- Bạn theo tôn giáo nào?
Có nhiều người ra nước ngoài được bạn bè hỏi theo tôn giáo nào thì đều nhanh nhẩu mà rằng chẳng theo tôn giáo nào cả.
Kể ra trả lời thế cũng chẳng làm sao. Nhưng hình như có điều không ổn trong chính những câu trả lời kia.
Những nơi đa tôn giáo, tôn giáo lại đa thần, người ta khó hình dung được có người không theo tôn giáo nào. Không tôn giáo dường như đồng nghĩa với không giới tính. Cũng thế, người ta khó hình dung được rằng người không tôn giáo lại biết sống có đạo.
Phải hiểu tâm lý người mộ đạo như vậy thì mới thấy câu trả lời thật thà nọ có thể gây sốc, thậm chí gây ác cảm cho người đối thoại.
Nghèo đói, tăm tối, bế tắc dễ dẫn đường đến tôn giáo. Cũng dễ tìm đến tôn giáo là những nhà khoa học lạc lối trong tri thức.
Những người khôn ngoan không nhận mình là người vô thần hay là không tôn giáo. Chẳng phải là những nhãn hiệu ấy không dùng làm đồ trang sức được. Chỉ đơn giản là trả lời như vậy dễ dãi quá, hấp tấp quá, trong khi mỗi con người còn chưa hiểu rõ thế giới bên trong mình, có khi một phần nhỏ cũng chưa. Được hỏi theo tôn giáo gì, người ta có thể nói mình là một Agnostic, một kẻ cho rằng con người chỉ có khả năng nhận thức những gì thuộc về vật chất, còn những gì thuộc về tinh thần, về tôn giáo, về đấng tối cao là bất khả tri.
- Người viết khôn ngoan chỉ có viết và khuất đằng sau trang sách của mình, khi nhà văn nhảy xổ ra rào đón lý giải cho sách mình, đánh trống khua chiêng trên diễn đàn là nhà văn phạm chuẩn nghề nghiệp.
- Cả thế gian này không biết gì hết về sự xuất hiện của một con người khi người ấy ra đời. Thế thì cũng chính con người ấy lúc đi khỏi thế gian này nên lặng lẽ, không việc gì phải trống phách bát âm, ồn ào khóc lóc, tin buồn râm ran trên đài trên báo. Cái ồn ào ấy là của người sống, họ hoảng hốt sợ hãi rằng nếu không làm náo động lên thì một ngày nào đó đến lượt họ cũng phải ra đi không kèn không trống. Con người hoảng sợ bị rơi vào lãng quên. Một vòng đời bắt đầu lặng lẽ thì cũng nên khép lại lặng lẽ. Cái ồn ào danh tiếng con người gây ra ở khoảng giữa hai đầu cuộc đời chỉ là thứ phù vân vô nghĩa.
Người Hindu có lý ở tập quán hỏa táng: tro tàn hài cốt được thả xuống những dòng sông thiêng hoặc đem rải xuống từ vách núi. Đến từ cát bụi sông nước thì phải trả con người về với đất với nước.
Anh cũng đồng cảm với triết học Hồi giáo. Con người không có khả năng tư duy bằng nghệ thuật nghe nhìn, cái họ thấy là cái một chiều phiến diện. Con người không đủ tư cách, không đủ khả năng, không được phép vẽ hình ảnh Allah và giáo sĩ của người.
- Cuốn Dục lạc kinh Kama Sutra làm cho Ấn Độ nổi tiếng rất sớm về khoa học tình dục. Khajuraho (UNESCO) làm cho Ấn Độ nổi tiếng rất sớm về nghệ thuật điêu khắc miêu tả sắc dục.
Hai ngày ngẫm nghĩ về những pho tượng giao tình. Một cách làm trong sạch linh hồn cho những kẻ mộ đạo, một cách thử thách những người tới đền cúng tế, khiến họ phải kiềm chế được bản thân và bỏ lại bên ngoài tất cả những ham muốn trần tục trước khi bước vào chính điện.
