Namaskar là lời chào hỏi phổ biến ở Ấn Độ, chào cả khi gặp mặt lẫn khi chia tay. Câu chào Namaskar còn có nghĩa là “tôi xin cúi mình trước bạn”. Hai bàn tay chắp vào nhau, đưa lên chạm vào trán, ở nơi có “con mắt thứ ba” theo quan niệm của đạo Hindu, sau đó hạ xuống, chắp trước ngực. Hai tay chắp vào nhau mang ý nghĩa Một Tinh Thần, hay là cái tiểu ngã gặp được Đại Bản Ngã. Bàn tay phải tượng trưng cho bản thể thiêng liêng và cao quý hơn, bàn tay trái đại diện cho bản thể trần tục hơn. Thay cho câu Namaskar nhiều chất kính trọng, người ta còn chào câu Namaste thân mật hơn.
Ấn Độ là một bảo tàng sống. Hầu như rất nhiều phong tục tập quán có từ mấy nghìn năm được lưu giữ trọn vẹn cho đến tận bây giờ. Không phải lưu giữ hiện vật chết trong bảo tàng, mà lưu bằng cả một đất nước, một xã hội sống động. Những cái nôi văn mình khác đều đã bị tàn phá ít nhiều bởi thiên tai và những cuộc cách mạng, bởi những biến động lịch sử. Riêng ở việc bảo tồn sống động này, liệu ta phải biết ơn tính bảo thủ của người Ấn?
Tự nguyện xâm nhập vào văn hóa Ấn Độ giống như tự nguyện nhảy xuống biển. Cả một đại dương văn hóa khiến cho ta càng bơi càng không thấy bờ. Trước Ấn Độ ta thấy mình thật nhỏ bé. Ở đó cái gì cũng to, người to tướng, da ngăm đen và da trắng bóc pha trộn; nhà to, đền đài cung điện thành quách… cho đến cây trái đều to. Hình như người Ấn tư duy cái gì cũng lớn, cũng mang tính toàn cảnh bao quát. Lúc không trầm tư mặc tưởng ù trì thì hành động cũng hoành tráng… Còn bí ẩn thì không cần phải nói nhiều, tư tưởng Ấn Độ, tâm trạng Ấn Độ là thứ mà càng tìm hiểu lại càng không hiểu nổi. Dường như vậy.
Tôi mong muốn cuốn sách này có ích cho những ai nhập môn Ấn Độ học hoặc lần đầu tiên đến Ấn Độ. Họ sẽ không lặp lại kỷ niệm vụng về của tôi hai mươi năm trước. Khi một bàn tay thiện chí của một du sĩ chìa tay vào mặt ta, đơn giản chỉ là ông muốn quệt lên trán tôi một vệt phẩm màu, để ban phước. Ta không lo sợ mà gặt phắt nó ra.
NHỮNG TÔN GIÁO CHÍNH RA ĐỜI Ở ẤN ĐỘ
Ấn Độ là đất nước nhiều tôn giáo, theo ước tính thì số lượng tôn giáo là hằng trăm và số lượng thần thánh là hàng nghìn. Đây là mảnh đất dễ tiếp nhận và tiếp nhận rất sớm những tôn giáo lớn. Hiến pháp Ấn Độ quy định tự do tín ngưỡng, không có quốc giáo. Có 6 tôn giáo chính: Hindu 80% dân số, Hồi 13%, Thiên Chúa 2%, Sikh 2%, Jain 1%, Phật 0,8%. Trong số đó, Ấn Độ là quê hương của 3 tôn giáo lâu đời bậc nhất của loài người: đạo Hindu, đạo Phật, đạo Jain.
1. Đạo Hindu
Ở Ấn Độ, Hindu có khoảng 1 tỷ tín đồ, là tôn giáo lớn nhất châu Á, mặc dù ngoài Ấn Độ, tín đồ Hindu chỉ chiếm đa số ở Nepal và Bali (Indonesia). Đạo Hindu bắt nguồn từ một tôn giáo ở thung lũng văn minh Indus, được phát triển thông qua những cuộc hành lễ phối hợp giữa người Dravidian (miền Nam Ấn) và người Aryan.
Về cơ bản, đạo Hindu cho rằng con người phải trải qua rất nhiều lần phục sinh và đầu thai để cuối cùng đạt tới moksha (sự giải thoát cuối cùng), trạng thái linh hồn được cứu vớt, con người thoát khỏi vòng luân hồi. Với mỗi lần đầu thai, người ta có thể hoặc là tiến gần tới moksha, hoặc là càng đi xa hơn. Điều này do một yếu tố gọi là karma, nghiệp hay là luật nhân quả, quyết định. Trong cuộc đời, nếu con người làm điều xấu thì hậu quả là họ sẽ phải nhận một karma xấu, cuộc đầu thai kế tiếp sẽ là một kiếp thấp kém hơn. Ngược lại, nếu làm điều thiện thì sẽ được đầu thai thành một kiếp người cao quý hơn và đó là một bước để tiến gần hơn đến chỗ thoát khỏi vòng luân hồi.
