Tình cờ nhìn thấy cuốn này trên kệ sách trong những ngày báo đài chỗ nào cũng thấy nói về việc Taliban thành công quay trở lại Afghanistan, Mỹ rút quân trong vội vã. Đọc xong trong buổi chiều 11/9/2021, kỷ niệm đúng 20 năm ngày tòa tháp đôi Manhattan. Các nước Trung Đông quá xa lạ về cả địa lý lẫn lịch sử với mình. Nhưng mình thấy có điểm chung giữa Việt Nam và 2 đất nước mình vừa tìm đọc lịch sử, Afganishtan và Irael, đều có chung số phận bị đặt vào các cuộc chiến trong thế kỷ XX khi các nước thực dân muốn tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Tùy vào hoàn cảnh dân tộc mỗi nước mà thoát ra khỏi sự sa lầy về các cuộc chiến tranh này sớm hay muộn. Dù là với lý do gì, chiến tranh cũng là một tội ác.
“Đối với thế giới và những người ở ngoài cuộc chiến, Taliban, tàn bạo và cực đoan. Tuy vậy, họ vẫn có một cơ sở ủng hộ mạnh mẽ. Đối với Afganishtan, và trong mắt những người ủng hộ, trái ngược với một chính phủ thối nát, họ theo đạo, họ sử dụng sự tàn bạo để phục vụ công lý. Khi tội ác đã rõ rành rành và quan chức địa phương đứng khoanh tay, Taliban dường như là kẻ cuối cùng có thể đòi lại chân lý, mặc dù việc chọn Taliban đồng nghĩa với lựa chọn một nhà tù. Cuối cùng, trong cơn uất ức, tức nước không vỡ được bờ, khát khao trả thù đã mạnh hơn sự đe dọa mất tự do.” (Nguyễn Phương Mai).
Đối với mình, đọc cuốn tiểu thuyết này giúp mình có động lực tìm hiểu và nhớ hơn về những giai đoạn lịch sử 1959-2003 của Afghanistan, một đất nước không biết 20 năm nữa có được ổn định, hòa bình và chào đón khách du lịch hay không?
1. CÁC ĐỊA DANH Ở AFGHANISTAN
a. Herat: cách thủ đô Kabul 650km về hướng Tây, cạnh biên giới Iran
– Từng một thời là chiếc nôi của nền văn hoá Ba Tư, là quê hương của nhiều nhà văn, hoạ sĩ và các Sufi (nhà tu theo đạo Sufism, nhánh thần bí của Hồi giáo).
– Gauhar Shad, một hoàng hậu sống ở thế kỷ XV, đã cho xây dựng nhiều tháp thờ nổi tiếng, coi đó như những vần thơ ca tụng đầy yêu thương mà bà dành cho Herat.
b. Thung lũng Panjshir: khu vực nói tiếng Farsi của người Tajik, cách thủ đô Kabul 100km về phía Đông Bắc.
c. Shahr-e-Zohak, thành phố Đỏ: trước kia từng là một pháo đài. Được xây dựng cách đây 900 năm để chống lại quân xâm lược tấn công thung lũng. Cháu nội Genghis Khan tấn công pháo đài vào thế kỷ XIII và đã bị giết chết. Sau đó chính Genghis Khan đã phá huỷ được pháo đài.
d. Bamiyan: cách thủ đô Kabul khoảng 240 km về phía tây bắc, từng nằm trên con đường tơ lụa cổ và là giao lộ nơi các giao dịch thương mại của Trung Quốc và Trung Đông được chuyển qua. Bamiyan từng là trung tâm Phật giáo thịnh vượng cho tới khi sụp đổ dưới sự thống trị của người Ả Rập vào thế kỷ XIX. Nó nổi tiếng nhờ phần phố cổ, nơi có các bức tượng Phật khổng lồ đã được chạm khắc vào núi đá gần 1000 năm trước đây. Vách đá sa thạch là nơi trú ngụ của các tăng ni Phật tử, được họ thành các hang đá để ở và lập điện thờ cho những người hành hương kiệt sức vì chuyến đi dài. Trên đỉnh tượng, có thể hướng tầm mắt ra xa về phía những cánh đồng lúa gạo và lúa mạch, và vượt trên tất cả là ngọn núi Hindu Kush phủ tuyết trắng.
