Sau 2 năm không được ra khỏi biên giới thì 2022 là một năm không những bung lụa, chơi lớn sang tận Bắc Âu, mà lại còn đi một mình.
1. LỊCH TRÌNH
Lịch trình 23 ngày, từ 04/06 đến hết 26/06, chủ yếu đi 4 nước Scandinavi: Iceland – Na Uy – Đan Mạch – Thụy Điển. Có quá cảnh 24 giờ chơi ở Paris và 2 ngày chơi ở Bruges, Ghent (Bỉ).

Do chuyến này quyết định chỉ tập trung khám phá Bắc Âu, nên mình dành ngày cuối đi Stockholm. Còn nếu muốn tiết kiệm chi phí, từ Copenhagen, có thể đi sleeping bus về Amsterdam Hà Lan, rồi từ đây xuôi về Paris cho tiết kiệm. Tiếc nuối của chuyến đi là không có thời gian đi Phần Lan, đành để lại sau này đi một chuyến Bắc Cực quang vậy.
Sơ bộ là vậy. Chi tiết từng nước thì mình sẽ dành thời gian viết bài.
2. CHI PHÍ CHUYẾN ĐI
Chi phí chung

Vé từ Stockholm về Paris, do đắn đo sát ngày mới mua nên giá vé đội lên gấp đôi, nếu mua sớm trước 2 tháng thì chỉ còn một nửa.
Vé VNA đi Paris bay thẳng cũng mua được giá vé tốt như trước dịch. Càng mua sớm càng có lợi. Bạn mình mua trước 2 ngày, mà giá vé chỉ có 22,4 triệu.
Chi phí riêng cho từng nước

Nửa già đầu hành trình 04-hết 16/06, mình đi chung với một nhóm 12 người và ở Iceland có phát sinh tiền thuê xe đi Ringroad 8 ngày (800E/ người). Đoạn sau 17- hết 25/06, hoàn toàn đi 1 mình. Nhìn bảng chi phí này thì có thể so sánh thấy rõ chi phí ở Iceland, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển ngang nhau, và gần như gấp đôi so với 2 nước Pháp, Bỉ. Ngày đầu đến Paris, còn đắn đo một bữa trưa mười mấy EUR, một cái sandwich trong siêu thị 4-6EUR. Nhưng sau khi đi 4 nước kia thì thấy giá cả ở Tây Âu (Pháp, Bỉ) khá “rẻ” rồi.
Một kết luận khá bất ngờ khi nhìn bảng tổng kết chi phí thực, đó là chi phí ở Iceland khá là hợp lý và rẻ so với 3 nước Bắc Âu kia. Đoạn Iceland mình đi chung nhóm, có đi siêu thị để mua đồ ăn nên có lẽ tiết kiệm được chi phí ăn uống. Một so sánh nhỏ giữa chi phí 2 hostel ở thủ đô Reykjavík và Oslo mà mình từng ở, cho thấy giá tương đồng:

Tổng chi phí cho chuyến đi này của mình là 120 triệu, không tính mua sắm. Bù lại cho 2 năm không đi, tính luôn cả 2022, thì mỗi năm chi phí du lịch của tui có 40 triệu thôi nhé. Còn nếu cắt ngắn thành 2 chuyến nhỏ (1 chuyến Iceland, 1 chuyến các nước còn lại), thì mỗi chuyến cũng chỉ tầm 60 triệu, tính ra vẫn là hợp lý hỉ 🙂
3. CÁC GHI CHÚ CHUNG VỀ CHUYẾN ĐI
- Do đi đầu hè, lại là các nước gần vòng cực Bắc nên thời tiết vẫn mát mẻ se lạnh, nền nhiệt từ 07 đến 22 độ. Lạnh nhất là Iceland, mát nhất là Paris. Thời tiết mùa hè ở đây cũng rất đỏng đảnh, mưa gió thất thường. Đang nắng chang chang thì có thể mưa dầm dề bất cứ lúc nào. Vì vậy, trang phục chống nước là không thể thiếu khi đi Bắc Âu. Ai có nhu cầu sắm các loại đồ này thì đến Bắc Âu là chuẩn rồi, đồ đa dạng, giá hợp lý. Mình từng dùng cả buổi chiều lang thang trong Sport Outlet trên đường Karl Johan ở Oslo để chọn giày, áo, quần trek goretex.
- Được chứng kiến hiện tượng “Đêm trắng” (midnight sun), tức là 12 giờ đêm rồi mặt trời vẫn còn chói chang trên đầu. Và cũng vì ham ngủ nên hiếm khi được thấy hoàng hôn và bình minh.
- Lần đầu được trải nghiệm cảm giác jetlag. Múi giờ mùa hè ở Pháp, Bỉ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển là UTC+2, chênh so với Việt Nam 5 tiếng. Múi giờ ở Iceland là UTC+0, chênh Việt Nam 7 tiếng. Nên giờ sinh học bị đảo lộn. Lúc bình thường được ngủ thì vẫn đang lang thang chơi bời ngoài đường. Nhưng ngày đầu đến, mình thích ứng khá nhanh, không hề bị sao. Có lẽ đi chơi nên hừng hực khí thế. Chỉ sau chuyến đi 23 ngày, trở lại Việt Nam thì cảm giác jetlag mới ập về, 1 tuần đầu luôn trong tình trạng buồn ngủ.
- Ngoài chuyện chi phí đắt hơn các vùng châu Âu khác thì đi Bắc Âu khá dễ chịu. Tàu xe luôn đúng giờ, thông tin đầy đủ trên web, chỗ nào cũng có thể quẹt thẻ. 3 hôm đầu ở Paris và Bỉ, tinh thần lúc nào cũng căng cứng và cảnh giác vì sợ vụ móc túi. Đặt chân sang Iceland thì thoải mái hẳn, không cần bo bo cái túi bao tử. Ra ngoài chỉ cần 1 cái điện thoại và 1 cái thẻ là sống vô tư. Đắt cũng có giá của nó.
- Ăn uống bên ấy, nếu không vào nhà hàng Trung Quốc, Nhật Bản thì chỉ có bánh mì trường kỳ. Dễ ăn dễ uống mà lúc nào cũng bánh mì trong suốt 23 ngày cũng sẽ đến lúc ngán. Ngày cuối, lang thang sân bay kiếm đồ ăn, chỉ nghe thấy bánh mì thôi là đã ứ đến tận cổ, thế là chỉ mua nước ép uống nguyên ngày. 2 tháng sau chuyến đi, tận khi ngồi viết những dòng nhật ký này, mình cũng chưa từng ăn lại bánh mì. 🙂
- Không giống các hostel ở châu Á, hostel châu Âu hầu hết sẽ tính phí cho thuê khăn tắm. Nên cần lưu ý mang theo khăn tắm riêng để khỏi phát sinh phí này.
- Một số nước tuy cũng trong khối liên minh châu Âu, nhưng lại không dùng chung đồng EUR: Đan Mạch (krone), Thụy Điển (krona), Séc, Ba Lan, Hungary, Croatia, Romania, Bulgaria, nên phải lưu ý để đổi tiền mặt ở sân bay.
- Có những loại sim dùng được ở tất cả các nước khối EU (Euro link, 3UK…), mỗi khi qua biên giới thì điện thoại thông minh tự động chuyển mạng, nên khá là tiện khoản này.
Các bài viết khác của chuyến châu Âu lần này:
Cách điền mẫu đơn xin thị thực Pháp 2022
Trek Lưỡi quỷ Trolltunga (Na Uy)