Tất cả những điều thần bí trên thế gian này gần đúng với sự thật hơn những thứ gọi là lịch sử. Lịch sử chỉ biết về những va chạm, lịch sử chỉ biết đến những mối nguy hại. Lịch sử chỉ biết đến những kẻ gieo rắc đau thương. Lịch sử chỉ biết đến những kẻ điên, bởi vì lịch sử chỉ ghi chép khi có điều gì đó không đúng xảy ra. Khi mọi thứ nhẹ nhàng trôi qua trong sự hài hòa tuyệt đối, nó nằm ngoài dòng chảy của lịch sử.
Khoảnh khắc của sự biến đổi là khoảnh khắc khi nhiều thay đổi xảy ra. Cứ mỗi 7 năm, cơ thể sẽ thay đổi, sẽ tự làm mới chính mình: tất cả những tế bào cũ sẽ bị loại bỏ và những tế bào mới xuất hiện. Nếu biết tận dụng những khoảng hở này khi cơ thể thay đổi, bạn sẽ rất dễ dàng đi vào thiền tịnh, sẽ rất dễ dàng tiến bộ bởi vì cơ thể khi đó chưa được định hình, mô hình cũ vừa mất đi còn cái mới thì chưa kịp đến – có một khoảng cách giữa quá trình biến đổi đó. Hiện tượng này cũng xảy ra trong lịch sử nhân loại theo cách tương tự. Cứ mỗi 25 thế kỷ sẽ lại xuất hiện một đỉnh cao – và nếu biết tận dụng khoảnh khắc đó, bạn có thể dễ dàng được giác ngộ. 25 thế kỷ trước, Phật Thích Ca Mâu Ni và Mahavira đã chào đời tại Ấn Độ, tại Trung Quốc có Lão Tử và Trang Tử, tại Iran có Zarathustra, tại Hy Lạp có Heraclitus. Họ là những đỉnh cao của nhân loại.
? BỒ ĐỀ ĐẠT MA (EN: Bodhidharma) (~470-543)
Ông là người Ấn Độ, được coi là người truyền bá phép thiền định mang truyền thống Đại thừa Ấn Độ tới Trung Quốc. Theo truyền thuyết Trung Quốc, ông đã truyền thụ phương pháp rèn luyện thân thể cho các nhà sư Thiếu Lâm và dẫn đến việc hình thành môn võ Thiếu Lâm. Ông là sơ tổ của Thiền tông Trung Quốc, đồ đệ kế nhiệm là Huệ Khả.
Ông là Tổ thứ 28 và cuối cùng sau Phật Thích-ca Mâu-ni của Thiền tông Ấn Độ. Sau khi trở thành Tổ thứ 28, Bồ-đề-đạt-ma đi thuyền qua Nam Trung Quốc năm 520. Sau khi truyền đạo cho Lương Vũ Đế không thành, Bồ-đề-đạt-ma đến Lạc Dương, lên chùa Thiếu Lâm trên rặng Tung Sơn. Nơi đây, Bồ-đề-đạt-ma tu thiền định, chín năm quay mặt vào vách không nói cho đến khi gặp được đồ đệ đầu tiên, Huệ Khả.
? PHẬT THÍCH CA MÂU NI (EN: Siddhārtha Gautama) (624 TCN~544 TCN)
Đức Phật sinh ra tại Lumbini (Nepal), nhưng quãng cuộc đời quan trọng nhất sau đó của ông lại gắn liền với các khu vực mà ngày nay là Ấn Độ khi ông đi xuống phía Đông và phía Nam để sáng tạo và truyền bá các lời giảng dạy của ông, tín đồ Phật giáo xem ông là người đầu tiên hoàn toàn giác ngộ để đạt niết bàn thành Phật.
Ông vốn xuất thân là một vị Thái tử thuộc về Hoàng tộc Cồ-Đàm (Gautama) của Tiểu quốc Thích-ca (Sakya) ở vùng Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu). Ông đạt được giác ngộ chính pháp ở năm 35 tuổi và dành tiếp 45 năm còn lại trong cuộc đời mình cho việc truyền bá, giảng dạy các giáo lý Phật pháp khắp những khu vực ở Đông và Nam tiểu lục địa Ấn Độ.
