Tên sách tiếng Anh: Apocalypse Hotel (khách sạn Ngày tận thế). Hàm ý người dịch: thế gian này như một cái nhà trọ, một cõi tạm đang ngổn ngang trước những nguy cơ về đạo đức, về tinh thần, về điều kiện sống ngày càng đòi hỏi tranh đua khốc liệt.
“The Apocalypse” chiết tự có nghĩa là Khải Huyền, khúc cuối cùng trong kinh thánh Tân Ước, kể về việc Thánh John báo trước cho đồ đệ về ngày tận thế.
… Không dày lắm, khoảng 250 trang nhưng đủ cả xấu tốt, mánh lới, hận thù, những cuộc đấu tranh sinh tử giữa Thiện và Ác, cảm động mà cũng rất hãi hùng.
Lời tác giả:
- Tôi tránh lặp lại người khác và lặp lại chính mình. Tôi cho rằng người có phong cách chính là không khư khư bám lấy một phong cách cố định, bất biến.
- Tôi quan niệm tiểu thuyết như một giấc mơ dài, gấp sách lại người ta vừa mừng rơn như vừa thoát khỏi một cơn ác mộng, lại vừa tiếc nuối vì phải chia tay với những điều mà đời thực không có. Nếu tôi chỉ dùng phương pháp hiện thực thuần túy thì sẽ không có được giấc mơ ấy đâu.
- Tôi đã học được cách sống bình thản trước mọi sự ở đời. Cách sống ấy quan tâm đến cái nhìn của mình đối với thế giới bên ngoài, chứ không bận tâm lắm xem bên ngoài nhìn mình ra sao.
… Đời người nên có nhóm bạn bè chọn lọc, có thể bỏ qua cho nhau nhiều khiếm khuyết để chỉ nhìn thấy cái tốt đẹp của nhau.
- Xin hãy đi dự đám tang thật nhiều, anh sẽ thôi thắc mắc những chuyện cỏn con ngoài đời, thôi xích mích, thôi đấu đá nội bộ cơ quan, thôi ham hố địa vị, thôi khát khao tiền bạc. Tình yêu trở thành không đáng kể. Thất tình thành chuyện không đáng kể. Bị lường gạt cũng thành chuyện vô nghĩa. Mọi nỗi đau đều được thời gian xoa dịu. Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa được. Chỉ trừ cái chết. Ý nghĩa vừa thoáng qua, tôi đã bật cười chua chát. Nói vậy thì hóa ra những ông trưởng ban lễ tang, những ông cán bộ tổ chức phụ trách việc tang lễ hiếu hỉ ở các cơ quan mới chính là những kẻ giác ngộ bậc nhất, diệt dục bậc nhất trên đời này.
- Những ai sau khi đã phải dự quá nhiều đám tang, hãy tìm lấy cơ hội được một mình trầm ngâm đối diện với biển cả. Biển xanh ngắt sự sống. Biển bao la hồn nhiên. Biển thản nhiên chứng kiến mọi giông tố, chứng kiến những con tàu xuẩn ngốc trầm mình xuống đáy nước, chứng kiến những con tàu bé nhỏ mà hiên ngang rẽ nước.
- Con người nếu cẩn thận ở nơi này thì vẫn bất cẩn ở nơi khác. Biết ai dại ai khôn hơn ai mà lên giọng khuyên bảo. Khôn cũng chết. Dại cũng chết. Chỉ có kẻ biết là sống. Nhưng biết được rồi, giác ngộ được rồi, thì không chết nhưng sống khổ sống sở về tinh thần. Đức Phật giác ngộ năm 35 tuổi, 45 năm sau đó, Ngài phải sống giữa cõi người tôn sùng Ngài, kính phục Ngài, nhưng không chắc đã hiểu Ngài. Ngài cô đơn và đáng thương là ở chỗ ấy.
- (Giải khát phong cách SG) Chỉ có một chút cà phê mà cả một núi đá lạnh dềnh lên một ly lớn như núi băng Bắc Cực. Vậy mà vẫn phải kiên trì ngồi nhấm nháp. Mỗi ly bỏ thừa lại 2/3 ly đá lạnh.
- Ai mà không chết vì đất, đất luôn luôn tiêu hủy mọi thi thể sang hèn, giàu nghèo, đức độ và vô đạo đức.