Đạo Hindu có 3 việc chính phải thực hiện cho tốt: Thờ cúng; hỏa táng tử thi; Những luật lệ và quy định của hệ thống đẳng cấp. Người ta không thể từ bỏ một tôn giáo để cai theo đạo Hindu. Chỉ có thể sinh ra đã là người theo đạo Hindu, hoặc là không. Tương tự, một khi đã là tín đồ Hindu, người ta không thể thay đổi đẳng cấp, sinh ra ở đẳng cấp nào thì sẽ thuộc đẳng cấp đó cho đến hết đời.
Sadhu (du sĩ) là những người lang thang trên con đường tự khám phá linh hồn của mình. Họ cho rằng việc làm ăn và đời sống gia đình đã hoàn tất, đã đến lúc từ bỏ tất cả để lên đường theo đuổi đời sống tâm linh.
Hệ thống đẳng cấp là một trong những điều bí ẩn và khó hiểu nhất ở Ấn Độ. Người ta cho rằng ban đầu nó được các giáo sĩ Bà La Môn truyền bá để duy trì vĩnh viễn địa vị tối cao của họ. Cũng có thể nó bắt nguồn từ khi người Aryan xâm lược Ấn Độ, thay cho việc tiêu diệt người bản xứ, người Aryan ban cho họ một địa vị thấp nhưng rõ ràng. Có bốn đẳng cấp ra đời từ bốn bộ phận trên cơ thể của Thần Sáng Tạo Brahma:
- Brahmin (miệng): các giáo sĩ Bà La Môn
- Kshatriya (cánh tay): tướng lĩnh cầm quyền và binh lính
- Vaishya (bắp đùi): thương nhân và chủ đất
- Sudra (bàn chân): thợ thủ công và đầy tớ
Mỗi đẳng cấp lại chia thành nhiều tầng lớp nhỏ, cho nên một người đầy tớ có thể được phép lau chùi đồ đồng, nhưng lại không được lau chùi đồ vật bằng bạc. Nhiều quy định đẳng cấp cổ hủ đã được nới lỏng đáng kể, tuy vậy những người Hindu ít học và đầy thành kiến vẫn ghê sợ khi để cho người đẳng cấp thấp làm đầu bếp. Vấn đề đẳng cấp hiện vẫn là một gánh nặng đối với chính phủ Ấn Độ.
Những vị thần của đạo Hindu:
- Thần sáng tạo Brahma: có sức mạnh mang tính vũ trụ và tạo ra những nhân tố hình thành nên mọi thứ, kể cả các vị thần.
- Thần bảo vệ Vishnu: có sức mạnh sáng tạo và hủy diệt, đạt đến các phẩm chất: vĩnh hằng, liên tục và bảo hộ. Vishnu có 10 kiếp, là kết quả thu nạp tín ngưỡng từ các vùng miền khác nhau của Ấn Độ. Trong 10 kiếp, Krishna là kiếp thứ 8 và là kiếp quan trọng. Krishna được những người nông dân nuôi nấng nên đây là vị thần được những người lao động tôn thờ nhất. Đây là nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng khi được thờ, Krishna được xem như là một kiếp của Vishnu.
- Thần hủy diệt và tái tạo Shiva: có sức mạnh hủy diệt và tái tạo. Vai trò tái tạo được thể hiện trong đền thờ qua tượng dương vật linga. Shiva có con mắt thứ ba trên trán luôn nhắm, chỉ mở ra khi cần hủy diệt.
- Nữ thần Sarasvatu: biểu tượng của tri thức, giáo dục, thơ ca nhạc họa. Là vợ của Thần Sáng tạo Brahma.
- Nữ thần Laksmi: biểu tượng của cải, may mắn và nhan sắc. Là vợ thần Vishnu, nên cũng trải qua nhiều kiếp. Laksmi gắn với ngày tết lớn nhất Ấn Độ, Tết Diwali (Tết Đèn) vào khoảng tháng 10, tháng 11. Dịp này, các loại đèn được trang hoàng rực rỡ khắp trong nhà, ngoài sân, bờ tường. Người ta tin rằng, nữ thần Tài Lộc không ghé vào những căn nhà tối. Từ một tháng trước Tết, người Ấn có cái thú đi xem lại vở Ram Lila (Chuyện chàng Rama). Trước Tết 20 ngày, ngày Rama tiêu diệt quỷ Ravana, là lễ Dashera cũng không kém phần náo nhiệt.
