với một số giới có những lợi ích riêng.
- Người ta có dễ mục sở thị những ưu việt của công nghệ mới đó không.
3. Tại sao lại có sự khác biệt giữa các xã hội trong sự phát triển công nghệ?
Các sử gia về lịch sử công nghệ đã đề xuất một danh mục gồn ít nhất 14 nhân tố lý giải cho điều đó:
- Nhân tố thứ nhất là tuổi thọ của con người. Tuổi thọ cao có thể giúp các nhà phát minh tiềm năng đủ số năm cần thiết để tích lũy trị thức về công nghệ, cũng như có đủ lòng kiên trì và sự đảm bảo cần thiết để dấn thân vào những chương trình nghiên cứu lâu dài mà thành quả nếu có chăng cũng đến muộn màng.
- 5 nhân tố tiếp là nền kinh tế hay cơ cấu tổ chức của xã hội: (2) Lương cao hoặc sự khan hiếm lao động ngày nay kích thích việc tìm kiếm những giải pháp công nghệ; (3) Bằng sáng chế và nhiều luật khác, với vai trò bảo vệ quyền sở hữu của nhà phát minh có vai trò khích lệ sự đổi mới; (4) Các xã hội hiện đại cung cấp những cơ hội về đào tạo về kỹ thuật lớn hơn; (5) Chủ nghĩa tư bản hiện đại được tổ chức sao cho đầu tư vốn vào phát triển công nghệ để có khả năng sinh lãi; (6) Chủ nghĩa cá nhân cho phép nhà phát minh giữ khoản thu nhập cho riêng mình.
- 4 nhân tố mang tính ý thức: (7) Hành vi chấp nhận tính rủi ro; (8) Quan điểm mang tính khoa học; (9) Sự khoan dung đối với những quan điểm khác; (10) Các tôn giáo có thái độ tương thích với đổi mới công nghệ.
- 4 nhân tố còn lại có sự tác động một cách không nhất quán: (11) Chiến tranh; (12) Chính phủ tập trung hóa; (13) Khí hậu; (14) Nguồn tài nguyên
Song tất cả các nhân tố ấy đều chỉ dựa vào suy đoán thuần túy. Chưa hề có một công trình nghiên cứu nào về nhiều xã hội dưới cùng những điều kiện kinh tế-xã hội tương tự nhau trên từng hai châu lục, trình bày những khác biệt có hệ thống về ý thức giữa các dân tộc trên hai châu lục. Thay vào đó, người ta thường đưa ra lập luận sau: bởi có sự khác biệt về công nghệ cho nên, suy ra, cũng phải có sự khác biệt tương ứng về ý thức.
Thật không đúng nếu bảo rằng có những lục địa gồm toàn những xã hội có khuynh hướng cách tân và có những châu lục mà các xã hội ở đó có khuynh hướng bảo thủ. Ở châu lục nào cũng vậy, thời nào cũng vậy, luôn có những xã hội cách tân và cũng có những xã hội bảo thủ. Ngoài ra, mức độ cởi mở với cách tân cũng thay đổi theo thời gian trong cùng một khu vực. Theo Jared Diamond, có 3 nhân tố độc lập ẩn sau sự đổi mới công nghệ đã dẫn thẳng đến những khác biệt giữa các châu lục trong sự phát triển công nghệ:
- Thời điểm nảy sinh sản xuất lương thực: Sản xuất lương thực không chỉ cho phép con người sống định cư và tích lũy của cải và hình thành những xã hội chuyên môn hóa về kinh tế trong đó những chuyên gia không sản xuất lương thực được các nông dân sản xuất lương thực nuôi ăn. Điều này có ý nghĩa quyết định trong lịch sử công nghệ. Song sản xuất lương thực đã nảy sinh vào những thời điểm khác nhau trên những lục địa khác nhau.
- Những rào cản đối với sự phát tán công nghệ: Công nghệ của từng khu vực, cả nguồn gốc của nó lẫn việc duy trì nó, phụ thuộc không chỉ vào phát minh nội địa mà còn phụ thuộc vào sự phát tán công nghệ từ nơi khác tới. Phương thức phát tán có thể là buôn bán hòa bình, gián điệp, di cư, và chiến tranh. Điều đó có xu hướng khiến cho công nghệ phát triển nhanh hơn ở những châu lục nào có ít rào cản về địa lý và sinh thái cho sự phát tán công nghệ trong nội bộ châu lục đó hoặc giữa châu lục đó với các châu lục khác.
