Mình đọc chương này trước khi đọc phần còn lại của cuốn sách. Nội dung rất phù hợp với tính thời sự hiện nay. Từ khi có trí nhớ đến giờ, mình trải qua 2 đợt dịch đi vào lịch sử thế giới: 2002-2004 SARS và 2019++ COVID. Trùng hợp chúng đều cùng một họ corona và đều xuất phát từ Trung Quốc, con đầu từ Quảng Đông, con sau từ Vũ Hán. “Những phân tích về phát sinh chủng loại học cho thấy covid có thể đã tiến hóa từ chủng virus liên quan đến virus gây bệnh sars 2002.” (Covid Reference, Bernd Sebastian Kamps & Christian Hoffmann)
Nhiều căn bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật là nguyên nhân ẩn đằng sau những mẫu hình lớn của lịch sử loài người, cũng như đằng sau một số vấn đề quan trọng nhất về sức khỏe loài người hiện nay. Hầu hết con người chúng ta đều yêu các loài thú cưng, bị lây bệnh truyền nhiễm từ thú nuôi và một số căn bệnh đã tiến hóa thành những thứ nghiêm trọng hơn nhiều. Nguyên nhân tử vong của con người trong suốt lịch sử gần đây – đậu mùa, cúm, lao, sốt rét, dịch hạch, sởi, dịch tả – đều là những bệnh truyền nhiễm đã tiến hóa từ các căn bệnh ở loài vật.
Cho đến Thế chiến thứ 2, số người chết vì các vi trùng nảy sinh trong điều kiện chiến tranh cao hơn số người chết vì bị thương trong chiến đấu. Vì vậy, các sách sử nhà binh chuyên tán dương các vị tướng, rõ ràng là đã quá đơn giản cái sự thật nhãn tiền: kẻ thắng trong các cuộc chiến không phải bao giờ cũng là các đạo quân có những vị tướng tài ba nhất và có vũ khí hùng hậu nhất, mà chẳng qua chỉ là những đạo quân mang những thứ vi trùng độc hại nhất để lây nhiễm cho kẻ địch mà thôi.
1. “BỆNH” LÀ GÌ? TẠI SAO MỘT SỐ VI TRÙNG ĐÃ TIẾN HÓA SAO CHO LÀM CON NGƯỜI BỊ “BỆNH”?
Hãy xem xét “bệnh” từ quan điểm của vi trùng. Vi trùng cũng là một sản phẩm của chọn lọc tự nhiên và cũng tiến hóa như mọi loài khác.
Quá trình tiến hóa là để lựa chọn những cá thể có hiệu năng cao nhất trong việc sinh con đẻ cái và giúp con cái chúng phát tán đến những nơi thích hợp nhất để sống. Vi trùng đã sáng tạo ra nhiều cách đa dạng để phát tán từ loài vật sang người và từ người này sang người khác. Vi trùng nào phát tán giỏi hơn thì sinh con đẻ cái nhiều hơn và rốt cuộc là loài có ưu thế trong quá trình chọn lọc tự nhiên. Nhiều “triệu chứng” bệnh trên thực tế chỉ phản ánh việc một loại vi trùng khôn ngoan nào đó đang tiến hành điều chỉnh cơ thể hoặc hành vi của chúng ta sao cho chúng ta trở thành phương tiện phát tán vi trùng.
Các cách phát tán vi trùng:
- Nhẹ nhàng nhất là chúng cứ đợi đến khi được chuyển một cách thụ động sang nạn nhân kế tiếp. Chiến lược này được áp dụng bởi các vi trùng chuyên đợi cho vật chủ này bị vật chủ kế tiếp ăn thịt. Ví dụ: loài giun xoắn lây từ lợn sang người bằng cách đợi đến khi con người giết lợn để ăn thịt mà không nấu kỹ; loài sán tròn lây bệnh từ cá sống sang cho những người thích ăn món sushi Nhật; virus kuru (bệnh cười) ở vùng cao New Guinea chuyển từ người sang người do tục ăn thịt người.
- Một số vi trùng không đợi đến khi vật chủ cũ chết và bị ăn thịt, mà “quá giang” theo nước dãi của một con côn trùng vừa cắn vật chủ cũ xong thì bay đi tìm vật chủ mới. Một số phương tiện quá giang này là muỗi (bệnh sốt rét), bọ chét (dịch hạch), chấy rận (sốt ban đỏ) hay ruồi tsette (bệnh ngủ).
