Trong số các cường quốc trên thế giới hiện nay, Nhật Bản có nền văn hóa cũng như môi trường độc đáo nhất. Nhật Bản là quần đảo lớn nằm bên rìa lục địa Âu-Á ở phía Đông, cách điểm gần nhất của nội địa châu Á (Hàn Quốc) 176km, cách nội địa Nga 288km và nội địa Trung Quốc (736km). Những chi tiết về địa lý khiến trong suốt lịch sử của mình, Nhật Bản ít dính líu với nội địa châu Á, biệt lập và độc đáo về mặt văn hóa.
Có sự mâu thuẫn giữa mặt ngôn ngữ (được cho là rất cổ) với mặt sinh học (bằng chứng cho thấy họ chỉ mới từ một nguồn gốc nào đó di cư sang Nhật cách đây không lâu). Khi những câu hỏi nảy sinh về nguồn gốc của các dân tộc khác, người ta có thể bàn cãi về chúng một cách vô tư không thiên vị. Song với người Nhật thì không. Họ rất quan tâm đến việc duy trì truyền thống của mình khi đối diện với ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa phương Tây. Họ muốn tin rằng ngôn ngữ và văn hóa của họ là độc đáo chẳng giống bất cứ quá trình phát triển nào ở các nơi khác trên thế giới. Thừa nhận rằng tiếng Nhật có liên hệ với bất kỳ ngôn ngữ nào khác dường như cũng chẳng khác nào thừa nhận mình không có một bản sắc văn hóa độc đáo và độc nhất.
Ngành khảo cổ ở Nhật được hỗ trợ bởi ngân sách cao ngất và thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận. Họ quyết chí chứng mình rằng những di tích ở Nhật, dù cổ xưa đến mấy, vẫn được cho là do những vị tổ tiên trực hệ của chính người Nhật ngày nay để lại, rằng tổ tiên người Nhật đã đến Nhật từ thời rất xa xưa đã khác với mọi dân tộc khác cùng thời, nhưng lại rất giống người Nhật ngày nay. Việc bàn cãi về các vấn đề khảo cổ ở Nhật Bản một cách vô tư không thiên vị khó khăn đến thế là do cách người Nhật diễn giải về quá khứ của họ có ảnh hưởng đến hành vi của họ trong hiện tại. Trong số các dân tộc Đông Á, ai đã mang văn hóa đến cho ai, ai ưu việt hơn về mặt văn hóa, ai là kẻ man di, ai có quyền tuyên bố đất của kẻ nào đó khác vốn là lãnh thổ của mình trong quá khứ?
CÁC BẰNG CHỨNG VỀ NGUỒN GỐC CỦA NGƯỜI NHẬT
1. Sinh vật học
Trước thế kỷ XIX, Hokkaido và phía Bắc Honshu chỉ có người Ainu sống từ thời tiền sử. Người Ainu theo lối sống săn bắt hái lượm, có trồng trọt nhưng hạn chế. Người Nhật thì chiếm cứ ba hòn đảo lớn còn lại (Kyushu, Shikoku, Honshu).
Về gen di truyền và hệ xương cũng như ngoại hình, người Nhật rất giống các dân tộc Đông Á khác (Bắc Trung Quốc, Đông Siberian và đặc biệt là người Triều Tiên). Còn người Ainu thì có ngoại hình khác biệt hẳn (râu sum suê, lông rậm rạp) cùng với một số nét di truyền khác khiến người ta phân loại họ thành một nhóm Caucasoid (người da trắng) mà xưa kia đã bằng cách nào di cư ngang qua lục địa Âu-Á để dừng chân ở Nhật.
2. Ngôn ngữ học
Tiếng Nhật có tính chất độc đáo, không có liên hệ gần gũi nào về tiểu tiết với bất cứ ngôn ngữ nào khác trên thế giới. Trong chừng mực, người ta có thể coi đây là một thành viên của ngữ hệ Altai (bao gồm ngôn ngữ Turk, các ngôn ngữ Mông Cổ và các ngôn ngữ Tungus ở Đông Siberia), song tiếng Nhật là một nhánh biệt lập trong ngữ hệ này. Tiếng Triều Tiên cũng xem là một thành viên biệt lập của ngữ hệ này. Và trong phạm vi ngữ hệ này, tiếng Nhật và tiếng Triều Tiên có liên hệ với nhau nhiều hơn là với các ngôn ngữ Altai khác. Tuy nhiên, sự tương đồng chỉ giới hạn ở đặc điểm ngữ pháp chung và 15% ngữ vựng cơ bản, chứ không chung về tiểu tiết. Việc chung 15% ngữ vựng gợi ý rằng hai ngôn ngữ tách khỏi nhau từ trên 5.000 năm trước.
