Tên tiếng Trung: 西游 八十一案 (大 唐 泥犁狱)- 陈渐
Mình là fan truyện trinh thám, nhưng hiếm khi đọc truyện trinh thám Trung Quốc. Hồi sinh viên đọc được nhõn “Tấm vải đỏ”, và chưa đọc thêm cuốn nào. Có vẻ thể loại này kén cả người đọc lẫn người viết. Tình cờ rinh cuốn này về do tò mò khi đọc giới thiệu truyện. Mặc dù khi mới đọc gặp nhiều từ Hán Việt hơi khó hiểu, nhưng văn phong hấp dẫn, đọc ngấu nghiến 1 tuần là xong. Cũng có hơi lồng ghép xíu xiu ngôn tình kiểu Trung Quốc ở cuối truyện, nhưng tổng thể mình thấy xuất sắc. ??
Rất khâm phục người dịch có thể kiên nhẫn mà dịch được một cuốn khó nhằn thế này, toàn là từ cổ trang. Mình cũng tranh thủ bổ túc được một số từ Hán Việt, phục vụ cho việc học tiếng Trung. Tỉ dụ câu trong bài thơ được nhắc đến nhiều lần trong truyện dưới đây:
自嗟此地非吾土,不得如花岁岁看。
/Zì jiē cǐdì fēi wú tǔ, Bùdé rú huā suì suì kàn/
“TỰ TA THỔ ĐỊA PHI NGÔ THỔ, BẤT ĐẮC NHƯ HOA TUẾ TUẾ KHÁN”
(Tạm dịch nghĩa: Thương lòng mãi không ở nổi nơi đất khách, chẳng thể thưởng hoa suốt tháng năm dài).
Lấy cảm hứng từ cốt truyện “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân, Huyền Trang của Trần Tiệm được xây dựng lại, rất mới mẻ khác biệt, dùng tư duy của một vị cao tăng nhiều năm nghiên cứu kinh luận để tìm ra sự thật ẩn giấu: “… vị hòa thượng trẻ tuổi thoạt nhìn ngu ngơ ngốc nghếch này có lòng dạ thâm trầm, ý chí kiên cường, ánh mắt nhạy bén, rất dễ khiến người khác thấy khó xử. Dường như ở trước mặt ngài, người nào cũng không thể che giấu điều gì, dường như hết thảy sự vụ trên đời đều hiển hiện rõ trong đôi mắt từ bi mà bình thản của ngài”. Đường Tăng của Ngô Thừa Ân mà được một góc như này thì Tôn Ngộ Không đã không phải “gánh team” đến thế. ?
Có một điểm khá khâm phục trí tưởng tượng của tác giả, khi cho người xưa “xây dựng” được những công trình như “buồng thang máy” gỗ lắp ròng rọc chạy bằng sức gió và nước để lên xuống núi, mê cung địa đạo ngầm dưới lòng đất, rồi một căn phòng y hệt trồi lên thay thế ngay cho căn phòng vừa đi xuống… Ảo diệu như có ai đó xuyên không từ thời hiện đại về vậy ??
Truyện có xen những đoạn hài hước làm dịu đi những yếu tố đáng sợ. Như đoạn đang gặp nguy kịch khi bị rơi tự do vào 1 cái hố, thì vị cao tăng nghiêm túc trên, lúc ngã trên người tên người hầu Ba La Diệp, tay chạm đâu không chạm lại chạm đúng điểm nhạy cảm :))))
Truyện chứa đựng nhiều điển tích và nhân vật lịch sử thời Tuỳ, Đường. Nhiều kiến thức và triết lý Phật pháp cũng được lồng ghép trong truyện. Việc lồng ghép rất khéo léo, thêm cốt truyện lôi cuốn nên cũng dễ hiểu và dễ nhớ hơn những kiến thức khô khan này:
- Đường tu hành vốn đã đầy gai góc, nếu thật sự có nguy hiểm cũng coi như là một nghiệp quả mà thôi. Nói muôn tránh là có thể dễ dàng tránh được sao?
- Dựng chùa xây tháp, trai tăng cứu tế, viết kinh tạc tượng mặc dù có thể tích được nghiệp đức, nhưng làm sao có thể so được với minh tính gặp Phật? Tu thiền tức là tu tâm.
- Chúng sinh bình đẳng, con người không vì chiếm được bao nhiêu của cải mà phân tầng lớp tôn ti cách biệt, cũng không vì địa vị cao thấp khác nhau mà phân ra tốt xấu. Cái gọi là khác biệt về tôn ti, thay vì nói mục đích phân biệt là nhằm mang lại trật tự, chi bằng nói thẳng ra là do dục niệm của con người.
- Con người có thứ không muốn mất, sau đó mới có mất mát.
- Một gáo nước chứa ba ngàn phù du, trong hạt cát có thế giới vô tận, giữ chấp niệm quá sâu thì kẻ đau khổ nhất vẫn là chính mình.
P/S: Lang thang khổ cực để tìm ra câu thơ trích dẫn bằng tiếng Trung, thì ra luôn bản đọc online của truyện mới ghê. Hi vọng có ngày đọc được nguyên bản ? http://www.yuedu88.com/xiyoubashiyian/5/