Lý giải về việc thiền sư luôn dùng “đạo Bụt” mà không dùng “đạo Phật”: chữ Bụt có túnh dân tộc hơn Phật. Các nước xung quanh ta đều gọi Buddha (Bụt). Dân Việt cho đến thế kỷ thứ VIII-XIV vẫn còn gọi Buddha là Bụt. Chỉ từ khi quân Minh sang xâm chiếm, chúng ta mới bắt đầu gọi là đạo Phật, do cách dịch sai. Nếu chúng ta cần dùng danh từ Hán Việt thì dùng Phật giáo, còn đạo thì là đạo Bụt.
- Chúng ta nên tận dụng nền văn minh tinh thần mà đừng quá lệ thuộc vào xã hội tiêu thụ. Đừng tin rằng chúng ta chỉ hạnh phúc nếu có tiền bạc, quyền lực… Chúng ta chỉ hạnh phúc khi có an trong lòng, có tình yêu và tình thương. Nếu chúng ta có thể an lạc trong từng giây phút của hiện tại thì chúng ta mới có thể hạnh phúc.
- Mỗi người đều có một ý niệm về hạnh phúc. Ta nghĩ rằng hạnh phúc là phải như thế này như thế kia. Nếu không được như thế này hay như thế kia thì ta không có hạnh phúc. Như vậy là ta bị kẹt vào ý niệm về hạnh phúc, là chướng ngại căn bản để ta được hạnh phúc. Ý niệm hạnh phúc đó gọi là dục tưởng, cần phải được tìm hiểu, vì ta có thể kẹt trong nó, chết vì nó. Khi đập vỡ được cái dục tưởng ấy rồi thì ta được giải thoát và tự nhiên sẽ có vô sô hạnh phúc.
- Nếu hạnh phúc trong hiện tại thì chắc chắn tương lai sẽ hạnh phúc, còn nếu không có hạnh phúc trong hiện tại thì tương lai cũng không thể có hạnh phúc. Nếu lo rửa bát cho mau để cầm ly trà cho hạnh phúc thì khi cầm ly trà cũng hối hả đến tương lai mà bỏ quên mất ly trà. Vấn đề là thực tập để sống sâu sắc giây phút hiện tại. Lo lắng và sợ hãi về tương lai chỉ làm hư tương lai của mình, còn tiếc nuối và mặc cảm về quá khứ sẽ biến quá khứ thành nhà tù và mình không có khả năng sống trong hiện tại nữa. Đó là sự đáng tiếc.
- Hạnh phúc và khổ đau, chúng nương vào nhau. Ta không thể thấy được hạnh phúc ngọt ngào nếu như chưa nếm trải vị cay đắng của khổ đau. Nếu chưa bao giờ bị đói, ta sẽ không biết trân quý món ăn. Vì thế, nếu có được những kinh nghiệm đau buồn là điều rất tốt, nhờ thế trên nền tảng ấy, ta nhận diện được hạnh phúc. Phần đông chúng ta ai cũng có một khuynh hướng thâm sâu là tìm về khoái lạc và tránh khổ đau, không ý thức được sự hiểm nguy của các sự hưởng thụ ấy và cũng không thấy được lợi lạc của bài học khổ đau. Ta nên làm ngược lại. Nhận diện nỗi đau, nhìn sâu và tìm cách chuyển hoá nó. Nếu chỉ biết trốn chạy nỗi khổ, ta sẽ không có cơ hội chuyển hoá, đưa tới hạnh phúc xuất hiện.
- Trong đạo Bụt, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu. Mỗi người đều có những nỗi niềm, những khổ đau, bức xúc riêng. Nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn trách móc, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau suốt đời. Nhân danh tình thương, người ta thường hay làm khổ nhau. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nảy nở, lớn lên từ đó. Chọn người hiểu và thương mình, đó là nguyên tắc tìm người tri kỷ trong cuộc đời.
- Khi người kia nói hay làm một điều gì đó tạo ra nỗi khổ, niềm đau trong lòng mình, mình không biết cách tháo gỡ nên đã để nó trở thành một cái cục, giống như cục sạn ở trong thận. Đó là nội kết, một nội kết khổ đau. Vài ngày sau lại có thêm nội kết mới trong khi nội kết cũ chưa tháo gỡ được. Cứ như vậy, sau nhiều tháng nhiều năm, mình có quá nhiều nội kết. Có những nội kết do mình tạo ra, do sự si mê của mình. Người kia không muốn làm mình khổ, mà mình cứ tưởng rằng người ta muốn làm mình khổ. Và có cả những nội kết do sự vụng về của người kia gây ra. Giải pháp là “làm mới”, một phương pháp để tháo gỡ nội kết. Ngồi với nhau, im lặng để lắng dịu tâm và thân, sau đó thẳng thắn chia sẻ những khúc mắc, sai lầm. Khi nói chuyện, sử dụng từ ngữ hoà ái, Không trách móc, buộc tội nhau.