- Những vi trùng khác thì ghê gớm hơn, “tự tay” giải quyết vấn đề. Chúng làm thay đổi cấu trúc giải phẫu hoặc hành vi của vật chủ, sao cho có thể đẩy nhanh việc giúp chúng chuyển đổi vật chủ. Bệnh đường tình dục giang mai gây các cơn đau ở bộ phận sinh dục như một phương sách hữu ích nhằm buộc vật chủ này cấy vi trùng vào một lỗ mở trên cơ thể một vật chủ khác. Bệnh đậu mùa gây nên những tổn thương da để được phát tán thông qua tiếp xúc cơ thể. Vi trùng cúm, cảm lạnh thường và ho gà buộc bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, qua đó tung ra hàng đám vi trùng về phía những người có khả năng trở thành vật chủ mới. Vi trùng tả làm cho bệnh nhân tiêu chảy ồ ạt để phát tán vào nguồn nước mà những người có thể là vật chủ mới đang sử dụng. Dữ dội hơn, vi trùng dại còn có khả năng làm biến đổi hành vi vật chủ (chó) làm nó lên cơn điên cắn lung tung và qua đó làm nhiều nạn nhân mới nhiễm bệnh theo. Song quán quân về khoản chịu khó vận động thì phải trao cho những loài giun móc và sán máng, ấu trùng của chúng theo phân của vật chủ ra ngoài, sống trong đất và nước một thời gian, sau đó đào xuyên qua da mà xâm nhập vào vật chủ mới.
Như vậy, xét từ quan điểm của con người thì đau cơ quan sinh dục, tiêu chảy và ho là “triệu chứng bệnh”. Còn xét theo quan điểm của vi trùng, đó là những sách lược tiến hóa thông minh để chúng có thể phát tán. Chính vì vậy, vi trùng mới quan tâm đến việc “làm con người phải bệnh”.
Nhưng tại sao một số trường hợp, vi trùng lại giết chết vật chủ, như thế chẳng khác nào tự hủy diệt chính mình? Từ quan điểm của vi trùng, chuyện đó chẳng qua chỉ là sản phẩm phụ ngoài dự kiến của các triệu chứng ở vật chủ nhằm phát tán vi trùng sao cho hiệu quả (chứ chúng cũng không có ý định làm thế, an ủi làm sao cho chúng ta!).
Vậy, để ta sống và khỏe mạnh, cơ thể chúng ta phản ứng ra sao để giết chết những con vi trùng chết dẫm?
- Một cách phản ứng thông thường của chúng ta khi bị lây nhiễm là lên cơn sốt. Vài loại vi trùng vốn nhạy cảm với cái nóng hơn so với cơ thể ta. Bằng cách nâng cao nhiệt độ cơ thể, thực ra chúng ta đang cố nung nóng cho chết lũ vi trùng kia trước khi chính mình bị nung đến chết.
- Cách phản ứng khác là huy động hệ miễn dịch. Bạch huyết cầu và các tế bào khác của chúng ta tích cực truy tìm và giết các vi trùng lạ. Các kháng thể cụ thể mà chúng ta dần dần tạo ra để chống lại một loại vi trùng cụ thể đang nhiễm vào ta sẽ giúp ta có ít có khả năng bị nhiễm lại căn bệnh đó một khi đã được chữa lành.
+ Với các bệnh sởi, quai bị, rubella, ho gà, đậu mùa, một khi đã bị nhiễm một lần và cơ thể đã tạo kháng thể, ta sẽ được miễn dịch suốt đời với bệnh ấy. Đó chính là nguyên lý của việc tiêm phòng: cấy vào bên trong cơ thể một số vi trùng đã chết hoặc đã suy yếu để kích thích cơ thể tạo kháng thể mà không phải thực sự nhiễm bệnh.
+ Các dòng vi trùng cúm thì tinh khôn hơn. Chúng không chịu khuất phục cơ chế phòng thủ miễn dịch của chúng ta, bằng cách biến đổi các mẫu phân tử của chúng và không ngừng tiến hóa hoặc xoay vòng. Đây chính là nguyên nhân tại sao dù bạn đã mắc bệnh cúm cách đây vài năm nhưng vẫn có thể mắc lại cũng bệnh đó với dòng vi trùng khác.
+ Láu cá nhất trong mọi thứ vi trùng là AIDS, biết tạo ra những kháng nguyên mới ngay trong khi nó đang cư trú bên trong một bệnh nhân duy nhất nên rốt cuộc lấn át cả hệ miễn dịch của người đó.
- Phản ứng phòng vệ chậm chạp nhất của chúng ta là thông qua chọn lọc tự nhiên, làm thay đổi tần số kiểu gen từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đối với hầu hết căn bệnh, một số người có khuynh hướng đề kháng tốt hơn nhờ di truyền so với những người khác. Khi xảy ra dịch, những người này có khả năng sống sót cao hơn so với những người không có gen đó, và sẽ truyền gen này cho các thế hệ tiếp theo của ta.