- Nữ thần Parvati: không có nhiều phép lạ. Là vợ thần Shiva. Hiện thân quan trọng của Parvati là nữ thần Durga và còn được thờ nhiều hơn Parvati. Ngày lễ thần Durga gọi là Durga Puja, kỷ niệm đại thắng của cái Thiện trước cái Ác, tổ chức vào khoảng tháng 9, tháng 10.
- Ganesha: thần Trí tuệ và Thịnh Vượng. Là con của Shiva và Parvati. Ngày lễ của Ganesha được tổ chức vào khoảng tháng 8, tháng 9 trên khắp Ấn Độ.
- Nữ thần sông Hằng Ganga: sông Hằng là dòng sông thiêng ở Ấn. Những ai chết trên dòng sông Hằng đều được lên thiên đường, vì vậy tro cốt thường được rải xuống dòng sông Hằng.
- Thần khỉ Hanuman: thần Sức mạnh và Trung thành. Người theo đạo Hindu ăn chay vào ngày thứ 3 hằng tuần (uống nước vào ban ngày, buổi tối mới được phép ăn) là để cúng thần Hanuman.
- Ngọc hoàng Indra: thần Mưa và thần Sấm sét, cai quản các cõi trời, là vua của các vị thần.
- Thần mặt trời Surya: là nguồn Ánh sáng và sự ấm áp, có khả năng điều khiển các mùa.
- Thần mặt trăng Soma (Chandra):
- Thần tình yêu Kama: Là con trai của Vishnu và Laksmi.
- Thần chết Yama: là vị quan tòa phán xét con người.
Các thần thường có nhiều tay. Điều này được giải thích rằng trong tiến trình phát triển tôn giáo, người ta có khi đã nhập nhiều vị thần lại để tạo nên một vị thần mới, do đó một số thần mang trong mình nhiều phẩm chất. Các họa sĩ và nhà điêu khắc đã tìm cách giải quyết bằng cách tạo cho họ có nhiều tay. Mỗi bàn tay sẽ cầm vật gì đó thể hiện những khả năng khác nhau của thần.
Hai sử thi đồ sộ Ramayana và Mahabharata thúc đẩy phát triển mối quan hệ giữa thần linh và con người.
Những vật thiêng của đạo Hindu:
- Tràng hạt Rudraksha được coi là giúp con người khỏe mạnh và sung túc. Tràng hạt thường có 27, 54 hoặc 108 hạt. Trong khi ngồi thiền, người ta vừa đọc kinh vừa lần tràng hạt.
- Đá Salagrama là hóa thạch của một loại ốc đã tuyệt chủng, được coi là hiện thân của thần Vishnu.
- Tượng Shiva Linga tượng trưng cho sức sáng tạo thiêng liêng của thần Shiva, được thời khắp nơi. Tượng Linga đi liền với tượng Yoni (sinh khí thực nữ), tượng trưng cho sự hòa hợp của thiên nhiên và năng lượng vũ trụ.
- Chim công – quốc điểu Ấn Độ, là biểu tượng cao quý trong văn hóa Ấn Độ từ xa xưa.
- Bò – con vật thiêng, là biểu tượng của Mẹ – Trái Đất. Người Hindu cho rằng phân bò là thứ sạch sẽ, có thể dùng vào việc tẩy uế. Cho đến tận ngày nay, ở nhiều vùng nông thôn, công việc dọn dẹp vệ sinh đầu tiên của buổi sáng là dùng phân bò khô kỳ cọ lối vào nhà.
Cows are sacred to Hindus and particularly in Gujarat, a devout state, where their slaughter is illegal. Across India, they are allowed to wander everywhere quite freely and turn up in the strangest of places. They believe that the cow is where all 33 million gods and goddesses reside. They reside in all parts of the cow’s body. There is a story about the dung, is that Lakshmi, the goddess of wealth and money, who used to be quite vain, she said, “Do I really have to live in a cow? I think I am more important than that.” And she minced off and found herself alone in heaven. Then she felt terrible and said, ”Maybe I’d like to come back.” And the sacred cow, the cow of all cows, said, “I’m afraid my whole body is taken up now with 33 million gods and goddesses. So honey, if you are coming back, you can only be in my dung. And Lakshmi, in the old days, would have been, “oh, no, I couldn’t”. But the new repentant Lakshmi said, “That would be absolutely perfect for me.” So Lakshmi, the goddess of wealth, resides in the dung of the cow. (Joanna Lumley’s India).
2. Đạo Phật (có tham khảo thêm tư liệu trong phần “Lược sử các thời kỳ Phật giáo” trong cuốn “Tây Tạng huyền bí và Nghệ thuật sinh tử” – Đặng Hoàng Xa)
Có 4 địa danh liên quan đến Đức Phật thì 3 nơi ngày nay thuộc Ấn Độ: Boddhgaya (Xứ Bồ Đề Đạo Tràng) là nơi Người đắc đạo và trở thành Đấng giác ngộ. Sarnath là nơi Đức Phật đến giảng bài kinh đầu tiên. Kushinagar là nơi Người qua đời. Chỉ có Lumbini (Lâm Tì Ni), nơi hoàng tử Siddhartha (Tất Đạt Đa) ra đời, là thuộc Nepal.