- Ta có thể sống đời tâm linh mà không cần theo đạo nào. Chỉ cái cách uống trà thôi cũng diễn tả được nếp sống tâm linh của ta. Ta phải uống trà cách nào mà để mọi người đều cảm nhận được hạnh phúc là một cái gì có thật lúc ấy. Sở dĩ ta không có thì giờ làm việc ấy là vì lúc nào ta cũng đang chạy theo những ham muốn, cố làm thế nào để có thêm tiền, thêm quyền bính, thêm danh vọng, bởi ta cứ nghĩ rằng, hạnh phúc đang nằm bên hướng ấy. Hạnh phúc chỉ có thể có bây giờ và ở đây thôi.
- Cảm xúc là một cái đến rồi đi. Tại sao mình lại phải chết vì một cảm xúc? Đó là tuệ giác cần phải có. Mình không phải chỉ là cảm xúc. Mình là hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành, nhận thức. Khi biết điều này rồi, mình có thể học được phương pháp xử lý những cảm xúc mạnh. Khi một cảm xúc mạnh tới, mình phải nhận diện nó. Giống như khi trời sắp có cơn dông, sẽ có những dấu hiệu nhận biết. Ta phải ngưng hết mọi chuyện để đối phó với cơn dông bão. Hãy ngồi hoặc nằm xuống để theo dõi hơi thở. Hít vào bụng phình lên, thở ra bụng xẹp xuống. Chỉ để ý tới điều này thôi, đừng suy nghĩ khác. Nếu làm được như vậy thì cơn bão tới một thời gian, 5 phút, 10 phút, nửa giờ rồi nó sẽ đi qua và mình không còn sợ nữa. Cái này gọi là phương pháp thở bụng. Thực tập điều này hằng ngày để tạo thói quen. Khi cảm xúc mạnh tới mình sẽ tự động thực hành và vượt qua cảm xúc một cách dễ dàng.
- Hạnh phúc làm từ lòng từ bi và và tình thương chân thực. Vì vậy, dù ta sống rất giản dị và tiêu thụ rất ít thì ta vẫn có thể hạnh phúc như thường.
- Bụt hay nói đến bốn loại thực phẩm. Thực phẩm ăn bằng miệng, chỉ là một loại thôi, gọi là ĐOÀN THỰC. Trong đời sống hằng ngày, khi tiêu thụ, thức ăn của mình có thể được tạo ra bằng sự đau khổ cùng cực của kẻ khác, của những loài sinh vật khác. Thành ra ăn như thế nào để đừng tạo ra những khổ đau cho các loài và cho chính mình. Loại thức ăn thứ hai là XÚC THỰC. Chúng ta có 6 căn là mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý. Chúng tiếp xúc với sắc, hương, thanh, vị, xúc, pháp. Ta cần tự hỏi, việc tiếp xúc đó có đem chất độc vào người hay không. TƯ NIỆM THỰC là những nỗi ước ao ta muốn thực hiện cho đời. Ước muốn mạnh sẽ giúp ta có năng lượng để thực hiện hoài bão. Chúng ta cần có một khát khao thâm sâu thì mới sống nổi vì nó cũng là một loại thực phẩm. Nếu ta không có khát khao nào hết thì ta không thực sự sống. Và cần nhận biết tư niệm thực trong ta là “lành” hay “không lành” (chạy theo danh lợi, quyền bính, dục tình…). Thực phẩm thứ 4 là THỨC THỰC, hay TÂM THỨC CỘNG ĐỒNG. Nếu sống trong môi trường xấu, lý tưởng phụng sự, tâm ban đầu của bạn sẽ bị xói mòn nhanh chóng. Do đó, ta rất cần chọn một môi trường mà mọi người đang cùng chế tác chung năng lượng từ bi, bình an, tình yêu thương.
- Sức khỏe của con người, nhất là sức khỏe tâm thần, tùy thuộc ở chỗ ta có gốc rễ không. Vì vậy, mỗi ngày ta để một đến hai phút tiếp xúc với tổ tiên thông qua việc thắp hương, là để củng cố, làm vững chãi lại mối liên hệ ấy. Đó là một hành động rất khoa học, đừng cho đó là mê tín. Bàn thờ chỉ là một biểu tượng thôi. Cũng như khi chúng ta chào cờ. Lá cờ đó tuy chỉ là một miếng vải nhưng biểu trưng cho đất nước. Nếu nói thắp hương là mê tín thì chào cờ cũng là mê tín.