- Quy mô dân số: Bởi xã hội này khác xã hội kia rất nhiều về tính cởi mở đối với cách tân nên cứ thêm mỗi xã hội trên từng châu lục là lại thêm một cơ hội phát minh và tiếp thu công nghệ.
Từ đó suy ra, nếu mọi nhân tố đều như nhau thì công nghệ thường phát triển nhanh nhất ở các khu vực rộng lớn và năng sản với dân cư đông đúc, có nhiều nhà phát minh tiềm năng và nhiều xã hội cạnh tranh nhau.
Âu-Á (bao gồm cả Bắc Phi) là lục địa có 2 trung tâm phát nguyên sản xuất lương thực đầu tiên (vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu và Trung Hoa). Trục Đông-Tây của nó cho phép nhiều phát minh tiếp thu được ở một bộ phận của Âu-Á có thể bành trướng nhanh chóng sang các xã hội nằm trên vĩ độ và vùng khí hậu tương tự. Đó cũng là lục địa lớn nhất trên thế giới, bao gồm nhiều xã hội cạnh tranh nhất. Nhờ tất cả các nhân tố đó, Âu-Á là lục địa nơi công nghệ đã bắt đầu sớm nhất giai đoạn bùng nổ công nghệ (quá trình công nghệ tự xúc tác để làm nảy sinh thêm công nghệ), hệ quả là lục địa này là nơi tích lũy công nghệ lớn nhất. Nguyên nhân nằm ở sự khác biệt về địa lý, chứ không phải sự khác biệt về trí thông minh của con người.
CHƯƠNG 14: TỪ CHỦ NGHĨA BÌNH QUYỀN ĐẾN CHÍNH QUYỀN ĂN CƯỚP
Nhiều nhóm người chưa được tiếp xúc trước đây đã nhờ các nhà truyền giáo mới hòa hợp được vào xã hội hiện đại. Theo chân các nhà truyền giáo là giáo viên, bác sĩ, quan chức và binh lính. Như vậy, sự bành trướng của chính phủ và của tôn giáo có liên hệ mật thiết với nhau trong suốt lịch sử thành văn, dù đó là bành trướng hòa bình hay bằng vũ lực. Xã hội nào đạt tới tình độ chính quyền tập trung hóa và tôn giáo có tổ chức sớm nhất thì hậu duệ của xã hội đó rốt cuộc cũng là những người đang thống trị thế giới hiện đại.
Sự kết hợp giữa chính phủ và tôn giáo, cùng với súng, chữ viết và công nghệ, đã có tác dụng như một trong bốn nhóm tác nhân trực tiếp nhất dẫn tới mẫu hình phổ biến nhất của lịch sử.
1. Các loại hình xã hội
Dựa trên cách phân loại đơn giản, có 4 loại hình xã hội loài người: (Bảng 14.1, T.385)
- Bầy người (band): đơn vị xã hội nhỏ nhất, thường chỉ từ 5-80 người, hầu hết có quan hệ gần gũi theo huyết thống hoặc hôn nhân. Bầy người là người săn bắt hái lượm du cư chứ không phải là người sản xuất lương thực định cư. Các bầy người không có nhiều thiết chế xã hội, thường “bình đẳng”, đất đai được toàn bộ quần thể sử dụng chung, chứ không được chia cho từng nhóm nhỏ hoặc cá nhân, ai có sức đều phải kiếm cái ăn.
- Bộ lạc (tribe): quy mô lớn hơn bầy người, vài trăm người và thường có nơi cư trú cố định. Đơn vị chính trị là làng hoặc một cụm làng (thị tộc) có quan hệ mật thiết với nhau, ai cũng biết nhau theo họ tên và quan hệ thân tộc. Đất đai thuộc một thị tộc nhất định chứ không phải thuộc toàn thể bộ lạc. Bộ lạc có một hệ thống chính quyền không chính thức, “bình đẳng”.