Tất-đạt-đa đề xướng con đường Trung đạo (Majihimāpaṭipadā) – tức vừa từ bỏ đời sống xa hoa nhưng cũng vừa không theo lối tu hành ép xác khổ hạnh vốn rất thịnh hành trong các học thuyết tôn giáo và tín ngưỡng Ấn Độ xưa. Tôn giáo của Phật Thích ca mâu ni có thể được mô tả bằng một từ duy nhất, TỰ DO, trạng thái nhận thức không bị cản trở, ràng buộc bởi khát khao, không bị giam hãm bởi lòng tham, bởi ham muốn nhiều hơn nữa. Nó hoàn toàn trống rỗng, bởi vì bất cứ thứ gì chứa đựng bên trong sẽ cản trở tự do, vì lẽ đó nên nó phải tuyệt đối trống rỗng. Đó cũng chính là toàn bộ quá trình của thiền: loại bỏ mọi thứ, ngay cả bạn, bên trong sự tĩnh lặng tuyệt đối đó chính là sự tự do. Tuy nhiên, Đức Phật nhấn mạnh đến lòng trắc ẩn cùng với thiền. Nếu giàu lòng trắc ẩn, nhiều khả năng là sau khi đạt được giác ngộ, anh ta sẽ giúp đỡ người khác cũng đạt được phúc lành giống như những gì anh ta đạt được.
Nghĩa cơ bản của lòng trắc ẩn là chấp nhận những yếu kém của người khác, không phải mong đợi người khác hành xử như những thánh nhân. Người có lòng trắc ẩn sẽ không bị tác động bởi những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, những thứ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Di ngôn cuối cùng của Đức Phật là: Hãy là ánh sáng soi rọi chính mình, sống trong ánh sáng tâm thức của chính mình (Minh triết). Đừng làm theo người khác, đừng bắt chước người khác (vô minh). Nhưng người bình thường không muốn tự do. Anh ta muốn phụ thuộc, muốn ai đó dẫn dắt mình. Khi đó anh ta mới có thể đổ hết mọi trách nhiệm lên vai người khác. Càng đổ trách nhiệm lên vai người khác thì bạn càng ít có khả năng trở nên sáng suốt. Chính trách nhiệm, sự thử thách của trách nhiệm, mới khiến con người ta minh mẫn. Hãy là ánh sáng soi rọi chính mình và bạn sẽ trở nên minh mẫn. Để người khác lãnh đạo, dẫn dắt bạn, bạn sẽ mãi ngu ngốc, và bạn sẽ bỏ lỡ mọi kho báu của cuộc đời, những thứ vốn là của bạn.
? ADACHI CHIYONO (Ni sư Mugai Nyodai 1223-1298)
Với tấm lòng quyết tâm cầu đạo, cả một đời tu hành trong khổ hạnh để được đắc đạo, Chiyono trở thành người phụ nữ vĩ đại trong lịch sử Thiền tông Nhật Bản.
Chiyono từ sớm đã trở thành đại mỹ nhân nổi tiếng gần xa. Sau trong một lần lên chùa dâng dương, từ trong thuyết Pháp của thiền sư bà ngộ được rằng dung mạo dẫu có đẹp đẽ đến mấy đi nữa cũng sẽ có một ngày già đi, sau khi chết cũng chẳng qua chỉ là một đống xương trắng mà thôi. Điều thật sự có thể thay đổi cuộc đời vô thường thì chỉ có tu hành. Sau đó bà liền có niệm trong đầu muốn được xuất gia cầu đạo nhưng đều bị các sư phụ cự tuyệt. Một số sư trụ trì chỉ vừa mới nhìn thấy bà, đã nghiêm nghị dứt khoát đuổi bà đi. Đại Giác thiền sư Lan Khê Đạo Long đến từ Trung Quốc, là người đầu tiên đến Nhật Bản truyền Pháp, cũng là người nổi tiếng nhất thời bấy giờ nói:
“Tâm cầu đạo tu hành của nữ thí chủ đây là tốt, nhưng ta cũng phải hy vọng chúng đồ đệ môn hạ của ta cũng vậy. Thí chủ ở đây, năm trăm đồ đệ của ta sẽ thần hồn điên đảo, họ sẽ quên việc tĩnh tâm, quên học kinh sách, cho đến hết thảy mọi thứ của họ! Thí chủ sẽ trở thành Thần của họ, hơn nữa từ xưa đến nay, dung mạo đẹp đẽ chính là chướng ngại lớn nhất trên con đường tu luyện. Thí chủ trên phương diện tu học Phật pháp vốn tồn tại quá nhiều khó khăn. Xưa nay nữ nhân xuất gia làm ni rất nhiều, nhưng rất nhiều người không những không tu thành Chánh quả, mà trái lại còn làm vấy bẩn Phật pháp. Vậy nên Chiyono, thí chủ hãy quay về đi!”.
