Tại sao sự phát triển của loài người đã diễn ra trên các lục địa khác nhau với những tốc độ khác nhau đến vậy? “Súng, vi trùng và thép” là nỗ lực của Jared Diamond để giải thích vì sao các nền văn minh Á – Âu (bao gồm cả Bắc Phi) lại tồn tại được, cũng như đã chinh phục các nền văn minh khác. Cùng lúc ông bác bỏ các lý thuyết về sự thống trị của các nền văn minh Á – Âu dựa vào trí tuệ, đạo đức hay ưu thế di truyền. Ông lập luận rằng, sự khác biệt về quyền lực và công nghệ giữa các xã hội loài người có nguồn gốc từ sự khác biệt về môi trường. Qua đó, giải thích tại sao Tây Âu, chứ không phải các nền văn minh khác trong thế giới Á – Âu như Trung Quốc, lại trở thành thế lực thống trị.
Phần “Sự phát minh và bành trướng của nền sản xuất lương thực” đề cập đến nhóm nguyên nhân quan trọng nhất trong số các nguyên nhân tối hậu cho phép người châu Âu hiện đại chinh phục các dân tộc khác, trên những lục địa khác.
CHƯƠNG 4: SỨC MẠNH CỦA NHÀ NÔNG
Những mối liên hệ chủ yếu mà qua đó sản xuất lương thực dẫn đến những ưu thế khiến các “nhà nông da trắng” xâm lăng cướp đoạt đất đai và chiến thắng các “chiến binh săn bắt hái lượm bản địa”:
1. Liên kết đầu tiên trực tiếp nhất: mang lại nhiều lương thực hơn và cho sức mạnh về dân số
Việc thuần hóa cây trồng và vật nuôi dẫn đến sự gia tăng dân số nhờ cung cấp được nhiều lương thực hơn bằng những cách sau:
- Khi chọn và nuôi trồng các loài cây và thú mà chúng ta ăn được, chúng ta có lượng calori ăn được lớn hơn nhiều trên mỗi hecta. Càng có nhiều phương tiện chứa calori ăn được thì càng có nhiều người hơn. Các loại gia súc có vú lớn cũng tương tác với các loại cây trồng để nâng cao năng suất bằng cách bón phân chuồng và kéo cày mà nhờ đó con người có thể cày cấy những mảnh đất rắn trước đây không mang lại hiệu quả cao trong trồng trọt. Nếu chăn nuôi gia súc và làm nông, một hecta có thể nuôi sống nhiều người hơn 10 đến 100 lần so với săn bắt hái lượm.
- Lối sống định cư khi sản xuất lương thực cũng góp phần tăng dân số bằng cách cho phép rút ngắn khoảng cách giữa những lần sinh, có thể sinh bao nhiêu con cũng được miễn là đủ sức nuôi ăn. Khoảng cách giữa hai lần sinh đối với các dân tộc làm nông là khoảng 2 năm, rút ngắn một nửa so với các dân tộc săn bắt hái lượm.
2. Tích trữ lương thực thặng dư
Lương thực dữ trữ rất quan trọng để có thể nuôi số đông những người làm các công việc chuyên môn ngoài sản xuất lương thực như vua, quan lại, binh lính chuyên nghiệp, giới tăng lữ, thợ thủ công (luyện kim, làm gươm, súng), thư lại (lưu trữ thông tin). Điều này có liên quan trực tiếp để có các xã hội định cư, tập trung hóa về chính trị, phân chia giai tầng về xã hội, phức tạp về kinh tế và cách tân về công nghệ, dẫn đến các cuộc chiến tranh chinh phục.
3. Tầm quan trọng của các loài gia súc có vú lớn
Các loài gia súc có vú lớn có tầm quan trọng cốt tử đối với các xã hội loài người có sở hữu chúng:
- Cung cấp thịt, sữa, kéo cày, cung cấp phân bón và làm chất đốt trong một số xã hội truyền thống.
- Cho len, giúp con người mặc ấm.
- Xương gia súc là nguyên liệu quan trọng làm vật dụng thời Đồ đá trước khi nghề luyện kim xuất hiện.
- Da thuộc
- Trở thành phương tiện giao thông đường bộ chính. Nhờ đó, người ta có thể vận chuyển hàng hóa nặng cùng số lượng lớn người và qua những khoảng cách lớn một cách nhanh chóng.
- Được sử dụng trong quân sự. Đóng góp trực tiếp nhất đối với các cuộc chiến tranh chinh phục là loài ngựa, chúng có vai trò tương tự xe jeep và xe tăng vậy. Dân tộc nào có ngựa (hay lạc đà) thuần hóa, hoặc có những phương tiện cái tiến để sử dụng chúng, như xe do ngựa kéo, yên ngựa, bàn đạp, đều có ưu thế quân sự to lớn so với các dân tộc không có chúng.
4. Các vi trùng đã tiến hóa ở xã hội loài người có gia súc
Những người đã thuần hóa thú vật là nạn nhân đầu tiên của các vi trùng mới tiến hóa này, nhưng sau đó có kháng thể cần thiết. Khi những người đã được miễn nhiễm này tiếp xúc với các dân tộc khác vốn chưa từng tiếp xúc với các vi trùng đó, bệnh dịch sẽ xảy ra, có thể giết chết tới 99% những người chưa tiếp xúc.