- Tù trưởng quốc (chiefdom): quy mô lớn từ vài ngàn tới vài chục ngàn dân. Với quy mô lớn nên đối với một người sống trong tù trưởng quốc, đại đa số những người khác không có liên hệ gì với họ về huyết thống hay hôn nhân và cũng chẳng hề biết tên tuổi. Vì vậy, họ phải có tù trưởng, có nơi làm việc chính thức, được cha truyền con nối, là cơ quan chính quyền thường trực, tập trung, đưa ra mọi quyết định quan trọng. Đặc tính nổi bật nhất về kinh tế của tù trưởng quốc là hệ thống tái phân phối dẫn đến phân chia đẳng cấp.
- Nhà nước/ Quốc gia (State): Các Nhà nước sơ khai giữ nhiều đặc điểm của tù trưởng quốc lớn, nhưng tăng trưởng hơn về quy mô. Dân số của hầu hết Nhà nước hiện đại vượt quá 1 triệu người. Có một nhà lãnh đạo cha truyền con nối và độc chiếm hơn về quyền quyết định và cai trị. Việc kiểm soát từ trung ương có ảnh hưởng sâu xa hơn và sự tái phân phối kinh tế sâu rộng hơn. Nô lệ được sử dụng trên quy mô hớn hơn nhiều. Cấp chính quyền cũng tăng lên. Việc giải quyết xung đột nội bộ được chính thức hóa bởi luật pháp, tòa án và cảnh sát.
Trong suốt lịch sử loài người, xu hướng chủ đạo là những đơn vị nhỏ hơn, ít phức tạp hơn bị thay thế bằng những đơn vị lớn hơn, phức tạp hơn. Hiển nhiên là bỏi vì khi hai bên đụng độ nhau, các Nhà nước thường có ưu thế về vũ khí và các công nghệ khác; ưu thế rất lớn về dân số; các tôn giáo của nhiều Nhà nước khiến cho quân đội của họ chiến đấu quên mình.
2. Tôn giáo đã phát sinh cùng với Nhà nước như thế nào?
Để được dân chúng ủng hộ mà bản thân vẫn được sống đàng hoàng sung túc hơn so với thường dân, thiểu số cầm quyền thường áp dụng kết hợp 4 giải pháp:
- Không cho dân thường mang vũ khí.
- Làm cho quần chúng hài lòng bằng cách phân phối lại hầu hết cống vật thu được, bằng những cách hợp lòng dân.
- Dùng sự độc quyền về sức mạnh để đảm bảo hạnh phúc của người dân, bằng cách duy trì trật tự cộng đồng và kiềm chế bạo lực.
- Xây dựng một ý thức hệ hoặc một tôn giáo nhằm biện minh cho chính quyền.
Các bầy người và bộ lạc vốn dĩ đã có những tín ngưỡng siêu nhiên, cũng như các thiết chế tôn giáo hiện đại. Song, chỉ đến tù trưởng quốc mới có một ý thức hệ (tiền thân của tôn giáo được thể chế hóa), nhằm củng cố thêm chính quyền của tù trưởng.
3 vai trò của tôn giáo:
- Biện chính cho chính quyền trung ương, cho sự chuyển giao của cải của giới cầm quyền.
- Nhờ có ý thức hệ hay tôn giáo chung mà người ta giải quyết được vấn đề làm sao những cá nhân không có liên hệ gì với nhau có thể cùng chung sống mà không giết hại nhau – bằng cách khiến hai người gắn bó với nhau bởi một mối liên hệ không dựa trên dòng máu.
- Nó cho người ta có một động cơ – ngoài động cơ tư lợi mang tính di truyền – để hy sinh mạng sống mình vì người khác. Bằng cái giá một ít thành viên của xã hội chết trên chiến trường, toàn xã hội trở nên hữu hiệu hơn nhiều trong việc chinh phục các xã hội khác hay kháng cự trước những cuộc tấn công của kẻ thù.