Thì ra dung mạo tuyệt thế của bản thân mình đã trở thành chướng ngại lớn nhất trong việc xuất gia. Vì tín ngưỡng và theo đuổi của mình, bà hạ quyết tâm dùng kìm gắp cục than đang cháy đỏ rực để hủy đi toàn bộ gương mặt xinh đẹp của mình. Đại Giác thiền sư đã bị quyết tâm hướng đạo đến cùng này của bà làm cho cảm động, đồng ý cho bà xuống tóc xuất gia làm ni cô, lấy Pháp danh là Vô Trước (không ràng buộc). Mỗi ngày làm một số việc vặt như: gánh nước, quét sân, trồng rau. Sau này bà chuyển đến ở chùa Kaizo, nơi chuyên dành cho nữ ni tu hành.
Chiyono sau khi xuất gia, lòng ôm giữ tín tâm mong cầu đắc đạo một cách tha thiết, bà không sợ khổ hạnh, gắng sức làm việc, không ngừng tham ngộ. Nhưng năm tháng qua đi mà bà vẫn chưa thực sự ngộ Đạo. Cứ như vậy mãi cho đến một đêm của năm 1282, Chiyono gánh hai thùng nước đầy trở về tu viện theo thường lệ, công việc như vậy bà đã lặp đi lặp lại hơn ba mươi mấy năm. Đêm nay trăng rất đẹp, bà vừa đi vừa ngắm ánh trăng soi rọi xuống mặt nước trong thùng. Bất thình lình, đòn gánh gãy đôi, dây thùng đứt và thùng nước rơi xuống. Nước đổ ào ra, bóng trăng tan biến mất, và Chiyono lúc này bỗng nhiên giác ngộ. Bà đã viết bài thơ:
“Bằng mọi cách, tôi đã cố giữ đôi thùng nước,
Mong rằng chiếc đòn gánh giòn yếu kia sẽ không gãy,
Bất chợt, dây đứt thùng văng,
Không còn nước trong thùng, không còn trăng trong nước,
Tay tôi rỗng không, chẳng còn lại gì,
Tâm tôi rỗng không, chẳng còn lại gì”.
Chiyono đã giác ngộ. Bạn có thể nỗ lực thật nhiều để được giác ngộ, nhưng đó không phải là lý do để giác ngộ xuất hiện. Bất cứ điều gì bạn làm sẽ không đem lại cho bạn sự giác ngộ, nhưng nó là bước chuẩn bị để bạn có đủ khả năng đón nhận. Giác ngộ sẽ xuất hiện theo cách riêng, nhưng nếu không sẵn sàng, bạn sẽ bỏ lỡ. Hãy nhớ nghịch lý này: sự giác ngộ chỉ đến với những ai ngừng tìm kiếm. Nhưng ai có thể ngừng tìm kiếm? Chỉ những người đã tìm kiếm đủ sâu. Quả là nghịch lý. Nó sẽ xảy ra với người đã tìm kiếm hết khả năng của mình nhưng thất bại, hoàn toàn thất bại. Khi bạn cảm thấy hoàn toàn vô vọng, khi bạn bắt đầu quên đi mọi điều về sự giác ngộ, khi cuộc tìm kiếm dừng lại, khi thậm chí khát vọng được giác ngộ cũng rời bỏ bạn, nó sẽ bất ngờ xuất hiện.
? LÃO TỬ /老子/ (EN: Lao Tzu, Lao Tse, Laotze, Laotsu, 571 TCN – 471 TCN)
Lão Tử là người viết Đạo đức kinh (道德經) – cuốn sách của Đạo giáo có ảnh hưởng lớn, và ông được công nhận là Khai tổ của Đạo giáo (Đạo tổ 道祖), là một trong ba tôn giáo có ảnh hưởng mạnh đến văn hóa Trung Hoa, hay còn gọi là Tam giáo.