Còn tiếng Ainu thì dường nó chẳng có mối liên hệ đặc biệt nào với tiếng Nhật.
3. Chân dung cổ
Chân dung cổ nhất về người Nhật là bức tượng haniwa khoảng 1.500 năm trước, rõ ràng mô tả chân dung người Đông Á và không hề giống người Ainu râu rậm.
Bắt đầu từ 1615, (do lo sợ người Nga sẽ xâm chiếm đảo), người Nhật thiết lập những thương điếm trên Hokkaido và đối xử với người Ainu bản địa chẳng khác gì người Mỹ da trắng đối xử với người Anh-điêng bản địa Mỹ. Người Ainu bị khuất phục, bị quây vào những khu riêng, bị buộc làm việc cho người Nhật, bị đuổi khỏi những vùng đất mà người Nhật muốn. Khi Nhật Bản sáp nhập Hokkaido năm 1869, các giáo viên Nhật Bản tiến hành những nỗ lực đầy quyết tâm nhằm xóa sạch nền văn hóa và ngôn ngữ Ainu. Ngày nay, tiếng Ainu hầu như đã tuyệt diệt và có lẽ chẳng còn người Ainu thuần huyết nào còn sống sót.
4. Lịch sử thành văn
Lịch sử thành văn sớm nhất về Nhật là từ các biên niên sử Trung Quốc từ khoảng năm 108T. CN-313. Nhật Bản được mô tả dưới cái tên Wa, cư dân xứ này chia ra thành hơn một trăm nước nhỏ thường xuyên đánh nhau ác liệt.
Tổ tiên người Nhật đặt chân đến Nhật từ trước khi họ có chữ viết. Đặc điểm sinh học của họ gợi ý rằng họ đến Nhật vào một thời kỳ khá gần đây. Song ngôn ngữ của họ thì lại cho thấy họ đã đến Nhật từ ít nhất 5.000 năm trước. Chính mối xung đột giữa 4 loại bằng chứng quen thuộc này là cái khiến cho vấn đề nguồn gốc người Nhật đâm ra đầy mâu thuẫn. Giờ còn lại bằng chứng khảo cổ.
5. Bằng chứng khảo cổ
- Thời kỳ Băng Hà, đảo cực Bắc Hokkaido nối liền nội địa Nga, đảo cực Nam Kyushu nối liền Hàn Quốc và toàn bộ các đảo chính của Nhật đều nối liền nhau. Vì thế, các loài có vú và những người cổ đại đã di chuyển từ nội địa Đông Á ra Nhật Bản. Những công cụ bằng đá chỉ ra rằng con người đã đến Nhật Bản từ nửa triệu năm trước. Các công cụ đá ở Bắc Nhật giống ở Siberia và Bắc Trung Quốc, song các công cụ đá ở Nam Nhật lại giống của Triều Tiên và Nam Trung Quốc. Người Nhật vào thời kỳ Băng Hà có sự phát triển sớm và gây ấn tượng. Khoảng 30.000 năm trước, họ nằm trong số những người đầu tiên làm ra công cụ đá có canh mài sắc. Đây được coi là bước tiến lớn về văn hóa, đánh dấu chấm dứt Thời Đồ Đá giữa và bước sang Thời Đồ đá mới.
- Thời Jomon: Khoảng 13.000 năm trước, khi băng tan biến Nhật từ chỗ là mảnh đất của lục địa châu Á trở thành một quần đảo lớn. Điều kiện sống cũng cải thiện nhiều đối với con người: lượng mưa cao, khiến Nhật trở thành nước ôn đới ẩm ướt nhất trên thế giới. Mưa ở Nhật Bản chủ yếu tập trung vào mùa hè, mùa tăng trưởng của cây cối (khác với hầu hết châu Âu vốn mưa chủ yếu vào mùa đông). Hai sự kết hợp này mang lại cho Nhật năng suất cây trồng cao nhất so với bất cứ nước nào khác ở vùng ôn đới. Lượng mưa cao cũng đảm bảo cho rừng tái tạo nhanh sau khi bị đốn. Cấu trúc rừng đa dạng, thay đổi tùy cao độ và vĩ độ: rừng lá to xanh quanh năm ở miền Nam, rừng lá to rụng vào mùa đông ở miền Trung, rừng lá kim ở miền Bắc. Các vùng nước ở Nhật cũng có năng suất đặc biệt cao với hàng ngàn km bờ biển, vô số đảo, vịnh, bãi triều và cửa sông đều lèn chặt hải sản.