Ở Boddhgaya và Lumbini cũng có chùa Việt Nam. Thầy Huyền Diệu là người xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự ở hai nơi này.
Ấn Độ có vai trò quan trọng đối với đạo Phật, vì đây là nơi đạo Phật ra đời ở miền Bắc Ấn khoảng 500 năm T.CN. Vào khoảng thế kỷ III T.CN, thời kỳ vua Asoka, Phật giáo trở thành quốc giáo của Ấn Độ. Thế kỷ V, VI, VII cũng là thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo ở Ấn Độ. Tuy Phật giáo ra đời ở Ấn Độ và nhanh chóng phát huy ảnh hưởng ra ngoài biên giới, thì ngay trên Ấn Độ, tôn giáo này gặp phải sự phản công mạnh mẽ của đạo Hindu, một sản phẩm tinh thần phù hợp với Ấn Độ. Đạo Phật được coi là sự “nổi loạn” (một cách hòa bình) về tư tưởng, vì đòi phá bỏ hệ thống đẳng cấp hà khắc, chống lại sự tha hóa và tham nhũng của các giáo sĩ Bà La Môn cùng nghi lễ tôn giáo tốn kém và phức tạp của họ. Sau đó Phật giáo bắt đầu quá trình thoái trào và suy tàn ngay trên mảnh đất Ấn Độ. Sau thế kỷ XIII, Phật giáo được xem là kết thúc tại Ấn Độ.
Đạo Phật tin rằng giác ngộ là cái đích của mọi người, sớm hay muộn, cuối cùng người ta đều đi tới cái đích này. Từ bỏ vật chất để tìm kiếm sự giải thoát, nhưng Đức Phật nhận ra rằng việc nhịn ăn khổ hạnh không đưa con người tới đích. Vì vậy, Người truyền bá điều độ trong mọi việc. Toàn bộ cuộc đời là một nỗi thống khổ triền miên, sự đau khổ đó phát sinh từ những ham muốn vật chất, coi những ham muốn đó là quan trọng. Bằng cách đi theo con đường chân chính tám chặng (Bát chính đạo), những ham muốn này sẽ được chế ngự, con người sẽ đạt đến cõi Niết Bàn, tức là được giải thoát hoàn toàn khỏi vòng luân hồi đau khổ. Trong quá trình đó, con người phải trải qua nhiều kiếp đầu thai (luân hồi) với nhiều karma (nghiệp, luật nhân quả) trước khi đến đích cuối cùng.
Đạo Phật có 3 tông phái, giống nhau là đều hướng đến trí huệ và giải thoát, khác nhau căn bản là ở mục tiêu và phương pháp tu trì:
- Hinayana (Tiểu Thừa, Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Nam truyền): chú trọng vào cuộc sống tu tập của các nhà tu hành hơn là đời sống của người thế tục. Muốn đạt mục đích thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, hành giả phải dựa vào chính cá nhân mình, xa lánh thế gian. Vì vậy, Tiểu thừa quan niệm phải sống cách biệt, sống cuộc đời của một kẻ tu hành. Tông phái này phát triển về phía Nam của Ấn Độ, lấy Sri Lanka làm trung tâm, sau đó truyền sang toàn bộ khu vực Đông Nam Á như Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia.
- Mahayana (Đại Thừa, Phật giáo Bắc truyền): dựa vào sự đồng tâm thờ Phật của tất cả tín đồ và cuối cùng hết thảy sẽ đạt tới giác ngộ. Hành giả sau khi đã đạt giác ngộ, đạt tới Phật quả nhưng nguyện không nhập Niết-bàn mà tình nguyện ở lại trần thế, phát nguyện cứu độ chúng sinh. Đại Thừa vì vậy chú trọng cả vào đời tu hành lẫn đời thế tục. Phái Đai thừa bớt khắt khe và khổ hạnh hơn, dễ được tiếp nhận hơn. phát triển lên phía Bắc Ấn Độ sang Nepal vào Tây Tạng, Mông Cổ và đi về hướng Đông qua con đường tơ lụa, lấy Trung Hoa rồi truyền vào bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.
- Vajrayana (Mật tông, Kim Cương thừa): dựa vào các phương pháp hành trì mà đỉnh cao là Yoga Tantra để có thể lập tức hóa thân thành Phật ngay trong kiếp sống này, trong khi người tu tập Tiểu thừa và Đại thừa cần phải trải qua vô số kiếp luân hồi mới có thể đạt được. Mật tông phát triển mạnh mẽ ở cao nguyên Tây Tạng.