Những mối liên hệ trên cho ta thấy, việc có cây trồng và vật nuôi thuần hóa là một điều kiện tiên quyết cho việc phát triển súng, vi trùng và thép. Tuy vậy, những khác biệt về địa lý dẫn đến dân tộc này hay dân tộc khác có chuyển thành nhà nông và nhà chăn nuôi hay không, và vào thời điểm nào. Điều này lý giải tại sao số phận về sau của các dân tộc lại tương phản nhau đến vậy và vì sao các đế quốc, chữ viết và vũ khí bằng thép đã phát triển sớm nhất ở Âu Á. Chương 5-10 đi sâu nhằm thấu hiểu những khác biệt về địa lý dẫn đến phát sinh những khác biệt về sản xuất lương thực như thế nào.
CHƯƠNG 5: KẺ-CÓ VÀ KẺ-KHÔNG-CÓ TRONG LỊCH SỬ
Ở một vài nơi, sản xuất lương thực phát triển một cách độc lập, do người dân địa phương tiến hành thuần hóa cây dại và thú hoang. Ở hầu hết các nơi khác, sản xuất lương thực được du nhập vào dưới dạng cây trồng và vật nuôi đã được thuần hóa ở nơi khác.
1. Các khu vực phát nguyên (hạt nhân) nền sản xuất lương thực
- 5 khu vực chắn chắn là nơi sản xuất lương thực độc lập, với sự thuần hóa nhiều loại cây bản địa và thú hoang trước khi du nhập bất cứ loài cây hay con nào từ nơi khác: Tây Nam Á (Cận Đông, Lưỡi liềm Phì nhiêu), Trung Hoa, Trung Mỹ, Andes và Amazon, miền Đông Hoa Kỳ.
- 4 khu vực nơi sản xuất lương thực có phát sinh từ đầu, tuy nhiên còn có đôi điều chưa chắc chắn: Sahel (châu Phi), Tây Phi xích đạo, Ethiopia, New Guinea.

2. Các khu vực đã có thuần hóa một số loài cây và thú bản địa độc lập nhưng sản xuất lương thực chủ yếu dựa vào các loài cây và thú đã thuần hóa ở nơi khác
- 3 hoặc 4 khu vực như vậy: Tây và Trung Âu, thung lũng Ấn hà (tiểu lục địa Ấn), Ai Cập. Ethiopia còn gây tranh cãi nằm ở nhóm này hay nhóm phát nguyên.
- Ở những khu vực này, có những khu vực người săn bắt hái lượm đại phương tự mình tiếp thu các loài cây trồng sáng lập từ các dân tộc làm nông láng giềng và tự mình chuyển sang làm nông; nhưng cũng có những khu vực các cây trồng sáng lập du nhập cùng với các dân tộc làm nông đến xâm chiếm đất rồi giao phối với những người săn bắt hái lượm bản địa và giết chết, thay thế hoặc áp đảo về số lượng.
3. Các khu vực mà ở đó không có sự thuần hóa các loài bản địa và sản xuất lương thực đã khởi đầu với sự thay thế đột ngột của quần thể dân cư khác với quy mô lớn
- Các khu vực này bao gồm: California, Tây Bắc ven Thái Bình Dương của Bắc Mỹ, đồng bằng pampas ở Argentina, Austrilia, Siberia.
- Ở những khu vực này, những người săn bắt hái lượm bản địa bị giết chết, nhiễm bệnh, xua đuổi đi nơi khác, hoặc bị thay thế một phần lớn bởi những người trồng trọt và chăn nuôi châu Âu từ xa đến mang theo những loài của riêng mình mà hầu như không tiến hành thuần hóa loài hoang dã bản địa nào.
Vì vậy, các dân tộc ở những khu vực có lợi thế ban đầu về sản xuất lương thực cũng đã có được lợi thế ban đầu trên con đường dẫn đến súng, vi trùng và thép.
CHƯƠNG 6: LÀM NÔNG HAY KHÔNG LÀM NÔNG?
1. Trước kia, mọi dân tộc đều sống bằng săn bắt hái lượm. Vì lý do gì, một số dân tộc chuyển sang sản xuất lương thực?
Các quan niệm sai lầm về nguồn gốc của sản xuất lương thực
- Người ta không KHÁM PHÁ hay PHÁT MINH ra sản xuất lương thực. Thậm chí ban đầu người ta không lựa chọn một cách có ý thức giữa sản xuất lương thực với săn bắt hái lượm. Thay vì thế, sản xuất lương thực đã được phát triển dần từng bước, TIẾN HÓA như một sản phẩm phụ của những quyết định được đưa ra mà không biết đến kết quả. Không phải tất cả các kỹ thuật cần thiết đều được phát triển trong một thời gian ngắn, cũng không phải mọi cây dại và thú hoang ở một vùng được thuần hóa cùng một lúc. Ở các giai đoạn sớm của sản xuất lương thực, người ta cùng lúc vừa thu thập lương thực hoang vừa canh tác cây trồng. Và phải mất hàng ngàn năm người ta mới từ chỗ hoàn toàn lệ thuộc vào lương thực hoang dã chuyển sang chế độ ăn uống lệ thuộc cây trồng và vật nuôi.