Thời điểm kết thúc Kỷ Băng Hà đi kèm với phát minh đồ gốm, một thay đổi có tầm quan trọng quyết định nhất trong thời tiền sử Nhật Bản. Đồ gốm xưa nhất thế giới mà người ta từng biết được làm ra ở Nhật từ 12.700 năm trước.
Do đó, môi trường sống năng sản khiến Nhật là một trong số ít những địa điểm mà người ta có thể định cư làm ra đồ gốm mặc dù vẫn theo lối sống săn bắt hái lượm. Hệ quả là đã kích thích sự bùng nổ dân số từ dăm ngàn lên 250,000 người. Người ta dùng từ Jomon, tên loại đồ gốm này cũng như để gọi những người cổ đại làm ra chúng, để chỉ toàn bộ thời kỳ này, kéo dài khoảng 10.000 năm tiếp theo. Tuy người có nhiều thứ như vậy, nhưng người Jomon không có nông nghiệp thâm canh, không có công cụ bằng kim loại, không có chữ viết, không biết dệt vải, còn ít phân biệt đẳng cấp.
- Thời Yayoi: Khởi đầu Kyushu, khoảng năm 400 T. CN khi có sự du nhập lối sống mới (và cả con người mới) từ Nam Triều Tiên. Các nhân tố mới quan trọng nhất là công cụ kim loại bằng sắt và nghề nông toàn diện. Đồ gốm thời kỳ này có hình dạng khác đồ gốm Jomon, và giống đồ gốm Nam Triều Tiên cùng thời. Ngoài ra, còn có những nhân tố khác như vật phẩm bằng đồng, nghề dệt vải, hạt thủy tinh, hầm chứa lúa, phong tục lưu giữ di hài trong lọ, nhà ở mang phong cách Triều Tiên. Hệ thống nông nghiệp thâm canh năng suất cao đã kích thích sự bùng nổ dấn số (lần thứ 2) ở Kyushu, số di chỉ Yayoi nhiều hơn gấp bội số di chỉ Jomon, mặc dù thời Jomon kéo dài lâu hơn nhiều.
Văn hóa Yayoi bành trướng dần lên phía Bắc, nảy sinh nền văn hóa hỗn hợp Jomon/ Yayoi. Tuy nhiên, phần cực Bắc Honshu (vùng biên cương) và bên ngoài (đảo Hokkaido) quá lạnh giá nên không gây ảnh hưởng được với lối sống săn bắt hái lượm Jomon. Cư dân săn bắt hái lượm Ainu còn chưa được coi là một phần Nhật Bản cho đến tận thế kỷ XIX.
Trong khoảng 700 năm thời đại Yayoi, nền văn hóa Nhật trải qua sự thay đổi triệt để hơn so với suốt thời gian 10.000 năm thời Jomon. Sự tương phản giữa tính ổn định (tính bảo thủ) của thời Jomon với sự thay đổi triệt để thời Yayoi là đặc tính nổi bật của lịch sử Nhật. Có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích sự kiện dẫn đến bùng nổ dân số vào năm 400 T.CN:
– Thuyết 1 (được người Nhật ưa chuộng, giảm tối thiểu sự đóng góp gen Triều Tiên vào gen Nhật Bản, điều người Nhật không mong muốn): người săn bắt hái lượm Jomon đã dần tiến hóa thành người Nhật hiện đại.
– Thuyết 2 (không hấp dẫn người Nhật): có sự di cư quy mô lớn (lên đến vài triệu) của người Triều Tiên sang Nhật, mang theo nghề nông, nền văn hóa và gen di truyền của Triều Tiên. Ngần ấy con người di cư đến đã lấn át hoàn toàn gen di truyền của người Jomon. Nếu đúng vậy thì người Nhật ngày nay là hậu duệ của những người di cư Triều Tiên.
– Thuyết 3 (cũng không hấp dẫn người Nhật): thừa nhận bằng chứng về sự di dân từ Triều Tiên, song không thừa nhận quy mô di cư (chỉ một số ít, tầm vài nghìn, nhà nông lúa nước di cư). Cũng như thuyết 2, thuyết này coi người Nhật ngày nay là hậu duệ của người Triều Tiên.
Dựa vào bằng chứng so sánh sau, tác giả Jared Diamond cho rằng thuyết 2 và thuyết 3 hợp lý hơn thuyết 1:
– So sánh với những sự chuyển tiếp tương tự từng diễn ra ở những nơi khác trên thế giới. Sự bành trướng nghề nông từ một vài khu vực không phải là kết quả của việc những người săn bắt hái lượm tự giác tiếp thu nghề nông, bởi họ có xu hướng bảo thủ (đúng như người Jomon). Thay vì vậy, sự bành trướng nghề nông diễn ra chủ yếu do các nhà nông sinh sôi nảy nở nhanh hơn những người săn bắt hái lượm, phát triển những công nghệ mạnh hơn, sau đó thì giết chết các thợ săn kia hoặc đuổi họ khỏi những vùng đất thích hợp nghề nông.