3. Đạo Jain (phát âm Gien)
Cũng ra đời khoảng 500 năm T. CN cùng với đạo Phật. Đạo Jain cũng bác bỏ địa vị tối cao của đẳng cấp giáo sĩ Bà La Môn và phản đối sự hành lễ tốn kém, rườm rà do đẳng cấp này bày ra. Đạo Jain chủ trương lối sống đạo đức, khổ hạnh và tự hành xác một cách cực đoan để đạt tới sự cứu vớt linh hồn. Một trong những yếu tố để đạt tới sự cứu rỗi là ashima (không bạo lực) hay là sự tôn trọng toàn bộ sự sống và tránh gây thương vong cho mọi sinh linh. Vì vậy, tín đồ đạo Jain là những người ăn chay nghiêm ngặt. Đạo Jain có hai giáo phái:
- Svetambara (áo trắng) có thể gặp ở khắp nơi.
- Digambara (áo trời) có lối sống khổ hạnh hơn, trên người họ không có một mảnh vải che thân, để chứng tỏ không màng đến việc sở hữu bất cứ một thứ tài sản nào, kể cả quần áo. Vì vậy, tu sĩ phái Digambara thường chỉ quẩn quanh trong đền thờ ở trên núi cao, hiếm khi rời ẩn viện.
Ngôi đền nổi tiếng Sravana Belagola thuộc bang Karnataka là của giáo phái “áo trời”. Trong quần thể đền, có một pho tượng cao 18m, tạc từ một khối đá duy nhất, là pho tượng đá nguyên khối cao bậc nhất thế giới. Tượng dựng trên đỉnh núi cao khoảng 200m, cho nên từ xa du khách đã có thể nhìn thấy. Muốn lên đến nơi thì phải leo 614 bậc đá cao và dốc đứng. Lễ hội được tổ chức tại đền 12 năm một lần (1993, 2005, 2017).
4. Đạo Sikh
Tín đồ đạo Sikh có nhiều nhất ở bang Punjab. Một nhóm thiểu số người Sikh cực đoan có vũ trang, được sự ủng hộ của nước ngoài đang đòi tách bang Punjab ra khỏi Ấn để được quyền tự trị và thành lập quốc gia mang tên Khalistan.
Người Sikh nổi bật với 5 đặc điểm:
- Kesha: không cắt tóc và không cạo râu vì quan niệm sống tôn trọng sự phát triển tự nhiên của mọi vật. Vì vậy, họ vấn tóc thành búi, rồi đội lên đầu một vành khăn.
- Kangha: mang theo lược chải đầu bằng gỗ hoặc ngà
- Kacha: mặc quần sooc vì họ có tinh thần thượng võ, không thích đi lại với tấm dhoti bùng nhùng quanh chân
- Kara: vòng đeo tay bằng sắt
- Kirtipan: mang kiếm hoặc dao găm
Giáo lý cơ bản của đạo Sikh gần gũi với giáo lý Hindu, nhưng phản đối kịch liệt tính hình thức và cuồng tín. Đạo Sikh truyền bá sự khoan dung, chú trọng xây dựng một cuộc sống chân thực, thật thà và làm điều thiện. Họ chống lại việc phân chia đẳng cấp và chủng tộc, không có tập quán hành hương đến các con sông. Ngôi đền lớn và thiêng liêng nhất của đạo Sikh là đền Vàng ở Punjab, có thể che chở cho bất cứ ai tìm đến nương náu trong đền thờ. Ngôi đền đẹp tuyệt vời và khét vì một sự kiện lịch sử: năm 1984, lực lượng khủng bố người Sikh phải chạy vào đây nương náu tử thủ, rồi bà thủ tướng Indira Gandhi phải cho xe tăng và sung hạng nặng tấn công. Biến động ấy dẫn tới việc bà bị ám sát sau đó ít lâu.
TÍNH CÁCH ẤN ĐỘ
- Đi lạc đường thì đừng có hỏi người Ấn. Người Ấn không thể nói “tôi không biết”. Chuyện trò vui vẻ một lát rồi hứa hão nhiều thành ra nói dối. Người ta chỉ muốn làm cho bạn vui, dù là chỉ vui chốc lát.
- Cái nóng bức nhiệt đới của Ấn làm cho người ta uể oải lười biếng. Làm việc một lát là nghỉ giải lao, uống trà sữa, nhai trầu, hút thuốc quấn sâu kèn. Chẳng cần phấn đấu làm gì. Phấn đấu cũng chẳng giàu lên được nếu như mọi sự đã được thần thánh trên trời an bài.
- Người Ấn tốt nhịn. Một tinh thần bao dung, nhẫn chịu chi phối trên toàn xứ sở. Hiếm khi thấy người Ấn nổi giận. Một người giận dữ gào thét thì người kia im lặng lì lợm, cho nói chán thì thôi.