“Bố muốn các con nhìn thấy di sản của đất nước chúng ta để hiểu được quá khứ đẹp đẽ của nó. Các con biết đấy, một số thứ bố có thể dạy các con. Một số thứ các con có thể học từ sách vở. Nhưng có những thứ các con chỉ có thể NHÌN và CẢM NHẬN.” (Lời nhân vật Babi, bố Laila).
Tuy nhiên, hai pho tượng Phật cao 55 mét và 37 mét, từng được coi là cao nhất thế giới, được tạc thẳng vào núi sa thạch từ thế kỷ thứ 6, đã bị Taliban cho nổ vào năm 2001 bất chấp sự phản đối của toàn thế giới.
2. MÓN ĂN, TRANG PHỤC, MÔN THỂ THAO, PHONG TỤC TRUYỀN THỐNG
a. Các món truyền thống: Bánh naan, shalqam hầm củ cải, rau bina nấu sabzi, súp lơ nấu gừng, kebab thịt cừu, súp aush, shorwa (xúp truyền thống ăn với bánh mì).
b. Trang phục truyền thống: hijab, burqa, chapan
c. Buzkashi: môn thể thao truyền thống và quốc gia. Người chơi chia thành các đội, thi đấu trên lưng ngựa, đội nào đoạt được con dê hoặc cắt đầu được con dê sau đó chạy thoát được về vạch đích thì chiến thắng.
d. Lễ cưới: cô dâu và chú rể sẽ nhìn mặt nhau qua một cái gương được luồn phía dưới mạng che mặt.
3. NGÔN NGỮ VÀ CHỦNG TỘC
a. 2 ngôn ngữ chính: tiếng Farsi, tiếng Pashtun.
b. Có những mâu thuẫn giữa 2 dân tộc: người Tajik thiểu số và người Pashtun chiếm đa số. Người Tajik luôn cảm thấy bị xem thường. Các đời vua Người Pashtun đã cai trị đất nước gần 250 năm, trong khi người Tajik chỉ có được vị trí đó trong vòng 9 tháng hồi năm 1929.
“Chuyện đó thật ngu ngốc, và nguy hiểm. Người Tajik, người Pashtun, người Hazara, người Uzbek đều là người Afghanistan. Nhưng khi một nhóm người cai trị những nhóm người khác trong một thời gian quá lâu, sẽ có sự khinh thường, sự thì địch. Luôn là thế.” (Lời bố Laila)
4. CUỘC ĐỜI MARIAM/ LAILA VÀ CÁC MỐC NỘI CHIẾN Ở AFGHANISHTAN
- 1973: vua Zahir Shah, người trị vì Kabul trong suốt 40 năm (1933-1973), bị truất ngôi. Daouh Khan, anh họ và là thủ tướng, tiến hành đảo chính trong khi nhà vua đang ở Ý chữa bệnh và bãi bỏ chế độ quân chủ chuyên chế, chuyển sang chế độ dân chủ. Daouh Khan làm tổng thống, được hậu thuẫn bởi Cộng sản Liên Xô.
- 1978: Cách mạng Saur: Mir Akbar Khyber bị ám sát. Những người theo phe Đảng Cộng sản ủng hộ ông ta cáo buộc chính phủ của Tổng thống Daouh Khan tội giết người, kích động dân chúng biểu tình. Những ngày sau đó, lực lượng Cộng sản bắt đầu cuộc tổng hành quyết những người dính líu tới chế độ của Daouh Khan. Ông ta và gia đình bị thảm sát trong phủ Tổng thống. Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) tiếp quản quyền lực chính trị của chính phủ Afghanistan từ ngày 27 đến 28 tháng 4 năm 1978. Cuộc cách mạng này dẫn tới việc Liên Xô đưa quân đội vào Afghanistan gây chiến với Mujahideen (được Hoa Kỳ yểm trợ) và bắt đầu giai đoạn nội chiến Afghanishtan.