- Mandala, một thứ nghệ thuật tạo hình bằng cát, một thứ hội họa dùng cát làm chất liệu đạt đến độ chặt chẽ cao về bố cục. Những cái mandala tinh xảo ở vùng Dharamsala miền bắc Ấn, nơi Đức Dalai Lama đặt thiền viện trung tâm tha hương của mình. Không chỉ là mỹ thuật, không chỉ là trang trí, không chỉ là truyền đạt giáo lý, đó còn là một kiểu thiền đòi hỏi toàn bộ tâm lực.
- Ngọn cao cả gió, độ cao chóng mặt, người ta phải tìm chỗ dựa. Quyền lực, địa vị, tài sản, danh tiếng là những thứ có để mà mất. Người có cái để mất khó mà sống vô sư vô sách, họ phải tìm đến các loại thầy, nhất là thầy tướng số.
- Màu trắng là tổng hợp của mọi màu, là gốc của mọi màu, của tấm áo lễ màu đen, tấm cà sa màu vàng, kể cả tấm hồng y. Nó là chiếc áo lễ suy cho cùng có thể thay cho mọi áo lễ.
- Táng theo nghi thức Hỏa giáo là Thiên táng. Không mai táng, không hỏa táng, không thủy táng. Người theo Hỏa giáo sợ chôn thi hài xuống đất làm ô uế đất, hỏa táng làm ô uế lửa, rắc tro xuống nước làm ô uế nước. Lửa đất nước được thờ kính thiêng liêng. Người qua đời phải được làm lễ thiên táng.
- Con người sống độc lập với hàng xóm xung quanh là một ảo tưởng. Một quốc gia độc lập giữa các cực, các trục các trung tâm, là ảo tưởng. Kho thuốc súng kìm nén sẽ có lúc bắt ông phải lựa chọn rõ ràng. Không phải là thường xuyên thiên vị một cách vô tình mà vẫn tưởng là mình độc lập như bây giờ.
- House but not home. Nhà không phải là mái ấm. Cõi tạm. Nhà trọ. Ở tạm trăm năm rồi ra đi vĩnh viễn, không bao giờ lảng vảng trở lại.
- Người ta có thể dùng kính thiên văn đếm được tương đối các hành tinh trong vũ trụ. Người ta khó biết ngay trước mắt mình có bao nhiêu sợi lông mi. Người ta nghĩ về đất nước mình như thể không còn có cái gì mà ta không biết, rằng nó bình thường trong cơm ăn áo mặc công việc và yêu đương hằng ngày. Bình thường. Dễ hiểu. Cho đến một ngày ta phải nói về nó. Lại trong mấy câu ngắn ngủi.
Đất nước tôi ư? Một dải đất hình chữ S bên bờ biển Đông. Người bảo đất nước như một cô gái thắt đáy lưng ong. Thân phận đàn bà mỹ nhân nhỏ nhắn, ít tính dương mà nhiều tính âm. Người bảo đất nước hình chiếc đòn gánh, thân phận lao động giản đơn lấy công làm lãi. Người bảo đất nước uốn thân mềm mại, dễ dãi lách mình mềm dẻo ra khỏi những xung đột, lửa nước có thể dữ dội nhưng rồi sẽ đến hẹn lại lên uốn lượn mà qua được. Một dải hơn ba nghìn hai trăm cây số bờ biển nhiều sóng gió nhiều cát vàng cát trắng. Núi không cao lắm sông không sâu lắm. Chủng tộc cha Rồng mẹ Tiên, cha dưới nước mẹ trên non, cháu con cả nước cả non nơi nào cũng ở. Khi thường nước non phân làm đôi ngả, khi biến thì nước đỡ non, non che cho nước mà đồng tâm một khối. Khi thường hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn lá lành đùm lá rách, cũng có khi lấn đất bờ rào, tranh giành miếng đất ngon miếng đất đẹp; khi biến lại cùng nhau mang vũ khí lên đường đánh hết giặc ngoài. Hết chiến tranh về lại ruộng vườn, trồng lúa nước xuất khẩu gạo, dựng giàn khoan khai thác dầu khí, mở cửa nền kinh tế thị trường để làm ăn và làm bạn với tất cả.
