- Đôi khi đọc sách cũng là dịp thử thách lòng kiên nhẫn. Sách dở thì thử thách lòng khoan dung.
- Họ rời được phố cổ ra đi quả là một cuộc cách mạng mà dân phố cổ truyền đời không dám hưởng ứng. Lối vào nhà hẹp như đường ống dẫn dầu, một người dắt xe máy không tránh nổi một người đi bộ. Năm ba hộ gia đình chung nhau một cái nhà vệ sinh, sáng sớm một người đau bụng ở trong là cả mấy người xếp hàng chờ tắc cả lối đi ở ngoài. Đêm đêm công nhân vệ sinh vẫn còn phải xách đèn chai nện ủng cồm cộp đi vào ông ơi mở cửa cho tôi thay thùng. Thế mà tấc dất tấc vàng. Thế mà, thanh niên phố cổ thề rằng nhà cao (có) toa lét không bằng ngồi (xổm ở) đây. Không việc gì phải đeo bán lấy cái phố cổ mà thực ra chỉ là phố cũ. Ăn chung uống chung đại tiện chung, ăn ở rất là mất vệ sinh. Đi khỏi đây thì đời văn minh mà không ai chịu đi cũng lạ. Tấc đất ngàn vàng. Cứ bám lấy vàng mà một đơì hai đời ba đời lối sống càng nhem nhuốc mọi rợ.
- Ta có thể vắng. Ta có thể chết hẳn. Và mọi việc hệ trọng đến đâu cũng có thể được làm mà không có ta. Cái cõi trần quay cuồng toàn việc là việc này cũng có lúc ta phải dứt ra. Nên dứt ra một tí. Ta nên ốm nằm dưỡng bệnh trên giường. Ta nên đi du lịch đâu đó lên miền núi hải đảo không phủ sóng điện thoại. Cách biệt hẳn với thế giới ít ngày. Ta nghĩ về cái thân ta. Thụ hưởng cái thân ta.
- Thời ấy Hà Nội còn ít người, người lại ăn ít, thú ẩm thực không phong phú cao lương mỹ vị như bây giờ. Ăn ít thì thải ít. Rác ít.
- Âm nhạc ngay trong bữa nhậu là khiếm nhã với cả âm nhạc với cả ca sĩ. Có bọn mới phất về kinh tế thì cũng có bọn giàu xổi vè văn hóa.
- Cái thói thực dân, đến đâu thấy cái gì lạ cũng giơ máy ảnh ra chụp, cũng đi theo cũng há mồm ra xem, cũng cho tiền. Số ít người dân tộc trục lợi trên cái thói thực dân ấy. Số đông thì xa cách kỳ thị. Du lịch phát triển tự phát. Du khách thực dân làm hỏng người bản địa. Người bản địa làm hỏng cảm xúc du khách. Chỉ còn có thiên nhiên là không có làm gì cho ta giận. Thiên nhiên vẫn khiến ta yêu nó một khi chưa bị những cái đầu du lịch xông vào tân trang mông má vôi ve cho nó.
- Đà Lạt, những căn nhà mái tôn gỉ hoen, từ trên cao nhìn xuống như những cái sẹo thâm, như những vạt hắc lào. Sơn nữ mắc bệnh ngoài da. Địa thế trên cao nhìn xuống những mái nhà như Đài Lạt thì không được cho phép làm mái nhà tôn. Phải là mái ngói đỏ, khi hết đỏ ngả màu rêu phong cũng còn chấp nhận được. Vết lang ben mái tôn làm giảm ấn tượng đẹp về Đà Lạt.
- Dù có nói là du lịch rác du lịch bụi, tức là đi đâu cũng hít bụi, thì du lịch vẫn là niềm say mê của con người. Đi. Đi là chết ở trong lòng một ít. Vẫn đi. Ngồi tịt một chỗ chết nhiều hơn.
- Chơi thì không làm. Chơi và làm luôn rạch ròi phân rẽ. Tách bạch ra thì làm có hiệu quả mà chơi cũng tưng bừng.
- Hai người khác giới dù có khoảng cách xa vời về tuổi tác về địa vị thì bao giờ cũng như lửa với rơm. Lửa gần rơm lâu ngày phải bén.
- Cái lạ kích động hiếu kỳ. Tham quan những lâu đài cổ châu Âu, du khách sao cũng có người lừa lúc nhân viên bảo tàng sơ ý để sờ tay vào vật trưng bày. Treo biển không được sờ vào hiện vật bởi vì vật ấy đã có người sờ và nhiều người muốn sờ. Treo biển không được ngồi lên hiện vật là người ta sẽ thử ngồi.
- Thông cảm. Câu khẩu hiệu mà cả xứ này phải hô thường xuyên. Thông cảm thông cảm thông cảm. Bài học rút ra từ vụ này vẫn là đừng bao giờ trả tiền trước. Đừng trả hết.
- Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chính khách phương Tây khuyên đồng nghiệp đọc tiểu thuyết. Vào tiểu thuyết là được sống nhiều cuộc đời khác. Cuộc đời ta chỉ có một, hữu hạn, đọc tiểu thuyết ta có thêm kinh nghiệm của nhiều cuộc đời, vô hạn. Cuốn sách giúp ta được sống nhiều lên, chẳng tội gì. Đây là nói những cuốn tiểu thuyết hay và có ích.