Vi trùng sống bằng dưỡng chất bên trong cơ thể chúng ta, chúng ta lại chẳng có cánh để có thể đến được cơ thể nạn nhân mới một khi nạn nhân ban đầu đã chết hoặc đề kháng được. Vì vậy, nhiều vi trùng đã phải chế ra nhiều mánh lới để có thể phát tán, cái mà chúng ta gọi là “triệu chứng bệnh”. Đến lượt chúng ta, chúng ta lại tạo ra những mánh lới của riêng mình để đối phó. Rồi đến lượt vi trùng lại chế ra những mánh lới mới để chống lại các mánh lới của chúng ta. Chúng ta và vi trùng giờ đây bị khóa chặt vào một cuộc ganh đua tiến hóa ngày một tăng cấp mà trong đó kẻ nào thua thì giá phải trả là cái chết, còn chọn lọc tự nhiên thì đóng vai trò trọng tài.
2. TẠI SAO NHIỀU CĂN BỆNH TRUYỀN NHIỄM LẠI LÂY LAN THÀNH DỊCH
4 đặc tính sau của bệnh hợp lại làm cho một căn bệnh nào đó có xu hướng xảy ra thành dịch:
- Vi trùng phát tán nhanh chóng và hữu hiệu từ một người bị nhiễm sang những người khỏe mạnh xung quanh, hậu quả là toàn bộ quần thể đều bị nhiễm trong một thời gian ngắn.
- Chúng là những bệnh “cấp tính”, nghĩa là, trong một thời gian ngắn, bệnh nhân hoặc chết hoặc bình phục hoàn toàn.
- Những ai may mắn trong chúng ta hồi phục được thì sẽ có kháng thể giúp miễn dịch với bệnh đó trong một thời gian dài, có thể là trong suốt phần đời còn lại.
- Các bệnh này có xu hướng chỉ xảy ra cho người: các vi trùng gây những bệnh này có xu hướng không sống trong đất hoặc trong các con vật khác.
Để tồn tại được, chúng cần một quần thể người đủ đông và mật độ đủ cao để ngay tại thời điểm lẽ ra bệnh đã bắt đầu suy yếu thì đã có sẵn một lứa trẻ em dễ lây nhiễm mới và khởi đầu một trận dịch khác. Vì vậy, việc phát sinh nền nông nghiệp (dẫn đến quần thể người đông đúc với mật độ cao) chính là nguyên nhân kích thích sự hình thành các bệnh truyền nhiễm lây lan trong đám đông ở loài người.
3. LÀM CÁCH NÀO TỔ TIÊN CÁC LOÀI VI TRÙNG, MÀ NGÀY NAY CHỈ GÂY BỆNH CHO NGƯỜI, ĐÃ CHUYỂN TỪ CÁC VẬT CHỦ BAN ĐẦU LÀ LOÀI VẬT SANG VẬT CHỦ LÀ NGƯỜI NHƯ HIỆN NAY?
Cứ xét theo chỗ chúng ta gần gũi thế nào với những loài vật chúng ta yêu thì ắt hẳn chúng ta thường xuyên bị giội bom bởi các loại vi trùng của chúng. Những kẻ xâm lược đó được sàng lọc dần qua chọn lọc tự nhiên, chỉ một số ít trong đó thành công trong việc tự biến mình thành mầm bệnh ở người.
Bốn giai đoạn tiến hóa để một căn bệnh ở loài vật trở thành một căn bệnh chỉ có ở người:
- Giai đoạn 1: Một tác nhân gây bệnh lây từ thú sang người cũng còn chưa phổ biến và tất cả chúng hãy còn chưa phát tán trực tiếp từ người này sang người khác. Ví dụ: sốt do mèo cào, trùng xoắn móc câu lây từ chó, virus vẹt lây từ gà và vẹt…
- Giai đoạn 2: Một tác nhân gây bệnh vốn chỉ ở loài vật đã tiến hóa có thể lây trực tiếp từ người sang người và gây ra dịch. Tuy nhiên, dịch này biến mất dần vì một trong nhiều nguyên nhân, như bệnh bị chữa khỏi bởi các loại thuốc hiện đại hoặc khi tất cả mọi người xung quanh đã bị nhiễm rồi nên hoặc đã miễn dịch hoặc chết.
- Giai đoạn 3: Tác nhân gây bệnh vốn chỉ giới hạn ở loài vật nhưng nay đã trở thành bệnh chỉ có ở người, không (hoặc chưa) biến mất, và vẫn còn có thể trở thành tác nhân chính gây tử vong ở người song cũng có thể không.
- Giai đoạn 4: Những căn bệnh truyền nhiễm mà từ lâu đã định hình là chỉ xảy ra ở người. Những căn bệnh này ắt hẳn là những kẻ cuối cùng sống sót trong công cuộc tiến hóa, trong khi hầu hết các ứng viên khác đều đã thất bại.