- 1979-1989, Chiến tranh Liên Xô tại Afghanistan: Sau khi nắm quyền, Cộng hòa Dân chủ Afghanistan (PDPA) liền cho thực hiện một chương trình xã hội chủ nghĩa: ủng hộ quyền bình đẳng cho phụ nữ, thay đổi quốc kỳ từ màu xanh Hồi giáo truyền thống sang một bản sao gần giống quốc kỳ màu đỏ của Liên Xô. Điều này khiến phe bảo thủ nổi giận vì họ coi đây là một bước tấn công vào đạo Hồi, dẫn đến cuộc xung đột kéo dài 10 năm của phe lực lượng Muajhideen (ủng hộ từ nhiều phía gồm Hoa Kỳ, Pakistan và các quốc gia Hồi giáo khác) chống lại PDPA (được Liên Xô ủng hộ). 1988, Liên bang Xô Viết thua, họ nhượng bộ và ký hiệp ước tại Geneva sẽ rút quân khỏi Afghanistan.
“Babi nghĩ điều duy nhất mà những người Cộng sản đã làm đúng chính là trong lĩnh vực giáo dục dành cho nữ giới. Chính phủ tài trợ các lớp học xoá mù chữ cho tất cả phụ nữ, gần 2/3 số sinh viên trường đại học Kabul là nữ, họ đang theo học ngành luật, y, kỹ sư. Ở quốc gia này, nữ giới luôn gặp khó khăn, nhưng có lẽ giờ đây dưới chế độ cộng sản, họ được tự do hơn và có quyền lợi hơn bao giờ hết. Nhưng quyền tự do nữ giới cũng là một trong những lý do đầu tiên khiến người ngoài đó cầm vũ khí.
Với từ “ngoài đó”, ông không nói đến Kabul, một nơi tương đối tự do và cấp tiến, nơi phụ nữ được giảng dạy tại trường đại học và được giữ các chức vụ trong chính phủ. Ông muốn nói đến các vùng bộ lạc, đặc biệt là các khu vực của người Pashtun ở miền Nam và miền Đông, gần biên giới Pakistan, nơi người ta hiếm khi nhìn thấy phụ nữ trên đường phố, mà nếu có thì cũng phải che mặt kín mít và có đàn ông đi cùng. Những vùng này, con người sống tuân theo các luật lệ bộ lạc cổ xưa và họ đã nổi dậy chống lại những người Cộng sản, chống lại các điều luật nhằm giải phóng người phụ nữ. Những người đàn ông ở đó coi điều này là một sự xúc phạm nghiêm trọng của chính phủ đến truyền thống lâu đời hàng thế kỷ của họ, biến những vùng đất của họ thành nơi vô đạo, nơi lũ con gái của họ phải ra khỏi nhà, đi học và làm việc cùng với bọn đàn ông. Thượng đế ngăn cấm điều đó xảy ra, họ nói.
Con yêu, kẻ thù duy nhất mà một người Afghanistan không thể đánh bại chính là bản thân anh ta.” (Lời nhân vật Babi, bố Laila)
- 1989-1992, Nội chiến giữa chính phủ và quân nổi dậy, nhưng không có sự tham gia của quân đội Liên Xô. Tuy nhiên, Liên Xô vẫn tiếp tục hỗ trợ tài chính cho chính phủ Afghanistan, và các phe nổi dậy cũng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ và Pakistan. Chính phủ Àghanistan, Nạibullah đứng đầu, do Liên Xô hậu thuẫn tồn tại cho đến khi Kabul sụp đổ vào năm 1992.
- 1992-1996, Nội chiến giữa các phe trong lực lượng muajhideen: sau khi chiếm Kabul và thành lập Nhà nước Hồi giáo Afghanistan, mâu thuẫn nội bộ dẫn đến các cuộc chiến tranh bạo lực giữa các phe phái chiếm đóng khác nhau ở Kabul. Mỗi bên trong số này đều được hỗ trợ bởi một thế lực bên ngoài, chẳng hạn như Pakistan, Iran hoặc Saudi Arabia, những người đang tìm kiếm ảnh hưởng ở Afghanistan. Thành phố đã phải hứng chịu những đợt bắn phá nặng nề. Vào giữa năm 1994, dân số ban đầu gồm 2 triệu người của Kabul đã giảm xuống còn 500.000 người, họ phải rời bỏ thành phố sang Pakistan, Iran.