Ở nhiều nhà nước hiện đại ngày nay, cái hy sinh mạng sống mình vì Nhà nước được nhà trường, tôn giáo và chính phủ lập trình sẵn cho công dân một cách mạnh mẽ đến mức chúng ta quên rằng nó đã là một bước ngoặt cơ bản trong lịch sử loài người trước đây. Mỗi Nhà nước đều có những khẩu hiệu riêng nhằm thôi thúc công dân sẵn sàng chết nếu cần vì nhà nước. Những tình cảm đó không thể có được ở bầy người và bộ lạc. Các cuộc tấn công ở bầy người và bộ lạc thường khởi đầu bằng cách phục kích hoặc bằng lực lượng vượt trội, sao cho hạn chế bằng mọi giá cái rủi ro mình có thể mất mạng. Chính thái độ đó đã làm hạn chế nghiêm trọng các lựa chọn quân sự của bộ lạc so với các xã hội Nhà nước. Lẽ tự nhiên, cái khiến cho những kẻ cuồng tín ái quốc và cuồng tín tôn giáo trở thành những đối thủ nguy hiểm đến vậy, không phải là cái chết của bản thân kẻ cuồng tín, mà là việc họ sẵn sàng chấp nhận hi sinh tính mạng của nhiều người trong số họ để tiêu diệt hay đè bẹp kẻ thù.
3. Cái gì đã thúc đẩy các xã hội chuyển hóa qua các hình thái như vậy?
Quy mô dân số của từng khu vực là chỉ báo hùng hồn nhất về sự phức tạp về xã hội, dẫn đến hình thành nhà nước. Dân số đông hoặc dân cư mật độ cao chỉ phát sinh trong điều kiện sản xuất lương thực, hay ít nhất là trong điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi cho săn bắt hái lượm. Sản xuất lương thực thâm canh và độ phức tạp về xã hội kích thích lẫn nhau, theo kiểu tự xúc tác, kiểu “con gà và quả trứng cái nào có trước”.
Các xã hội nhỏ, giản đơn không tự động hình thành, phát triển và tiến hóa thành các xã hội lớn, phức tạp hơn. Sự canh tranh giữa các xã hội ở cùng một cấp độ phức tạp có xu hướng dẫn đến cấp độ phức tạp cao hơn NẾU điều kiện cho phép. Sự sáp nhật các đơn vị nhỏ hơn thành đơn vị lớn hơn chẳng bao giờ diễn ra theo kiểu những xã hội nhỏ đang yên đang lành cùng nhất trí tự nguyện sáp nhập lại với nhau đặng nâng cao phúc lợi của công dân. Giới lãnh đạo bất cứ xã hội nào, nhỏ cũng như lớn, thảy đều luôn khư khư giữ tính độc lập và đặc quyền đặc lợi của mình. Thay vì vậy, sự sáp nhập thường diễn ra theo một trong hai cách: hoặc hợp nhất khi một thế lực bên ngoài đe dọa, hoặc hợp nhất khi bị một thế lực bên ngoài chinh phục.
Chiến tranh, hoặc nguy cơ chiến tranh, đã đóng một vai trò then chốt trong hầu hết những sự hợp nhất xã hội. Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh có khuynh hướng gây nên sự hợp nhất các xã hội khi dân số đông chứ không phải khi dân số thưa thớt. Bởi khi mật độ dân số cao, những kẻ sống sót trong một nhóm chiến bại không có nơi nào để lánh nạn, rời xa khỏi kẻ thù. Và bên chiến thắng (những kẻ mà đã có nền sản xuất lương thực thâm canh) cũng có cách để sử dụng kẻ thất trận nếu để cho họ sống: một là dùng làm nô lệ, hai là sáp nhập xã hội của họ và Nhà nước của kẻ thắng trận để cho nhiều lương thực thặng dư hon nữa.
KẾT LUẬN
Như vậy, sự cạnh tranh và xâm nhập lẫn nhau giữa các xã hội, cùng với nguyên nhân tối hậu là sản xuất lương thực (thông qua những chuỗi nhân quả về dân số đông, mật độ cao, lối sống định cư đã dẫn đến các tác nhân chinh phục trực tiếp là vi trùng, chữ viết, công nghệ và tổ chức chính phủ tập trung. Bởi vì, các nguyên nhân tối hậu trên đã hình thành và phát triển trên mỗi lục địa một khác, nên các tác nhân chinh phục kia cũng khác. Các tác nhân này có xu hướng phát sinh kết hợp với nhau, nhưng sự kết hợp đó không nhất thiết bao giờ cũng như nhau.