- Một số trường hợp không phân biệt rạch ròi giữa những người săn bắt hái lượm du cư và những người sản xuất lương thực định cư. Ở một số vùng năng sản (Tây Bắc Thái Bình Dương của Bắc Mỹ, Đông Nam Austrilia, Palestine, duyên hải Peru, Nhật Bản) đã chuyển sang định cư trước rồi mãi lâu sau đó mới tiếp thu sản xuất lương thực. Ngược lại, có nhiều nhóm sản xuất lương thực nhưng lại du cư (vùng đồng bằng hồ Lakes Plains của New Zealand, người Anh-điêng Apache ở vùng Tây Nam Hoa Kỳ,…)
- Một số trường hợp không phân biệt rạch giữa những người sản xuất lương thực tích cực khai thác mảnh đất của mình với những người săn bắt hái lượm đơn thuần thu nhặt những gì mà cây dại sinh ra. Thực tế, một số dân tộc săn bắt hái lượm vẫn xử lý đất đai một cách tích cực (dân tộc New Guinea, người Úc bản địa)
Tại sao săn bắt hái lượm đã tiến hóa sang sản xuất lương thực?
5 nhân tố chính khiến cho ưu thế cạnh tranh lệch khỏi săn bắt hái lượm mà nghiêng về sản xuất lương thực:
- Suy giảm nguồn lương thực hoang dã. Lối sống săn bắt hái lượm ngày càng trở nên kém hiệu quả bởi nguồn lương thực (đặc biệt là thú vật) ngày càng ít hơn, thậm chí còn biến mất.
- Gia tăng số loài cây dại có thể thuần hóa dẫn đến việc thuần hóa cây trồng ngày càng hiệu quả.
- Ngày càng tích lũy được những cải tiến kỹ thuật trong việc thu hoạch, xử lý và lưu trữ lương thực: liềm, giỏ, chày và cối, kỹ thuật rang hạt, hố lưu trữ ngầm.
- Mối liên hệ 2 chiều, đi liền nhau giữa sự gia tăng mật độ dân số với việc phát sinh sản xuất lương thực.
- Tại những vùng giáp ranh về địa lý giữa những người săn bắt hái lượm và những người sản xuất lương thực, nhờ mật độ dân số cao nên hoặc chỉ bằng số lượng áp đảo, hoặc nhờ những lợi thế khác (kỹ thuật, vi trùng và binh lính chuyên nghiệp), những người sản xuất lương thực có thể xua đuổi hoặc giết chết những người săn bắt hái lượm.
2. Tại sao họ chỉ bắt đầu làm vậy vào khoảng 8.500 năm T.CN?
Bốn nhân tố đầu tiên ở trên giải thích cho việc chuyển tiếp sang sản xuất lương thực đã khởi đầu sớm nhất vào khoảng 8.500 T.CN (ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu) chứ không sớm hơn. Vào thời điểm sớm hơn, lối sống săn bắt hái lượm vẫn hiệu quả hơn nhiều với nguồn lương thực hoang còn dồi dào; người ta chưa có những phát minh cần thiết để thu hoạch, xử lý và lưu trữ ngũ cốc hữu hiệu; mật độ dân số chưa đủ cao nên chưa cần khai thác nhiều calori trên mỗi hecta.
CHƯƠNG 7: LÀM THẾ NÀO MỘT SỐ LOÀI CÂY DẠI ĐÃ TRỞ THÀNH CÂY TRỒNG?
1. Những người nào đã nảy ra ý tưởng “thuần hóa” một loài cây?
Thuần hóa cây trồng là trồng một loại cây và do đó, một cách hữu thức hay vô tình, làm cho nó biến đổi về mặt di truyền so với loài cây tổ tiên theo những cách làm cho nó trở nên hữu ích hơn cho kẻ tiêu thụ nó. Ngày nay, việc phát triển các loại cây trồng là có ý thức, được chuyên môn hóa, do những nhà khoa học chuyên môn đảm nhiệm. Tuy nhiên, cách đây trên 10.000 năm, các nhà nông đầu tiên đã thuần hóa cây trồng một cách không chủ ý.
Xét việc “thuần hóa” từ quan điểm của cây: Cây cối không thể đi hay bay được nên chúng phải “đi nhờ” bằng cách nào đó. Chúng ta chỉ là một trong hàng ngàn loài thú vật bị “lừa” để mang hạt giống của chúng đi xa bằng cách bọc quanh hạt một lớp nạc quả ngon lành và quảng cáo quả đang chin bằng màu sắc hay mùi thơm. Tuy nhiên, cây vốn dĩ không có ý định hữu thức rằng mình cần phải thu hút các loài thú vật khi hạt chín để phát tán ra. Thay vì vậy, cây cối đã tiến hóa thông qua CHỌN LỌC TỰ NHIÊN, và theo hướng hành xử với hạt ngược lại với quả: quả tiến hóa theo hướng càng chín càng ngọt càng đỏ thì càng nhiều loài vật đến ăn và phát tán hạt đi xa; hạt thì tiến hóa theo hướng đắng, vị khó nuốt hoặc độc để ngăn không cho động văn ăn chúng.