– So sánh bộ xương và gen Jomon và Yayoi với người Nhật hiện đại và người Ainu. Xét trung bình, xương người Jomon khắc hẳn xương người Yayoi và giống người Ainu. Xương người Yayoi thì giống xương người Nhật hiện đại.
Như vậy, những người di cư từ Triều Tiên thực sự đã có phần đóng góp to lớn làm hình thành người Nhật hiện đại, mặc dù ta chưa biết chắc đấy là do sự di cư với quy mô lớn hay chỉ một nhóm không nhiều (nhưng tăng nhanh chóng nhờ tỷ lệ sinh cao). Người Ainu ngày nay chắc hẳn là hậu duệ của người Jomon (Nhật Bản cổ đại), trộn lẫn gen Triều Tiên (người Yayoi di dân) và người Nhật hiện đại.
- Thời kỳ năm 300-700: lờ mờ xuất hiện nước Nhật thống nhất và các hoàng đế Nhật Bản thời Kofun. Thời kỳ này có sự ảnh hưởng to lớn của Triều Tiên. Phật giáo, chữ viết, cưỡi ngựa, kỹ thuật đồ gốm và luyện kim mới được đưa từ nội địa châu Á sang Nhật.
- Thời kỳ từ năm 712: Bắt đầu bộ biên niên sử đầu tiên của Nhật. Hoàng đế hiện nay của Nhật là hậu duệ trực hệ đời 82 của vị hoàng đến từng cai trị vào 712 (hoàng đế Jimmu, theo huyền thoại là cháu chắt mấy đời của nữ thần mặt trời Amaterasu).
GIẢI ĐÁP CÂU HỎI NGHỊCH LÝ
Quay lại với mâu thuẫn được đặt ra ở đầu chương: về mặt sinh học, các bằng chứng khảo cổ cho thấy người Nhật hiện đại là sự hợp huyết giữa người Triều Tiên cổ và người Jomon cổ diễn ra chỉ cách đây 2.400 năm: nhưng bằng chứng ngôn ngữ cho thấy tiếng Triều Tiên hiện đại và tiếng Nhật hiện đại, được cho là rất cổ, tách khỏi nhau từ trên 5.000 năm. Về nghịch lý này, Jared Diamond đề xuất cách lý giải sau:
- Ngôn ngữ cư dân Jomon cổ trên đảo Kyushu khác tiếng Ainu hiện đại: Thời Jomon, Nhật Bản có sự đa dạng về phương thức sống và không thống nhất về chính trị, do đó cũng tạo sự đa dạng về ngôn ngữ. Vì vậy, tiếng Ainu ngày nay không phải là hình mẫu của ngôn ngữ Jomon cổ trên đảo Kyushu.
- Ngôn ngữ người Yayoi khác tiếng Triều Tiên hiện đại: Trước khi Triều Tiên thống nhất về chính trị, nước này gồm 3 vương quốc có ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Triều Tiên hiện đại bắt nguồn từ ngôn ngữ vương quốc Silla (vương quốc thống nhất Triều Tiên nhưng không tiếp xúc chặt chẽ với Nhật). Có thể giả thuyết rằng Tiếng Triều Tiên của các di dân Triều Tiên mang theo đến Nhật thời Yayoi khác xa với tiếng Silla cổ, nguồn gốc của tiếng Triều Tiên hiện đại.
Vì vậy, tuy người Nhật và người Triều Tiên ngày nay rất giống nhau về ngoại hình và gen di truyền song không giống nhau về ngôn ngữ. Kết luận này có lẽ cả người Nhật Bản và người Triều Tiên đều không thích, bởi hai dân tộc này hiện vẫn không ưa nhau. Ngày nay, cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều là những cường quốc kinh tế, đối diện nhau qua eo biển Tsushima, và nhìn nhau qua lăng kính bị nhiễm độc của các huyền thoại sai lệch và những sự kiện tàn khốc có thật trong quá khứ. Lịch sử cho người Triều Tiên thừa lý do ghét người Nhật Bản. Cũng như người Ả Rập và người Do Thái, người Triều Tiên và người Nhật Bản là những dân tộc cùng huyết thống song cũng cùng một mối thâm thù. Hận thù chỉ dẫn dến sự hủy diệt cho cả hai bên. Tương lai chính trị của Đông Á phụ thuộc phần lớn vào việc liệu hai dân tộc đó có khám phá lại được những mối dây từng gắn bó hai bên từ thời cổ đại hay không.