Sau này, Lão Tử nhận thấy rằng chính sự của đất nước đang tan rã và quyết định ra đi. Ông đi về phía Tây trên lưng một con trâu qua nước Tần và từ đó biến mất vào sa mạc rộng lớn. Truyền thuyết kể rằng có một người gác cửa tên Doãn Hỉ ở cửa phía tây của ải Hàm Cốc thuyết phục Lão Tử viết lại những hiểu biết của mình trước khi đi vào sa mạc. Cho tới lúc ấy, Lão Tử mới chỉ nói ra các triết thuyết của ông mà thôi, và giống như trường hợp của Chúa Giêsu, Phật Thích Ca, và Khổng Tử (những cuốn văn tuyển của họ hầu như được hoàn thành bởi các đệ tử). Theo yêu cầu của người lính đó, Lão Tử đã viết để lại cuốn “Đạo Đức Kinh”.
Câu đầu trong cuốn sách ông viết là “Đạo bất khả Đạo phi thường Đạo. Danh bất khả danh phi thường danh.” Đạo của tự nhiên mới là Đạo, Đạo mà có thể thuyết nói rõ ràng minh bạch ra hết thì không phải là Đạo.
? TRANG TỬ /莊子/ (369—286 TCN)
Là người kế tục nổi tiếng nhất của Lão Tử, ông đã viết “Nam Hoa kinh” có ảnh hưởng lớn tới giới trí thức Trung Quốc với các tư tưởng về chủ nghĩa cá nhân, tự do, sự thảnh thơi, và nghệ thuật, cuốn sách này có thể chính là nền tảng của Mỹ học Trung Quốc.
Chí khí của bậc hiền triết Trang Tử cũng giống như căn bản nền tảng tư tưởng Đạo gia: ẩn dật mà khoáng đạt, quay trở về cuộc sống hòa hợp với tự nhiên, không muốn tham dự vào tranh quyền đoạt lợi, xa lánh những hệ lụy cuộc đời. Gần như đối lập với đạo Khổng mang bản thể trần tục, ưa thực tế, trọng thực nghiệm và đặc biệt tôn trọng chủ nghĩa nhân văn, Trang Tử kế tiếp truyền thống tư tưởng của Lão Tử, phát triển thành một hệ phái mà sau này người ta thường gọi một cách vắn tắt là Lão-Trang.
Tư tưởng triết học khái quát của Trang Tử:
1. VÔ DANH: “Đạo chẳng thể nghe được, nghe được không phải là nó. Đạo chẳng thể thấy được, thấy được không phải là nó. Làm sao lấy trí mà hiểu được cái hình dung của cái không hình dung được? Vậy không nên đặt tên cho đạo” (Tri bắc du)
2. VÔ THƯỜNG: Trạng thái vận động, không ngừng biến đổi của vũ trụ và vạn vật chính là “sự sống” của đạo. “Thoắt lặng không hình, biến hóa không thường, chết chăng, sống chăng? Muôn vật la liệt, không có gì đáng là nơi để ta về” (Thiên hạ)
3. VÔ VI: Vô vi là hành động theo lẽ tự nhiên, vô tư, hồn nhiên như trẻ thơ “giữ tâm điềm đạm, khí điềm tĩnh, thuận theo tự nhiên mà không theo ý riêng của mình” (Ứng đế vương).
Trang Tử nói: “Dễ mới đúng. Bắt đầu đúng và bạn sẽ thấy dễ. Càng ngày càng dễ, và bạn sẽ đúng. Cách đúng để trở nên dễ dàng là quên đi cách đúng. Và quên rằng sống dễ dàng là dễ.”
Tôn giáo khiến cho lẽ phải trở nên khó khăn, bởi vì khó khăn là thứ hấp dẫn, hấp dẫn đối với cái tôi. Nếu muốn mọi người trở thành thánh nhân, bạn phải khiến cho lẽ phải, sự thật, kỷ luật của bạn trở nên rất khó khăn. Càng khó thì lại càng hấp dẫn, gần như có sức hút mãnh liệt, đối với những người ích kỷ. Nhưng cái tôi không đúng, và nó không thể đem lại cho bạn lẽ phải. Bởi vì đối với những thứ dễ dàng, cái tôi không thấy hấp dẫn. Nếu bạn hướng tới những điều dễ dàng, cái tôi sẽ chết dần. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng, hãy nhớ rằng những gì bạn đang làm đều không đúng. Hãy thư giãn, thả mình vào hư vô. Trở thành một phần của vũ trụ, thư giãn đến mức quên hết mọi điều về sự dễ dàng và bạn sẽ quên hết mọi điều về sự đúng đắn.