Cũng y như vậy, trong giai đoạn đầu khi cây dại tiến hóa thành cây trồng trong một cách vô thức, một số loài cây đã phát triển theo hướng thu hút con người đến ăn rồi phát tán hạt ra trong khi con người chưa trồng chúng một cách hữu thức. Những nơi con người vô tình nhân giống cây trồng: bãi phóng uế (có những loại hạt kháng cự lại việc tiêu hóa của ruột và vẫn có thể nảy mầm khi ra khỏi phân của chúng ta như dưa hấu châu Phi); bãi nhổ và các đống rác. Do đó, bằng cách thu hoạch những cá thể cây dại, các dân tộc cổ đại đã vô tình làm phát tán cây và đưa chúng vào con đường thuần hóa.
2. Những tiêu chí lựa chọn loài cây dại của những người săn bắt hái lượm cổ đại
- Các đặc tính có thể nhìn thấy được: kích cỡ, mùi vị thơm ngon, độ nạc, độ dầu, độ dài thớ sợi.
- Các đặc tính không nhìn thấy được: biến dị thiếu cơ chế phát tán hạt (khiến con người có thể thu hoạch hữu hiệu); biến dị không có cơ chế ngăn chặn nảy mầm (khiến cây nảy mầm nhanh chóng và cho vụ mùa); sự tái sinh sản của cây (để biến dị sẽ tự động được bảo tồn). Như vậy, các nhà nông của loài người đã đảo ngược hướng chọn lọc tự nhiên đến 180 độ: gen vốn dĩ có hại (cho cây trồng) lại trở nên hữu ích (với con người).
3. Tại sao thời điểm thuần hóa từng loài cây tại sao khác nhau rất nhiều? Và có những loài cây dại cho thức ăn được coi là của quý (cây sồi) nhưng mãi đến ngày nay vẫn chưa được thuần hóa?
- Những cây trồng được thuần hóa xưa nhất (lúa mì, lúa mạch và đậu – khoảng 10.000 năm T.CN) đều xuất phát từ những cây dại tổ tiên vốn đã có sẵn nhiều lợi thế. Chúng mọc dễ dàng, chỉ cần gieo hạt hoặc trồng xuống đất, vài tháng sau khi gieo là có thể thu hoạch, dễ dàng bảo quản, hầu hết có thể tự thụ phấn và đòi hỏi rất ít di truyền để có thể chuyển thành cây trồng.
- Những cây kế tiếp thuần hóa (oliu, vả, chà là, lựu, nho – khoảng 4.000 năm T.CN), có nhược điểm hơn nhóm trên là trồng lâu, ít nhất 3 năm, mới bắt đầu cho quả. Vì vậy, chỉ thích hợp cho những nhóm hoàn toàn ổn định với lối sống định cư. Tuy nhiên, chúng có ưu điểm hơn nhóm sau là chỉ cần gieo hạt hoặc chiết cành là mọc được.
- Nhóm cây ở giai đoạn muộn nhất (táo, lê, mận, anh đào) phải trồng bằng kỹ thuật ghép cây và phải được thụ phấn chéo bởi một loài cây khác thuộc giống khác với loài của chúng về mặt di truyền. Các kỹ thuật này rất khó, chỉ phát triển mãi lâu sau.
- Tuy nhiên, có những loài cây có nguồn lương thực quý giá (quả sồi) vẫn không thể thuần hóa cho đến tận ngày nay. Cây sồi có 3 cái khó đối với nông dân cổ đại. Thứ nhất, chúng mọc rất chậm (chục năm hay hơn) mới cho quả. Thứ hai, cây sồi là thức ăn ưa thích của loài sóc nhanh chân khiến con người không còn cơ hội chọn lựa. Thứ ba, độ đắng (chất tanin) trong quả sồi được kiểm soát bởi nhiều gen, khiến cho dù người nông dân có tìm được những quả không đắng để trồng thì hầu như tất cả các hạt sinh ra vẫn sẽ đắng.
Từ trước đến giờ, chúng ta chỉ quen bàn đến những trường hợp cây dại biến đổi thành cây trồng do hệ quả sự chọn lọc dù chủ ý hay vô tình của các nhà nông. Nhưng qua phân tích, hầu hết sự biến đổi này là hệ quả của việc cây cối tự lựa chọn chính mình, như Darwin đã trình bày trong cuốn “Nguồn gốc các loài”: “Kỹ thuật của những người làm vườn trước sau luôn là thế: trồng giống cây mình biết rõ nhất, gieo hạt, rồi khi có một giống tốt hơn một chút tình cờ xuất hiện thì chọn lấy, cứ thế mà tiếp tục”.
CHƯƠNG 8: TÁO HAY NGƯỜI ANH-ĐIÊNG?