- Đất nước có hàng trăm ngôn ngữ. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức ở văn phòng công sở. Tiếng Hindi là ngôn ngữ dân tộc. Đi về miền Nam Ấn, ta hỏi bằng tiếng Hindi sẽ được người địa phương trả lời bằng tiếng Anh. Điều đó tức là người Nam Ấn hiểu, nhưng cố tình không đáp lại bằng tiếng Hindi của Bắc Ấn. Có một tinh thần địa phương hẹp hòi. Có vấn đề Bắc Nam ở Ấn Độ như ở nhiều nước trên thế giới. Người Bắc Ấn tinh tế, thận trọng và giỏi xã giao. Người Nam Ấn cởi mở, hồn hậu và phóng khoáng.
- Đời sống quá nhiều việc phải lo. Mọi quan hệ xã hội, bề ngoài vui vẻ tươi cười nhưng không gắn bó, không sâu sắc. Đó cũng là lý do người Ấn thích dùng hàng nội, phim ảnh văn chương nội. Ý thức vươn ra với thế giới bên ngoài rất hạn chế.
- Có một di sản lớn mà Phật giáo để lại trong tính cách Ấn: sống hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng sự sống của muôn loài. Mọi vật có sinh thì có diệt, một cách tự nhiên, không phải do sự can thiệp của con người.
ĐỜI SỐNG ẤN ĐỘ
- Tay phải, tay trái – Đầu vào, đầu ra: Có sự phân công cho hai bàn tay: Tay phải cao quý, tay trái yếu kém. Tay phải được phân công để sửa soạn thức ăn, đưa vào miệng, tức là cái “đầu vào”. “Đầu ra” đảm nhận bởi tay trái, làm một việc trần tục nhất đời. Người Ấn đi vệ sinh không sử dụng giấy. Mỗi người xác theo một chai nước, một túi ni long nước, tay trái làm cái việc kết thúc công đoạn giải thoát cá nhân này.
- Vấn đề ẩm thực: Người Ấn ăn bốc. Khẩu phần của từng người được bỏ lên lá chuối lá sen sạch. Thức ăn Ấn không dễ quen, nhiều gia vị cay và nồng của hỗn hợp bột gừng nghệ quế hồi. Bữa ăn người Ấn thường có một cốc sữa chua là vì thế. Sữa chua giúp tiêu hóa những gia vị khó tiêu, làm dịu lại lưỡi bị phồng rộp bởi gia vị cay nồng. Đa số người Ấn ăn chay.
- Dục lạc trong văn hóa Ấn Độ: Ấn Độ có bộ giáo khoa tình dục sớm bậc nhất của loài người, Kama Sutra (Dục Lạc Kinh). Theo tinh thần đạo Hindu, tình dục là thiêng liêng và hoạt động tình dục là diễn tả lại sự hòa hợp thiêng liêng của các vị thần. Khu đền Khajuraho lừng danh, tạc hẳn tưởng mô tả sinh hoạt tình dục. Những bức chạm khắc ở đền là một phần của thiên sử thi trên đá, do những ông vua triều Chandella ở Trung Ấn cho xây dựng vào khoảng thế kỷ X và XI. Trong khoảng 100 năm, những người sùng đạo Hindu đã dựng lên cả thảy 85 ngôi đền mang tên Thần Sáng Tạo và các vị thần Hindu giáo. Quần thể 85 ngôi đền tuyệt tác ở miền Trung Ấn bị bỏ quên 8 thế kỷ cho đến mãi năm 1839 mới được phát hiện ra. Hiện tại chỉ còn 22 đền trong số 85 ngôi đền. Khắp bề mặt các ngôi đền, từ những bậc đá lên đến tận đỉnh tháp, là những bức tượng bằng đá diễn tả cảnh sinh hoạt mọi mặt của người Ấn. Xen kẽ giữa các tượng nữ thần là tượng những cặp trai gái, hoặc từng nhóm trai gái, đang giao hoan. Điều này cũng không có gì lạ, vì có một giáo phái Hindu coi lạc thú nhục dục và tu luyện yoga là hai con đường cùng dẫn đến sự giải thoát khỏi kiếp luân hồi. Có ý kiến cho rằng đây là một cách làm trong sạch linh hồn cho những kẻ mộ đạo, một cách thử thách những người tới đền để cúng tế, khiến họ phải kiềm chế được bản thân và bỏ lại bên ngoài tất cả những ham muốn trần tục trước khi bước vào chính điện.
- Sari là trang phục vẫn được ưa chuộng và được nhiều người Ấn mặc hằng ngày từ hơn 3.500 năm nay.
- Những dòng sông thiêng ở Ấn Độ: Sông Hằng là biểu tượng của trong sạch và thánh thiện. Sông Jamuna là biểu tượng của đức hy sinh. Sông Sarasvati được thờ từ thời cổ đại.