Người đời thường nhắc đến ông với điển tích ” Trang Chu mộng hồ điệp”:
昔者莊周夢為胡蝶,栩栩然胡蝶也。【自喻適志與!】不知周也。俄然覺,則蘧蘧然周也。不知周之夢為胡蝶與?胡蝶之夢為周與?【周與胡蝶則必有分矣。】此之謂物化。
Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa, rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu. Trang Chu với bướm tất có chỗ khác nhau. Cái đó gọi là “vật hoá”. (Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê).
Giấc mơ thành bướm của Trang Tử gợi ra nhiều câu hỏi trong các lĩnh vực triết học tâm thức, triết học ngôn ngữ, và nhận thức luận. Không chỉ là một thành ngữ thường gặp trong tiếng Trung, “Mộng hồ điệp” còn lan sang cả các ngôn ngữ phương Tây. Nó được dùng làm một trong các minh họa trong bài luận nổi tiếng “A New Refutation of Time” (Một phủ định mới về thời gian) của Jorge Luis Borges, và có thể đã gợi cảm hứng cho truyện ngắn năm 1918 “Polaris” của H. P. Lovecraft.
? KRISHNA
Krishna đã đạt đến đỉnh cao và chiều sâu tuyệt đối của tôn giáo, nhưng ngài không bao giờ tỏ ra nghiêm trọng, buồn rầu hay đau khổ. Nhìn chung, đặc điểm chính của một người có tín ngưỡng là người đó phải ảm đạm, nghiêm nghị và trông thật buồn bã – giống như kiểu đánh vật với cuộc sống, giống như một kẻ nổi loạn. Trong khi đó, Krishna lại xuất hiện với hình ảnh nhảy múa, ca hát và vui cười.
Phần lớn các tôn giáo trước đây đều chối bỏ cuộc sống để theo đuổi chủ nghĩa khổ hạnh, tán dương nỗi buồn và sự đau đớn như là những đức hạn vĩ đại. Một tôn giáo vui cười, một tôn giáo chấp nhận cuộc sống trong sự tổng thể của nó vẫn chưa xuất hiện. Xét theo nghĩa sâu xa, Mahavira và Đức Phật cũng chống lại cuộc sống. Họ yêu thích cuộc sống khác ở thế giới khác, họ ủng hộ tinh thần tự do thoát khỏi kiếp sống này. Mọi tôn giáo đều chia cuộc sống thành hai phần. Trong khi họ chấp nhận một phần và chối bỏ phần còn lại, thì Krishna chấp nhận toàn bộ cuộc sống. Đó là lý do vì sao người Ấn Độ xem ngài ấy là hiện thân hoàn hảo của Thượng đế, những hình ảnh hiện thân khác đều khiếm khuyết và không trọn vẹn.
Những tôn giáo cũ dạy bạn sự kìm nén trước Thượng đế. Con người được yêu cầu phải kìm nén mọi thứ – tình dục, cơn giận, lòng tham, những mối quan hệ gắn bó – rồi sau đó họ sẽ tìm thấy linh hồn mình, sẽ đến gần với Thượng đế. Đây là cuộc chiến của con người chống lại chính mình. Và trong lịch sử hàng ngàn năm của cuộc chiến này, có mấy ai được cho rằng đã tìm thấy Thượng đế.
Cho nên không còn nghi ngờ gì nữa, hẳn phải có khiếm khuyết cơ bản nào đó, sai lầm cơ bản nào đó trong chính nền tảng của những tôn giáo này. Giống như người làm vườn trồng được 50.000 cây và chỉ có 1 cây trong số đó ra hoa, nhưng chúng ta chấp nhận phương pháp làm vườn của người đó với lời biện hộ rằng ít nhất cũng có một cây ra hoa. Tuy nhiên, chúng ta lại không xét đến trường hợp cái cây ra hoa đó là ngoại lệ, rằng nó ra hoa không phải bởi người làm vườn có phương pháp đúng. Những cây còn lại trong số 50.000 cây đó vẫn cằn cỗi và không đơm hoa kết trái, cũng đủ bằng chứng để chứng tỏ rằng người làm vườn kia chẳng đáng giá. Sự thành công của tôn giáo, chỉ nên được công nhận khi tất cả 50.000 cây trong vườn của ông ta, có thể ngoại trừ một vài cây, đều đơm hoa kết trái.