- Tại sao nông nghiệp không phát sinh độc lập ở một số khu vực màu mỡ và thích hợp nhất cho việc đó như California, châu Âu, Australia ôn đới và châu Phi hạ xích đạo?
- Trong các khu vực nơi nông nghiệp đã phát sinh độc lập, tại sao ở một số khu vực phát triển sớm hơn nhiều so với ở những nơi khác?
Có 2 cách giải thích trái ngược: hoặc vấn đề nằm ở bản thân các dân tộc bản địa; hoặc vấn đề nằm ở các loài cây dại có ở khu vực đó. Để trả lời câu hỏi, tác giả so sánh 3 trung tâm thuần hóa độc lập nằm ở 2 thái cực đối lập: Một cực là vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu, cực còn lại là New Guinea và Đông Hoa Kỳ.
1. Vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu
Một trong các sự kiện trung tâm trong lịch sử loài người là tầm quan trọng từ xa xưa của khu vực Tây Nam Á (Lưỡi liềm Phì nhiêu), nơi diễn ra sớm nhất một loạt những phát triển bao gồm thành phố, chữ viết, đế quốc (cái mà người ta gọi là văn mình dù tốt hay xấu). Những phát triển này nảy sinh từ mật độ dân số cao, thặng dư lương thực và khả năng nuôi sống các chuyên gia không làm nông nghiệp. 5 lợi thế của Lưỡi liềm phì nhiêu khiến vùng này phát triển nông nghiệp mạnh mẽ hơn so với các cùng có khí hậu tương tự:
- Do có vùng khí hậu Địa Trung Hải rộng lớn nhất so với các vùng khác trên thế giới nên độ da dạng cao nhất về các loài cây và động vật hoang dã.
- Do có sự biến động khí hậu lớn nhất từ mùa này qua mùa khác, từ năm nay qua năm khác nên tỷ lệ cao các loài cây sống một năm.
Khí hậu Địa Trung Hải, với đặc trung là mùa đông dịu ẩm, mùa hè dài nóng và khô. Khí hậu này hợp với những loài cây có khả năng sống qua mùa khô kéo dài và mọc nhanh trở lại khi mùa mưa đến. Nhiều loài cây của vùng này vốn đã dồi dào và có năng suất cao, lại còn mọc sum suê thành cụm. Bằng cách thu học với số lượng lớn hạt ngũ cốc mọc hoang cùng lúc, một số dân tộc săn bắt hái lượm đã có thể sống định cư thành làng mạc ngay cả trước khi họ bắt đầu trồng trọt. Hệ thực vật của vùng này bao gồm một bộ phận lớm những loài “bán lưỡng tính” (thường tự mình thụ phấn, nhưng thỉnh thoảng cũng thụ phấn chéo). Cơ chế sinh sản này thuận lợi cho con người nên dễ được thuần hóa.
- Do có nhiều độ cao và địa hình khác nhau trong một cự ly ngắn nên vùng này cũng có nhiều môi trường khác nhau tương ứng. Từ đó có sự đa dạng cao về các loài cây dại có giá trị và khiến cho mùa thu hoạch không đồng nhất, những người săn bắt hái lượm không bị ngợp do vụ mùa cần thu hoạch tập trung vào cùng một thời điểm.
- Sự đa dạng về môi trường khác nhau trong cự ly nhỏ còn mang lại sự phong phú của các loài thú lớn được thuần hóa.
- Tại vùng này, sản xuất lương thực ít phải cạnh tranh với lối sống săn bắt hái lượm so với các vùng khác. Tây Nam Á có ít sông lớn và chỉ có một bờ biển ngắn nên tài nguyên biển nghèo nàn. Vì vậy, lối sống sản xuất lương thực nhanh chóng trở nên ưu việt hơn và việc chuyển tiếp diễn ra tương đối nhanh (chỉ mất khoảng 3.000 năm).
Nhờ các lợi thế trên, các dân tộc vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu đã có một tập hợp sinh học để sớm tiến hành sản xuất lương thực thâm canh: 3 cây ngũ cốc (lúa mì emmer, lúa mì einkorn, lúa mạch), 4 loài đậu chứa 20-25% protein (đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu gà, đậu tằm), 4 loài gia súc lớn (dê, cừu, lợn và bò) và cây lanh làm nguồn cung cấp sợi và dầu. Như vậy, chỉ với việc thuần hóa những loài sáng lập có sẵn trong khu vực này, đã đáp ứng được các nhu cầu kinh tế cơ bản của con người: cacbon hydrat, protein, chất béo, quần áo, sức kéo và vận chuyển.
2. Vùng New Guinea và Đông Hoa Kỳ
2 vùng này có đặc điểm khí hậu Địa Trung Hải tương tự Lưỡi liềm phì nhiêu, vốn đã có những hệ thống sản xuất lương thực nảy sinh tự phát nhưng lại kém tiềm năng và khiếm khuyết hơn nhiều.
