Trong cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Hồ Anh Thái phục dựng cuộc sống nhiều màu vẻ và đầy ắp sự kiện của các thế hệ ngoại giao Việt Nam. Chân dung những nhà ngoại giao thời hiện đại được thể hiện vừa trang trọng mực thước vừa hài hước sống động.
- Gốc gác căn tính của con người là lòng tham. Gốc gác của lòng tham là kinh tế. Sự làm vua đầu tiên và cơ bản nhất là làm vua về kinh tế, về tài chính.
Sử sách còn ghi: nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân thời phong kiến, kết cục chỉ là thay thế một ông vua dòng dõi hoàng tộc bằng một ông vua chân đất áo vải. Đánh đổ vua để lại làm vua. Thay thế ông vua này bằng một ông vua khác.
Xem thế thì thấy bẩm sinh từ trong máu, từ ông chân lấm tay tay bùn cho đến người dùi mài kinh sử, hầu như đều có giấc mộng đế vương. Người Việt có câu “cờ đến tay ai người ấy phất”. Có cơ hội thì không ai từ chối phất ngọn cờ đầu, không ai từ chối cơ hội làm vương làm tướng. Làm vương làm tướng trong nhà mình thì gọi là gia trưởng.
Người ta nói nhiều về nạn bạo hành gia đình. Do mâu thuẫn về tính cách, về quyền lợi, do không biết kiềm chế, do hoàn cảnh gia đình sa sút hoặc giàu lên đột ngột. Nhưng còn một lý do nữa: tính bá vương của người bạo hành. Trong nhà ta, ta là chủ, là lãnh tụ tối cao, là nhà cầm quyền độc tài, và ta phải sử dụng quyền lực với người trong nhà để chứng minh cương vị. - Con người lạ lắm, người ta nhờ mình mười việc, mình đã làm được cho người ta chín việc, chỉ còn một việc không làm được là cũng đủ cho người ta oán giận. Họ chỉ nghĩ rằng ta còn nợ họ một việc. Hoi không bao giờ đảo ngược cách nghĩ rằng họ đã nhận được những chín việc kia.
- Hệ thống tuyên truyền của phương Tây đang không tiếc lời mạt sát chế độ ở Sinkistan. Một chế độ phi nhân tính, phát triển vũ khí hoá học giết người hàng loạt. Một chế độ bóp nghẹt dân chủ sử dụng luật sắt với nhân dân.
Sự tuyên truyền rất nhiều khi đạt được mục đích là gây ra căm ghét oán thù. Chưa gặp chưa thấy bao giờ, nhưng chỉ cầm đọc những bài báo ấy, xem những bộ phim phương Tây ấy, đủ cho người ta ghê sợ và căm giận.
Tổng thống Sinkistan hùng biện về vấn đề đang được quan tâm: “Chúng tôi phản đối việc đưa các thế lực nước ngoài vào một nước có chủ quyền. Như ở bên Malastan chẳng hạn. Bên ấy chủ trương cải cách rồi mở rộng cửa cho Mỹ vào. Cái mà người ta gọi là chính phủ độc tài trước kia đã giữ được một xã hội bình yên, có an ninh trật tự, vùng nào ở yên vùng ấy. Còn bây giờ, một Malastan loạn lạc. Ba vùng nổi lên tự chia cắt đất nước làm ba miền. Tai hoạ ly khai và chia cắt đã ở ngay trước mắt. Bên ấy ngừoi ta đã nhập khẩu sản phẩm dân chủ của phương Tây. Chúng tôi thì tin rằng dân chủ của phương Tây không bao giờ phù hợp với những nước ở thế giới thứ ba, nơi mà giá trị truyền thống tự thân nó có lối đi riêng. Dân chủ phương Tây là miếng pho-mát mà người nông dân thế giới thứ ba không xơi được, xơi vào có khi đau bụng. Cái dân chủ ấy đưa vào tay họ, họ ngơ ngác không biết dùng. Các vùng sẽ bình yên và không nổi dậy chia cắt, sẽ phát triển kinh tế được nhờ một chế độ có bàn tay sắt. Dân chủ phương Tây đưa vào một cái là thành xã hội dân chủ vô chính phủ hỗn loạn. Một việc bằng cái móng tay mà nghị viện đa đảng cãi nhau hàng tháng trời vẫn không quyết định được. Đấy, dân chủ Mỹ đưa vào Malastan và kết cục là một đất nước tan tành như thế đấy.
Đối với Israel, Sinkistan không phải là mối đe doạ quân sự nhưng là sự vướng mắc về chính trị. Israel không chấp nhận chủ nghĩa dân tộc cực đoan và thái độ độc lập của Sinkistan trước Mỹ và đồng minh của Mỹ. Israel có mấy kẻ thù trong khu vực thì giờ đây tất cả những kẻ thù ấy đều là đồng minh của Sinkistan. Đánh Sinkistan sẽ làm suy yếu các kẻ thù của Israel với giá thấp nhất – theo ước tính của bộ trưởng Quốc phòng Israel – và còn lôi kéo được Mỹ tham chiến.
Israel duy trì chính sách chia để trị trong khu vực, đồng thời lấy lòng những chính phủ chuyên quyền, những nền quân chủ phong kiến: Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Qatar, Oman.
Vài năm sau, Mỹ nhảy vào Sinkistan, đánh tan tành thủ đô Sinkistan. Tổng thống bị bắt rồi bị đưa vào máy chém. Hệ thống tuyên truyền được dịp tranh đua trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người ta gọi ông tổng thống kia là con quỷ độc tài. Nhưng thời con quỷ độc tài còn đó thì xã hội bình yên trật tự. Còn bây giờ vắng bóng con quỷ thì một xã hội tràn ngập chém giết hỗn loạn vô chính phủ.
Anh vẫn nhớ hai lần được chứng kiến ông ra lệnh xoá nợ cho Việt Nam. Lần đầu là hơn một trăm triệu USD. Lần sau là hơn hai triệu tấn dầu. Chỉ một cái lệnh của tổng thống. Không phải trình nghị viện. Không phải tham khảo ý kiến nội các. Độc tài là như vậy hay chăng. - Đi đêm lắm có ngày gặp ma. Nhưng kinh nghiệm của người này mấy khi có ích với người khác. Người ta chỉ đau khi chính mình bị vấp ngã. Ma thì nhiều mà người thích đi đêm còn nhiều hơn.
- Cái nghề của gia đình nhiều khi chỉ là một lối mòn mà người ta không đủ bản lĩnh để bứt phá, để thay đổi. Không dám thay đổi, không dám đi mở đường khám phá cho cái mới cho nên bám lấy cái khái niệm nghề gia truyền nghề truyền thống, tô vẽ cho nó màu sắc lý tưởng và thi vị. Không đủ tự tin để dám quăng mình vào một lĩnh vực mới mẻ có thể có nhiều rủi ro nhiều thách thức. Có bản tĩnh, có tài, có can đảm, có tính sáng tạo thì hãy hăm hở chọn lấy một lối mòn mới không giống ai trong gia đình. Nhà mỗi người một nghề thì mới thực sự là vui.