Krishna chống lại sự kìm nén, rằng sự đè nén là sai, rằng sự đè nén chẳng mang lại điều gì ngoài nỗi đau đớn và sự tự thương xót chính mình. Nếu chiến đấu với chính mình, con người sẽ chỉ tự hủy hoại bản thân. Nếu tôi để tay trái của mình đánh nhau với tay phải, không tay nào chiến thắng, mà cuối cùng cuộc chiến đó sẽ hủy hoại tôi. Đó chính là cách con người đã tự sát, tự giết chết chính mình khi chối bỏ và kìm nén những bản năng và cảm xúc tự nhiên.
Krishna chấp nhận tính hai mặt, những mối quan hệ biện chứng của cuộc sống, và do đó vượt lên trên sự đối ngẫu của nó. Quá trình vượt lên trên này sẽ không thể xảy ra nếu bạn vẫn xung đột, bạn vẫn chọn phần này và chối bỏ phần khác. Krishna đã kiểm nghiệm trọn vẹn sức mạnh và trí thông minh của mình. Giống như đóa hoa sen, con người vẫn nguyên vẹn và không ràng buộc khi sống giữa các mối quan hệ. Con người có thể vẫn đầy tình yêu thương và lòng trắc ẩn ngay cả trên chiến trường, rằng con người có thể tiếp tục yêu thương trọn vẹn trong khi nắm chặt thanh kiếm trong tay. Đây chính là nghịch lý khiến Krishna trở nên khó hiểu. Do đó, những người yêu mến và tôn kính ngài ấy đã chia ngài ra thành từng phần, và họ tôn sùng những phần rời đó, những phần mà họ thích. Suy cho cùng, chúng ta chỉ hiểu được những thứ trong khả năng của mình, trình độ của mình. Chúng ta không thể nào hiểu được thứ nằm ngoài khả năng đó.
Cuộc đời Krishna không chấp nhận bất kỳ giới hạn nào. Cuộc sống đó không bị giới hạn bởi bất kỳ quy tắc đạo đức nào, nó mênh mông và vô hạn. Đó là thành quả tối thượng của sự giác ngộ.
Krishna chọn chơi sáo vì yêu thích. Tôi thấy cây sáo của Krishna tiêu biểu cho ơn lành của cuộc sống và lòng biết ơn của con người về sự chúc phúc này. Thực ra, khi cuộc sống quá tuyệt vời, Krishna không thể làm gì khác ngoài lựa chọn hạnh phúc, và ngài thể hiện niềm hạnh phúc đó bằng tiếng sáo. Giống như khi người bất hạnh không chịu đựng một mình mà khiến nhiều người khác bất hạnh theo, người hạnh phúc cũng chính là nguồn vui cho vô số người khác. Nếu tình cờ đi ngang qua thập tự giá của Jesus, ngay lập tức bạn sẽ cảm thấy buồn. Ngược lại, khi nhìn thấy Krishna nhảy múa bên bờ sông Yamuna, tim bạn sẽ ngập tràn niềm hạnh phúc. Niềm vui và nỗi đau, hạnh phúc và bất hạnh đều có tính lan tỏa, chúng truyền từ người này sang người khác, chúng lan tỏa và thăng hoa nhanh chóng. Do đó, người hạnh phúc là người có tín ngưỡng, còn người bất hạnh là người tuyệt đối không có tín ngưỡng.
Điều thú vị là người ta thấy khó chia sẻ với nhau niềm hạnh phúc, nhưng lại dễ dàng chia sẻ nỗi buồn. Bạn có thể dễ dàng khóc với người đang khóc, nhưng lại khó bật cười với người đang cười. Điều này không phải là không có nguyên nhân của nó. Bạn dễ dàng đến gần thập tự giá của Jesus bởi vì nó khơi gợi sự đồng cảm trong lòng bạn, nơi vốn đã chứa đầy đau khổ cũng như sự đau đớn. Ngược lại, tiếng sáo của Krishna khiến lòng ta đố kỵ và chúng ta sẽ tìm cách thoát khỏi ngài. Phúc lành của Krishna sẽ làm nảy sinh sự đố kỵ trong chúng ta, nó sẽ không nhận được sự đồng cảm của chúng ta.