NEW GUINEA
New Guinea cũng nằm ở vùng nhiệt đới và có sự đa dạng cao về địa hình và môi trường sống. Do đó, các loài cây cỏ và động vật cũng phong phú. Người ta đã sinh sống ở đây ít nhất là 40.000 năm. Lối sống săn bắt hái lượm ở New Guinea cũng không hữu hiệu đến mức người ta mất đi động lực phát triển nền sản xuất lương thực. Các loài bản địa được thuần hóa là mía, chuối Australimusa, phỉ, khoai sọ.
Tuy nhiên vùng sinh vật của New Guinea có 3 hạn chế nghiêm trọng:
- Không có một loài ngũ cốc nào được thuần hóa ở đây do thiếu hụt các loài cây hoang dã làm vật liệu.
- Hệ động vật ở đây không có loài thú lớn nào có thể thuần hóa được. Lợn và chó, đến từ Đông Nam Á qua ngả Indonesia, mới trong vòng mấy ngàn năm trở lại đây.
- Những cây trồng lấy rễ có sẵn ở đây vốn cũng hạn chế về hàm lượng calori cũng như protein bởi chúng mọc không tốt lắm ở những nơi vùng cao.
Hệ quả là, dân vùng cao New Guinea thiếu protein trầm trọng. Nghĩa là, dù người ta đã làm nông nghiệp từ rất sớm, song các loài cây trồng địa phương đã khiến mật độ dân số và độ cao sinh sống của họ bị hạn chế.
Thế nhưng, bản thân người New Guinea biết rõ về các loài cây dại và thú hoang nơi mình sinh sống chẳng kém các dân tộc khác. Họ hoàn toàn có khả năng nhận biết đâu là những giống cây hữu ích có thể bổ sung vào danh mục cây trồng của mình và họ hồ hởi tiếp nhận những cây trồng và vật nuôi khi nó được du nhập từ nơi khác đến.
ĐÔNG HOA KỲ
Cũng như 2 vùng trên, Đông Hoa Kỳ cũng thuận lợi để có thể thuần hóa độc lập các loài cây dại bản địa. Từ lâu, người châu Mỹ bản địa đã định cư ở các thung lũng sông ở Đông Hoa Kỳ và phát triển nền sản xuất lương thực thâm canh dựa trên các loài cây bản địa. 4 cây trồng sáng lập: 1 cây cho quả (bí), 3 loại cho hạt (hướng dương, sumpweed – họ hàng với hoa cúc, goosefoot – họ xa với rau bina).
Bốn loài cây sáng lập này chỉ cung cấp một phần nhỏ nhoi vào khẩu phần ăn bên cạnh lương thực hoang dã (các loài thú có vú, chim nước lớn, cá, sò ốc và quả hạnh). Tuy có giá trị dinh dưỡng ưu thế vượt trội nhưng lại có những bất lợi nghiêm trọng ở những khía cạnh khác: goosefoot có hạt nhỏ xíu, khối lượng chỉ bằng 1/10 hạt lúa mì và lúa mạch. Sumpweed là loài chuyên thụ phấn bằng gió có họ hàng với cỏ ambrosi (ragweed), loài cây là nguyên nhân gây ra bệnh sốt mùa cỏ khô (hayfever), và có mùi rất gắt, khi thu hoạch và xử lý còn có thể bị kích thích da.
Các nhà nông châu Mỹ bản đại cũng đã không bỏ qua những loài cây trồng tiềm năng trong số các loài cây dại quanh họ và họ không hề bị trói buộc bởi tính bảo thủ văn hóa. Khi gặp cây trồng Mexico (bộ 3 ngô, đậu và bí) thì nghề nông bắt đầu được thâm canh mạnh, kích thích sự bùng nổ dân số.
3. Kết luận
Với các phân tích trên, chúng ta đã thấy những đặc tính khác biệt của khí hậu, môi trường, số loài cây dại và thú hoang dã có thể thuần hóa ở Lưỡi liềm Phì nhiêu chính là lời giải thích đầy thuyết phục dẫn đến sản xuất lương thực sớm phát sinh hơn các vùng khác. Sự hạn chế của nền sản xuất lương thực bản đại tại New Guinea và Đông Hoa Kỳ chẳng có gì liên quan tới bản thân các dân tộc, mà hoàn toàn là do vùng sinh vật và môi trường các nơi này. Khi có những loài cây trồng năng sản hơn được du nhập từ nơi khác (khoai lang ở New Guinea, bộ ba cây trồng Mexico ở miền Đông Hoa Kỳ), người dân địa phương đã nhanh chóng tận dụng chúng ngay, qua đó tăng cường sản xuất lương thực và gia tăng dân số.
Qua sự so sánh trên, xa hơn thế, tác giả cho rằng các khu vực khác, nơi sản xuất lương thực chưa hoàn toàn chưa hề phát sinh độc lập, hẳn có ít loài cây và thú có thể thuần hóa hơn cả New Guinea và miền Đông Hoa Kỳ.