Kể từ khi Nhà nước Hồi giáo thành lập, toà án tối cao gồm toàn những giáo sĩ đạo Hồi bảo thủ, bãi bỏ hoàn toàn các sắc lệnh bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, thay vào đó là những đạo luật được ban ra dựa trên Shari’a, một thứ luật Hồi giáo hà khắc, bắt buộc phụ nữ phải mặc burqa, cấm không cho đi lại tự do mà không có đàn ông ở bên cạnh và trừng phạt phụ nữ ngoại tình bằng cách ném đá.
- 1996-2001, Chế độ Taliban: Các cuộc xung đột trên kết thúc vào năm 1996 sau khi Taliban chiếm Kabul. Taliban là một lực lượng du kích mà hầu hết được nuôi dưỡng hoặc sinh ra trong các trại tị nạn dọc biên giới Pakistan.
“Nhưng thanh niên này không có risha (gốc), và có thể không có quá khứ, họ chẳng biết gì về thế giới cũng như lịch sử của đất nước này. Nhưng hãy nhìn xung quanh xem? Những tay chỉ huy lực lượng Chiến binh Hồi giáo tham lam, nhũng nhiễu, được trang bị vũ khí đến tận răng, giàu có nhờ ma tuý, tuyên bố thánh chiến với nhau, ném bom và hàng nghìn quả đạn pháo bấp chấp tính mạng của bao nhiêu dân thường vô tội. Ít nhất thì Taliban cũng trong sạch. Ít nhất họ cũng là những thanh niên Hồi giáo tử tế. Khi họ đến, họ sẽ mang lại hoà bình và trật tự. Người ta sẽ không còn bị bắn khi đi ra ngoài mua sữa nữa, sẽ không còn những loạt rocket nữa. Taliban kết thúc chiến tranh bè phái ở bất cứ nơi nào mà họ chiếm giữ. Quân Taliban có một thứ mà những chiến binh Hồi giáo không có. Họ là một thể thống nhất.” (Lời nhân vật Rasheed)
Thủ lĩnh của họ là Mullah Omar, một người ẩn dật bí ẩn, độc nhãn và mù chữ, thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, kiểm soát 90% lãnh thổ, 10% lãnh thổ phía Đông Bắc do Liên minh phương Bắc (tập hợp các lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước Hồi giáo Afghanishtan) nắm giữ.
Nhà nước này đã không được hầu hết quốc gia và Liên Hợp Quốc công nhận. Một lý do cho thiếu sự công nhận quốc tế là sự coi thường nhân quyền của Taliban. Các hành động cực đoan đã thúc đẩy sự phản đối quốc tế:
+ bắt giữ cựu Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Afghanistan, Mohammad Najibullah đang sinh sống trong khuôn viên của văn phòng Liên Hợp Quốc ở Kabul và xử tử dã man ông ta.
+ giết nhà ngoại giao Iran ở Afghanistan vào năm 1998.
+ hỗ trợ các chiến binh Hồi giáo đang hoạt động tại Chechnya và Tân Cương nên cũng làm mất lòng Nga và Trung Quốc.
+ đưa ra quyết định phá hủy hai bức tượng khổng lồ tại Bamyan.
Nhà lãnh đạo tối cao Taliban, Mullah Omar đã giải thích lý do tại sao ông ra lệnh phá hủy các bức tượng trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi không muốn phá hủy Phật Bamiyan. Trên thực tế, một số người nước ngoài đã đến gặp tôi và nói rằng họ muốn tiến hành công việc sửa chữa Đức Phật Bamiyan đã bị hư hại nhẹ do mưa. Khi tôi yêu cầu họ cung cấp tiền để nuôi trẻ em thay vì sửa chữa các bức tượng, họ đã từ chối và nói: “Không, tiền chỉ dành cho các bức tượng, không dành cho trẻ em”. Điều này làm tôi sốc. Tôi nghĩ, những người nhẫn tâm này không quan tâm đến hàng ngàn con người còn sống – những người Afghanistan đang chết đói, nhưng họ rất quan tâm đến những vật thể không sống như Đức Phật. Điều này là vô cùng đáng trách. Đó là lý do tại sao tôi ra lệnh phá hủy nó. Nếu họ đến vì công việc nhân đạo, tôi sẽ không bao giờ ra lệnh hủy diệt Đức Phật.” (Wikipedia)
“Khi Laila nghe tin những bức tượng bị phá huỷ, cô trở nên vô cảm. Đó dường như không phải là vấn đề nữa. Làm sao cô còn có thể quan tâm về những bức tượng trong khi cuộc sống của chính cô cũng đang vỡ vụn?”

Có những dấu hiệu cho thấy Taliban cho phép lập các trại bí mật trên khắp đất nước. Ở đó, thanh niên được huấn luyện để trở thành những người đánh bom cảm tử và những chiến binh tử vì đạo.
- Cuộc tấn công 11/9/2001: Một loạt bốn cuộc tấn công khủng bố có sự tham gia của nhóm khủng bố Hồi giáo Al-Qaeda nhằm chống lại Hoa Kỳ. Hai trong số đó lần lượt đâm vào tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới ở Lower Manhattan. Trong vòng 1 giờ 42 phút, cả hai tòa tháp 110 tầng đều sụp đổ. Sau các cuộc tấn công, George W. Bush yêu cầu Taliban, phải giao nộp Osama bin Laden. Việc Taliban từ chối dẫn độ bin Laden đã dẫn đến Chiến dịch Tự do Bền vững, Taliban và các đồng minh Al-Qaeda đã bị các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo và Liên minh phương Bắc đã chiến đấu chống lại Taliban từ năm 1996 đánh bại.
- 2001-2021: Hamid Karzai đã được làm người đứng đầu Chính quyền lâm thời Afghanistan. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thành lập ISAF để hỗ trợ chính quyền mới trong việc đảm bảo an ninh cho Kabul trong việc chống lại Taliban và các nhóm nhỏ khác. Trong giai đoạn này, Afghanistan đã có những cải thiện về y tế, giáo dục và quyền của phụ nữ dưới sự viện trợ Mỹ và nước ngoài.
- 15/8/2021, sau 20 năm Hoa Kỳ phát động chiến tranh xâm lược Afghanistan, sau một loạt các cuộc tấn công dồn dập, đến ngày 15 tháng 8 năm 2021, các lực lượng Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul từ mọi hướng, máy bay quân sự Mỹ đã đáp xuống Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul để sơ tán các nhân sự của Mỹ và những người cộng tác đang khẩn trương tiêu hủy tài liệu, cũng được một số nhà bình luận so sánh với khoảnh khắc Sự sụp đổ của Sài Gòn (Fall of Saigon) trong Chiến tranh Việt Nam. (Wikipedia). Tác phẩm xuất bản lần đầu năm 2007, và việc trở lại của Taliban dường như đã có thể dự đoán qua những tâm sự của nhân vật trong tác phẩm:
“Chuyện này làm cô nhớ ra những viên tư lệnh (của lực lượng thánh chiến) đã được phép quay trở lại Kabul. Những kẻ đã giết chết bố mẹ cô sống trong những căn hộ sang trọng với những khu vườn có tường bao quanh, và chúng được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ này, thứ trưởng bộ kia, và bọn chúng ngồi trên những chiếc SUV sáng bóng, có kính chống đạn, ngang nhiên chạy qua những khu dân cư mà trước đây chính chúng đã tàn phá. Điều đó làm cô choáng váng.” (Lời của Laila)
“Zaman viết lên đó bốn dòng thơ trích từ một bài thơ ghazal của Hafez, Laila biết đó là câu trả lời của ông cho những cằn nhằn rằng số tiền hứa hẹn viện trợ cho Afganishtan sẽ không đến, rằng việc tái thiết quá chậm chạp, rằng có hiện tượng tham nhũng, rằng Taliban đang nhen nhóm trở lại và chuẩn bị cho một cuộc trả thù, rằng thế giới sẽ một lần nữa lãng quên Afghanistan:
Joseph sẽ trở về Canaan, đừng bi lụy,
Hovels sẽ trở lại vườn hồng, đừng bi lụy.