Một người như Krishna, ngay cả khi ra chiến trường, ngài vẫn vui vẻ, hân hoan, ngài không bao giờ đánh mất phúc lành của mình. Còn có những người thì luôn buồn rầu, ngay cả khi không ra chiến trường. Krishna có thể vẫn vui vẻ trên chiến trường, bởi vì đối với ngài, chiến tranh như là một phần của cuộc sống, không thể tách rời khỏi cuộc sống. Krishna không phân chia cuộc sống thành đen và trắng, tốt và xấu như cách các nhà đạo đức và các tu sĩ vẫn làm. Ngài không mặc định rằng chiến tranh là xấu xa. Ngài nói rằng không có gì là tốt hay xấu trong mọi hoàn cảnh. Không có gì là chắc chắn mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Điều này có thể tốt vào lúc này nhưng xấu vào lúc khác, nó được quyết định bởi khoảnh khắc hiện có. Không có gì được phán xét và định trước. Nếu cứ định trước mọi thứ, bạn sẽ gặp rắc rối bởi vì cuộc sống là một dòng chảy không ngừng, nơi mọi thứ thay đổi từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Cho nên Krishna sống trong khoảnh khắc.
? KAHLIL GIBRAN (06/01/1883 – 10/04/1931)
Kahlil Gibran là một nhà thơ Leban vĩ đại, nhưng ông ấy không phải là nhà thần bí. Có sự khác biệt to lớn giữa một nhà thơ và một nhà thần bí. Có những khoảnh khắc, nhà thơ là nhà thần bí, còn nhà thần bí sẽ mãi mãi là nhà thơ. Nhà thần bí hòa vào tâm thức vũ trụ không chỉ trong khoảnh khắc, mà hợp nhất hoàn toàn, do đó, im lặng chính là khúc ca của họ. Toàn bộ ngôn ngữ dường như trở nên bất lực, không gì có thể chuyển tải được trải nghiệm của họ.
Cuốn sách đầu tiên THE PROPHET (Ngôn sứ) chính là một viên ngọc quý. Ông ấy đã không hề cố gắng khi tạo ra The Prophet, tự nó xảy ra, khi bạn không còn là chính mình. Bạn thư giãn đến mức không can thiệp vào quá trình hình thành nên nó.
? KABIR DAS (1398/1440 – 1448/1518)
Khi biết quá nhiều về một người, bạn sẽ khó hiểu được anh ta. Khi bạn không biết gì về chính người đó, mọi thứ ít phức tạp hơn. Đó là lý do vì sao ở phương Đông, một trong những truyền thống lâu đời được gìn giữ nghiêm ngặt nhất là không nói nhiều về các nhà thần bí, để nó không gây cản trở mọi người. Chúng ta không biết nhiều về Krishna, về Phật; tất cả những gì chúng ta biết về họ đều mang tính thần học hơn là lịch sử, đều hư cấu, không có thật. Họ không để lại bất kỳ chữ ký nào. Họ không tin vào việc ký tên lên những bãi cát thời gian. Họ biết nó sẽ bị xóa đi, nên việc ký tên lên đó là vô ích.
Đối với Kabir, thậm chí không có cả hư cấu. Ông ấy không quá cổ xưa nhưng đã sống theo cách tự làm lu mờ chính mình. Ông ấy không để lại bất kỳ dấu vết nào. Chuyện kể rằng ông ấy chào đời là người Hồi giáo nhưng được nuôi dưỡng bởi một tín đồ Hindu. Điều này thật đẹp, thật đáng sống, cho nên mới có sự phong phú đó. Nếu chỉ là một tín đồ Hindu, bạn nghèo nàn. Nếu chỉ là một tín đồ Hồi giáo, bạn cũng nghèo nàn. Ông ấy có hai truyền thống giàu bản sắc và không thuộc về bất cứ ai. Vào thời điểm Kabir sắp chết, đây là điều gây tranh cãi giữa các đồ đệ. Các tín đồ Hindu và các tín đồ Hồi giáo đều đòi nhận thi thể ông. Kabir biết nó sẽ xảy ra – đám người ngu ngốc kia sẽ tranh nhau thi thể và sẽ có xung đột – cho nên ông ấy đã để lại lời nhắn: “Nếu xảy ra tranh chấp, hãy phủ lên người ta một tấm vải và chờ đợi, câu trả lời sẽ đến”. Và sau khi phủ tấm vải lên thi thể, sau khi các tín đồ bắt đầu cầu nguyện, tấm vải được mở ra, Kabir đã biến mất – chỉ còn lại vài bông hoa ở đó. Những bông hoa này đã được các tín đồ phân chia. Bạn chỉ ở trong cơ thể đến một giai đoạn nhất định. Cơ thể có một chức năng nhất định để hoàn thiện; chức năng đó là sự nở hoa tâm thức. Một khi tâm thức đã nở hoa, cơ thể sẽ không hiện hữu, sẽ không còn liên quan. Những đồ đệ ngu ngốc không hiểu. Họ lại chia nhau những bông hoa đó. Ngay gần Varanasi, phía bên kia sông Hằng là ngôi làng nhỏ Maghar, nơi Kabir qua đời. Ngôi mộ tưởng nhớ được ngăn làm đôi. Một bên thuộc về người Hồi giáo, và một bên thuộc về người Hindu. Đó chính là sự ngu ngốc của con người. Bạn tôn sùng cùng một người, bạn yêu thương cùng một người. Bạn hít thở triết lý của ông ấy, cùng ngôn ngữ của ông ấy nhưng với tâm trí ước định…
Đối với Kabir, vấn đề không phải là học hỏi nhiều, mà là gạt bỏ nhiều. Theo cách đó, ông ấy là một hiện tượng rất hiếm, là một người nghèo khổ. Lần đầu tiên, một người nghèo khổ được công nhận như là đứa con của Thượng đế bởi đây vốn là “lãnh địa riêng” của vua chúa, hoàng tử và tầng lớp giàu có. Kabir chính là Christ của phương Đông. Christ là con trai của người thợ mộc. Họ có nhiều điểm tương đồng. Họ cùng thuộc về trái đất, họ rất đời thường, nhưng cả hai đều sở hữu trực cảm vĩ đại. Họ rất đơn giản. Có lẽ đó là lý do vì sao những lời nói của họ lại có sức thuyết phục mạnh mẽ. Sự thông thái của họ không đến từ trường đại học, họ chưa từng đi học. Sự thông thái của họ đến từ đám đông, đến từ trải nghiệm của chính họ. Đối với người nghèo, có tín ngưỡng là việc rất khó, anh ta cần phải có trí tuệ siêu phàm, bởi vì người nghèo chẳng có gì. Khi bạn nghèo, thật khó để bạn nhận thấy thế giới này là vô nghĩa. Bạn chưa trải nghiệm thế giới – bạn phải thấu hiểu mới có thể nhận thấy mình không có những gì, để nhìn thấy sự phù phiếm của nó. Phật, Mahavir, Krishna, Rama đều là vua, đều có học thức, có văn hóa, sở hữu tất cả những phú quý xa hoa mà con người có thể đạt được. Cho nên, hoàn toàn tự nhiên nếu Phật nhận ra rằng chẳng có gì bên trong vẻ đẹp hình thức, rằng đó là giấc mơ, rằng chúng không khiến bạn thỏa mãn, rằng sự bất mãn vẫn còn đó. Nhưng đối với Kabir hay Christ, điều này rất khó. Họ thậm chí không đủ khả năng đáp ứng những nhu cầu cơ bản của chính mình. Cho nên, họ hoàn toàn có thể hy vọng, mơ ước và khát khao. Để hiểu rằng thế giới này là vô nghĩa, bạn cần phải là một thiên tài vĩ đại.
Khát vọng tự nhiên trong tâm trí con người là trở nên đặc biệt – đặc biệt theo cách có nhiều bằng cấp, nhiều quyền lực chính trị, nhiều tiền bạc, của cải. Để trở nên đặc biệt, tâm trí luôn sẵn sàng bước vào cuộc hành trình của cái tôi. Và nếu bạn cảm thấy chán ngấy với thế giới này, cái tôi sẽ bắt đầu tìm kiếm các phương cách mới để tự nâng mình lên – đó là sức mạnh tinh thần. Chừng nào khát khao được trở nên đặc biệt chưa biến mất, bạn sẽ không bao giờ trở nên đặc biệt. Chừng nào chưa thư giãn trong cái bình thường của mình, bạn sẽ không bao giờ thư giãn.
Toàn nhân loại này là của bạn, toàn bộ sự tiến hóa trong tâm thức nhân loại này là của bạn, nhưng bạn lại quá keo kiệt. Ai đó đã trở thành tín đồ Hindu; anh ta chỉ nhận một góc và sống trong góc đó, què quặt và tê liệt. Trên thực tế, góc đó quá nhỏ hẹp đến nỗi bạn không thể cử động được. Nó không đủ rộng. Một người có tín ngưỡng sẽ nhận lấy tất cả – Phật, Mahavir, Christ, Zarathustra, Lão Tử, Nanak, Kabir…