- Truyền thuyết nhà vua giả trang vi hành tìm đến lều cỏ mời người ra giúp nước là chuyện bậc trí giả ngày xưa đặt ra cho thỏa lòng ao ước. Ngay cả ngày xưa thì cái kim sắt cũng phải hút vào nam châm chứ nam châm không bao giờ đi tìm kim sắt.
- Sự ưu tư của đức tin kìm hãm dục vọng làm ác, kìm hãm ảo ảnh phù phiếm, nhưng cũng dễ thủ tiêu luôn chí tiến thủ, mài mòn tinh thần đấu tranh vượt khó. Hiểu thấu lẽ đời hiểu thấu tình người dễ đi kèm bình tâm an phận thủ thường.
- Quê. Phải là nơi ta từng có kỷ niệm.
- Nói gì làm gì rốt cuộc cũng quy về cho và nhận. Ta vừa cho gì ta vừa nhận lại được gì. Nhận rồi ta khéo léo cho người thứ ba một phần cái vừa nhận để nhận thêm một thông tin khác từ người thứ ba. Một kiểu buôn chuyện tầm quốc tế. Sang thời hiện đại, thời của toàn cầu làm ăn tư bản thì ngoại giao thêm nhiệm vụ làm kinh tế. Nhà ngoại giao chớ vội vàng nói có hoặc không. Khẳng định vội vã mạnh mẽ quá sẽ không có lối về.
- Con người nhiều ảo vọng lắm khi không coi người thân là nghĩa lý. Họ cần lòng tin của người đời, những kẻ không cùng huyết thống. Họ cần đoạt lòng tin của những kẻ thực ra là vô nghĩa lý với họ. Lòng tin của người đời mới thực là tấm huy chương danh dự cho những người như thế.
- “anh thấy đất nước tôi thế nào?” Câu hỏi điển hình của loại câu phỏng vấn báo chí tầm thường, chưa hỏi đã biết người ta phải sập vào cái bẫy mà ai cũng chắc chắn phải sập. Không bao giờ có ai đủ can đảm mà trả lời rằng đất nước bà rất chán, ẩm thực rất chán, tôi không thích một cái gì ở đây cả.
- Đi hay về? Câu hỏi thường trực trong đầu mọi cư dân trên khắp cái hành tinh chỉ là một đốm sao mờ trong vũ trụ. Cứ đi bất cứ đâu, chỉ cần ra khỏi đất nước mình thì đâu cũng là hơn. Không cần biết thân phận thua thiệt nghèo hèn dù có đến nơi vỉa hè lát gạch vàng ròng thì lại còn thua thiệt nghèo hèn hơn. Đi. Đi và đi. Nơi chôn nhau cắt rốn không còn là nam châm hút ta trở về. Đi. Cuộc sống tha hương hòa nhập đến mấy một ngày vẫn thấy mình chênh ra vênh ra thừa ra. Những đêm ngụ cư dài hơn thăm thẳm hơn. Chỉ có người thiếu vắng linh hồn mới không bị những đêm ngụ cư dằn vặt. Quên làng quê mình đi mới ra được đến cái làng toàn cầu. Ra được. Rồi. Đến một ngày lại tự hỏi đi đâu cho thoát cõi người. Đi đâu mà không thấy nhàm thấy chán thấy những cuộc phiêu lưu không lặp lại. Đi đâu cho thoát chính mình.
Hồ Chí Minh, một ngày mát đón cơn bão số 8 sắp về
hí hí