- Những ngọn núi thiêng ở Ấn Độ: Quang trọng nhất là dãy Himalaya, trên những đỉnh cao nhất của dãy là thiên đường: Meru (thiên đường của thần Brahma), Himavan (cha của nữ thần sông Hằng và nữ thần Parvati), Mandara (nơi cư trú của Durga), Kailash (nơi cư trú của thần Shiva).
- Những thánh địa (yatra): Varanasi (thành phố của thần Shiva, nằm bên dòng sông Hằng, đã có trên 3.000 năm tuổi), Mathura (nơi sinh thần Krishna, nằm bên sông Jamuna), Dwaraka (từng là kinh đô Vương quốc Krishna, xây bên bờ biển phía Tây Ấn), Puri (có pho tượng được coi là hiện thân của Krishna ở đền Jagannath, nằm ở bờ biển Đông Ấn), Rameswaram (cực Nam Ấn), Gaya (cạnh thánh địa Phật giáo Boddhgaya), Ujjain (được coi là cái rốn của vũ trụ), Haridwar (nằm chân dãy Himalaya và là nơi sông Hằng bắt đầu).
NHỮNG ĐIỂM DU LỊCH
- Lâu đài Taj Mahal, thành phố Agra, cách New Delhi 200km: biểu tượng của Ấn Độ. Kiến trúc là tòa lâu đài, nhưng thực tế lại là lăng mộ của hoàng hậu Mumtaz Mahal. Chuyến thăm Taj Mahal thường được kết hợp ghé vào Mathura (nơi sinh Krishna, từng là trung tâm Phật giáo), Fatehpur Sikri (từng là kinh đô từ 1571-1585 dưới thời hoàng đến Akbar).
- Khu đền Khajuraho, miền Trung Ấn
- Bốn thánh địa của Phật giáo: cần khoảng 10 ngày nếu đi tàu hỏa. Có thể bắt đầu từ New Delhi bay đến Boddhgaya (1h bay, 1.000km), đến Sarnath, Kushinagar, rồi đi tiếp qua biên giới Nepal sang Lumbini. Hoặc có thể bay thẳng sang Lumbini (Nepal) rồi thực hiện chuyến đi theo chiều ngược lại. Khi đến Sarnath có thể kết hợp đến thánh địa đạo Hindu, Varanasi, cách đó 15km.
- Đền Vàng (Golden Temple) của đạo Sikh.

- Ajanta và Ellora, hệ thống đền trong hang động, cách Mumbai 450km.
- New Delhi: Khu Old Delhi: Thành Đỏ, chợ Chandni Chowk, đền Hồi giáo Jama Masjid ở Old Delhi; khu New Delhi: đường Rajpath (bắt đầu từ Ấn Môn, India Gate, tới Phủ Tổng thống), thành cổ Purana Qila, Riroz Shah Kotla, Connaught Place, Jantar Mantar, đền Lakshmi Narayan, Qutab Minar, đền thờ Bahai, khu đền Akshardham.
- Rajasthan, xứ sở của những ông vua: Từ thủ đô, có thể thực hiện một tour đi thăm bang Rajasthan với những thành phố: Jaipur (3 ngày), thêm Udaipur, Chittorgarh, Mount Abu (5 ngày), thêm sa mạc Thar với hai thành phố Jaisalmer và Jodhpur (7 ngày).
- Những miền đất lạnh, miền Bắc Ấn nơi bắt đầu của dãy Himalaya: Shimla (thủ đô mùa hè của Ấn từ năm 18640, Dhamsala (nơi có chính phủ lưu vong Tây Tạng và trụ sở của Dalai Lama); Jammu và Kashmir (vùng núi cao mát mẻ quanh năm, nhưng vẫn luôn xảy ra tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, là nơi chịu nhiều cuộc khủng bố của các lực lượng khác nhau).
- Kolkata (tên cũ là Calcutta) và vùng phụ cận (vùng nghỉ mát Darjeeling ở phía Đông Bắc và thị trấn Puri về phía Nam): được coi là trung tâm văn hóa Ấn Độ, linh hồn Ấn Độ với nhiều triết gia, nhà văn, nghệ sĩ, nhân sĩ như Tagore, mẹ Teresa. Đặc biệt nên đến thăm nhà tưởng niệm Tagore (Tagore House). Tagore được tôn vinh là “cha đẻ của văn học tiếng Bengali hiện đại”, người đã làm cho tiếng Bengali đẹp hơn, khả năng diễn đạt mở rộng hơn, tới những sắc độ tinh tế bậc nhất. Ông là người duy nhất là tác giả hai bài quốc ca của hai đất nước (Ấn Độ và Bangladesh). Xứ Tây Bengal (thuộc Ấn Độ) và Bangladesh, vì hoàn cảnh lịch sử mà phải chia cắt, nhưng xưa nay vẫn chung một nền văn hóa Bengal, chung một thứ tiếng Bengali của Tagore, dân hai nước vẫn trân trọng những vần thơ và bài ca Tagore để lại.