Tuy đặc tính sinh học khác biệt của các dân tộc không góp phần vào việc họ có hành trang sản xuất lương thực khác nhau, nhưng cũng không cường điệu 2 quan điểm sau:
- Người ta luôn sẵn sang đón nhận các loài cây trồng và vật nuôi tốt hơn. Ở mức độ toàn bộ các châu lục và các khu vực rộng lớn nơi có hàng trăm xã hội canh tranh với nhau, một số xã hội sẽ cởi mở hơn với cách tân, một số khác thì bảo thủ hơn. Những xã hội nào chịu tiếp nhận cái mới thì có thể nhờ đó mà tự nuôi mình tốt hơn, sinh sôi nảy nở, chiếm chỗ, chinh phục hoặc tiêu diệt những xã hội khước từ đổi mới.
- Tùy theo một khu vực có sẵn những loài cây dại và thú hoang nào mà sản xuất lương thực ở khu vực đó có hạn chế hay không và ở đó sẽ mãi mãi chỉ là những người săn bắt hái lượm mới sinh sống được. Giá như người châu Âu không di cư tới và thuộc địa hóa các khu vực này và làm thui chột cái quỹ đạo tiến hóa đó thì trong vài ngàn năm nữa, những người săn bắt hái lượm bản đại hẳn đã trở thành những người sản xuất lương thực.
CHƯƠNG 9: NGỰA VẰN HAY NGƯỜI CHÂU PHI?, NGUYÊN LÝ ANNA KARENINA
Chương 7 và 8 đưa ra các vấn đề liên quan tới việc thuần hóa cây dại. Chương này giải quyết các câu hỏi tương tự đối với các loài gia súc có vú lớn.
1. Hầu như tất cả các loài vật được thuần hóa thành công đều là ở lục địa Âu-Á
Chỉ những loài ăn cỏ trên mặt đất mới được thuần hóa. Nếu định nghĩa “lớn” là “nặng trên 45kg” thì chỉ có 14 loài như vậy được thuần hóa trước thế kỷ XX: 5 loài Tiên Tổ Chính (bò, cừu, dê, lợn, ngựa) và 9 loài Tiên Tổ Thứ yếu (lạc đà Ả Rập, lạc đà châu Á, lạc đà châu Mỹ, lừa, tuần lộc, trâu, bò yak, bò banteng, bò tót. Trong đó, 13/14 loài chỉ ở lục địa Âu-Á và 7/14 cùng một lúc đã có mặt ở Tây Nam Á. Đây lại là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tại sao người Âu-Á chứ không phải người của các châu lục khác đã là người có súng, vi trùng và thép.
Một nguyên nhân khá đơn giản để lý giải sự tập trung này: Âu-Á có nhiều loài hữu nhũ hoang dã trên đất liền nhất làm tăng số lượng ứng viên để thuần hóa.
2. Số lượng các loài được thuần hóa ít ỏi đến kỳ lạ. Có quá nhiều loài có vú lớn chưa bao giờ được thuần hóa
14 loài Tiên tổ trên đã được thuần hóa nhanh chóng và việc thuần hóa các loài có vú lớn hầu như đã chấm dứt từ 4.500 năm trước. Đến khi đó chẳng còn sót lại loài nào có thể thuần hóa mà lại chưa được thuần hóa và ngày nay, dù rất nỗ lực, người ta vẫn chẳng thành công được là bao trong việc thuần hóa thêm những loài mới.
Vậy tại sao chỉ 14 loài qua được cuộc sát hạch trong toàn bộ 148 loài có vú hoang dã lớn, ăn cỏ và sống trên đất liền của cả thế giới? Câu trả lời suy ra từ nguyên lý Anna Karenina:
Các gia đình hạnh phúc đều giống nhau; mỗi gia đình bất hạnh đều bất hạnh theo một cách riêng. (Anna Karenina, Tolstoy). Bằng câu đó, Tolstoy muốn nói rằng, để được hạnh phúc, một cuộc hôn nhân phải thành công ở nhiều phương diện: hấp dẫn tính dục, thỏa thuận về tiền nong, giáo dục con cái, tôn giáo, cha mẹ hai bên và các vấn đề đạo đức cốt yếu. Chỉ cần một trong các phương diện đó trục trặc là hôn nhân sẽ có nguy cơ tan vỡ.
Nguyên lý này có thể mở rộng nhằm thấu hiểu rất nhiều điều khác về cuộc sống chứ không chỉ hôn nhân. Trong lĩnh vực thuần hóa, một loài hoang dã ứng viên phải sở hữu nhiều đặc tính khác nhau, chỉ cần thiếu bất kỳ một trong các đặc tính cần thiết này là nó sẽ khó lòng thuần hóa được. Có 6 đặc tính như vậy:
- Thực đơn ăn uống. Mỗi khi một con vật ăn một loài cây hay một loài vật khác, sự chuyển hóa sinh khối thức ăn thành sinh khối của kẻ tiêu thụ thức ăn có tỷ lệ hữu hiệu thấp, chỉ khoảng 10%. Nghĩa là, để cho ra 1.000 kg bò phải mất 10.000 kg ngô. Nếu muốn có 1.000 kg thú ăn thịt, phải nuôi bằng 10.000 kg thú ăn cỏ và hệ quả là phải nuôi bằng 100.000 kg ngô. Chính vì sự không hiệu quả này mà chưa hề có loài có vú ăn thịt nào được thuần hóa làm thức ăn. Và ngay cả trong số các loài ăn cỏ và ăn tạp, có nhiều loài (gấu koala) quá khảnh ăn đến nỗi khó lòng trở thành thú nuôi trong nông trại được.