- Chưa đâu, cháu mới bắt đầu dậy thì, còn trở thành đàn ông lại là chuyện khác. Giáo dục giới tính là cần đối thoại công khai, không né tránh gọi đúng tên sự vật. Đức hạnh chỉ được bảo vệ bằng sự bưng bít ngu dốt thì rất bấp bênh.
- Vậy là những bà cô ông mãnh chết đi rồi vẫn còn chia ngôi thứ như khi còn sống. Kẻ vẫn được đặc quyền. Kẻ thì hoàn toàn không.
- Hận thù kéo theo một chuỗi hận thù. Cái chết đòi trả bằng cái chết. Tôi nhớ lời Đức Phật trong những cuốn sách đã đọc đã ngẫm ngợi đều ngược hẳn lại. Ngài nói tất cả những gì ta yêu quý nhất, ta được sở hữu, đều sẽ có lúc thay đổi, đều sẽ triệt tiêu, vậy thì chỉ thêm đau khổ nếu con người cứ khư khư những vật sở hữu, cứ tin rằng người thân của mình phải là bất tử. Ngài dạy chí lý. Nhưng mà con người quả thực hèn yếu khi khoanh tay ngồi nhìn người thân lần lượt bị tiêu diệt, miệng thì cầu nguyện xá tội cho kẻ giết người. Ngộ ra là một chuyện, vẫn cứ bị sa vào vòng luân hồi lại là chuyện khác.
- Người thực sự giỏi võ nghệ hầu như ít khi bàn đến và dùng đến võ nghệ. Bậc cao thủ trong nghề cung kiếm như thần Arjuna mà cũng có lúc ngớ người khi nhìn thấy cây cung, không hiểu đó là vật gì. Võ nghệ chẳng để đánh ai, nhưng nó làm ta vững tâm và điều quan trọng là nó rút đi phần dương lực thừa thãi của gã trai mới lớn và si mộng.
- Đàn bà có thể sắc sảo trong những tình huống có thời gian để mà nhấm nháp ngẫm ngợi. Đàn bà khó tỉnh táo trong những lúc sự kiện dồn dập, hàng họ dồn dập tuôn về. Đàn bà trong cơn hám lợi thì bỗng chốc trở nên mù quáng khác thường.
- Sinh con ra không hẳn đã sinh phúc, sinh con ra có khi để trả cái nợ chính mình được sinh ra giữa đời này.
- Phút sám hối bao giờ cũng thiêng liêng, nhưng chỉ là những khoảnh khắc. Mà đời người thì dằng dặc ngổn ngang mọi điều mọi sự.
- Karaoke, ngớ ngẩn cái phát minh vĩ đại của người Nhật. Một trò giải trí dành cho những kẻ muốn được thỏa mãn trong phút chốc cái ham muốn phá vỡ thế độc quyền rằng chỉ có ca sĩ đích thực mới được quyền cầm micro mà hát. Miệng mình hát tai mình nghe thì hay. Miệng mình hát cho tai người khác nghe thì thực là một cuộc tra tấn tàn bạo cái màng nhĩ.
- Tôi không tin những người chưa từng chứng kiến một cái chết nào. Phải chứng kiến tận mắt, phải ôm người chết trong tay, phải khâm liệm cho một tử thi… người ấy mới xem như thực hiểu đời, hiểu người, hiểu sự sống. Khi đã hiểu cái chết, anh mới bình thản và tự tin để quan sát tất cả những người không hiểu cái chết. Khi ấy anh thấy mình cần phải sống.
- Người nghèo ở đâu chả vậy. Họ sống ngơ ngác giữa đời, không một nguồn bảo hiểm, số mạng có thể kết liễu bất cứ lúc nào bằng thiên tai, bằng một mảnh chai cứa vào chân gây nhiễm trùng, bằng đủ mọi thứ tai bay vạ gió mà những người sung túc hơn có thể chạy chữa được.
- Tôi ba mươi lăm tuổi. Tuổi ấy Đức Phật được giác ngộ. Có nhiều người đi qua tuổi ba mươi lăm mà mãi mãi không giác ngộ. Có những người giác ngộ trước cả tuổi ba mươi lăm. Ngộ muộn hay ngộ sớm, họ tất thảy đều đáng thương.
Hochiminh, tháng bão triền miên, 10/2020