Trong công cuộc tiến hóa này, virus gây bệnh đã tiến hóa theo hướng đáp ứng quyền lợi của chính nó. Nó thay đổi theo hướng giết chết ít vật chủ hơn và cho phép vật chủ bị nhiễm sống lâu hơn trước khi chết. Vì nếu ít gây chết chóc hơn, virus có thể phát tán ra nhiều vật chủ hơn so với tổ tiên vốn độc hại hơn, gây chết nhiều hơn.
Quả thật là thực tế, SARV rất độc, gây bệnh cho người xong thì tỷ lệ tử vong khá cao. Do đó, sau một thời gian người bệnh chết chưa kịp lây cho người khác thì con virus này cũng đột nhiên biến mất. Để rồi 17 năm sau, lứa thế hệ mới của loài người ra đời, một con COVID hoàn toàn mới quay lại, “lợi hại hơn anh em của nó”, tung hoành trên mọi mặt trận được 2 năm rồi mà không (chưa) hề dấu hiệu ngừng lại.
4. GIẢI THÍCH TẠI SAO VỀ SỰ TRAO ĐỔI VI TRÙNG ĐÃ DIỄN RA CHỚP NHOÁNG VÀ HẦU NHƯ MỘT CHIỀU GIỮA NGƯỜI CHÂU ÂU VÀ NGƯỜI CHÂU MỸ BẢN ĐỊA
Tầm quan trọng của các vi trùng gây chết người trong lịch sử nhân loại được minh họa rõ ràng qua việc người châu Âu chinh phục là làm chết hầu hết cư dân ở Tân Thế giới. Ví dụ: Người Anh-điêng ở Bắc Mỹ, đế quốc Aztec ở Mexico, đế quốc Inca ở Peru, các dân hải đảo Thái Bình Dương, người châu Úc bản địa và các dân tộc Khoisan ở Nam Châu Phi. Có đến hơn một tá bệnh truyền nhiễm chính có nguồn gốc Cựu Thế giới đã xâm nhập vào Tân Thế giới như đậu mùa, sởi, cúm, sốt phát ban, bạch hầu, quai bị, ho, dịch hạch, lao.
Trong khi đó thì có lẽ không một tác nhân gây bệnh chết người nào từ châu Mỹ và Australia lan sang được châu Âu. Lý do chính giải thích về sự trao đổi một chiều này là vi trùng từ các căn bệnh của đám đông ở Âu-Á đã tiến hóa từ các loài thú nuôi đã được thuần hóa. Trong khi có nhiều loài ở Âu-Á thì chỉ có 5 loài được thuần hóa ở châu Mỹ: gà tây (Mexico và Tây Nam Hoa Kỳ), lạc đà llama/alpaca và chuột ghine (Andes), vịt Muscovy (Nam Mỹ xích đạo) và chó. Tình trạng khan hiếm các loài gia súc ở Tân Thế giới phản ánh sự nghèo nàn của nguồn động vật hoang dã nơi đây. Các loài được thuần hóa kể trên cũng ít có khả năng là nguồn sinh ra những căn bệnh của đám đông hơn so với bò và lợn.
Tuy nhiên, vi trùng không chỉ hành động toàn có lợi cho người châu Âu. Bệnh sốt rét trên khắp vùng nhiệt đới của Cựu Thế giới, dịch tả ở Đông Nam Á nhiệt đới và bệnh hoàng nhiệt ở châu Phi nhiệt đới là những tác nhân giết người khét tiếng nhất của vùng nhiệt đới. Chúng là trở ngại nghiêm trọng nhất cho người châu Âu trong việc thực dân hóa vùng nhiệt đới và khiến việc phân chia thuộc địa hoàn tất khá lâu sau khi việc phân chia thuộc địa ở Tân Thế giới bắt đầu.
Với tất cả các phân tích trên, chẳng nghi ngờ gì nữa, người châu Âu đã tạo ra được ưu thế lớn về vũ khí, công nghệ và tổ chức chính trị so với hầu hết các dân tộc không phải châu Âu mà họ đi chinh phục. Nhưng chỉ ưu thế đó không thôi thì không lý giải đầy đủ tại sao ngay từ đầu một dúm di dân châu Âu ít ỏi lại có thể hất cẳng cư dân bản địa ở châu Mỹ và một số vùng khác trên thế giới vốn đông hơn họ gấp bội. Điều đó ắt đã không xảy ra nếu không có cái tặng phẩm tai hại mà châu Âu mang lại cho các châu lục khác – những giống vi trùng tiến hóa được nhờ lục địa Âu-Á đã từ lâu thân thiết với các loài gia súc.