Nếu như cơn hồng thủy có tới dìm chết mọi thứ,
Noah sẽ là người chỉ đường của bạn trong mắt bão, đừng bi lụy.” (Zaman, người đàn ông nhân từ đứng đầu trại trẻ mồ côi)
5. CÁC TRÍCH ĐOẠN TRONG SÁCH CHO TA CÁI NHÌN VỀ QUAN ĐIỂM VỚI PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI HỒI GIÁO
- Nana nói: “Hãy nhớ lấy điều này và nhớ cho kỹ, con gái ạ. Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ hướng Bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào người phụ nữ. Luôn luôn là như vậy. Con hãy nhớ lấy điều ấy, Mariam”.
- Rasheed rút từ trong túi ra một cái burqa và nhìn Mariam: “Tôi có nhiều khách hàng, Mariam ạ, là đàn ông, họ mang theo vợ tới cửa hàng. Những người phụ nữ đó tới cửa hàng mà không hề bịt mặt, họ nói chuyện trực tiếp với tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi mà không hề xấu hổ. Họ trang điểm và mặc váy ngắn đến gối. Có khi họ thậm chí còn đặt chân ngay trước mặt tôi, để tôi đo cỡ chân, và chồng họ đứng đó nhìn. Những người đàn ông ấy cho phép điều đó. Họ không nghĩ gì hết về chuyện một người lạ đụng chạm vào đôi bàn chân trần của vợ họ? Có lẽ họ nghĩ họ là những người đàn ông hiện đại, có học thức, tin tưởng vào học vấn của mình. Họ không thấy rằng họ đang hủy hoại nang và namoos, danh dự và niềm kiêu hãnh của bản thân. Thẳng thắn mà nói, tôi thấy xấu hổ khi phải nhìn một người đàn ông không còn kiểm soát được vợ mình. Ở quê tôi, khuôn mặt người phụ nữ là chỉ dành cho chồng của cô ta thôi.”
- Mariam ngạc nhiên khi nhận ra rằng cái burqa cũng thật thoải mái. Nó giống như cửa sổ một chiều. Từ bên trong, cô có thể quan sát xung quanh nhưng lại được che chở khỏi những ánh mắt soi mói của người lạ. Cô không còn phải lo lắng rằng những người kia chỉ bằng một cái liếc mắt sẽ phát hiện ra tất cả những bí mật đáng xấu hổ của cô.
- Mariam nhớ mẹ Nana có lần đã nói rằng mỗi bông tuyết là một tiếng thở dài nặng nhọc của một người đàn bà phiền muộn đâu đó trên thế gian này. Rằng tất cả những tiếng thở dài đó bay lên tận trời cao, tụ thành mây rồi vỡ ra thành các đốm nhỏ li ti, lặng lẽ rơi xuống con người phía dưới. Như một sự gợi nhắc rằng những người đàn bà như chúng ta đau khổ biết bao. Chúng ta đã chịu đựng mọi điều rơi xuống đầu mình trong lặng lẽ.
- Laila chậm rãi nói: “Nếu ngài bắt chúng tôi về nhà, thì không biết ông ta sẽ làm gì chúng tôi nữa”.
Viên cảnh sát đang cố hết sức để không rời ánh mắt sang chỗ khác: “Theo luật thì chúng tôi không can thiệp vào những vấn đề riêng tư trong gia đình. Một người đàn ông làm gì ở nhà là việc của ông ta.”
Những giọt nước mắt giận dữ bắt đầu rơi trên khuôn mặt Laila: “Tất nhiên các ngày sẽ không can thiệp rồi, nếu điều đó có lợi cho người chồng.”
6. MỘT SỐ TỪ TRONG TIẾNG FARSI
– harami: con hoang
– kolba: túp lều hoặc căn nhà dựng lên một cách tạm bợ
– jinn: một nhân vật trong quan niệm Hồi giáo, không tồn tại trên dương gian mà sống dưới lòng đất, có hình hài như con người
– dil: dũng khí
– kinchini: gái điếm
– jo: thân mến, thân yêu (thêm sau tên riêng của người)
– akhund: giáo sĩ đạo Hồi
– tahamul: chịu đựng
– nikka: lễ cưới >< fatiha: nghi lễ cầu siêu cho người chết
– Salam: xin chào
– Tashakor: cảm ơn