Ở nơi trí thức được tự do, thế gian không bị những bức tường hẹp hòi riêng tư cắt chia manh mún
Nơi lời nói phát ra từ -thẳm sâu sự thật
Nơi nỗ lực không mệt mỏi vươn tới hoàn mỹ
Nơi dòng suối sáng trong của lý trí không kiệt khô trong sa mạc tối tăm của tập tục đã chết
Nơi tinh thần được người dẫn dắt về phía trước đến nơi tư tưởng và hành động muôn đời trải rộng
Cha hỡi, hãy để cho đất nước con thức dậy ở nơi thiên đường của tự do ấy.
(Lời dịch: Hồ Anh Thái)
Ý nghĩa bức tranh tự minh học của Tagore: Cái hình tròn ấy là trái đất này, là tinh cầu này, nhưng cũng chính là “thiên đường tự do” mà Tagore ao ước và cầu xin Thánh/ Thần/ Chúa/ Cha đem đến cho đất nước mình.
- Mumbai, trung tâm kinh tế và thương mại: nơi đây phô bày sự tương phản, từ những khu nhà giàu xa xỉ nhất cho đến những khu ổ chuột bạt ngàn nghèo đói bậc nhất ở châu Á. Nên đi thăm Ấn Môn (Gateway of India), đảo Elephanta (có những ngôi đền Hindu trong đá), tuyến đường Marine Drive, vườn treo trên đồi Malabar.
- Goa, dấu tích của Bồ Đào Nha: ảnh hưởng của hơn 400 năm của văn hóa Bồ vẫn còn rất mạnh ở Goa. Phụ nữ mặc váy nhiều hơn là mặc sari. Điểm tham quan là những pháo đài cổ trên bờ biển, những nhà thờ Thiên Chúa giáo kiến trúc đa dạng. Ở Goa có nhiều bãi biển đẹp và nên tham gia một chuyến đi chơi biển bằng tàu, xem cá heo và câu cá trên biển.
- Bangalore, thung lũng Silicon của Ấn: Lối sống dân chúng ở đây Âu hóa, khác với hầu hết các vùng trên đất Ấn. Bang Karnataka phong phú về văn hóa và tôn giáo. Các điểm tham quan: Maharaja’s Palace (lâu đài tiểu Vương), khu đền Belur và Halebid, ngôi đền ở Sravana Belagola, nơi có pho tượng giáo sĩ đạo Jain thuộc phái “áo trời”.
- Tamil Nadu, cái nôi của văn hóa Dravidian: Thành phố Chennai (tên cũ Madras) là thủ phủ của cái nôi này. Đây là vùng nói tiếng Tamil và là trung tâm sản xuất phim truyện tiếng Tamil (Tollywood). Các điểm tham quan: quần thể đền trên bờ biển Mahabalipuram; Tirupati và Tirumala thờ thần Venkateswara, một trong những hiện thân của thần Vishnu, là ngôi đền đông khách nhất thế giới, vượt cả Roma, Mecca và Jerusalem về số lượng hành hương một năm. Bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng có khoảng 5.000 người xếp hàng vào đền. Người hành hương có thể xếp hàng đi vòng quanh khu vực đền, có khi phải mất 12 giờ mới vào được chính điện. Đền có đội ngũ giáo sĩ, trợ tế, trường học và phát chẩn lương thực và thuốc men cho người hành hương, nhà nghỉ…
Nhìn chung Ấn Độ là một khối mâu thuẫn lớn, một đất nước chứa đựng rất nhiều điều khác biệt, cả về địa lý, lịch sử, chính trị, xã hội và văn hóa. Những sự khác biệt này tạo cho xã hội Ấn Độ sự đa dạng, nhiều màu sắc, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều thành kiến, phân biệt, thậm chí xung đột và bạo lực. Tuy nhiên, vượt trên những khác biệt, ở Ấn Độ vẫn thường trực một tinh thần bao dung, rộng lượng, chấp nhận được những cái khác nhau để tạo dựng một xã hội bình yên, dân chủ và mang tính thế tục. Những thành tựu nước Cộng hòa Ấn Độ đạt được trong thời hiện đại là rất đáng kể, nhưng để đạt được sự thống nhất đầy đủ và cần thiết, Ấn Độ cần có tinh thần năng động nhìn lại mình. Với những nước láng giềng và bạn bè, những điểm khác biệt của Ấn Độ vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu một cách nghiêm túc để đạt tới tinh thần hiểu biết và hợp tác ở mức độ sâu sắc hơn.
Hồ Chí Minh, 29/08/2021