- Tốc độ tăng trưởng. Để đáng được nuôi, các loài thuần hóa phải tăng trưởng nhanh.
- Những khó khăn khi sinh sản trong điều kiện bị giam nhốt. Nhiều loài vật hứa hẹn nhiều giá trị từ chối sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt.
- Tính khí dữ tợn. Hầu như bất cứ loài có vú nào đủ lớn đều có khả năng giết chết người. Một số có tính khí dữ tợn và nguy hiểm đến độ hết thuốc chữa so với các loài khác.
- Xu hướng hay hoảng loạn. Những loài hay hoảng sợ khi bị nhốt vào khu đất quây kín hơn thì khó nuôi nhốt hơn.
- Cơ cấu xã hội. Hầu như tất cả các loài có vú lớn đã thuần hóa đều là những loài mà tổ tiên hoang dã có chung 3 đặc tính xã hội sau: sống thành bầy; duy trì một hệ thống cai trị theo tôn ti trật tự giữa các thành viên trong bầy; các bầy thường chiếm lĩnh những lãnh thổ đan cài vào nhau chứ không phải là những lãnh thổ phân ranh rạch ròi với nhau. Các đặc tính xã hội đó lý tưởng cho việc thuần hóa, nhờ vậy con người chiếm lĩnh được cái hệ thống thứ bậc kia.
Chỉ một tỷ lệ phần trăm nhỏ các loài có vú lớn hoang dã là có thể “kết đôi hạnh phúc” với con người nhờ tương thích tất cả các khía cạnh trên. Vì vậy, ngày xưa người ta không thuần hóa được số lớn loài hoang dã còn lại là do khiếm khuyết ở bản thân các loài đó, chứ không phải do khiếm khuyết ở những người cổ đại. Và các dân tộc Âu-Á đã ngẫu nhiên thừa hưởng được số loài có vú ăn cỏ lớn có thể thuần hóa nhiều hơn gấp bội so với các dân tộc trên những lục địa khác.
CHƯƠNG 10: TRỜI RỘNG VÀ TRỤC NGHIÊNG
Chương này nói về hình dạng và hướng trục địa lý của các lục địa. Trong đó lục địa Âu-Á là lục địa duy nhất có hướng Đông-Tây, tức là trải dài theo chiều “ngang”, các lục địa còn lại đều có trục Bắc-Nam, tức là trải dài theo chiều “dọc”. Sự khác biệt này dẫn tới những hệ quả lớn lao, đôi khi là bi thảm.
1. Hướng trục ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ bành trướng của các loài cây trồng và vật nuôi
Việc đất đai trải dài theo các vĩ tuyến (nằm ngang) cho phép các kỹ thuật và công nghệ trồng trọt, chăn nuôi được phát minh, trao đổi nhanh chóng và phát triển rộng khắp. Vì các địa điểm được phân bố theo hướng Đông – Tây trên cùng một vĩ độ có chung một dộ dài ngày đêm và những biến thiên về mùa giống hệt nhau. Chúng còn có xu hướng có cùng một số căn bệnh, cơ chế nhiệt độ và độ mưa như nhau, môi trường sống hoặc thảm thực vật như nhau. Điều đó dẫn đến một kĩ thuật trồng cây ở Trung Quốc có thế được áp dụng ở châu Âu, một con vật nuôi ở Iran có thế đem nuôi ở Nhật Bản.
Trái ngược với sự phát tán dễ dàng từ Đông sang Tây là sự phát tán đầy khó nhọc theo hướng Bắc-Nam của châu Phi và châu Mỹ khiến một con tuần lộc Bắc Mỹ không thể đem nuôi ở Trung hay Nam Mỹ được. Chính yếu tố địa lý này là một trong những nguyên nhân chủ chốt cản trở sự phát triển ở các lục địa còn lại.
2. Hướng trục có ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát tán của chữ viết, bánh xe và các phát minh khác (thông qua hệ thống sản xuất lương thực và hệ quả của chúng).
Vì vậy, khác biệt này chứng minh rằng không phải các nông dân đầu tiên ở lục địa Âu-Á khéo léo, tài trí hơn. Chỉ là vận mệnh lịch sử các dân tộc xoay quanh các trục địa lý.
Từ lý thuyết trên ta có thể thấy những đất nước trải dài trên nhiều vĩ độ, đặc biệt là giữa các đới khí hậu, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thống nhất lãnh thổ và quản trị nhà nước, bởi sự đa dạng về khí hậu, sinh học, nhân chủng và văn hóa. Nước ta trải dài trên 15 vĩ độ, với cùng một chủng tộc chiếm đa số, mà sự đa dạng về sinh thái cho đến văn hóa là vô cùng lớn. Vì vậy câu chuyện Bắc-Nam là câu chuyện không chỉ tồn tại riêng Việt Nam mà còn tồn tại ở rất nhiều nước trải dài trên nhiều vĩ tuyến.