- Nếu bạn lỡ có những khó khăn với cha hay mẹ thì đừng nghĩ cạn là cha, mẹ không thương. Có thể những vụng về của cha mẹ trong quá khứ đã tạo ra những lớp khổ đau đè nặng và làm khuất lấp tình thương ấy. Mình biết nếu có gì xảy ra cho mình thì cha mẹ sẽ khóc hết nước mắt. Và nếu có gì xảy ra cho cha hay mẹ thì mình cũng sẽ khóc rất nhiều. Cha mẹ đã có nhiều khổ đau, khó khăn mà chưa đủ khả năng nên đã tự làm khổ mình và làm khổ lây đến các con. Mình cũng vậy. Mình đã khổ đau vì hiểu lầm, vì bực tức nên đã lỡ nói những lời không dễ thương, có những phản ứng không đẹp đẽ với cha, mẹ. Bên nào cũng chịu một phần trách nhiệm. Sử dụng phương pháp lắng nghe và ái ngữ để tái lập được truyền thông, để dựng lại thâm tình, đó là điều mình có thể làm được.
- Tôi không nghĩ phải từ bỏ đạo Thiên Chúa hay Do Thái mới theo được đạo Bụt vì đạo Bụt không chỉ là tôn giáo tín ngưỡng mà còn là nguồn tuệ giáo sâu sắc mà bất cứ ai cũng có thể thừa hưởng để tháo gỡ những khó khăn trong đời sống nội tâm, giúp cho đời sống an lạc, hạnh phúc. Sở dĩ người phương Tây theo chúng tôi học hỏi, thực tập nhiều vì chúng tôi không hiếng tặng cho họ đạo Bụt của đức tin mà hiến tặng cho họ đạo Bụt của sự thực tập kinh nghiệm. Bởi Bụt không phải là một đấng tạo hóa hay một vị thần linh mà đích thực là một con người đã đắc đạo, có tuệ giác cao siêu nhờ vào tu tập.
- Trong nền văn hóa nào cũng có hoa và có rác. Khi cho con đi học trường Tây phương thì mình phải biết trước rằng: nó sẽ thâu hái hoa thơm nhưng đồng thời cũng vương vào rác bẩn. Vì vậy, phụ huynh phải theo dõi con mình để uốn nắn kịp thời.
- Trong truyền thống tâm linh đạo Bụt có rất nhiều châu báu nhưng nếu dùng những hình thức học hỏi và thực tập quá xưa cũ thì chúng ta không bày được cho thế hệ trẻ những châu báu đó. Xin hãy lắng nghe những người trẻ. Phải làm thế nào để cung cấp cho họ các giáo lý và phương thức thực tập hữu hiệu nhằm đáp ứng được nhu cầu đích thực của họ trong thời đại mới, nghĩa là phải hiện đại hóa đạo Bụt.
- Học để làm gì?
Có người học là để học, học vì nhận thấy bổn phận của mình phải học. Tâm trạng mà như thế thì kết quả sẽ ra sao? Có những người đi qua rừng trầm hương mà không thấy được một cây trầm. Những người kia đã (sẽ) đi qua khu rừng chân lý, giẫm đạp lên châu ngọc chân lý, mà không thấy chân lý. Trong trường hợp này, người học không thành công.
Nói là một khoái cảm, được người ta nghe là một khoái cảm. Nên có nhiều người chỉ học với mục đích là để nói lại cho người khác nghe. Trường hợp này, người học cũng không thành công.
Vì vậy, chỉ một thái độ, một tâm trạng thôi cũng đủ để quyết định sự thành công hay không của người học. - Nói đến tôn giáo thì ta nói đến đức tin, hy vọng và sự cầu nguyện. Nhưng đạo Bụt không phải chỉ là một tôn giáo. Đạo Phật là một kho tàng tuệ giác với những phương pháp rất cụ thể có thể giúp chúng ta tháo gỡ, chuyển hóa những khó khăn, những khổ đau trong bản thân, thiết lập lại được truyền thống với thầy, với đệ tử, với huynh đệ và giúp cho những người ngoài đời thiết lập lại được truyền thông trong gia đình, trong cộng đồng, khôi phục được hạnh phúc, ngăn được sự sa đọa. Chúng ta phải phân biệt giữa tôn giáo và đạo đức. Hai cái có thể đi đôi với nhau, nhưng tôn giáo chưa hẳn là đạo đức. Có trường hợp tôn giáo không có đạo đức. Mà không có đạo đức thì tôn giáo sẽ phá sản, có hại cho xã hội, ví dụ như cuồng tín. Mình nói rằng mình giữ độc quyền chân lý và những người nào không theo mình tức là đi lạc vào đường ma quái, cần phải loại trừ hay tiêi diệt. Khi có sự cuồng tín như vậy thì ngôn ngữ, hành động cũng như tư tưởng của mình không còn là đạo đức. Vì vậy, một tôn giáo mà chủ trương cuồng tín thì tôn giáo đó không có đạo đức.